Người đi tìm kho thuốc dân gian

20:12 28/08/2016     1693

Nhịp sống trẻ   Từng ước ao được làm kỹ sư hóa dầu nhưng có lẽ cuộc đời đã lựa chọn, đặt chị vào vị trí nghiên cứu dược học và chị vẫn từng ngày đi tìm lời giải cho kho thuốc phong phú sẵn có trong dân gian Việt Nam.
Chị là TS Đỗ Thị Hồng Tươi, hiện công tác tại bộ môn dược lý, khoa dược (ĐH Y dược TP.HCM). Gần một năm về trước, chị được vinh danh là nữ phó giáo sư trẻ nhất ngành dược cả nước ở tuổi 34.




f
Nghiên cứu không chỉ là niềm đam mê mà còn là hạnh phúc với PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi

Chọn con đường nghiên cứu

Chị kể hồi học phổ thông, cha chỉ muốn chị học ngành y dù biết con gái muốn làm kỹ sư hóa dầu bởi thấy ngành dầu khí ở quê Bà Rịa - Vũng Tàu còn nhiều tiềm năng. Để dung hòa, chị quyết định chọn... dược. Cũng bởi chị tự nhận: “Mình thuận tay trái mà cầm dao mổ thấy kỳ kỳ, lại rất sợ máu nên không thể làm bác sĩ được”.

Ngay năm thứ hai, chị đã bước chân vào phòng thí nghiệm phụ việc cho một số thầy cô học ở 
“TS Tươi luôn tìm hướng đi riêng mà với một nhà khoa học trẻ chỉ có đam mê thôi chưa đủ, mà phải có kỹ năng và năng lực nghiên cứu thật sự"

PGS.TS Trần Mạnh Hùng (Trưởng bộ môn dược lý, khoa dược 
ĐH Y dược TP.HCM)
nước ngoài về cần sinh viên làm cùng. Thời điểm ấy, Tươi chưa định hình sẽ nghiên cứu lĩnh vực gì, chỉ nghĩ đơn giản học dược sẽ tìm ra chất A, chất B nào đó, rồi bào chế thuốc để chữa bệnh. “Mình may mắn gặp được nhiều thầy cô giỏi, tận tâm với học trò. Mỗi buổi lên lớp hay được nói chuyện với thầy cô, mình như được tiếp lửa và ao ước một ngày sẽ được như thầy cô” - chị Hồng Tươi chia sẻ.

Chị theo cô giáo chọn vi sinh, sinh học phân tử làm hướng nghiên cứu ban đầu. Cùng các đồng môn, cái tên Hồng Tươi được nhắc đến với vai trò thành viên tích cực trong nhóm thực hiện đề tài “Nghiên cứu sử dụng Bacillus subtilis làm chế phẩm phòng và điều trị bệnh tai - mũi - họng thông thường” của cố PGS.TS Trần Thu Hoa và GS.TS Nguyễn Văn Thanh. Đó cũng là bài tốt nghiệp với kết quả tốt để Tươi được giữ lại trường, hiện thực giấc mơ làm giảng viên.

Và cô gái ấy tìm được học bổng toàn phần theo học thạc sĩ tại Pháp sau hai năm ở lại trường. Chỉ có vỏn vẹn một năm cho việc học và hoàn thành luận án thạc sĩ, bởi học bổng chỉ dành cho sinh viên theo học năm thứ hai chương trình cao học. Còn kiến thức năm đầu học viện phải tự học, tự nghiên cứu. Hồng Tươi tiếp tục trở thành tiến sĩ của ĐH Rennes 1 (Pháp) cũng bằng học bổng từ nỗ lực của mình.
Người đi tìm kho thuốc dân gian

Hạnh phúc được sống cùng đam mê


Chị Thùy Dương - học viên cao học thứ 11 do TS Đỗ Thị Hồng Tươi hướng dẫn - nói làm việc với cô Tươi khá áp lực do cô cầu toàn và đòi hỏi cao ở người nghiên cứu. “Cô luôn thảo luận rất nhiều và gợi mở cho học trò nên điều tôi thích không chỉ kiến thức mà còn là tư duy khoa học, cách xử lý các tình huống gặp phải. Điều này giúp người học chọn được hướng đi tốt nhất trên con đường nghiên cứu của mình” - Thùy Dương chia sẻ.

Tự nhận mình là người khắt khe trong nghiên cứu bởi đó không chỉ là cái nghiệp mà còn là đam mê và hạnh phúc cuộc đời, đến nay, khoảng 60 bài báo khoa học là những kết quả nghiên cứu mới ra đời từ những tháng ngày chị cùng cộng sự miệt mài làm việc đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành trong nước và quốc tế.

May mắn là chồng chị, một kỹ sư làm việc trong lĩnh vực dầu khí, rất ủng hộ vợ. Nhiều đồng nghiệp luôn sẵn lòng hỗ trợ khi chị cần. Vậy mà chưa một lần chị nghĩ đến tìm cơ hội ra nước ngoài làm việc dẫu điều kiện có thể tốt hơn nhiều.

Từ định hướng của các thầy cô, chị đã chuyển hướng qua nghiên cứu y sinh, cụ thể là dược lý tế bào và dược lý phân tử khi sang Pháp. Hiện tại chị và cộng sự theo đuổi hướng nghiên cứu khảo sát, chứng minh tác dụng của các dược liệu quý vốn có sẵn trong kho tàng thực vật phong phú và đa dạng của VN. Trong đó, chú trọng các dược liệu có khả năng phòng, điều trị các bệnh nan y hoặc mãn tính như: ung thư, các bệnh về gan, thận, đái tháo đường, rối loạn lipid huyết...

“Ngày trước mình từng nghiên cứu và cố đi đến sản xuất ra sản phẩm cuối cùng. Nhưng hiện tại mình chỉ chú tâm chứng minh tác dụng dược lý rồi hợp tác với thầy cô, đồng nghiệp ở nhiều lĩnh vực khác hoặc chuyển giao cho các đơn vị sản xuất chuyên nghiệp để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Cách làm đó chuyên nghiệp và hiệu quả hơn rất nhiều so với trước đây” - chị Tươi nói.

Một trong hai phó giáo sư dự đại hội

PGS.TS Đỗ Thị Hồng Tươi là một trong hai phó giáo sư trẻ của cả nước có mặt tại Đại hội thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác toàn quốc lần IV - 2016, diễn ra ngày 28 và 29-8. Người còn lại là PGS.TS Hồ Khắc Hiếu, công tác tại Viện Nghiên cứu và phát triển công nghệ cao, Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng). Năm 2015, chị cũng là một trong những đại biểu chính thức của Đại hội Tài năng trẻ VN.

Điều chị luôn tự nhắc mình mỗi ngày là làm sao hoàn thành tốt nhất những việc mình đảm nhận, mục tiêu đã đề ra và chia sẻ suy nghĩ, định hướng phát triển, hỗ trợ bằng khả năng của mình cho sinh viên.

Đó cũng là cách nữ phó giáo sư trẻ ấy thầm lặng làm theo lời Bác. “Niềm vui lớn nhất của người đã chọn con đường giảng dạy, nghiên cứu không gì khác là phát hiện, nuôi dưỡng niềm đam mê cho sinh viên, tìm ra một kết quả mới hữu ích cho đời cũng là cho chính mình” - chị Tươi chia sẻ.