Lê Thái Bình – Gương thanh niên khuyết tật đam mê làm tình nguyện

14:19 11/03/2015     3076

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Anh là Lê Thái Bình, sinh năm 1988 trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện miền núi Kỳ Tân, Kỳ Anh, Hà Tĩnh. Gia đình anh có 3 người con, thì có 2 người bị tàn tật từ nhỏ do ảnh hưởng chất độc màu da cam.

Lê Thái Bình (thứ 3 bên phải sang) cùng Ban Chủ nhiệm Đội “Thanh niên tình nguyện hướng về Kỳ Anh” tại Lễ ra mắt, thành lập Đội.
Lê Thái Bình (thứ 3 bên phải sang) cùng Ban Chủ nhiệm Đội “Thanh niên tình nguyện hướng về Kỳ Anh” tại Lễ ra mắt, thành lập Đội.

Trong cuộc trò chuyện, hiểu được ngỏ ý của chúng tôi, Thái Bình cố bày tỏ “Từ khi sinh ra tôi đã không được bình thường như bao đứa trẻ khác, chân tay “lèo khèo” lời nói thì “méo mó” mọi người không nghe rõ. Cha mẹ đã phải bồng bế suốt 8 năm trời tôi mới dựa được vào chiếc xe 3 bánh để đi lại. Đến 12 tuổi, tôi mới chập chững những bước đi đầu đời”. Mặc dù thân thể khuyết tật nhưng anh là một đứa trẻ sáng dạ, thông minh, nhận biết mọi điều rất nhanh. Hằng ngày chứng kiến bạn bè cùng trang lứa vui chơi, mang cặp sách đến trường, trong Bình nổi lên niềm khát khao cháy bỏng được hòa mình trong môi trường đó. Sau nhiều ngày tháng thuyết phục, anh đã được cha mẹ cho phép đi học.

Quãng thời gian đi học cùng chúng bạn đầy ắp ký ức trong người thanh niên trẻ tuổi, vui có, buồn có và không ít trở ngại phải quyết tâm để vượt qua. Ngay từ những ngày đầu đến trường, anh học cùng với những đứa em ít tuổi hơn, bị bạn bè trêu chọc rất nhiều nhưng đó không phải là điều quan trọng, anh nói “Điều tôi cảm thấy tiếc nuối nhất là học chưa hết lớp 6 thì phải vào viện, do sức khỏe quá yếu”. Khi mọi thứ tưởng như dập tắt, thì một tia sáng hy vọng lại chiếu sáng đời anh. Anh được giới thiệu đến Trung tâm dạy nghề người khuyết tật Hà Tĩnh, học và theo đuổi nghề Tin học. Trong môi trường mới, với sự nổ lực, cố gắng không ngừng và sự giúp đỡ của các cán bộ, giáo viên và bạn bè, anh phát hiện ra mình có thể làm được nhiều thứ, khám phá ra nhiều khả năng tiềm ẩn của bản thân.

Khát khao được sống có ích cho xã hội, với kiến thức và trình độ tin học của mình, anh quyết tâm đứng ra mở một “Tiệm nét”. Bước đầu khởi nghiệp vô vàn gian nan; thiếu thốn tiền vốn, hạn chế kỹ năng quản lý và rất nhiều những lời nói, ánh nhìn dị nghị từ mọi người xung quanh, bởi trong tâm thức họ, “Tiệm nét” là nơi làm hư hỏng trẻ con bởi những trò game online, chơi bời vớ vẩn trên mạng internet. Thế nhưng, dần dà, mọi người đã hiểu được tấm lòng và mục đích cao đẹp của anh là mong muốn cho trẻ con ở quê hương được tiếp xúc, học tập, sử dụng thành thạo các phần mềm máy tính như: Word, Excel, photoshop hay giải toán, tiếng Anh qua mạng … Không tự hài lòng với bản thân, anh thường xuyên tự học, tự nghiên cứu để bổ sung kiến thức, luyện tập kỹ năng sử dụng máy tính từ đôi bàn tay yếu ớt. Hằng đêm anh phải rất khuya để tìm ra phương pháp mới dạy các em, nhiều em được anh kèm cặp, giúp đỡ đã sử dụng thành thạo máy tính, kết quả học tập tiến bộ không ngừng và đã vào đại học. Được sự đồng tình của các bậc phụ huynh, các em học sinh đến “Tiệm nét” của anh ngày càng đông, nhiều lúc không đủ máy tính, anh phải nhường máy của mình cho học trò; khi máy tính bị hỏng, chính anh cũng là người thợ sửa chữa. Để đáp ứng nhu cầu học tập của các em ngày càng tăng, anh đã nâng cấp “Tiệm nét” thành “Cơ sở tin học”, đầu tư thêm máy tính và các thiết bị; tạo việc làm cho một số thanh niên địa phương và đặc biệt là những người khuyết tật như anh.

Với suy nghĩ: Mình còn may mắn hơn nhiều người khuyết tật khác bởi có một cái đầu “lành lặn”, nên anh đã hạ quyết tâm vượt qua tất cả mọi trở ngại trước mắt. Khi “Cơ sở tin học” hoạt động ổn định, anh lại lao vào hoạt động tình nguyện vì công động. Anh tâm sự “Có người bảo, tôi khuyết tật thế kia thì làm tình nguyện cho người khác làm gì, nhưng tôi vẫn say mê với những công việc thầm lặng. Bởi bản thân tôi từng trải qua những ngày tháng đau khổ, tôi thấu hiểu được nỗi đau của những mãnh đời bất hạnh. Tôi tham gia vào các câu lạc bộ tình nguyện và các dự án giúp đỡ người khuyết tật như: Câu lạc bộ tình nguyện Hà Tĩnh, Diễn đàn Người khuyết tật Việt Nam, Dự án Vượt lên số phận,…. Cùng với các thành viên khác, tôi đã đi đến những huyện nghèo Hương Khê, Vũ Quang để động viên, trao những món quà cho các gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Nhiều lúc đi cũng mệt nhưng chính những chuyến đi đã tu luyện cho tôi thêm niềm tin và sức sống”.

Nhận thấy trên địa bàn huyện Kỳ Anh còn nhiều hoàn cảnh cần được giúp đỡ. Anh đã dùng công nghệ thông tin để lên trang mạng xã hội facebook lập ra Đội “Tình gguyện hướng về Kỳ Anh, khởi xướng cho phong trào tình nguyện của những người trẻ tuổi là con em quê hương Kỳ Anh đang học tập, công tác, sinh sống trên mọi miền đất nước; góp phần đẩy mạnh phong trào thanh niên tình nguyện của ở huyện nhà. Lời kêu gọi của anh đã đánh trúng tâm lý nhiều bạn trẻ, họ hưởng ứng và tham gia nhiệt tình và đến ngày 22/6/2013 Đội đã được chính thức thành lập, Lê Thái Bình là thành viên Ban Chủ nhiệm. Đến nay Đội đã có hơn 100 thành viên tham gia. Cùng với Ban Chủ nhiệm Đội, Lê Thái Bình đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng đợt hoạt động, phù hợp với đặc thù, tính chất và yêu cầu thực tiễn. Việc huy động nguồn lực từ xã hội để tổ chức các hoạt động được thực hiện một cách bài bản, hài hòa giữa nhu cầu, lợi ích của các bên liên quan, do đó, qua hơn 1 năm Đội đã huy động được nguồn kinh phí, vật lực, ngày công có tổng trị giá gần 1 tỷ đồng. Các hoạt động Đội tổ chức tập trung hướng về Kỳ Anh chủ yếu tham gia giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, vì cuộc sống cộng đồng, giúp đỡ người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, ... Tiêu biểu trong đó là các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn” nhân kỷ niệm Ngày Thương binh Liệt sỹ hàng năm đã huy động được bình quân hàng chục triệu đồng để tặng quà, tham gia cùng Huyện đoàn tổ chức Lễ Thắp nến tri ân các anh hùng, liệt sỹ; chương trình “Trung thu yêu thương” tổ chức tại Trường Tiểu học Kỳ Sơn thuộc vùng khó khăn của huyện Kỳ Anh đã thu hút đông đảo các em thiếu niên nhi đồng, các tầng lớp ĐVTN và nhân dân tham gia, ủng hộ. Bên cạnh đó, các hoạt động tình nguyện giúp đỡ nhân dân vùng thực hiện Dự án trọng điểm của tỉnh; hiến máu tình nguyện; khám cấp phát thuốc chữa bệnh miễn phí; hành trình về thăm địa chỉ đỏ,… đã để lại ấn tượng khó quên trong tất cả các thành viên, được các cấp, ngành ở địa phương ghi nhận, biểu dương.

Không chỉ năng nổ trong hoạt động, Lê Thái Bình còn khẳng định bản thân qua những bài viết sâu sắc, thể hiện nỗi niềm khát khao, nghị lực vươn lên thật mãnh liệt với mong muốn được cống hiến cho xã hội. Nhiều trong số những bài mà anh gửi đi đã được đăng trên các Báo. Đặc biệt, năm 2012, bài viết “Ước mơ và sự vượt lên của đời tôi” đạt Giải nhất cuộc thi viết “Người khuyết tật lập nghiệp” do Báo Lao động Xã hội và Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức; năm 2013, bài viết “8/3 nghỉ một ngày được không mẹ” đạt Diải nhất cuộc thi “Nốt Sol Cuộc sống” Do Báo tuổi trẻ tổ chức; tháng 5 năm 2014 bài viết “Thủy thủ lái tàu bằng đôi chân” đạt Giải khuyến khích cuộc thi “Gương nghị lực phi thường” do Báo Thanh niên tổ chức,… Bản thân anh đã được nhận nhiều Bằng khen, Giấy khen của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Hà Tĩnh, của Tỉnh đoàn, Huyện đoàn Kỳ Anh,… tặng thưởng. Nhân dịp Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng (20/10/1914 – 20/10/2014), Lê Thái Bình được Ban Thường vụ Tỉnh đoàn xét chọn, vinh danh tại Lễ “Tuyên dương 48 công trình và gương thanh niên tiêu biểu” toàn tỉnh.

Từ thực tiễn hoạt động đã khẳng định cho chúng ta thấy rằng, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, dù là thân thể không lành lặn, chỉ cần có quyết tâm, nghị lực, có ước mơ hoài bão, con người ta có thể vượt qua mọi trở ngại, khó khăn để đi đến thành công theo cách của riêng mình. Tấm gương Lê Thái Bình là một trong những minh chứng thuyết phục nhất để tuổi trẻ đối soi và nổ lực, phấn đấu vươn lên trên con đường đi tới, xây đắp tương lai tốt đẹp.