Khi những “thợ trẻ giỏi” Việt Nam được vinh danh trên trường quốc tế

14:39 11/05/2018     3686

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Nhiều thanh niên, sinh viên Việt Nam đã tham dự các cuộc thi tay nghề thế giới và đạt giải, điều đó đã khẳng định tài năng của những “người thợ trẻ” Việt Nam trên trường quốc tế.
Ăn mì gói giành Huy chương đồng “tay nghề” thế giới

Năm 2017, Trần Nguyễn Bá Phước - chàng trai trẻ sinh viên Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh đã vượt qua hơn 1.000 đối thủ quốc tế để dành tấm Huy chương đồng Cuộc thi tay nghề Thế giới lần thứ 44 được tổ chức tại ABU DHABI – Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất trong lĩnh vực Giải pháp phần mềm Công nghệ thông tin. Đây là kỳ thi có quy mô lớn nhất từ trước đến nay, với 51 nghề gồm: 49 nghề chính thức và 02 nghề trình diễn. Số lượng thí sinh tham gia lên tới 1.258 người, đến từ 58 quốc gia.

Để có được những thành công như ngày hôm nay, Phước đã phải nỗ lực và rèn luyện rất nhiều. Trước kỳ thi quốc tế, Phước đã tham gia kỳ thi tay nghề Bộ Công thương, sau đó là kỳ thi quốc gia và được Samsung tuyển chọn và sang Hàn Quốc để tiếp tục
huấn luyện trong vòng 15 tháng.

Phước chia sẻ, trong Cuộc thi tay nghề Thế giới, có những buổi thi căng thẳng kéo dài trong nhiều giờ, Phước phải về phòng "húp mì" cho đỡ đói và trở thành bạn thân của mì gói suốt mấy ngày thi. Nhưng khoảnh khắc được là người duy nhất cầm trên tay Quốc kỳ Việt Nam bước lên bục nhận Huy chương đồng, vượt qua các đối thủ mạnh như: Nga, Trung Quốc, Đức, Thụy Sĩ,… khiến Phước không bao giờ quên được.

Khoảnh khắc được là người duy nhất cầm quốc kỳ Việt Nam bước lên bục nhận huy chương là khoảnh khắc Trần Nguyễn Bá Phước không bao giờ quên (Ảnh: Báo Lao động)
Khoảnh khắc được là người duy nhất cầm quốc kỳ Việt Nam bước lên bục nhận Huy chương là giây phút Trần Nguyễn Bá Phước (ngoài cùng bên phải) không bao giờ quên (Ảnh WorldSkills)

Hiện tại, Phước là nhà phát triển phầm mềm tại Đại học Công nghiệp TP. Hồ Chí Minh, đồng thời thành lập nhóm chia sẻ kiến thức và kỹ năng lập trình trên mạng xã hội để kết nối và hỗ trợ các bạn trẻ trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Phước cũng dành nhiều thời gian tham gia các hoạt động hỗ trợ cộng đồng, trong đó đã cùng Nhóm công tác xã hội EFY giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn trong xã hội bằng việc dạy Anh văn miễn phí và tổ chức các đêm nhạc từ thiện cho trẻ em.

Với sự chăm chỉ và nỗ lực không biết mệt mỏi,
Trần Nguyễn Bá Phước đã được trao tặng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2017; Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2017 và vinh dự được nhận Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” năm 2018 do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng.

Cùng với Trần Nguyễn Bá Phước, Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” năm nay cũng được trao tặng cho 04 tấm gương đạt chứng chỉ nghề xuất sắc trong Cuộc thi tay nghề Thế giới lần thứ 44, gồm có: Nguyễn Văn Tuấn (nghề kỹ thuật cơ khí CAD), Nguyễn Tất Toại (nghề điều khiển công nghiệp), Chu Văn Tươi (nghề lắp đặt điện) và Vũ Hoàng Trinh (nghề nấu ăn).

Không thiếu ước mơ lớn để phát triển bản thân

Nhữ Thị Trang, cô gái sinh năm 1995 “dám nghĩ, dám làm” học trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội đã làm được nhiều việc mà không mấy người trẻ cùng tuổi dám lựa chọn - nghề chăm sóc sắc đẹp. Thu nhập hiện tại vài chục triệu mỗi tháng tới từ các nguồn: đi dạy, làm nghề, bán các sản phẩm chăm sóc sắc đẹp cùng nhiều ước mơ và hoài bão để phát triển bản thân.

Tài năng và sự đam mê đã mang lại cho Trang Chứng chỉ xuất sắc Nghề Chăm sóc Sắc đẹp tại Hội thi tay nghề ASEAN 2016; Bằng khen Đạt giải Nhất Nghề Chăm sóc Sắc đẹp tại Hội thi tay nghề Quốc gia 2016 của Bộ Lao động Thương binh & Xã hội tổ chức; Giấy chứng nhận khóa học Ứng dụng công nghệ sinh học trong chăm sóc da và công nghệ của Mediworld; Giải thưởng “Người thợ trẻ giỏi” năm 2018.

 
Nhữ Thị Trang (khăn hồng) chia sẻ về kế hoạch lớn hơn của mình: "Tôi muốn đi học thạc sĩ chuyên ngành chăm sóc sắc đẹp ở Hàn Quốc. Ngành này đang có xu hướng phát triển rất tốt. Tôi muốn đón đầu xu thế, để sau này khi Việt Nam mở mã ngành Chăm sóc sắc đẹp ở bậc đại học, em muốn quay về dạy ở Việt Nam”. (Ảnh NVCC)

Ngay từ năm học thứ nhất, nữ sinh năng động này đã chọn phương thức vừa đi học, vừa đi làm ở chính ngành nghề mình được đào tạo để có kinh nghiệm thực tiễn và kiếm thêm nhu nhập phụ giúp gia đình. Thu nhập từ đi làm thêm của Trang ngày ấy đã  nhận được 05 triệu/ tháng.

Đến năm thứ ba, Trang đã bắt tay vào khởi nghiệp. Với số tiền tiết kiệm trong những năm vừa học vừa làm, xin bố mẹ cho mượn sổ đỏ để vay tiền ngân hàng, Trang mở một cửa hàng spa ở Hà Nội, một spa và một salon tóc ở Bắc Ninh với quy mô nhỏ.

Mỗi địa điểm đầu tư ban đầu là 400 triệu đồng, số lượng nhân viên duy trì hoạt động là 10 người (phần lớn là sinh viên Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nhằm tạo điều kiện cho các sinh viên được thực hành trải nghiệm và có thêm thu nhập). Doanh thu trung bình giao động từ 80-120 triệu đồng/ một Trung tâm Spa.

Hiện
Trang đang ấp ủ ước mơ nâng cấp Spa thành Viện thẩm mỹ và Trung tâm đào tạo nghề chăm sóc sắc đẹp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.

Trang cho biết, một quốc gia phát triển về ngành chăm sóc sắc đẹp như Hàn Quốc, họ có những bộ quy chuẩn. Còn ở Việt Nam, các spa, thẩm mỹ viện hiện đang làm rất lộn xộn, thiếu chuyên nghiệp, mỗi chỗ làm một kiểu và khách hàng là người gánh chịu rủi ro.

Vì thế, mong muốn lớn nhất của Trang là được đi dạy nghề để truyền đạt cho các em những kiến thức đúng, những quy trình đảm bảo vệ sinh, an toàn.

“Khi đi dạy, em được truyền thụ lại những kinh nghiệm và kiến thức mình đã được học. Mong muốn của em là sau này các spa sẽ làm đúng theo quy chuẩn để ngành nghề này ở Việt Nam nhanh được hoàn thiện”, Nhữ Thị Trang nói./.