Hai chàng vượt khó

17:00 29/04/2014     1751

Nhịp sống trẻ   Đó là bạn Trần Minh Tâm (lớp 12C8 trường THPT Tân Phước Khánh, Bình Dương) và Phan Anh Luân (lớp 12 Lý trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận).
* “Chiêu” học Sử cực lạ của anh chàng mê trở thành luật sư

 Được biết là bạn đã từng đạt giải ba kì thi học sinh giỏi tỉnh Cà Mau năm lớp 12 nhưng sau đó thì bạn không thể tiếp tục đi học được vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. Từ lúc nghỉ học đến trước khi đi học lại, bạn đã làm gì trong khoảng thời gian đó?
a
Bạn Trần Minh Tâm tự trồng mướp tại nhà trọ để đỡ phần nào chi phí ăn uống

- Khoảng thời gian đó, mình lên Bình Dương với ý nghĩ chỉ đi làm công nhân thôi. Mình làm tại chi nhánh của một công ty bảo vệ và trong quá trình đi làm, mình đi ngang trường THPT Tân Phước Khánh.

Bản thân mình lúc nào thấy các bạn đến trường cũng rất mong muốn đi học. Được sự động viên của một anh làm chung đội, mình đã đi học trở lại.

Dù đã nghỉ học một thời gian nhưng khi trở lại trường, bạn vẫn đạt được điểm cao nhất trong kì thi học sinh giỏi môn lịch sử tỉnh Bình Dương và hoàn tất “cú đúp” giải ba học sinh giỏi ở hai tỉnh khác nhau. Bạn có thể chia sẻ bí quyết học giỏi môn Sử của mình?

- Nhiều bạn cảm thấy môn Sử rất khó học vì… dài, có nhiều thời kì, giai đoạn với các sự kiện, số liệu chẳng dễ nhớ chút nào. Mình chia sẻ bí quyết để các bạn không cảm thấy khó khi học môn Lịch sử.

Khi học Sử, các bạn hình dung như chúng đang… xây một ngôi nhà. Khi chúng ta dựng nhà, dựng cột, tạo thành một cái sườn trước, đó là những ý chính.

Để chứng minh cho những ý chính đó thì mình thêm những ý phụ để làm sáng tỏ, cũng giống như mình lợp tôn, dựng vách, tô tường để làm ngôi nhà đẹp. Và khi đó, bài làm của bạn sẽ đầy đủ hơn.

Các bạn cũng chú ý khi làm bài môn Sử, nên tránh gạch đầu dòng như lúc mình được học, mà cần làm như một bài luận, có mở bài, thân bài và kết bài đầy đủ. Ngoài ra, khi làm bài, với mỗi ý chính nên lấy ví dụ hoặc dẫn chứng minh họa.

g
Phan Anh Luân -lớp 12 Lý trường THPT chuyên Trần Hưng Đạo, Bình Thuận

Ngoài môn Lịch sử, bạn còn học giỏi hoặc có năng khiếu môn nào nữa?

- Ngoài môn Lịch sử mình còn có năng khiếu môn Địa lí.

Ước mơ của bạn trong tương lai là gì?

- Mình muốn trở thành một luật sư nên đã đăng kí dự thi vào trường ĐH Thủ Dầu Một.

* Chọn “đường vòng” để đến ước mơ vì gia cảnh khó khăn

Không như nhiều bạn bè, Luân chưa từng một lần được biết mặt cha. Ba Luân bỏ đi lúc bạn vẫn còn nằm trong bụng mẹ. Đôi lúc, Luân cũng “cảm nhận” được nỗi thiếu thốn của một đứa con không cha.

Đó là lúc nhìn bạn bè được cha đưa đón khi đến trường. Là khi nhà cửa xiêu vẹo, mái thủng lổ chổ, mưa dột ướt người, nắng rọi rát mặt. Là khi những thắc mắc “rất con trai” không biết chia sẻ cùng ai. Nhưng chưa bao giờ, Luân nghĩ đó là thiệt thòi mà mình phải gánh chịu.

Đơn giản vì bạn vẫn có đủ đầy tình yêu thương của cả cha và mẹ. Chỉ khác là tất cả đến từ một người duy nhất – là mẹ. Bạn thường nói vui: “Tài sản quý nhất của mình là mẹ”

Mẹ bạn thường bị đau ốm, gia đình nghèo khó, nhà lại thiếu vắng đàn ông là trụ cột trong gia đình, hai mẹ con bạn đã làm như thế nào để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn vừa rồi?

- Trong gia đình khi mà thiếu vắng người cha, mẹ mình đóng cả 2 vai, vừa chăm sóc mình, vừa phải lao động kiếm sống và nuôi mình ăn học.

Bản thân bạn đã làm những việc cụ thể gì để giúp đỡ, hỗ trợ cho mẹ?


- Mẹ mình hay nói: “Con chỉ cần học thật giỏi là có thể báo hiếu cho mẹ rồi”. Nhưng mình cảm thấy như thế chưa trọn vẹn lắm.

 Mình làm việc nhà như nấu cơm, rửa chén, quét nhà…để khi mẹ đỡ mệt mỏi khi đi buôn bán về (mẹ Luân bán đậu phộng rang và cơm rượu - PV). Những lúc học xong, mình phụ mẹ rang đậu phộng.

Ước mơ của bạn là gì?

- Mình ước mơ trở thành nhà khoa học vật lý nhưng vì điều kiện tài chính gia đình nên sẽ bắt đầu từ công việc của một giáo viên bằng cách dự thi vào trường Đại học Sư phạm (để được miễn học phí).

Sau đó, mình sẽ cố gắng học tập, nghiên cứu để trở thành một nhà khoa học nghiên cứu trong lĩnh vực vật lí cơ bản.

Bạn có thể bật mí bạn sẽ sử dụng học bổng nhận được như thế nào không?

- Mình sẽ dùng để làm chi phí để đi thi đại học và nếu còn dư thì sẽ dùng cho năm học đầu tiên.