Đào đất thuê để có tiền đóng học phí và nuôi bà ngoại bệnh

14:50 06/10/2015     1938

Nhịp sống trẻ   Dẫu trải qua cuộc sống nghèo khó, em Thao Thành Quân (ở ấp Long Trường 2, xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang) vẫn gắng gượng vươn lên trong học tập. Cậu học trò mồ côi cha người dân tộc Khmer vừa trở thành tân SV ngành Công nghệ thông tin, Trường ĐH Cần Thơ.
Thao Thành Quân và bà ngoại trong căn nhà lá trống trước dột sau.
Thao Thành Quân và bà ngoại trong căn nhà lá trống trước dột sau.


Cha của Quân là người dân tộc Khmer, nên duyên với mẹ Quân được một năm thì sinh ra em, sau đó đường ai nấy đi. Quân về ở với bà ngoại Nguyễn Thị Trạng từ khi còn đỏ hỏn. Nhưng bà ngoại Quân lại nghèo khó. Các con của bà đều không nghề nghiệp, không ruộng vườn, đều làm thuê kiếm sống. Hiện Quân có 2 người cậu không lập gia đình, đi lang thang hết năm này qua năm nọ không về nhà, bà ngoại của Quân muốn đi tìm nhưng cũng không biết tìm ở đâu.

Thiếu thốn tình cảm của cha mẹ, Quân rất ít nói và lầm lũi. So với bạn bè cùng tuổi thì trông Quân già dặn, từng trải hơn bởi cuộc sống cơ cực, vất vả của mình. Cậu học trò ấy cũng rất mực ngoan hiền, luôn biết cố gắng, phấn đấu để vươn lên trong cuộc sống.

Quân tranh thủ đi làm phụ hồ sau những giờ được nghỉ học.
Quân tranh thủ đi làm phụ hồ sau những giờ được nghỉ học.

Từ nhỏ, Quân sống nhờ vào sự yêu thương, che chở của bà ngoại. Rồi đến những năm còn là học sinh tiểu học, THCS, hai bà cháu nương tựa nhau cùng đi hái rau, làm cỏ mướn kiếm tiền về đắp đổi qua ngày. Bữa được nhiều thì ăn cơm cá, bữa ít tiền thì ăn rau cháo. Cuộc sống của em  cứ thế trôi đi… Đến những năm Quân học cấp ba thì bà ngoại lại càng già yếu (năm nay bà 84 tuổi) nên Quân không những lo cho em mà còn phải lo cho cả bà.
Thêm vào đó, cha Quân bị bệnh tim, sức khỏe dần cạn kiệt theo từng cơn đau dài mà không có tiền chạy chữa nên đã qua đời cách đây 2 tháng. Bà của Quân thuộc hộ nghèo ở địa phương, không có ruộng vườn, không đất đai, căn nhà lá chừng 20m2 mà hai bà cháu Quân đang tá túc được cất tạm trên đất của một người bà con xa.

Hôm chúng tôi ghé nhà của hai bà cháu Quân ở, nói là căn nhà, nhưng thực ra là căn chòi tạm bợ, trống trước, hụt sau, bên trên dột hết, ở dưới nền nhà nham nhở đất bùn, bốc lên mùi tanh tanh. Trong nhà không có một thứ đồ dùng gì giá trị được trăm ngàn đồng. Mấy năm gần đây bà ngoại của Quân yếu dần, nên Quân trở thành người trụ cột gia đình.

Sau mỗi giờ học, Quân tranh thủ làm thêm như đào đất, phụ hồ... để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo cho bà ngoại.
Sau mỗi giờ học, Quân tranh thủ làm thêm như đào đất, phụ hồ... để kiếm tiền trang trải cuộc sống và lo cho bà ngoại.

Tiếp xúc với phóng viên bà Nguyễn Thị Trạng, bà ngoại của Quân cho biết: "Quân là đứa cháu ngoan, lễ phép lại chịu khó. Thời gian học cấp hai, cấp ba, một buổi Quân đi học còn một buổi làm thuê để có tiền lo cho bản thân ăn học và phụ giúp ngoại. Có những hôm thấy cháu mệt mỏi quá, tôi khuyên cháu hay là nghỉ học, nhưng Quân không chịu. Nó nói chỉ có học mới thoát được nghèo".

“Thời gian gần đây, sức khỏe của tôi yếu dần, thằng Quân nó phải chạy vạy khắp nơi để lo trang trải cuộc sống cho hai bà cháu. Nhiều hôm nó đi làm phụ hồ về mệt lả người nhưng vẫn thức học bài đến 2-3 giờ sáng. Nhìn cháu khổ sở mà buốt lòng nhưng tôi không còn cách nào khác cô ạ...” - bà Trạng nghẹn ngào.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, thầy Trần Quốc Thi, giáo viên chủ nhiệm của Quân năm lớp 12 cho biết: "Con đường từ nhà Quân đến trường gần chục km, không kể trời nắng hay ngày mưa, với chiếc xe đạp cũ kỹ, Quân vẫn kiên trì đến trường. Nhưng đến học kỳ 1 của năm lớp 12, sức học của Quân sa sút nên tôi mới tìm hiểu thì phát hiện, Quân không những phải tự bươn chải để lo cho bản thân mà còn phải lo cho cả bà ngoại và cha của em đang bệnh nặng".

Thầy Thi cũng cho biết thêm: Sau khi phát hiện em Quân phải chịu nhiều khó khăn bất hạnh như thế, nhà trường đã tìm cách giúp đỡ em như miễn giảm học phí, hỗ trợ tiền mua sách vở… Đến học kỳ 2 của năm lớp 12 thì em phấn đấu trở thành học sinh khá và đậu Đại học Cần Thơ ngành Công nghệ thông tin với số điểm 23,25.

“Em Quân đậu đại học là nhờ có một nghị lực phi thường, sức phấn đấu không hề mệt mỏi. Tuy nhiên con đường phía trước còn dài, 4 năm đại học còn nhiều khó khăn. Năm học mới đã bắt đầu nhưng em chưa có tiền đóng phí, tiền sinh hoạt, tiền mua sách vở… thế nên mọi sự giúp đỡ đối với em trong thời gian này là vô cùng cần thiết, nó là động lực giúp Quân vững tin hơn trong cuộc sống đời thường” - thầy Trần Bá Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Tân Long (Hậu Giang) nói.