Lắng nghe xuân về

08:23 30/01/2014     2783

Tuổi trẻ sáng tạo   Lắng nghe trải lòng của những nhà khoa học trẻ tạo nên dấu ấn cho năm 2013, mới thấy xuân mới không chỉ ánh lên niềm hạnh phúc đoàn viên, mà còn là khát vọng cống hiến, là niềm tin vào vận hội mới.
Tết sum vầy của giáo sư trẻ nhất 2013

a
GS. Trần Đình Hòa
Gương mặt trẻ nhất trong đội ngũ tân GS của năm 2013 - GS Trần Đình Hòa - nhớ lại cái Tết đầu tiên chân ướt chân ráo ra khỏi giảng đường…

Ngày ấy, cậu sinh viên Trường ĐH Thủy lợi vừa tốt nghiệp đã đầu quân vào Viện Khoa học Thủy lợi (nay là Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam). Ngay sau đó, Hòa cùng các đàn anh lặn lội vào Bình Định phục vụ việc nghiên cứu thử nghiệm.

Chuyến công tác dài ngày tưởng phải ăn Tết ở công trường, nhưng thật may mắn, hạng mục công trình hoàn thành sớm nên đến phút chót có tin sẽ được về quê ăn Tết. Thế là cuối ngày 29, chàng trai trẻ yên tâm với những nhiệm vụ đã hoàn thành, lòng phơi phới lên đường trở về Hà Tĩnh.

Thời đó là năm 1992, đất nước còn rất khó khăn, ra trường chỉ cần được làm việc đã là may mắn đâu có nghĩ gì đến thu nhập. Ấy vậy nên Tết đầu tiên với danh nghĩa một kỹ sư dù không quà, không hoa cũng chẳng có người yêu đưa về giới thiệu, nhưng người thân ai cũng rất vui mừng.

Đúng 30 Tết về đến nhà, may sao còn kịp cùng cha canh nồi bánh chưng đang sôi sùng sục. 9 giờ tối, chàng kỹ sư mới vào nghề được tự tay sắp những chiếc bánh nóng hổi lên bàn thờ tổ tiên, tận hưởng không khí Tết giản dị mà ấm cúng.

Dù chỉ được nghỉ Tết vỏn vẹn 3 ngày, rồi lại phải lên Hà Nội, sau đó ngược vào Bình Định tiếp tục công trình nhưng cái Tết năm đó với GS Hòa thật đặc biệt - Thấy quý trọng hơn rất nhiều những giây phút sum họp, nâng niu hơn sợi dây tình cảm gia đình, tình làng nghĩa xóm.

Bồi hồi với ký ức, vị GS trẻ chợt trầm ngâm: Giờ mình đã trưởng thành rồi, nhưng Tết này vẫn có rất, rất nhiều những cán bộ nghiên cứu phải đi thực tế ở những miền núi, hải đảo xa xôi. Không biết năm nay họ có được về quê ăn Tết; hay về quá muộn, có kịp thu vén, chuẩn bị Tết cho gia đình?

Ước vọng trong năm mới, không nói đến bản thân, GS Trần Đình Hòa mong mỏi những chính sách mới sẽ nâng bước cho các nhà khoa học:

“Nghị quyết 20 của Trung ương về phát triển khoa học và công nghệ đã được ban hành. Sau đó là chiến lược phát triển khoa học công nghệ 2011 - 2020, đặc biệt là Luật về Khoa học công nghệ vừa được Quốc hội thông qua.

Hy vọng sang năm mới, những chủ trương, chính sách đó sẽ sớm thể hiện bằng những thông tư, hướng dẫn, tiếp thêm động lực cho những người làm khoa học toàn tâm toàn ý với công tác giảng dạy, nghiên cứu, đóng góp thiết thực cho nước nhà”.

a
PGS. Nguyễn Ngọc Lưu Ly
Nữ PGS trẻ nhất 2013: Ngày Tết nghiêng về gia đình nhỏ

Cả một năm với guồng quay giảng dạy - nghiên cứu - quản lý, Nguyễn Ngọc Lưu Ly - Phó Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ và Văn hóa tiếng Pháp Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐHQG Hà Nội) nghĩ về Tết cổ truyền với niềm vui giản dị: Tết có đầy đủ mọi thành viên của gia đình.

Bởi thế, khi được hỏi về cái Tết ý nghĩa nhất với mình, nhà khoa học trẻ đã đã không chần chừ trả lời: Chưa cái Tết nào đặc biệt như Tết năm Quý Tỵ 2012 - năm gia đình có thêm một thiên thần nhỏ. Không ngờ rằng con số ba người khi tăng lên là 4 lại khác nhau và ấm áp đến thế.

Mùng Ba Tết, cả nhà có chuyến du xuân đáng nhớ với ông bà nội, ngoại vào Đà Nẵng. Lỉnh kỉnh bồng bế nhau đi chơi xa trong không khí đón xuân, đón Tết bên những người thân của mình sao mà đầm ấm, dễ chịu!

Vậy nên, mong mỏi trong năm mới của nữ PGS xinh đẹp nghiêng thật nhiều về hạnh phúc của gia đình nhỏ. Chị muốn có nhiều thời gian hơn nữa dành cho gia đình, vào vai người vợ, người mẹ thật bình thường, nấu ăn, làm thịt bò khô tại nhà....

Chị nhớ đã có lần cùng con trai trộn bột mì để thay đồ chơi đất sét, vừa sạch, vừa vui. Hai mẹ con nhào nặn rồi cười hỉ hả suốt. Có lần, chị còn rủ con trai ngồi cuốn nem, bé cuốn rất đẹp và hào hứng khi được làm cùng mẹ.

PGS Lưu Ly cũng rất thích cảm giác cả nhà quây quần quanh bàn ăn bữa tối. Nhớ lắm mỗi lần ông xã kẹp và bóc cua cho mấy mẹ con ăn. Rồi những lần đi dã ngoại, hai vợ chồng phải thay phiên một người trông bé, một người ăn vội để còn đổi vai nhưng vui vô cùng...

Góc công việc trong ước mơ đầu năm của nữ PGS 32 tuổi là có nhiều thời gian hơn cho đọc và viết. Dự định thì rất nhiều nhưng không dám nói trước, sợ “bước không qua”. Đặc biệt, có một công trình đang ôm ấp, thai nghén, cô hy vọng sẽ sớm được thể hiện những ý tưởng đó trong thực tiễn.

d
PGS Sỹ Đức Quang
Du học xứ Phù Tang, cồn cào nhớ Tết Việt

Tân PGS trẻ nhất của Trường ĐHSP Hà Nội – PGS Sỹ Đức Quang - còn nhớ như in cái Tết xa nhà đầu tiên trong đời. Đó là năm 2007, anh là nghiên cứu sinh ngành Toán 26 tuổi tại Đại học Tokyo (Nhật Bản).

Sinh ra ở Thuận Thành (Bắc Ninh), học tập và trưởng thành ở thành phố Hòa Bình, năm nào Quang cũng được đắm mình trong không khí Tết truyền thống đầm ấm. Thế nên, Tết không được về quê, lại phải ở một mình nơi đất khách xa xôi, cảm giác thật vô cùng đơn độc.

PGS Quang kể: Người Nhật chỉ ăn Tết Dương lịch nên mấy ngày Tết Nguyên đán, nỗi buồn và nhớ nhà càng cồn cào. Không thể chịu nổi, đành bắt tàu từ Tokyo xuống Yokohama vào nhà một anh bạn thân, cũng là người Việt sang Nhật làm ăn.

Cùng với hai người bạn nữa, bốn người tự nấu ăn và tổ chức một bữa tiệc nho nhỏ với không khí ấm áp. Rồi mấy anh em ngồi “tám” chuyện, cố giữ mình tỉnh táo đến 2 giờ sáng để gọi điện về Việt Nam cho bố mẹ, anh chị đúng lúc giao thừa.

Là một nhà Toán học trẻ, được công nhận đạt tiêu chuẩn PGS ở tuổi 32 với 23 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và là chủ nhiệm của 2 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, những mong mỏi đầu năm của tân PGS trẻ nhất của Trường ĐHSP Hà Nội là năm mới ngành Toán sẽ có thêm nhiều sự quan tâm.

“Ngoài duy trì công việc giảng dạy, hướng dẫn nghiên cứu sinh và nghiên cứu thường xuyên như mọi năm, tôi hi vọng sẽ tham gia nhiều hơn vào các hoạt động liên quan đến giáo dục phổ thông.

Nhưng, nếu nói là mong muốn lớn nhất thì chắc chắn đó là được mở rộng quan hệ, hợp tác về nghiên cứu Toán học với cộng đồng những người làm Toán trong và ngoài nước.

Tôi sẽ có 3 tháng làm việc tại Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán và hy vọng có chừng đó thời gian làm việc tại Cộng hòa Pháp. Đó là những điều kiện thuận lợi giúp tôi bước gần mong muốn lớn hơn” - PGS Sỹ Đức Quang bày tỏ.