Hai viên ngọc trong cát trắng, niềm tự hào của vùng đất Gio Linh

23:15 21/02/2017     1613

Nhịp sống trẻ   Phần thưởng giải Nhì quốc gia môn Hóa học mới được Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố cho hai “mầm cát” quê ở vùng biển Gio Linh, Quảng Trị cứ làm nhiều người vừa kinh ngạc, vừa thán phục, vừa băn khoăn giá như hàng ngày đủ ăn hơn một tí nữa thì chắc các em sẽ có giải… đặc biệt.


Em Nguyễn Đình Sáng (trái) và Nguyễn Văn Hoàng lớn lên từ rau lang và tre trúc quanh vườn nhà
Em Nguyễn Đình Sáng (trái) và Nguyễn Văn Hoàng lớn lên từ rau lang và tre trúc quanh vườn nhà

Lòng hiếu thảo

Ngôi nhà thuộc diện hộ nghèo của em Nguyễn Đình Sáng, học lớp 11 Hóa trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nằm lọt thỏm giữa làng Trúc Lâm, xã Gio Quang. Cát bao vây bốn bề. Trong ngôi nhà ấy, mẹ của Sáng, bà Trần Thị Phương, hôm nào khỏe mạnh thì đi lại được.

Còn không, bà bị đổ gục xuống bất cứ ở vị trí nào, từ bậc thềm, nhà bếp, ra giếng nước. Quanh xóm phát hiện kịp thì vội cấp cứu rồi mang bà đi viện. Bệnh huyết áp cao và khớp, cốt sống hành hạ mẹ Sáng từ nhiều năm qua. Sáng mồ côi cha từ sớm. Người cha của em ra đi để lại 3 người con và người vợ quanh năm ốm đau. Nhà nghèo nhưng chị em Sáng học rất giỏi. Đều thi đỗ thủ khoa các cấp. Bây giờ hai người chị đang học Đại học Luật và Đại học Nông lâm TP.HCM. Còn Sáng suýt nữa không được đi học trường THPT chuyên Lê Quý Đôn vì gia đình quá nghèo, không ai nuôi nổi. Xin mẹ đi thi thử cho vui, ai ngờ đỗ thủ khoa Hóa. Quá thương con, không đành cho con học trường huyện nên mẹ Sáng quyết định vay tiền mua cho con chiếc xe đạp đi học trường chuyên của tỉnh. Không thể ở lại ký túc xá của trường. Vì ngoài giờ học em phải luôn túc trực bên mẹ để kịp thời cấp cứu mẹ những lúc qụy xuống vì bệnh tật. Điều đó càng làm cho điều kiện học hành của em càng khó khăn hơn. Chiếc bàn ngồi học của Sáng để ngay cửa ra vào nhà, dài 60 cm, rộng 30 cm, phía trên để một vài quyển sách cần thiết. Ngoài ra em không có máy tính, không có intenet. Thế mà em vẫn học giỏi, đáng phục. Em nói từ nhà đến trường hơn 20 km đi về, nhiều hôm học mệt quá, muốn ở lại ký túc xá. Nhưng vậy thì mẹ ở nhà một mình đêm hôm ốm đau không có ai lo nên phải đi về cho bằng được. Với Sáng chỉ có học và lao động lo cơm gạo hàng ngày, chứ không có chơi. Một hoàn cảnh quá sức chịu đựng của một học sinh lớp 11. “Ba niềm tự hào” cùng người mẹ nghèo sống với 4 sào ruộng. Hai chị đi học ở xa, Sáng ở nhà vừa đi học vừa giúp mẹ làm ruộng. Vụ nào được mùa ngần ấy diện tích ruộng thu về chừng 8 tạ lúa, có trị giá gần 5 triệu đồng. Ngoài ra, mẹ của Sáng không có thêm một khoản thu nào thêm. Từng ấy tiền làm sao nuôi đủ 4 người trong 6 tháng vừa ăn, vừa đi học, vừa chữa bệnh. Thương học trò nghèo chăm ngoan, cô giáo Nguyễn Thị Hạnh, chủ nhiệm lớp Hóa 11, thường xuyên chia sẻ cho Sáng từng bữa ăn hay tiền mua thêm tài liệu để học. Trong hoàn cảnh ấy, Sáng như hạt ngọc giữa cát. Hỏi bí quyết nào giúp em học giỏi, Sáng cười hiền bảo em học bình thường mà, chắc do lao động quá nhiều nên phải gắng học. Hôm trước khi thi học sinh giỏi quốc gia, nhà trường tổ chức lớp ra Hà Nội ôn thi. Kinh phí học hành, ăn ở, đi lại hết 25 triệu đồng. Nhà trường cũng nghèo nên không thể lo cho học sinh. Với gia đình của Sáng thì món tiền ấy quá sức chịu đựng, gần gấp hai lần thu nhập một năm của gia đình.

Mẹ Sáng không có tiền, thương con đến đau ruột. Bà con, làng xóm nghe vậy thương thằng cháu nhỏ học giỏi. Vậy là bà con họp lại, mỗi người cho mẹ Sáng mượn 1 triệu động, gộp lại đủ 25 triệu để cho Sáng có đi ôn thi. Thương mẹ nghèo, Sáng chỉ biết quyết tâm ôn thi để mang niềm vui về cho mẹ, cho bà con hàng xóm và thầy cô giáo. Bây giờ, mẹ Sáng còn nợ bà con 20 triệu đồng của cái vụ lo tiền cho con đi ôn thi mà không biết kiếm đâu để trả nợ. 

Con của biển


Nhà của Nguyễn Văn Hoàng, lớp 12 Hóa, trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, nằm ở làng biển nghèo Xuân Lộc, xã Gio Việt nên đi học em phải ở trọ. Ba mẹ Hoàng làm nghề đánh cá trên biển. Sau sự cố ô nhiễm môi trường do Formosa gây ra, cũng như các ngư dân khác, ba mẹ Hoàng không đi biển được, mà cả gia đình thì sống nhờ vào biển nên gặp muôn vàn khó khăn. Được chọn vào đội tuyển đi thi quốc gia môn Hóa, nhưng Hoàng không có tiền ra Hà Nội ôn thi như các bạn. Ba mẹ Hoàng cũng không thể vay đâu ra tiền cho con đi ôn thi, cả làng biển ai cũng nghèo xơ xác như nhà Hoàng. Phận nghèo đành ở nhà, song Hoàng luôn quyết tâm cho bằng bạn bằng bè. Những ngày đó, Hoàng lên trường nhờ thầy cô giáo giúp đỡ. Trong thời gian em dành ra 4 tháng ở nhà để ôn thi quốc gia, mỗi ngày em chỉ có 40 ngàn đồng để sống. Bữa sáng ăn 10 ngàn đồng, trưa ăn cơm 15 ngàn đồng, tối cũng ăn cơm 15 ngàn đồng ở quán cùng các lao động phổ thông. Bà Hường, chủ quán cơm thương cậu trò nghèo học giỏi nên mỗi lần xúc cơm bà đơm cho em đầy đĩa, cho em thêm lát thịt heo mà vẫn tính giá tiền bằng suất cơm bình thường. Với Hoàng, mỗi bữa tối được ăn như vậy, em vui lắm, vì cung cấp đủ năng lượng để học bài đến 1 hoặc 2 giờ sáng hôm sau. Em luôn ước mơ được ăn cơm no bụng để có sức học hành. Nhiều hôm học bài khuya, bụng đói cồn cào, không có tiền nên em cố nhịn mà học cho hoàn thành chỉ tiêu đề ra: ba ngày phải học xong một quyển sách luyện thi. Nhà nghèo, quê biển nghèo tơi tả nên Hoàng không dám xin ba mẹ tiền. Em quyết tâm học giỏi để kiếm học bổng làm tiền ăn hàng tháng. Từ năm mới vào lớp 10 chuyên Hóa em đã quyết tâm học tập. Còn nhỏ nhưng suy nghĩ của Hoàng như người lớn. Ra đi từ quê biển, em cố gắng học để giải phóng bản thân, sớm trưởng thành để giúp bà mẹ, quê hương. Nên từ năm mới lớp 10, khi tham dự kỳ thi học sinh giỏi tỉnh, em đã đoạt giải Nhì, lên lớp 11 đoạt giải Nhất, lớp 12 thì đoạt giải Nhì quốc gia. 

Mơ làm bác sĩ giỏi

Cả Sáng và Hoàng là con nhà nghèo, ngoan và học rất giỏi. Ý chí phấn đấu, vượt qua khó khăn gian khổ để thành người tốt luôn sáng ngời ở hai em. Với giải Nhì quốc gia, hai em đương nhiên được tuyển thẳng vào Đại học Dược và Đại học Bách khoa Hà Nội.

Nhưng khi được hỏi ước mơ học đại học ở trường nào thì hai em có nguyện vọng thi vào Đại học Y khoa TP. Hồ Chí Minh. Các em thấy bà con nghèo ở quê nhà mỗi lần gặp bệnh tìm bác sĩ giỏi quá khó khăn. Nên các em quyết tâm sau khi trở thành bác sĩ giỏi sẽ trở về quê nhà làm bác sĩ chữa bệnh cho bà con. Thầy cô giáo ở trường THPT chuyên Lê Quý Đôn gọi Sáng và Hoàng là những viên ngọc trong cát trắng. Vùng quê nghèo ven biển Gio Linh luôn xem hai em là niềm tự hào của những nông dân, ngư dân. Gian nan, vất vả, các em luôn khát khao học hành để mang lại kết quả tốt. Thầy giáo Mai Hoa Cư, chủ nhiệm đội tuyển Hóa quốc gia của trường THPT chuyên Lê Quý Đôn kể rằng ở Sáng và Hoàng luôn nổi lên tư chất, năng khiếu học hành và khát khao chinh phục đỉnh cao. Cùng với đó là hai em sống rất có trách nhiệm với bản thân, xã hội. Biết tổ chức, sắp xếp khoa học và cẩn thận đến từng chi tiết trong mỗi bài học, bài nghiên cứu. Từ lớp 10, hai em đã tỏa sáng hơn các bạn. Nhiều lần, thương hoàn cảnh gia đình hai em là con nông dân, rất khó khăn nên thầy cô giáo tổ Hóa đã dành mọi tâm huyết, tìm nguồn lực từ các phụ huynh, chia sẻ đồng lương của mình hỗ trợ hai em có thêm ít điều kiện học hành. Chiếu hoa đã trải, con đường phía trước của các em rực rỡ nhưng không ít chông gai nên rất mong nhận thêm được nhiều niềm yêu thương, chia sẻ cho các em.