“Hạt mầm” công nghệ thông tin
23:22 08/01/2016 1232
Nhịp sống trẻ Có thể gọi họ là “hạt mầm” trong số những chàng trai vàng công nghệ thông tin ở ngôi trường vốn được xem như cái nôi của các thế hệ “Sinh viên 5 tốt” nối tiếp nhau nhiều năm qua.
Ba chàng trai ấy là những cái tên được biết đến nhiều thời gian gần đây, đều là “thần dân” khoa công nghệ thông tin ĐH Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia TP.HCM): Nguyễn Đình Luận, Nguyễn Xuân Giềng và Đàm Nguyễn Trọng Nhân.
Đó cũng là ba trong số 13 cái tên vừa đoạt cú đúp “Sinh viên 5 tốt” cấp TP.HCM và toàn quốc của ngôi trường ấy trong năm học này.
“Hạt mầm” công nghệ thông tin ĐH Khoa học tự nhiên (thứ nhất, ba và tư, từ trái): Đàm Nguyễn Trọng Nhân, Nguyễn Xuân Giềng và Nguyễn Đình Luận |
Dấu ấn khoa học
Bốn bài báo khoa học được công bố ở các hội nghị quốc tế khác nhau về công nghệ thông tin là thành tích khiến không ít bạn bè đồng trang lứa thán phục khi nhắc đến Nguyễn Đình Luận, sinh viên năm thứ tư chương trình cử nhân tài năng.
Trong đó, tại hội nghị tổ chức ở Trung Quốc vào tháng 10-2015, Luận được trao giải thưởng “Top 10% Paper Award” dành cho những bài tốt nhất trong vài trăm bài báo khoa học được công bố tại hội nghị với nhiều học giả và các nhà nghiên cứu đến từ nhiều nơi trên thế giới.
Ba bài còn lại được báo cáo ở hội nghị quốc tế được tổ chức tại TP.HCM, New Zealand và Bồ Đào Nha. Đây là các kết quả nghiên cứu Luận thực hiện cùng các thầy, trong đó có ba bài Luận đứng tên với vai trò tác giả thứ nhất khi công bố.
“Thật ra mình đã dành nhiều thời gian nghiên cứu trước đó, dưới sự hướng dẫn của các thầy và cũng mất không ít thời gian để viết bài, hoàn chỉnh, được hội đồng khoa học các hội nghị kể trên phản biện trước khi chính thức được chọn trình bày tại hội nghị. Ngẫu nhiên là các hội nghị lại rơi vào hai tháng 10 và 11-2015 nên các kết quả nghiên cứu mình làm trước đó gần như được công bố đồng thời” - Luận khiêm tốn.
Đàn anh của Luận trong khoa là Đàm Nguyễn Trọng Nhân (học chương trình tiên tiến) đến ngày tốt nghiệp cũng đã công bố ba bài báo tại các hội nghị quốc tế được tổ chức ở Mỹ. Trong đó có một bài công bố vào cuối năm thứ hai và hai bài vào cuối năm thứ tư.
Chàng trai vừa nhận danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP.HCM” ấy chia sẻ: “Nghiên cứu khoa học ở đại học thật ra không quá khó mà nếu đam mê, nỗ lực cùng với sự hướng dẫn của các thầy đều có thể làm được, và khi có kết quả bước đầu chúng ta sẽ thêm động lực để tự tin với con đường nghiên cứu”.
Có vẻ ít nổi tiếng hơn hai đồng môn nói trên, song Nguyễn Xuân Giềng (chương trình cử nhân tài năng) lại là chủ nhân của không ít giải thưởng các cuộc thi học thuật chuyên ngành. Gần nhất là giải đặc biệt duy nhất tại giải thưởng sinh viên nghiên cứu khoa học Euréka do Thành đoàn TP.HCM trao mới đây cho đề tài “Môi trường thực tại ảo với môi trường tự nhiên” mà Giềng nghiên cứu chung với bạn cùng khóa Võ Lâm Khánh Duy.
Đây cũng là đề tài tốt nghiệp bạn đã thực hiện trong thời gian học tại Hàn Quốc suốt năm cuối đại học theo chương trình học bổng đào tạo lãnh đạo trẻ tương lai dành cho 20 sinh viên các nước Đông Nam Á được Chính phủ Hàn Quốc phối hợp với ĐH Quốc gia tại các nước Đông Nam Á thực hiện.
Khám phá chân trời mới
Trọng Nhân và Xuân Giềng đã hoàn thành chương trình học, hiện là nghiên cứu viên tại khoa công nghệ thông tin. Điểm chung giữa ba chàng trai ấy đều cùng là học trò của PGS.TS Trần Minh Triết. “Kể từ khi gặp được thầy Triết, tôi nhận ra thế mạnh nghiên cứu của mình và cho đến hiện tại, hướng đi của tôi là công nghệ phần mềm và tôi thấy hứng thú với nó” - Giềng chia sẻ.
Hiện Giềng cùng bạn phát triển tiếp đề tài tốt nghiệp mà theo anh rất phù hợp để ứng dụng trong giảng dạy, tăng tính tương tác cho học sinh trong một môi trường ảo như thực do máy tính xử lý tạo ra từ nguồn dữ liệu được xây dựng trước đó.
Chủ động tìm kiếm nơi thực tập, Đình Luận và Trọng Nhân đã có hành trang ba tháng nghiên cứu tại Canada. Cũng chính tại đây, Nhân đã chuyển từ hướng nghiên cứu mã hóa sang lĩnh vực máy học mà theo Nhân sẽ có ứng dụng rộng rãi hơn trong đời sống.
“Tôi đang chờ kết quả nghiên cứu mới, làm sao để máy tính có thể nhận diện người dùng không chỉ bằng mật khẩu mà còn qua các đặc trưng sinh trắc như dáng đi, khuôn mặt trong nhiều môi trường, hoàn cảnh khác nhau” - Nhân nói. Theo Nhân, kết quả nghiên cứu này có thể ứng dụng nhiều trong đời sống, nhất là với một đô thị phát triển nhanh và tiếp cận tiện ích máy tính nhiều như TP.HCM.
Luận còn học được nhiều điều từ chuyến thực tập khoa học khác tại Nhật để hiện vừa tích lũy kiến thức hoàn thành năm cuối, vừa làm bạn với các thuật toán hằng ngày ở phòng nghiên cứu. Giải thưởng Quả cầu vàng vừa nhận được cuối năm 2015 là một cú hích để anh chàng tự tin khám phá thế giới rộng lớn của công nghệ thông tin, trong đó Luận chọn theo hướng thị giác máy tính.
“Các kết quả nghiên cứu tôi đã công bố đều có liên quan đến nhau, được mở theo nhiều hướng khác nhau mà cuối cùng những kết quả ấy không ngoài nỗ lực ứng dụng và phục vụ tốt hơn cho cuộc sống con người” - Luận bày tỏ.
Tweet