Kết nối “nông sản thuận tự nhiên”
14:30 18/02/2016 1546
Nhịp sống trẻ Bỏ dự án “Dịch vụ giao nước trái cây định kỳ” (Living Juice) do nghi ngờ nguồn hàng cung cấp có sử dụng hóa chất, Nguyễn Ngọc Trâm Anh khởi sự một dự án mới, hướng tới xây dựng “Cộng đồng nông sản thuận tự nhiên” (Agrinature).
Trước tình hình nông nghiệp mang tính tự phát, sản phẩm thiếu minh bạch và nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng như hiện nay, Nguyễn Ngọc Trâm Anh (sinh năm 1989, tốt nghiệp ngành Truyền thông, ĐH RMIT, TP. HCM) bắt đầu hình thành những ý tưởng độc đáo.
Năm 2011, tốt nghiệp đại học, Trâm Anh làm việc cho TBWA, một công ty quảng cáo của Mỹ tại Việt Nam. Sau 3 năm, cô bạn nghỉ việc, thử sức với dịch vụ nước ép trái cây. “Mình giao nước ép tận nơi, đáp ứng nhu cầu không đường, không đá, không chất bảo quản. Trước đó, mình cũng tìm kiếm dịch vụ này nhưng luôn thất vọng. Không nơi nào đáp ứng được yêu cầu. Mình bắt đầu “Living juice” như thế”, Trâm Anh kể.
Năm 2011, tốt nghiệp đại học, Trâm Anh làm việc cho TBWA, một công ty quảng cáo của Mỹ tại Việt Nam. Sau 3 năm, cô bạn nghỉ việc, thử sức với dịch vụ nước ép trái cây. “Mình giao nước ép tận nơi, đáp ứng nhu cầu không đường, không đá, không chất bảo quản. Trước đó, mình cũng tìm kiếm dịch vụ này nhưng luôn thất vọng. Không nơi nào đáp ứng được yêu cầu. Mình bắt đầu “Living juice” như thế”, Trâm Anh kể.
Trâm Anh đi khảo sát vườn rau ở Đà Lạt |
Về vùng quê, tìm rau quả sạch
Năm 2015, với “Living juice”, Trâm Anh giành giải Nhì cuộc thi “Forbes Start Up”, do tạp chí Forbes Việt Nam tổ chức cho các dự án khởi nghiệp trẻ. Tình hình kinh doanh đang khá lên, khách hàng biết đến, đặt hàng nhiều hơn nhưng Trâm Anh đột ngột bỏ ngang. Cô cho biết: “Làm nước ép trái cây dành cho sức khỏe nên mình khảo sát những điểm cung cấp trái cây tận vườn. Mình phát hiện, dù mang tiếng trái cây sạch nhưng ở nhiều điểm cung cấp, trái cây vẫn bị “vuốt thuốc”. Thật khó để chủ động trái cây sạch, nếu mình không được đảm bảo tại nguồn. Mình mạnh dạn bỏ luôn dự án nước ép trái cây. Mình không muốn có lỗi với người tiêu dùng”.
Bà con nông dân trở thành bạn đồng hành, là nguồn cung cấp rau quả cho dự án nông sản thuận tự nhiên của cô. Người nông dân nói rằng, họ cũng không muốn xài hóa chất. Nhưng vì nhu cầu người tiêu dùng muốn “mượt, to, đẹp, ngọt” nên nông dân đành phải “chiều”. Trong khi đó, người tiêu dùng thì cực lực phản đối nông dân dùng hóa chất. “Người sản xuất và tiêu dùng đang vô tình “giết” nhau. Thông qua dự án, mình cũng muốn đánh động để người tiêu dùng cùng thức tỉnh trong hành vi tiêu dùng. Chính họ phải chủ động tìm hiểu nguồn gốc hàng hóa. Người tiêu dùng rau quả thông minh là người đủ kiến thức, chủ động tìm hiểu và kiểm tra nguồn hàng trước khi sử dụng”, cô nói.
Mùa nào thức ấy
Trên trang web Agrinature.me (Cộng đồng nông sản thuận tự nhiên), giai đoạn đầu, Trâm Anh đăng thông tin một số hộ nông dân trồng rau hữu cơ thuận tự nhiên mà cô biết. Nông dân ở vùng nào thì có thế mạnh rau quả ở vùng đó. Rau củ ôn đới như súp lơ, cà rốt là thế mạnh của nông dân Đà Lạt. Nông dân Bến Tre có thế mạnh về rau ăn lá. Giai đoạn 1, Agrinature bán những giỏ rau định kỳ, giúp nông dân trồng có kế hoạch và ổn định tài chính trước, đồng thời, để người tiêu dùng làm quen với khái niệm ăn rau thuận tự nhiên.
Qua đơn hàng của người tiêu dùng ở TP.HCM, cứ 2 lần/tuần, rau quả từ vườn của nông dân chuyển lên quận 7, trước khi phân đến các gia đình trong thành phố theo lộ trình được vạch sẵn. Trâm Anh cân rau, xử lý, phân loại, trước khi rau đưa đến các hộ gia đình.
Các hộ tiêu dùng cũng được Trâm Anh cung cấp danh sách các loại thực phẩm rau quả hữu cơ. Họ sẽ chủ động gạch bỏ những loại thực phẩm gia đình họ không thích, không có nhu cầu sử dụng. Danh sách còn lại sẽ được Trâm Anh cung cấp theo hình thức “mùa nào thức nấy”. Người đặt giỏ hàng nông sản thuận theo tự nhiên luôn bất ngờ vì không biết sắp tới họ sẽ được giao loại rau quả gì. Trâm Anh chia sẻ: “Có loại rau quả giao đầu tuần nhưng cuối tuần đã hết số lượng, hết mùa, khách hàng cũng vui vẻ chấp nhận. Đó là cách dự án mình nói “không” với chuyện ép cây theo ý muốn của con người”.
Bài toán niềm tin
Theo khảo sát của Trâm Anh, một số chứng chỉ rau quả sạch trong nước cũng khó để kiểm tra chất lượng, với cách trồng trọt và thu hoạch cách nhật như hiện nay. Để tạo dựng uy tín, cộng đồng nông sản thuận tự nhiên của Trâm Anh hướng đến đảm bảo 5 điều công bằng: Thứ nhất là công bằng với đất, khai thác đi kèm với bồi bổ. Thứ hai là công bằng với cây trồng, không thúc ép quá trình sinh trưởng của cây. Thứ ba là công bằng với môi trường, tạo môi trường sinh thái xung quanh cây trồng, như: Sâu, giun, kiến, ong, các vi sinh vật… Thứ tư là công bằng với người nông dân, chi trả xứng đáng với công sức họ bỏ ra, tạo cho họ môi trường làm việc an toàn, bởi sử dụng hóa chất, người nông dân là người chịu ảnh hưởng đầu tiên. Cuối cùng là công bằng với người tiêu dùng, mang đến cho họ sản phẩm thật sự sạch, đúng như cam kết, tạo niềm tin và sự an tâm cho họ.
Trang web của Trâm Anh đưa thông tin minh bạch về các vườn rau sạch. Sau khi qua giai đoạn 1 là giới thiệu mô hình nông dân trồng rau sạch, giúp người tiêu dùng làm quen với “nông sản thuận tự nhiên”, đến giai đoạn 2, nông dân trồng hữu cơ có thể chủ động đăng giới thiệu nông sản của vườn mình. Người tiêu dùng có thể tự trải nghiệm, liên hệ xem tận nơi, đánh giá dịch vụ rau đã sử dụng. Như vậy, kết nối của khách hàng và người trồng rau mới bền vững.
Giúp đỡ thiết thực
Theo cô chủ dự án, “Agrinature” không phải là một dự án thuần kinh doanh mà mang tính truyền thông nhiều hơn. Chuyện trồng rau hữu cơ không phải là điều xa xôi. Nguyên thủy, người nông dân cũng trồng rau hữu cơ, chỉ có điều, họ không biết gọi tên thế nào. Còn hiện nay, ngoài trồng trọt, họ phải kiêm thêm nhiều công việc khác, như kỹ thuật, đầu ra… Khi sản lượng thấp, họ lại kiêm nhiều thứ, giá sẽ đội lên cao. Mong muốn của Trâm Anh là thông qua khả năng truyền thông của dự án, kết nối từ trang web, bà con nông dân sẽ có kế hoạch tiếp cận khách hàng trước khi trồng trọt. Đường đi của rau quả được rút gọn, giảm chi phí không cần thiết.
Sau 2 tháng kết nối và mở rộng cộng đồng nông dân trồng vườn rau hữu cơ thuận tự nhiên, Trâm Anh đang giao cho 30 gia đình đặt giỏ rau dài hạn theo mô hình này. Cô tiếp tục tìm những bà nội trợ quan tâm rau hữu cơ, muốn có thu nhập nhàn rỗi bằng cách phân phối rau cho các gia đình để tiết kiệm chi phí giao hàng cho toàn khu vực. Đây sẽ là một sự giúp đỡ cộng đồng rất thiết thực. ■
DỰ ÁN DÀNH CHO “NHÀ GIÀU”? Trâm Anh chia sẻ: “Mỗi gia đình với thu nhập trung bình có thể dành ra một khoản chi phí chấp nhận được cho nhu cầu rau quả trong tháng. Theo mình tính, một gia đình 5 – 6 người có thể sử dụng rau quả sạch hữu cơ với số tiền chưa đến 2 triệu đồng/tháng. Nhiều người nhìn vào giá rau hữu cơ gấp 6 lần ở chợ thì “hết hồn”. Thực sự, vấn đề không phải ở giá. Một bó rau ở chợ dù rẻ nhưng khi nhặt ra, chỉ dùng được một nửa. Hàm lượng dinh dưỡng trong rau phun xịt thuốc kém so với rau phát triển tự nhiên. Nhiều gia đình có con nhỏ, chuyện rau sạch cho con là ưu tiên hàng đầu. Bởi vậy, dự án của mình hướng đến những gia đình thực sự quan tâm đến sức khỏe, chứ không phải gia đình có điều kiện kinh tế”.
|