Nam sinh Vĩnh Long và nghiên cứu khoa học mang đậm tính nhân văn

14:02 23/08/2016     1303

Nhịp sống trẻ   Sản phẩm: “Hệ thống điều khiển nhà từ xa và chống trộm dành cho người khuyết tật và người già” của Nguyễn Hữu Trung, học sinh lớp 11A5, Trường THPT Vĩnh Xuân (xã Vĩnh Xuân, H.Trà Ôn, Vĩnh Long) có ý tưởng thật nhân văn.
Người khuyết tật hay người già đang ngồi trên chiếc xe lăn hay xa lắc đều có thể tự vận hành điều khiển tất cả các thiết bị trong nhà  bằng bộ điều khiển từ xa. Ý tưởng này có cách nay hơn 1 năm, trước khi ý tưởng “Vạn vật kết nối” ở Hàn Quốc vừa mới làm nóng cộng đồng mạng.

 Em Nguyễn Hữu Trung chia sẻ: “Ở gần nhà em có một anh hàng xóm, bị tật cả hai chân do bị ảnh hưởng của chất độc da cam. Anh rất buồn và mặc cảm vì mình không làm được gì để giúp đỡ gia đình. Những việc tưởng chừng rất đơn giản  như đi ra, đi vào cũng phải nhờ cha mẹ mở cửa. Tối ngủ không thể tự tắt đèn… Em rất đồng cảm với anh và từ đó em đã suy nghĩ mình phải làm gì đó có ích để giúp anh”.

g
Em Nguyễn Hữu Trung giới thiệu sản phẩm của mình

Sau nhiều tháng bắt tay vào thực hiện ý tưởng dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô, sản phẩm của em đã bước đầu hoàn thiện. Các nguyên vật liệu sử dụng đa phần là vật liệu tái chế hoặc có sẵn trên thị trường như: các mạch điện tử của các đồ chơi cũ, dàn cơ của đầu đĩa, công tắc 3 chấu, pin điện thoại, điện thoại di động cũ, quang  trở (linh kiện điện tử có điện trở thay đổi tùy theo cường độ ánh sáng)…

Thiết bị có thể giúp đóng, mở cửa lớn và tất cả cửa sổ; tắt, mở hệ thống đèn trong nhà tự động khi trời sáng, tối; bên cạnh đó còn kết hợp với thiết bị chống trộm thông minh để bảo vệ ngôi nhà và báo qua điện thoại di động của chủ nhà.

Theo Nguyễn Hữu Trung, để lắp đặt hệ thống, trước tiên phải lắp một hộp nhôm cũ để làm hộp điều khiển trung tâm, cắt tấm bảng đen ra và lắp vào bên trong hộp nhôm để dán các linh kiện lên. Sau đó sắp xếp các linh kiện lên, bố trí cho phù hợp (điện thoại, pin, mạch hạ áp, mạch đèn...) sau đó hàn các mạch lại với nhau, rồi kiểm tra sao cho đúng cực.

Đối với chiếc điện thoại thì vào chế độ nhật kí cuộc gọi nhập sẵn số điện thoại cần báo trộm vào, tiếp đến hàn tiếp điểm vào nút gọi của điện thoại và nối vào công tắc và nút nhấn, sau đó nối còi hú vào nút nhấn và cục pin rồi kiểm tra đúng cực để thiết bị có thể hoạt động.

Muốn cho hệ thống đóng mở cửa hoạt động, người sử dụng phải khởi động công tắc ở chiếc xe lăn, khi bấm nút “1” thì cửa lớn sẽ mở ra, khi bấm nút “2” thì cửa lớn đóng lại; Tương  tự, khi bấm nút “3” thì hai cửa sổ sẽ mở ra và bấm nút “4” thì hai cửa sổ sẽ đóng lại…. Hệ thống đèn thì được điều khiển tự động bằng quang trở số “5” ở trên hộp điều khiển trung tâm.

Muốn hệ thống chống trộm hoạt động thì bật hai công tắc số “6” và số “7” ở trên hộp điều khiển trung tâm... khi đó hệ thống đã sẵn sàng hoạt động. Khi đóng cửa lại thì nút nhấn trên thành cửa sẽ ngắt dòng điện và khi hé cửa ra thì nút nhấn bật ra cho dòng điện chạy qua, hệ thống chống trộm sẽ tự động báo động…

Ông Trần Hoàng Túy - Giám đốc Trung tâm Sáng tạo và kết nối cộng đồng tỉnh Vĩnh Long - nhận xét: “Sản phẩm của em Trung được đánh giá cao về tính sáng tạo và thực dụng. Nguyên vật liệu có sẵn trên thị trường, giá thành thấp, hoạt động hiệu quả ngay cả khi chủ nhà đi vắng… nên rất khả thi và dễ dàng nhân rộng.

Sản phẩm có thể giúp cho người cao tuổi và người khuyết tật không thể đi lại vẫn có thể làm được những việc hằng ngày trong gia đình một cách dễ dàng, mang tính nhân văn cao. Sản phẩm của em Trung đã được chọn dự Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên nhi đồng toàn quốc lần thứ 12 sắp tới”.

Ban tổ chức cuộc thi Sáng tạo Thanh thiếu niên Nhi đồng tỉnh Vĩnh Long lần V (năm học 2015-2016) đã chấm giải cho 139 sản phẩm dự thi từ các trường Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông.
Trong đó, có 52 sản phẩm của học sinh TH, 46 sản phẩm của học sinh THCS và 41 sản phẩm từ các trường THPT. Đặc biệt đề tài biến đổi khí hậu và tính thực dụng gần như là chủ để chính của cuộc thi năm nay.