Học sinh “trường quê” biến nước biển thành nước ngọt

14:49 18/09/2014     2970

Nhịp sống trẻ   Thầy Nguyễn Văn Tám - Giáo viên Vật Lý Trường THCS cùng 2 học sinh Nguyễn Hoàng Phi Long - HS lớp 8/1 và Hồ Văn Anh Kim - HS lớp 9/1... Trường THCS Điền Hòa (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) nghĩ ra ý tưởng chế tạo mô hình “ Lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời”.
Đây là mô hình thiết thực. Góp phần cải thiện về nguồn nước ngọt cho cư dân và người lính hải đảo.

Hiện thực hóa giấc mơ thiếu nước ngọt ở hải đảo

Trong căn nhà thầy Tám ở xã Điền Hòa, bên cạnh những thiết bị mang đi thi cấp quốc gia, vẫn còn những sáng kiến đạt giải cấp tỉnh của các em học sinh trường THCS Điền Hòa. Trong đó, ấn tượng nhất là thiết bị “biến nước biển thành nước ngọt” của hai em Nguyễn Hoàng Phi Long (lớp 8/1) và Hồ Văn Anh Kim (lớp 9/1).

Đứng bên sáng chế của mình, em Long “thuyết trình” về thiết bị lọc nước biển như một nhà vật lý thực thụ. Long tâm sự: “Em đã ấp ủ ý tưởng này từ lâu vì từ nhỏ đến lớn ở vùng đất Điền Hòa quê em luôn phải đối diện với tình trạng thiếu nước ngọt, người ta quý nước ngọt như lúa gạo. Nước giếng khoan thì cũng bị nhiễm phèn. Khi em nói ý tưởng này ra thì rất vui khi được bạn Anh Kim hưởng ứng và cùng chung một ý nghĩ như em nên hai đứa bắt tay vào làm.”
a
Thầy Nguyễn Văn Tám và học sinh Nguyễn Hoàng Phi Long bên mô hình

Ở vùng đất chua mặn nằm bên phá Tam Giang, có lẽ hình ảnh đôi quang gánh của mẹ gánh nước ngọt cứ đi về trong ký ức của mỗi em. Để không còn cảnh chắt chiu từng thau nước trên những trảng cát rát bỏng chân người, những học sinh nhỏ tuổi đã vận dụng kiến thức được học để suy nghĩ, sáng tạo.

Dưới sự chỉ dẫn tận tình của thầy Tám, hai em Long và Kim bắt tay vào làm thiết bị lọc nước biển với 500 nghìn đồng từ tiền dành dụm của những bữa sáng.

Nói về sáng kiến của mình, Long cho biết: Thiết bị của em gồm một gương cầu có bề mặt lõm, phản xạ được phần lớn ánh sáng chiếu tới và gắn cố định trên giá đỡ. Một bình dẫn chất lỏng dẫn nhiệt tốt.

Trên thành bình có ống dẫn 1(nước biển), ống dẫn 2 (nước ngọt sau khi lọc), ống dẫn 3 (phần nước mặn còn lại cho ra ngoài xử lý). Bình đựng đặt trước gương ở một vị trí thích hợp, sao cho khi ánh sáng mặt trời phản xạ, bình đựng có thể hấp thụ đủ năng lương nhiệt làm nóng nước. Gương cầu lõm và hệ thống được gắn cố định trên giá đỡ. Thời gian lắp đặt sản phẩm trong vòng một tuần.

Sản phẩm có điểm mới là sử dụng gương cầu lõm để tập trung năng lượng nhiệt từ mặt trời, đun nóng nước làm bay hơi và ngưng tụ. Thành phần nước sau khi lọc ta có thể dùng hệ thống làm sạch nước để tiêu thụ.

Thầy Nguyễn Văn Tám - Người trực tiếp trợ giúp, hướng dẫn cho những sáng kiến của các em - đánh giá: “Thiết bị lọc nước biển có thể vận dụng một cách tích cực vào thực tế đời sống phục vụ sinh hoạt của con người sống ven biển, đầm phá, hải đảo, ngư dân đánh cá xa bờ, lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển khi thiếu nước ngọt.”

Theo những nghiên cứu và tính toán của thầy Tám ở các nơi như vùng biển Trường Sa của Việt Nam, có 9 tháng nắng, lượng nước mưa dự trữ được không thể đủ dùng cho thời gian dài.

Vì thế, các thiết bị này có thể tận dụng năng lượng mặt trời ở những vùng có đặc tính nắng nóng kéo dài, “sản xuất” nước ngọt giúp người dân, cán bộ chiến sỹ trên đảo cũng như ngư dân đánh bắt dài ngày.

Với tính thiết thực của đề tài “Thiết bị lọc nước biển thành nước ngọt bằng năng lượng mặt trời" đã đạt giải 3 trong cuộc thi Sáng tạo Khoa học - Kỹ thuật dành cho thanh - thiếu niên và nhi đồng Thừa Thiên Huế lần thứ VII – năm 2014.

Đây là mô hình được ban tổ chức đánh giá cao về tính ứng dụng và là một trong những mô hình được ban tổ chức chọn để dự thi trong cuộc thi toàn quốc sắp tới.

Giúp người nông dân diệt...chuột

Ngày trước người nông dân chỉ:“ Trông trời, trông đất, trông mây, Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm". Thì ngày nay, họ còn trông mong làm sao không có chuột cắn phá hoại mùa màng .

Năm 2013, chứng kiến cảnh mất trắng hàng trăm hecta lúa vụ mùa ở miền quê Điền Hòa do chuột phá hoại mùa màng khiến thầy Tám và 2 em học sinh Nguyễn Thị Bích Kim - Nguyễn Thị Bích Ngọc - HS lớp 7/2 trường THCS Điền Hòa nảy sinh ý tưởng làm thiết bị bẫy chuột thông minh giúp nông dân bảo vệ mùa màng.

Để làm được mô hình này, hai chị em Nguyễn Thị Bích Kim - Nguyễn Thị Bích Ngọc mất gần 3 tháng từ suy nghĩ đến sáng chế. Nhìn bên ngoài, thiết bị bẫy chuột thông minh, có dạng hình hộp chữ nhật, bằng cách ghép nhiều tấm mica có độ bền cơ học cao.

Ngoài ra, còn có cửa chuột vào, chỗ để thả mồi, cửa xử lý chuột, đòn bẩy có trục là điểm tựa, tấm chắn bảo vệ làm bằng kim loại có mấu nhọn. Bên cạnh đó, để chuột vào được mà ra không được, chúng em sử dụng nguyên lý của đòn bẩy.

Em Nguyễn Thị Bích Kim kể: "Nếu gọi O là điểm tựa, O1 là vị trí mà chuột bắt đầu đi, O2 là vị trí chuột tác dụng. Khi chuột đi qua vị trí O2 thì đòn bẩy trở về trạng thái ban đầu (vì khoảng cách OO1>OO2), nên lúc này chuột bị nhốt vào trong không ra được, và cứ tiếp tục như vậy bởi quá trình này vẫn lặp lại cho những con chuột khác. Đến lúc chuột được nhốt đầy, ta lại đem xử lý".

Với thiết bị bẫy chuột thông minh này khả năng áp dụng của sản phẩm ở ruộng đồng, chuồng trại chăn nuôi gia súc gia cầm, khu vực có rác thải, sinh hoạt gia đình, nhất là ở vùng quê nông thôn, rất hữu ích với bà con nông dân.

Sản phẩm đã được ứng dụng vào thực tế của cuộc sống hàng ngày trong thời gian gần đây tại nhà các em học sinh, đem lại hiệu quả khá cao.

Có thể nói rằng, từ thực tiễn cuộc sống khó nhọc của bà con nông dân, ngư dân, những học sinh " trường làng" dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy giáo trẻ đã sáng tạo ra những mô hình thiết thực, lý thú.

Điều quan trọng nhất quan trọng nhất khi nghĩ ra ý tưởng thiết kế những sản phẩm này đã giúp các em nắm bắt được những hứng thú say mê trong sáng tạo, học tập một cách bổ ích.