Nghị lực phi thường của 'cô gái xương thủy tinh'

14:51 01/04/2014     1743

Nhịp sống trẻ   Nhiều người khuyên Thương cứ đi xin, họ nói với cô: “Đầy người không khuyết tật họ còn làm thế, cháu khuyết tật tội gì không xin”. Nhưng Thương không làm thế. Cô đã tự mình vươn lên...

f
Thu Thương bên sản phẩm thiệp giấy

Thân hình nhỏ bé, cao 80 cm và nặng chưa đầy 22 kg, đôi chân chưa bao giờ đứng vững nhưng nữ giám đốc này thật tài ba, giúp đỡ được nhiều mảnh đời trong xã hội.

“Bước chân” không mỏi

Chị Nguyễn Thị thu Thương là con thứ trong gia đình có đông anh chị em tại Nam Phong, Phú Xuyên, Hà Nội, bố là công nhân xây dựng, mẹ làm nông nghiệp và nhận sửa chữa quần áo tại nhà.

Thu Thương là người duy nhất trong gia đình bị mắc căn bệnh xương thủy tinh bẩm sinh.

Tuổi thơ của cô là chuỗi ngày dài với những giọt nước mắt đau đớn khi hết lần này đến lần khác bị gãy xương.

Điều đó khiến Thương gặp rất nhiều khó khăn và là nguyên nhân khiến cô không được đến trường như bao bạn bè cùng trang lứa.

Ý thức được căn bệnh mình mắc phải và sự vất vả của bố mẹ, ước mơ được làm một nghề gì đấy để giúp đỡ gia đình trong cô trỗi dậy.

Tình cờ xem được chương trình “Người tốt việc tốt” trên Đài truyền hình Hà Nội nói về Trung tâm dạy nghề “Vì ngày mai”, cô nảy ra ý định xin bố mẹ cho đi học nghề.

Vốn thông minh nên Thương rất ham và tranh thủ học thật nhanh, nhiều khi chưa học công đoạn này đã phải tìm hiểu công đoạn khác rồi học lỏm, bắt chước làm theo.

Chỉ sau 3 tháng cô đã tự mình hoàn thiện được sản phẩm đầu tiên là một chiếc đèn cúc kết ba bằng khuy áo. Từ ấy, Thương đã mày mò tự làm ra các sản phẩm với mẫu mã sáng tạo như: Đèn bàn, áo len, lọ hoa…

d
Tranh giấy hoa hướng dương

Không ngừng mơ ước

Sau một thời gian, Thương nhận thấy nhu cầu thị trường không chỉ ưa chuộng các sản phẩm bằng cúc áo mà còn cả các sản phẩm “tranh giấy quấn nghệ thuật” . Nắm bắt được nhu cầu đó, cô đã tự mày mò, học hỏi trên mạng.

Năm 2008, Thương đã thành lập nên trung tâm đồ thủ công mĩ nghệ riêng cho mình. Đồng thời, cô cũng mở trang điện tử thuongthuong.net để quảng cáo cho sản phẩm của trung tâm.

Những ngày đầu gây dựng trung tâm, Thu Thương đã rất vất vả vì thiếu kinh phí. Cô đã làm nhiều việc để có tiền lo cho trung tâm, kể cả việc tự mình đi hát cho một trung tâm với lời hứa hẹn kiếm nhiều tiền.

Kỉ niệm nhớ nhất mà Thương có được là lần đi xuống Hải Phòng 5 ngày, cô quan sát được nhiều hoàn cảnh, có những hoàn cảnh chưa bao giờ gặp phải, những người khuyết tật ăn xin bò lê lết ở trước cổng chùa, rồi cả những người lành lặn khỏe mạnh cũng giả vờ khuyết tật đi xin.

Nhiều người khuyên Thương cứ đi xin, họ nói với cô: “Đầy người không khuyết tật họ còn làm thế, cháu khuyết tật tội gì không xin”.
g
Các bạn ở Trung tâm Thu Thương

Và ước mơ đã chạm tới đích

Nhờ mở trang điện tử, các sản phẩm của trung tâm dần dần được nhiều người biết đến. Cô cũng chia sẻ, trong cái rủi có cái may, vì là người khuyết tật nên cũng được xã hội ưu ái và giúp đỡ. Báo chí viết bài về cô như một người vươn lên số phận nhưng cũng tuyên truyền các sản phẩm cho trung tâm của cô.

Thương chia sẻ, với người bình thường một ngày có thể làm được 3 sản phẩm, nhưng với người khuyết tật có khi 3 ngày mới được 1 sản phẩm, thậm chí một ngày chỉ làm được một góc sản phẩm.

Hiện tại trung tâm của Thu Thương đã tạo công ăn việc làm cho 16 công nhân. Thu nhập của những công nhân khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.

Trăn trở lớn nhất vẫn của Thương là xây dựng được thương hiệu riêng cho tranh giấy. Cô hi vọng mọi người trân trọng sức lao động của nghề thủ công nói chung cũng như người khuyết tật nói riêng khi mua sản phẩm tranh giấy.