Một tấm gương sáng về ý chí và nghị lực

13:32 09/03/2015     1741

Nhịp sống trẻ   Vượt lên hoàn cảnh éo le, vất vả, cô bé mồ côi Y Bông vừa lao động vừa nỗ lực học tập, phấn đấu không ngừng để trở thành một nữ công chức tư pháp - hộ tịch cấp xã, là “cầu nối” thiết thực đưa pháp luật đến với bà con dân tộc.
Người nữ cán bộ tư pháp cơ sở này cũng là một tấm gương sáng về ý chí, nghị lực phấn đấu được đồng nghiệp quý mến, bà con buôn làng tin cậy…
Chị Y Bông - cán bộ tư pháp xã Ngok Bay
Chị Y Bông - cán bộ tư pháp xã Ngok Bay

Y Bông là người con của dân tộc Ba na, sinh ra và lớn tại xã Ngok Bay, thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum. Sinh năm 1987, Y Bông là người con thứ bảy trong gia đình có 8 anh chị em, hoàn cảnh gia đình hết sức khó khăn, mồ côi mẹ từ lúc 8 tuổi, cha bị tai biến phải nằm một chỗ và qua đời năm 2012.

Cuộc sống của Y Bông tự lập từ rất sớm, anh chị em trong gia đình đều có hoàn cảnh khó khăn, phải lao động từ sớm rồi ra ở riêng. Y Bông phải nương tựa chị gái để sống và học tập.

Năm 2006, tốt nghiệp Trường Phổ thông trung học Lê Lợi, thành phố Kon Tum, Y Bông thi đỗ vào ngành luật của Trường Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật tỉnh Kon Tum. Để có tiền trang trải việc học tập, Y Bông phải đi làm thêm rất nhiều việc trong thời gian học như lúc thì đi phục vụ tiệc cưới, lúc thì dạy kèm, khi nghỉ hè thì theo anh chị lên nương rẫy trồng mì, hái cà phê hoặc cạo mủ cao su thuê…

Khó khăn vất vả là thế nhưng không bao giờ Y Bông từ bỏ giấc mơ của mình là học tập để có cái chữ vươn lên trong cuộc sống và luôn gác lại niềm vui riêng của bản thân mình, mặc dù bạn bè, gia đình đôi khi cũng khuyên từ bỏ việc học tập. Trong học tập Y Bông luôn chăm chỉ, nỗ lực nên kết quả qua các năm đều đạt loại khá. Sau khi tốt nghiệp, Y Bông được nhận vào công tác tại xã Ngok Bay, thành phố Kon Tum.

Ngok Bay là một xã nghèo của thành phố Kon Tum, với dân số 5.533 người, các dân tộc sinh sống gồm Ba na, Rơ ngao, Hlăng chiếm 98% dân số tại địa phương, do đó ngoài việc sử dụng tiếng Việt thì cũng rất cần cán bộ, công chức của xã biết tiếng dân tộc thiểu số để thuận lợi cho công tác quản lý của chính quyền địa phương.

Với lợi thế là người dân tộc bản địa, Y Bông thực hiện rất tốt các nhiệm vụ tư pháp tại địa phương, đặc biệt là có thể trao đổi ngôn ngữ, chữ viết của đồng bào dân tộc thiểu số để giải quyết các thủ tục hành chính theo yêu cầu của nhân dân.

Nói về Y Bông, ông A Quết – Chủ tịch UBND xã Ngok Bay nhận xét: “Đồng chí Y Bông là người cán bộ gương mẫu, tận tụy trong công việc, tuy gia đình có những khó khăn, vất vả nhưng bản thân luôn nỗ lực, cố gắng hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao; chủ động tham mưu công tác tư pháp kịp thời, đúng pháp luật, rất ít xảy ra sai sót nên lãnh đạo xã rất yên tâm”.

Đó là trong công việc, trong cuộc sống riêng, hiện nay Y Bông đang sống cùng chị và hỗ trợ chị để nuôi cháu nhỏ đi học. Với số tiền lương ít ỏi của mình, Y Bông dùng để phụ giúp chị trang trải cuộc sống và chi phí để tiếp tục theo học năm thứ 3 đại học luật từ xa thuộc Phân hiệu Đại học Đà Nẵng tại Kon Tum.

Mặc dù có công ăn việc làm và nguồn thu nhập ổn định nhưng khi được hỏi về việc lập gia đình thì Y Bông chỉ cười và bảo: “Em phải đợi đến khi tốt nghiệp đại học và cuộc sống đỡ khó khăn hơn sau đó mới nghĩ đến việc lập gia đình”.
Với sự nỗ lực cố gắng trong công tác nên từ năm 2009 đến năm 2014, Y Bông được xếp loại công chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong sáu năm liền. Riêng năm 2013, Y Bông được Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Kon Tum tặng Giấy khen vì có thành tích xuất sắc trong công tác tư pháp và Ủy ban nhân dân thành phố Kon Tum công nhận là Lao động tiên tiến và tặng Giấy khen.
Đây là sự ghi nhận về sự nỗ lực, thành tích đạt được trong công tác, là sự khích lệ để Y Bông tiếp tục phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Y Bông là tấm gương sáng của tư pháp cơ sở tại địa phương về ý chí và nghị lực vươn lên trong cuộc sống, thật đáng trân trọng và noi theo.