Gặp người tạo “Hào khí đất võ” gây sốt YouTube
08:05 06/05/2015 2046
Nhịp sống trẻ Tôi gặp Nguyễn Minh Triết, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định, khi anh đang chuẩn bị đi Pháp bàn việc xây dựng công viên khoa học tại tỉnh.
Dùng võ Bình Định, tăng sự chú ý của thanh niên Ảnh cắt từ clip Hào khí đất võ |
Triết cũng là người đưa ra ý tưởng cho clip Hào khí đất võ gây sốt mạng khi có tới 14.000 views (lượt xem) trên YouTube và là người tổ chức hát ca khúc chính trị kiểu mới, có rap, có DJ, được hơn 5.000 bạn hưởng ứng. Hỏi về clip Hào khí đất võ, Minh Triết cho biết:
- Clip đó tôi đặt hàng các bạn. Tôi muốn có một sản phẩm vừa mới, vừa có sức lan tỏa. Không gì bằng là các bạn tham gia sự kiện của mình, họ làm truyền thông luôn cho mình từ clip.
Chúng tôi đã vận động số lượng đoàn viên thanh niên lớp múa võ Bình Định, lớp mặc áo võ, lớp mặc áo Đoàn, lớp mặc áo thun cờ Tổ quốc, xếp các hình ý nghĩa, trong đó có hình huy hiệu Đoàn, lồng vào đó là một số danh lam, thắng cảnh Bình Định.
Anh Nguyễn Minh Triết - Ảnh: Thuận Thắng |
Lúc ở London, tôi tham gia Hội Sinh viên VN ở nước ngoài, đó là những kinh nghiệm và kỷ niệm rất quý giá. Năm 2008, đại sứ quán cần thanh niên tình nguyện đi phiên dịch và hỗ trợ nhóm công tác từ VN sang, trong đoàn có anh Võ Văn Thưởng, lúc đó là bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn. Trong quá trình tiếp xúc, các anh cũng có định hướng cho tôi hoạt động Đoàn
Bí thư Tỉnh đoàn Bình Định NGUYỄN MINH TRIẾT
* Âm nhạc trong clip cũng rất trẻ trung, ấn tượng nữa...
- Tôi nghiên cứu các clip được coi nhiều nhất trên mạng thì thấy vẫn là taekwondo nhưng các bạn nữ múa trên nền nhạc nổi tiếng của Hàn Quốc thì tự nhiên môn võ vào hàng top luôn. Tại sao lại không dùng võ Bình Định, tại sao mình có thanh niên yêu âm nhạc rất nhiều mà không làm vậy? Một clip vừa truyền thông cho tỉnh, vừa có khí thế hoạt động phong trào cho mình.
Nhờ tất cả vậy mới tạo ra hiệu ứng đến thế. Clip mang tính giải trí nhưng quan trọng hơn là thấy được “hơi thở” của bạn trẻ, từ đó cổ vũ phong trào. Điều này gợi lên cho tổ chức Đoàn là nếu có cách tiếp cận mới, hợp thị hiếu thì chúng ta có thể đi được vào lòng người xem. Trước đây mình hơi chủ quan, thường làm theo ý của mình, ít lắng nghe các bạn.
* Việc quản lý đoàn viên qua mạng mà Tỉnh đoàn Bình Định đang triển khai cũng là để theo kịp xu hướng “thế giới phẳng” này?
- Hiện tổ chức Đoàn của mình vẫn làm rất hành chính, mất thời gian. Chương trình quản lý đoàn viên của tôi thực chất là văn phòng điện tử của Đoàn, dùng cho cán bộ Đoàn trước, sau cho từng đoàn viên một.
Giống như một tài khoản riêng trên Facebook, hệ thống liên lạc trực tiếp, lắng nghe đoàn viên nói, thông báo chương trình... Bước đầu tiên là vậy, bước thứ hai sẽ qua thiết bị di động (mobile).
* Vì sao lại làm với di động?
- Điều tra trong sinh viên và học sinh thì 90% là có điện thoại di động. Mà công tác Đoàn chúng ta chưa xuất hiện trên thiết bị này. Ý tưởng này tôi đã hình thành từ lâu, ngay khi còn ở Trung ương Đoàn.
* Thời gian qua các bạn trẻ coi hoạt động Đoàn còn xơ cứng, khó hấp dẫn. Theo anh, nên làm gì để thay đổi?
- Đoàn thanh niên của chúng ta đã trải qua 80 năm lịch sử. Cùng với độ trưởng thành thì song song cũng có những cứng nhắc nhất định. Đất nước phát triển nhanh, các bạn trẻ được tiếp xúc rất nhiều nguồn thông tin tiên tiến bên ngoài, trong khi tổ chức của mình chưa bắt kịp nhiều suy nghĩ của thanh niên.
Giải pháp chung, theo tôi, Đoàn phải có hoạt động thời sự hơn, bám sát nhu cầu của các bạn. Việc thay đổi này cũng không phải mới nhận ra đâu mà cũng từng bước làm rồi.
* Chương trình hát rap ca khúc chính trị là một ví dụ?
- Tên của chương trình là “Khát vọng trẻ”, hát ca khúc chính trị kiểu mới, có rap, có DJ rất gần gũi với các bạn trẻ, có hơn 5.000 bạn đã tham gia. Song đó là những hoạt động bề nổi để thu hút, quan trọng là đi vào chiều sâu. Hiện nay hình ảnh thanh niên tình nguyện gắn với những hoạt động như cắt tóc cho em nhỏ dưới quê, thông kênh mương nội đồng, xây đường nông thôn...
Nhưng trong đó có nhiều bạn là sinh viên đại học, thạc sĩ, họ có chất xám, vì thế cần phải đưa chất xám vào hoạt động tình nguyện nhiều hơn, đòi hỏi cao hơn.
* Cụ thể, hoạt động chiều sâu được Tỉnh đoàn Bình Định thiết kế thế nào?
- Ở góc độ đoàn viên, tôi nghĩ giới trẻ phải đóng vai trò đi đầu trong công cuộc phát triển, về nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại giao, đấu tranh bảo vệ chủ quyền... tất cả mọi mặt. Đoàn viên thanh niên phải được trang bị hành trang, lấp các lỗ hổng về giáo dục để hoàn thiện bản thân, phải có tác phong công nghiệp.
Đó là bài toán đặt ra cho tổ chức, lập kế hoạch sao cho đoàn viên cống hiến tốt nhất. Ở Bình Định, chúng tôi chẻ nhóm để thiết kế chương trình chi tiết phù hợp. Ví dụ sinh viên hoạt động kiểu khác, nông thôn có kiểu khác, thanh niên bám biển cũng làm khác.
Thanh niên giờ giàu thông tin và nhạy cảm với thời cuộc nên đòi hỏi chúng ta nhạy cảm hơn trong tập hợp, tuyên truyền. Hiện nay tỉnh đang thu hút đầu tư rất lớn, chúng tôi đang tổ chức lớp cập nhật kiến thức kinh tế hội nhập, văn hóa, tiếng Anh trình độ IELTS dành cho 200 đoàn viên ưu tú.
Vừa qua có một số sự kiện như biển Đông, Ban thường vụ Tỉnh đoàn cũng định hướng mở rộng ngoại giao, giao lưu thanh niên các nước trong khu vực. Thanh niên trong tỉnh cũng phải thể hiện mình là người thanh niên quốc tế. Với thiếu nhi thì sẽ có công viên khoa học...
* Anh sang Pháp chuyến này cũng là vì dự án công viên khoa học này?
- Giáo sư tên tuổi Trần Thanh Vân dù đã lớn tuổi nhưng vẫn muốn cống hiến điều gì đó cho quê hương. Rất may mắn, ông đã chọn Bình Định. Khi tôi tiếp xúc với giáo sư, tôi đề nghị làm công trình liên quan đến khoa học để người trẻ có đam mê khoa học được định hướng. Giáo sư Vân rất thống nhất và bắt đầu viết đề án công viên khoa học.
Công viên này không phải là máy móc phức tạp lắm đâu, nó là những hiện tượng rất căn bản như nước tạo ra thế nào, vũ trụ hoạt động ra sao, những điều căn bản vật lý về hạt, vật lý vũ trụ, hóa học, toán học...
Tất cả được đưa vào mô hình, các buổi nói chuyện, các mini-game, các em thiếu nhi vào chơi rồi bay bổng khám phá. Cọ miếng nhung vào trụ bạc sẽ tạo ra điện làm dựng tóc, ví dụ vậy. Tôi có đặt giáo sư Vân làm thêm mô hình vũ trụ mini và 10 kính viễn vọng phổ thông đặt trong khu đó luôn.
Trước đây (năm 2005), EU từng có nhã ý tặng cho mình khoảng 4 triệu euro các thiết bị thiên văn vũ trụ mà mình chưa bố trí được nơi đặt. Chúng tôi đang kết nối lại và hi vọng được họ ủng hộ. Đợt này chúng tôi qua châu Âu cũng để trao đổi điều đó. Công viên khoa học sau này sẽ là tổ hợp không gian nghiên cứu giúp Bình Định phát triển du lịch khoa học nữa.
* Hỏi riêng về cá nhân một chút, anh học kỹ sư hàng không ở nước ngoài, ngành học và công tác Đoàn có gì liên quan không?
- Bản thân tôi đam mê vật lý, máy móc, thích robot. Tôi rất mê máy bay. Từ cấp II tới cấp III đều trong lớp chuyên lý cả. Cũng là cơ may nên tôi xin được học bổng của Abe Foundation, chuyên về hàng không.
Tôi trải qua nhiều bậc học, từ phổ thông đến thạc sĩ, sống, học tập và công tác bảy năm tại London, nơi phát triển bậc nhất thế giới, được tiếp xúc với nền văn minh, kinh tế hàng đầu rồi. Ở đó giữa ngành học với nghề nghiệp có thể thấy khác nhau, nhưng thật sự đều là cống hiến. Tôi về Bình Định đến giờ chỉ còn hai tháng là tròn năm, đã đi hết được 12 huyện, thị.
Tư duy logic trong ngành học ở nước ngoài giúp tôi cách tiếp cận, định hướng, giải quyết vấn đề tốt trong công tác Đoàn. Còn sở thích ngành đã học tôi vẫn duy trì và vẫn liên hệ với các thầy ở ĐH Quốc gia để nghiên cứu thêm một số đề tài cũng như tham gia cập nhật thêm các thông tin về lĩnh vực. Biết đâu trong tương lai tôi có thể tham gia sâu vào một cơ hội nào đó.
Tạo nguồn lực cho hoạt động Đoàn
Anh Nguyễn Minh Triết kỳ vọng nếu triển khai được chương trình quản lý mobile thì Đoàn có thể tự tạo ra nguồn lực - điều trước nay còn hạn chế. “Một khi anh còn dùng tiền ngân sách để hoạt động, nó sẽ bó gọn trong một số nội dung định sẵn rồi, sẽ hạn chế sáng tạo.
Dân số Bình Định khoảng 1,5 triệu với người trẻ là 60%. Nắm được số liệu đó, Viettel và Zing cũng đã có những bước đầu tiếp cận... Facebook hiện nay một account có giá từ 0,5 - 2,5 USD. Đó là định hướng mới để tổ chức Đoàn chúng ta được vững hơn về nguồn lực, độ mở, đáp ứng tính sáng tạo của thanh niên” - Minh Triết nói.