Nam thanh niên lập thư viện online, cho mượn sách miễn phí
20:30 06/03/2016 1727
Nhịp sống trẻ Tự bỏ tiền ra mua, cùng với quyên góp để có được 3.000 đầu sách, Lê Minh Tuấn (TP Đông Hà, Quảng Trị) đưa tất cả tên sách lên mạng, cho nhiều người không quen biết mượn miễn phí.
Dáng đi nhanh nhẹn, đôi mắt sáng và giọng nói ấm, nam kỹ sư đang làm cho một công ty thủy lợi tại Quảng Trị gây ấn tượng với người đối diện bởi sự thân thiện.
Ham thích đọc sách từ lâu, đến thời sinh viên, Tuấn tự gom góp mua 800 đầu sách. Đến nay, sau thời gian dài quyên góp từ nhiều nguồn được 3.000 cuốn, anh mạnh dạn mở thư viện online từ tháng 12/2015, cho nhiều người mượn.
Ham thích đọc sách từ lâu, đến thời sinh viên, Tuấn tự gom góp mua 800 đầu sách. Đến nay, sau thời gian dài quyên góp từ nhiều nguồn được 3.000 cuốn, anh mạnh dạn mở thư viện online từ tháng 12/2015, cho nhiều người mượn.
Lê Minh Tuấn, ngoài cùng bên phải. Ảnh: NVCC |
“Tôi đưa tên sách lên mạng, ai cũng có thể tự tìm và đến nhà tôi mượn, hoàn toàn miễn phí” - Tuấn nói về thư viện online tự lập. Với nội dung phong phú từ tâm hồn, tri thức, sáng tạo cho đến tiểu thuyết, người đọc chỉ cần có tình yêu và ham đọc sách là có thể liên hệ mượn. Chỉ trong thời gian ngắn, Tuấn cho biết đã có 200 lượt mượn sách, với đa phần là nam giới ở độ tuổi 25-45.
Không chỉ mở thư viện online, nam thanh niên này cũng là người đứng đầu, cùng với một số thành viên khác thực hiện “Sách hóa nông thôn Quảng Trị”. Theo giải thích của Tuấn, “sách hóa, tri thức hóa cũng như công nghiệp hóa, nông thôn hóa, nhằm đưa sách đến gần mọi người hơn”.
Vào khoảng tháng 8/2015, từ mô hình sách hóa nông thôn Việt Nam của người đàn ông đi xuyên Việt vận động lập tủ sách Nguyễn Quanh Thạch, Tuấn thực hiện việc tặng sách cho nhiều trường học ở Quảng Trị. Những ngày ban đầu gặp không ít lực cản.
"Chính quyền, nhà trường và cả phụ huynh cho rằng cần tiền để sửa chữa vật chất, chứ sách thì khô khan, không cần thiết vì chương trình học đã quá nặng rồi” - Tuấn nói.
Nghĩ rằng không đón nhận sách thì sẽ thiệt thòi nhiều cho con em, trong khi các tỉnh khác có rất nhiều tủ sách ở trường học, vùng nông thôn nên Tuấn quyết tâm vượt mọi trở ngại.
Mãi sau 3 tháng gặp nhiều cái lắc đầu, Tuấn mới tặng được một tủ sách ở Trường THCS Trần Quốc Toản (TP Đông Hà, Quảng Trị) từ sự kết nối của một cựu học sinh sau 25 năm làm ăn ở nước ngoài.
“Nhóm chúng tôi đưa danh sách 800 đầu sách để nhà trường lựa chọn và tặng 100 cuốn trong số đó. Nhóm cũng tặng một giá để đựng sách, hướng dẫn các em tự bảo quản và quản lý số sách này”, Tuấn nói.
Nhóm của Tuấn tặng sách cho một trường tiểu học tại Quảng Trị. Ảnh: NVCC |
Nhìn những học sinh nhiệt tình đón nhận sách khiến mọi người trong nhóm nở nụ cười mãn nguyện. Dù vậy, nam thanh niên này cho rằng vượt qua rào cản, tặng được sách thì mới ở vạch xuất phát.
“Rèn luyện được thói quen đọc sách, để các em tự tìm đến tri thức mới là cái đích. Nhà trường, phụ huynh phải nuôi dưỡng thói quen này” - Tuấn chia sẻ.
Đến nay, Tuấn tặng được 4 tủ sách với 600 cuốn cho các trường học. Nguồn sách được anh quyên góp từ cộng đồng, bạn bè… Tuấn cũng thiết lập mạng lưới để nhận sách nếu bản thân không có mặt tại TP Đông Hà. Cũng có người nhã ý tặng tiền mặt nhưng anh đề nghị chuyển tiền cho nhà sách để được nhận sách.
Đánh giá nguồn sách ở thư viện trường chỉ bó hẹp ở kiến thức giáo khoa, Tuấn chia sẻ muốn mỗi lớp học có một tủ 50-100 đầu sách về đạo đức, nhân văn, tâm hồn… để các em tự do đọc.
“Đứa trẻ nào từng đọc cuốn Những tấm lòng cao cả, Không bao giờ từ bỏ thì sẽ luôn làm việc thiện, sẽ không bao giờ nản chí khi đối mặt với khó khăn. Việc đầu tư cho tri thức phải 20-30 năm mới nhận được kết quả, không phải là cho bữa ăn qua ngày”, chàng trai 25 tuổi nói.
Những ngày này, Tuấn chuẩn bị thành lập câu lạc bộ hỗ trợ tri thức, để có giấy phép hoạt động chính thức nhằm dễ dàng đưa sách đến với mọi người hơn.