Dấu ấn từ niềm đam mê

11:43 03/08/2017     1261

Tuổi trẻ sáng tạo   Web.ĐTN: Với sáng kiến "Máy điều khiển gây nổ từ xa", Đại uý Cao Nhất Ngữ, Trợ lý Ban Thông tin, Phòng Tham mưu, Sư đoàn 330 đã xuất sắc giành giải nhất tại Hội thi sáng kiến, mô hình trang thiết bị huấn luyện toàn quân năm 2016 khối quân khu, quân đoàn.
Là sĩ quan được đào tạo chuyên ngành thông tin, thế nhưng Đại uý Cao Nhất Ngữ luôn có những ý tưởng mới, những sáng kiến hay áp dụng hiệu quả vào công tác huấn luyện tại đơn vị, và nó đã trở thành niềm đam mê của anh.

Đam mê sáng tạo

Không sai khi nói về Đại uý Cao Nhất Ngữ như thế. Bởi khi về nhận nhiệm vụ là Trung đội trưởng Thông tin vào năm 2012, Cao Nhất ngữ đã sớm bộc lộ khả năng tư duy và sáng tạo của mình. Sáng kiến đầu tiên của anh là tổng đài thông tin 20 số. Đại uý Cao Nhất Ngữ giải thích: "Trong quá trình diễn tập, tổng đài nhân công trước đây có trọng lượng nặng, triển khai và thu hồi mất nhiều thời gian, thao tác chuyển tiếp phức tạp, dễ nhầm lẫn và bị rối dây, số thuê bao ít… Khi tiếp chuyển cuộc gọi, chiến sĩ đảm nhiệm máy liên lạc phải đấu nối dây khá phức tạp, nhất là khi tiếp chuyển 6 đường dây cùng một lúc thì khả năng sai lệch rất lớn. Còn với tổng đài 20 số sử dụng khá đơn giản vì được dùng công tắc đảo mạch. Người sử dụng chỉ cần bật công tắc để chuyển cuộc gọi với độ chính xác tuyệt đối. Đặc biệt, tổng đài này còn được thiết kế với tiếng chuông reo lớn hơn và có đèn tín hiệu báo cuộc gọi nhỡ. Điều này giúp cho thông tin liên lạc trong quá trình diễn tập luôn thông suốt, chiến sĩ thông tin đỡ vất vả hơn rất nhiều".
0
Đại uý Cao Nhất Ngữ đang hướng dẫn đồng đội cách sử dụng máy điều khiển gây nổ từ xa.


Thời gian công tác tại đơn vị, Đại uý Cao Nhất Ngữ luôn song hành cùng anh em huấn luyện trên thao trường. Và rồi những sáng kiến, cải tiến tiếp theo của anh lần lượt ra đời xuất phát từ quá trình thực hiện nhiệm vụ. Ví như cải tiến bộ bia bài 2 súng Tiểu liên AK được gắn mô-tơ điện và sử dụng điều khiển từ xa thay vì chiến sĩ phải quay bằng tay để bia di chuyển rất tốn công sức. Hay bộ bia bài 1 súng Tiểu liên AK tự động báo điểm. Quá trình kiểm tra bắn đạn thật, đạn trúng bia chiến sĩ sẽ biết được ngay số điểm của mình thông qua bảng điện tử.

Mỗi lần nghĩ ra sáng kiến gì, Đại uý Cao Nhất Ngữ đều tự bỏ tiền túi ra mua linh kiện rồi mài mò, nghiên cứu thực hiện. Sau khi làm xong, anh đưa vào thử nghiệm tại đơn vị để tham khảo ý kiến đóng góp hoàn thiện sản phẩm. Cứ như vậy, những sáng kiến, cải tiến trong huấn luyện của anh luôn nhận được sự đón nhận và chia sẻ tích cực từ đồng đội. Đại uý Cao Nhất Ngữ tâm sự: "Trong thời gian tại ngũ của một chiến sĩ trải qua nhiều giai đoạn huấn luyện, và ở từng giai đoạn có những khó khăn riêng. Vậy nên đa phần sáng kiến của tôi đều xuất phát từ thực tiễn, giúp giảm bớt công sức của bộ đội và công tác huấn luyện tại đơn vị mang lại hiệu quả cao hơn". 

Có lẽ vì điều đó mà hàng loạt sáng kiến của Đại uý Cao Nhất Ngữ thật sự là điều mong mỏi của các chiến sĩ. Như thiết bị kiểm tra đường ngắm súng Tiểu liên AK bằng tia laze được gắn vào nòng súng, giúp chiến sĩ kiểm tra đường ngắm mình chính xác, nhất là những bài bắn đêm. Hay như guồng quay thông tin, hỗ trợ cho việc rải và thu dây của chiến sĩ thông tin đỡ vất vả và nhanh hơn. Hoặc máy trợ giảng dùng cho các giờ lên lớp chính trị không có máy chiếu vẫn sinh động, trực quan...
   
Dấu ấn đậm nét

Đại uý Cao Nhất Ngữ cho biết, những sáng kiến, cải tiến của anh khi đưa vào ứng dụng thực tế rất hiệu quả. Tuy nhiên, việc nhân rộng chỉ giới hạn ở phạm vi đơn vị. Có những sáng kiến chỉ tham gia Hội thi mô hình học cụ cấp Sư đoàn hoặc sử dụng một vài lần rồi thôi. Vì vậy có những lúc anh gần như nản chí, nhưng rồi nghĩ đến những khó khăn, vất vả của anh em gặp phải trong huấn luyện, lại thấy mình cần cố gắng hơn nữa. "Tôi nghĩ sáng kiến, cải tiến không chỉ mang tính chủ quan của mình mà cần tham khảo thêm ý kiến của chỉ huy các cấp để có thể vận dụng tốt trong thực tế. Vì vậy, khi có ý tưởng về "Máy điều khiển gây nổ từ xa", tôi mất 3 tháng để nghiên cứu và thử nghiệm, đồng thời đề xuất và chứng minh với cấp trên về tính khả thi cũng như hiệu quả mà nó mang lại. Khi thủ trưởng đồng ý và hỗ trợ kinh phí, tôi mất thêm 3 tháng nữa để hoàn thiện sản phẩm", Đại uý Cao Nhất Ngữ cho biết.

Máy điều khiển gây nổ từ xa của Đại uý Cao Nhất Ngữ hoàn thành đầu năm nay và được áp dụng trong lớp tập huấn cán bộ Quân khu (tháng 2), diễn tập bắn đạn hơi thuốc nổ của Trung đoàn 152 ở Thổ Chu (tháng 5), diễn tập bắn đạn thật của Sư đoàn 330 ở Vĩnh Châu (tháng 6), diễn tập của Trung đoàn 320, Bộ CHQS tỉnh Đồng Tháp (tháng 8)... Gần đây nhất là diễn tập của Sư đoàn 8 có phối hợp với quân binh chủng, đã cho thấy nhiều ưu điểm như tính an toàn cao, gây nổ ngay khi ấn nút, không cần nhiều lực lượng và phương tiện bảo đảm, triển khai và thu hồi nhanh chóng.

Theo Đại uý Cao Nhất Ngữ, hàng năm đơn vị thường xuyên tổ chức diễn tập bắn đạn thật và đạn hơi có sử dụng thuốc nổ để tượng trưng tạo giả. Tuy nhiên, việc bố trí thuốc nổ tốn rất nhiều thời gian và lực lượng, phương tiện và rất nguy hiểm, dễ xảy ra mất an toàn nếu lỡ bị va đập mạnh, do tác động của nhiệt độ bên ngoài hoặc thao tác không chuẩn khi tra kíp. Mặc khác, các bãi nổ thường được chọn bố trí bên sườn hoặc phía sau đội hình để tránh đường đạn, đảm bảo an toàn cho các lực lượng tham gia diễn tập nên chưa thể hiện được ý định huấn luyện sát thực tế chiến đấu cũng như tính tượng trưng hỏa lực trực tiếp của ta và địch trên thao trường, nhất là tình huống địch bắn phá và đánh địch co cụm. Máy điều khiển gây nổ từ xa của Đại uý Cao Nhất Ngữ cơ bản đã giải quyết tốt vấn đề này.

Máy điều khiển gây nổ từ xa bao gồm một máy phát tín hiệu gây nổ cho các máy điều khiển nổ ở cự ly 1,5km, tuỳ theo mức độ nhanh chậm theo chương trình hoặc thủ công. Bốn máy thu tín hiệu từ máy phát để xử lý thông tin, truyền lệnh về máy điều khiển nổ, khả năng điều khiển đến 128 lượng nổ. Bốn máy điều khiển nổ sẽ nhận tín hiệu từ máy thu và kích nổ lần lượt các lượng nổ. Đại uý Cao Nhất Ngữ giải thích: “Máy này thay thế nụ xoè và dây cháy chậm theo phương pháp truyền thống, sử dụng các loại kíp điện, đảm bảo an toàn và độ tin cậy cao. Khi sử dụng máy này có thể bố trí trực tiếp trên các hướng bắn giữa ta và địch để thể hiện được hoả lực trực quan, sinh động, giúp bộ đội cảm nhận được sức ép của bom đạn trên thao trường một cách hiệu quả hơn. Đồng thời, bảo đảm an toàn cho lực lượng công binh không phải ở lại trên thao trường để điều khiển bãi nổ".

Với giải thưởng từ sáng kiến này, Đại uý Cao Nhất Ngữ chia sẻ: "Tôi cảm thấy bao công sức bỏ ra thật không uổng phí. Đây là niềm động viên rất lớn để tôi "cháy hết mình" với niềm đam mê đang theo đuổi".