Học trò sáng chế trái nổi đo độ mặn của nước

09:26 17/05/2016     1287

Nhịp sống trẻ   Một bộ trái nổi giá chưa đến 200.000 đồng có thể giúp nông dân đo độ mặn của nước, chủ động tưới tiêu bảo vệ hoa màu.
Đó là sáng chế của 3 cô trò Trường THCS Phan Văn Trị, TP.Vị Thanh, Hậu Giang: cô Lư Thị Huệ, giáo viên dạy vật lý và hai học trò Lê Thị Hồng Gấm, Lê Phúc Hưng, học sinh lớp 9.

Gấm cho biết nơi em ở đang bị nước mặn xâm nhập sâu, đời sống bà con rất khó khăn. Mới đây, do ba em tưới nhầm nước mặn nên 4 công rau của gia đình bị héo rồi chết dần. Từ đó, Gấm và Hưng đem ý tưởng chế tạo một thiết bị có thể đo độ mặn của nước trình bày với cô Huệ. Vậy là 3 cô trò bắt tay thực hiện và đã sáng chế thành công bộ trái nổi đo độ mặn của nước.


h
Cô Lư Thị Huệ hướng dẫn Gấm và Hưng thực hiện trái nổi báo nước mặn
Trái nổi được làm từ trái banh đồ chơi trẻ em, một bộ đo độ mặn của nước gồm 9 trái. Trước tiên, Gấm và Hưng tiến hành pha muối, nước cất theo đúng tỷ lệ, sau đó dùng kim tiêm bơm nước muối vào trái banh và dùng keo hàn lại.

Dựa theo nguyên lý lực đẩy Archimedes, 2 học sinh này đã phát hiện khi gặp nước ngọt, trái nổi chìm xuống, còn khi gặp nước mặn sẽ tự động nổi lên. Đưa ra thử nghiệm trên sông, nếu độ mặn của trái nổi đúng với độ mặn của nước thì trái banh sẽ đứng yên, các trái còn lại sẽ chuyển động liên tục theo lực đẩy của nước. Do đó, bộ trái nổi này giúp người sử dụng biết được nguồn nước có nhiễm mặn hay không và dự đoán khá chính xác độ mặn của nước.

Theo cô Huệ, giá một trái nổi hoàn thiện khoảng 20.000 đồng, tính ra một bộ 9 trái chỉ 180.000 đồng, thời gian sử dụng lên đến 3 năm. “Từ khi sáng chế được công bố, nhiều bà con đến trường tìm tôi hỏi mua. Sắp tới, chúng tôi sẽ đăng ký sáng chế với Sở Khoa học - Công nghệ Hậu Giang và hy vọng được phối hợp sản xuất đại trà để giúp bà con kịp thời ứng phó với xâm nhập mặn”, cô Huệ nói.

Ông Trần Hoàng Anh (ngụ ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến) cho hay từ trước đến nay ông chủ yếu theo dõi thông tin về độ mặn trên đài, nhưng nhiều khi biết được nước nhiễm mặn thì cũng đã tưới cho cây. “Hơn 6 tháng nay, nhờ bộ trái nổi thả trên sông trước nhà, tôi đã đo được độ mặn của nước. Chỉ cần thấy trái banh nổi hay chìm xuống là biết được nước mặn hay ngọt để dẫn nước vào ruộng kịp thời”, ông Hoàng Anh chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Hậu Giang, máy đo độ mặn trên thị trường hiện có giá từ 1,3 - 20 triệu đồng, khá cao so với túi tiền người nông dân nhưng lại khó sử dụng, bảo quản.

Hiện Chi cục Thủy lợi tỉnh Hậu Giang chỉ mới cấp cho mỗi địa phương được một máy đo nên thông tin khó phổ biến kịp thời đến nông dân. “Sở đánh giá cao bộ trái nổi báo nước mặn của cô trò Trường Phan Văn Trị vì giá thành rẻ, phù hợp với nhu cầu của nông dân trong tình hình hạn mặn hiện nay. Chúng tôi rất ủng hộ việc đăng ký sáng chế này lên Sở Khoa học - Công nghệ Hậu Giang để sản xuất rộng rãi bán cho bà con”, ông Đồng nói.