Gặp gỡ Phó Giáo sư trẻ nhất Việt Nam với niềm đam mê toán học

17:59 16/09/2015     2727

Nhịp sống trẻ   “Tuổi trẻ trôi qua rất nhanh, do đó mỗi người phải biết tranh thủ thời gian này để học tập, nâng cao trí tuệ của bản thân. Tùy theo khả năng của mình, mỗi người sẽ chọn lĩnh vực, ngành nghề phù hợp. Làm giỏi một nghề nào có ích cho xã hội cũng sẽ mang lại vinh quang và hạnh phúc cho chính mình”.
Đó là chia sẻ của Phó Giáo sư (PGS) trẻ nhất Việt Nam Phạm Hoàng Hiệp.

Trở thành PGS khi mới 29 tuổi, Phạm Hoàng Hiệp cũng vinh dự được nhận giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa học trẻ. Anh hiện công tác tại Viện Toán học (Viện Hàn lâm Khoa học – Công nghệ Việt Nam), người vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ vinh danh trong số 72 nhà khoa học trẻ có nhiều đóng góp cho đất nước.

Năm 2011, khi mới 29 tuổi, Phạm Hoàng Hiệp trở thành PGS trẻ nhất Việt Nam. Đến nay, PGS Phạm Hoàng Hiệp đã công bố 34 bài báo khoa học trên các tạp chí Toán học quốc tế, trong đó có 30 bài trong danh mục của Viện Thông tin khoa học quốc tế (ISI). Về các giải thưởng khoa học, PGS Phạm Hoàng Hiệp được tặng giải thưởng khoa học Viện Toán học năm 2013; giải thưởng KHCN Trường Đại học Sư phạm Hà Nội năm 2013; giải thưởng Tạ Quang Bửu dành cho nhà khoa trẻ năm 2015.

t
 PGS Phạm Hoàng Hiệp cùng những GS toán học hàng đầu thế giới

Sinh năm 1982, PGS Hoàng Hiệp đến với Toán như một sự tình cờ, bởi cha anh là là kỹ sư Thuỷ lợi. Cuối năm lớp 9, sau khi đọc một quyển sách về Số học trên giá sách mà bố anh mua cho trước đó rất lâu, PGS Hiệp mới thực sự cảm thấy toán học rất thú vị và thích toán từ khi đó.

Là giảng viên khoa Toán, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, nhưng cũng như nhiều nhà khoa học khác, Phạm Hoàng Hiệp cộng tác với các trường đại học danh tiếng của nước ngoài để giảng dạy hoặc nghiên cứu. Anh chia sẻ, ở nước ngoài, các nhà khoa học có cơ hội đọc nhiều tài liệu và học hỏi giao lưu với nhiều nhà khoa học giỏi để mở mang kiến thức hơn. Hiện nay, ở Việt Nam cũng có rất nhiều bạn trẻ ra nước ngoài du học. Đó là cơ sở để tin rằng Việt Nam sẽ có bước tiến vượt bậc trong tương lai.

PGS Phạm Hoàng Hiệp chia sẻ, anh may mắn khi được học tập và làm việc với những Giáo sư (GS) hàng đầu như GS. Nguyễn Văn Khuê, GS Lê Tuấn Hoa, GS Ngô Việt Trung, GS. Urban Cegrell (ĐH Umea, Thuỵ Điển), GS. Jean-Pierre Demailly (ĐH Grenoble, Pháp). Chính GS Urban Cegrell là người đã hướng dẫn anh bảo vệ luận án Tiến sĩ vào tháng 3-2008. Sau khi bảo vệ luận án Tiến sĩ, anh sang Toulouse (Pháp) làm việc. Kế đó, nhờ sự giúp đỡ của GS Jean-Pierre Demailly, anh sang làm việc và nghiên cứu tại Viện Fourier, ĐH Grenoble (Pháp).

Giữa lúc cơ hội rộng mở với rất nhiều lời mời làm việc từ những trường đại học hàng đầu thế giới, anh quyết định trở về Việt Nam. Bởi anh cho rằng, là người Việt Nam, được cống hiến cho Tổ quốc mình, sống bên cạnh người thân, bạn bè, đồng nghiệp cùng phong tục tập quán quen thuộc là điều tuyệt vời nhất.

Về nước, anh công tác tại trường Đại học Sư phạm Hà Nội, cái nôi đã giúp anh thành công. Sau đó, anh chuyển công tác về Viện Toán học để có nhiều thời gian và môi trường nghiên cứu toán học thuần tuý hơn. Tuy nhiên, anh vẫn kết hợp với việc giảng dạy ở nhiều trường đại học khác.

Nói về bí quyết của sự thành công, anh cho biết, muốn thành công thì phải có đam mê, ham học hỏi, có tinh thần khám phá cái mới và luôn cố gắng để vượt qua chính mình. Trong bối cảnh hội nhập thế giới, muốn thành công còn phải biết trau dồi ngoại ngữ để có thể trao đổi khoa học với cộng đồng toán quốc tế. Anh vẫn thường có những chuyến đi nước ngoài ngắn hạn theo lời mời của các trường đại học. Đó cũng là những dịp được giao lưu, trao đổi kết quả nghiên cứu và học hỏi lẫn nhau trong thế giới hội nhập hiện nay.

PGS Phạm Hoàng Hiệp cũng cho biết, hiện nay, cơ chế chính sách đối với các nhà khoa học đã có nhiều thay đổi, tạo nhiều điều kiện thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để thu hút nhân tài về nước và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà khoa học làm việc thì cơ chế chính sách phải có sự ưu đãi tốt hơn nữa.

Tại cuộc gặp mặt với Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng vào sáng 11/9 vừa qua, nhiều nhà khoa học trẻ đã đưa ra những kiến nghị tâm huyết nhằm giúp họ phát triển, đóng góp nhiều hơn cho đất nước và cho nền khoa học.

Cũng như các nhà khoa học khác nói về mục tiêu tương lai, PGS Phạm Hoàng Hiệp đã chia sẻ cùng Thủ tướng rằng, từ kinh nghiệm của mình, anh muốn cùng các đồng nghiệp phát triển Viện Toán học, đồng thời đào tạo Tiến sĩ, nguồn nhân lực cho các trường đại học.

Ghi nhận những đóng góp to lớn của các nhà khoa học trẻ, Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ luôn mong muốn các nhà khoa học trẻ bằng nhiệt huyết, tài năng và niềm đam mê của mình, tiếp tục theo đuổi hoài bão nghiên cứu, sáng tạo, đóng góp nhiều hơn nữa cho đất nước. Đây là những tấm gương sáng về tình yêu khoa học trong thế hệ trẻ Việt Nam./.