Công tử Hà thành làm lính đảo Trường Sa
16:26 13/02/2014 3024
Nhịp sống trẻ Trở về nước sau 7 năm du học, Đức quyết định viết đơn lên đường nhập ngũ, trở thành chiến sĩ canh giữ đảo Trường Sa.
Ra Trường Sa Lớn hơn một tháng, Nguyễn Quốc Đức (Cầu Giấy, Hà Nội) đen sạm vì nắng gió nhưng rắn rỏi hơn trong trang phục của người lính hải quân. Vừa ăn Tết xong, tân binh 19 tuổi và đồng đội bước ngay vào kỳ huấn luyện đầu năm.
Đây là lần đầu chàng trai Hà Nội ăn Tết ngoài đảo nên rất hào hứng. Tết về, cả đơn vị nhộn nhịp thi làm cỗ, rồi chấm xem cỗ của đội nào đẹp nhất. Đức và các chiến sĩ mới được giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa, tìm những cành cây đẹp để gắn hoa nhựa làm cành đào đón xuân. Chàng trai còn tham gia gói bánh chưng. "Lần đầu tiên trong đời em gói bánh chưng nhưng cũng gói được 10 cái rất đẹp và vuông vắn nhé", chàng binh nhì khoe.
Đây là lần đầu chàng trai Hà Nội ăn Tết ngoài đảo nên rất hào hứng. Tết về, cả đơn vị nhộn nhịp thi làm cỗ, rồi chấm xem cỗ của đội nào đẹp nhất. Đức và các chiến sĩ mới được giao nhiệm vụ dọn dẹp nhà cửa, tìm những cành cây đẹp để gắn hoa nhựa làm cành đào đón xuân. Chàng trai còn tham gia gói bánh chưng. "Lần đầu tiên trong đời em gói bánh chưng nhưng cũng gói được 10 cái rất đẹp và vuông vắn nhé", chàng binh nhì khoe.
Nguyễn Quốc Đức (ngoài cùng, bên trái) cùng đồng đội trên con tàu đến với Trường Sa. Ảnh: Quang Trường. |
Đức từng du học ở New Zealand và Australia 7 năm. "Sinh ra trong gia đình làm kinh doanh có điều kiện, từ nhỏ em được cưng chiều lắm, đòi hỏi gì đều được bố mẹ đáp ứng hết. Nguyện vọng đi học nước ngoài cũng do em quyết định", chàng binh nhì chia sẻ. Năm 2006, nghe người bạn bố mẹ kể chuyện con trai du học bên New Zealand, Đức thích quá liền đòi bố mẹ cho đi. 6 năm học sinh giỏi cùng vốn kiến thức vững chắc về ngoại ngữ khiến cậu bé 11 tuổi đủ tự tin đặt chân sang xứ người.
Thích đi du lịch, mỗi năm cậu chuyển một trường ở các thành phố khác nhau. Quãng thời gian 5 năm ở New Zealand và 2 năm ở Australia mang đến cho chàng trai những trải nghiệm thú vị. Vừa đi học, vừa đi du lịch, Đức vẫn giữ thành tích học tập khá tốt, còn nhận được giấy khen của trường. Sau đó, cậu học hành sa sút dần vào những năm cuối cấp. Được gia đình chu cấp đầy đủ, lại đang tuổi ăn, tuổi chơi nên Đức lơ là học tập.
Đầu năm 2013, Đức quyết định trở về nước và phụ giúp gia đình công việc kinh doanh. Cậu tham gia một khóa huấn luyện "Học kỳ quân đội" ở Thái Nguyên. Khi khoác lên mình bộ quần áo chiến sĩ và thực hiện chế độ sinh hoạt như trong môi trường quân đội, trong đầu chàng trai nhen nhóm ý định theo nghiệp nhà binh.
Trở về nhà, Đức trình bày nguyện vọng với gia đình xin cho lên đường nhập ngũ. Bố mẹ thương, không muốn cho đi lính vì sợ con trai vất vả. Đức cố gắng thuyết phục và nộp đơn lên phường xin gia nhập quân ngũ.
Chàng trai Hà Nội trước khi làm lính đảo Trường Sa. Ảnh: NVCC. |
Tháng 9/2013, Đức lên đường nhập ngũ. Trước khi ra Trường Sa, cậu được đưa vào Cam Ranh huấn luyện 3 tháng. "Những ngày tham gia học kỳ quân đội, em biết mình chỉ đi ít ngày rồi lại về nhà, bây giờ ở quân ngũ khác hẳn. Ba tháng tân binh là quãng thời gian làm thay đổi con người em nhiều nhất, từ lời nói đến hành động và suy nghĩ. Em được gặp những người mà mình chưa bao giờ nghĩ sẽ tiếp xúc, làm những việc chưa bao giờ làm", cậu tâm sự về những ngày ở Tiểu đoàn 453, Lữ đoàn 957, Vùng 4 Hải quân.
Ở nhà quen ăn sung mặc sướng, vào quân ngũ phải dậy đúng giờ, học điều lệnh, đội ngũ, tăng gia sản xuất, chàng công tử Hà thành không quen. Nhưng rồi sự nhiệt tình của đồng đội làm cho Đức bớt nhớ nhà và sống cởi mở hơn. Trải qua thời gian huấn luyện, việc gì cậu cũng làm được, duy nhất chuyện lấy phân để bón cây khiến Đức ngần ngại dù cố gắng làm. Biết chuyện, đồng đội lại giành lấy phần việc đó, nhường cậu trồng hoặc tưới rau.
"Khi ấy, em mới nhận ra được tình cảm bạn bè thực sự. Trong đơn vị, mọi vui buồn đều chia sẻ cho nhau nghe, lúc khó khăn còn được giúp đỡ, khác với nhiều người bạn trước của em, lúc vui họ mới đến", chàng trai trải lòng. Ngược lại, Đức giúp đỡ mọi người học các bài chính trị được giao. Trong trung đội, cậu được biểu dương hai lần về thành tích bắn súng giỏi và học tập xuất sắc.
Kết thúc ba tháng tân binh, Đức được gặp gia đình trước khi lên tàu đến với Trường Sa. Nhìn con trai nước da đen bóng khệ nệ xách đồ giúp mẹ, bà Trần Thị Quyên chỉ biết ứa nước mắt vì xót con. Bà ngỡ ngàng hơn khi đi mua đồ cho Đức mang ra đảo, cậu con trai mang đổi chiếc áo trị giá 120.000 đồng lấy chiếc áo phông 25.000 đồng. Cậu chỉ cười, bảo đồng đội dùng đồ thế nào thì mình cũng như thế. Khác hẳn lúc ở nhà, bao giờ cậu cũng chỉ mặc quần áo hàng hiệu.
Đức (bên trái) cùng đồng đội khi còn huấn luyện tân binh ở Vùng 4 Hải quân. Ảnh: NVCC. |
Một tuần lênh đênh trên con tàu HQ 571 đến với Trường Sa, Đức là người yếu nhất nhưng lại ít bị say sóng nhất. Lần đầu tiên đặt chân đến Trường Sa, nơi mà trước đó chỉ biết qua sách báo, Đức hồi hộp không ngủ được.
Đêm đi gác đầu tiên trên đảo khiến chàng trai Hà Nội nhớ mãi: "Một mình đứng gác từ 2h đến 3h30 sáng, em có cảm giác là lạ thế nào ấy, khó diễn tả lắm. Gió biển lạnh mà trong người cứ nóng ran. Tay bồng súng trước ngực thấy mình lớn hẳn lên, trách nhiệm lớn lao và thiêng liêng lắm". Giây phút ấy, cậu nghe rõ tiếng sóng, cảm nhận được vị mặn mòi của gió biển Trường Sa. Đất liền ở rất xa, nỗi nhớ nhà lại dâng lên trong lòng người lính biển.
Nói về dự định tương lai, Đức mong sau khi hoàn thành 18 tháng nghĩa vụ ngoài Trường Sa sẽ được phục vụ tiếp trong môi trường quân đội. Biết được nguyện vọng đó, bố mẹ cậu hết sức ủng hộ. Đêm giao thừa gọi điện chúc Tết con trai, bà Quyên xúc động khi nghe Đức nói: "Mẹ ơi, cuộc sống của con giờ đây không còn vô bổ như trước nữa, từng giờ từng phút với con đều rất quý giá. Những việc bình thường đang làm hàng ngày con cũng thấy nó trở nên ý nghĩa. Sự thay đổi đó không phải tiền bạc nào cũng mua được".
Trung úy Hoàng Anh Tuấn, Phân đội trưởng Phân đội pháo phòng không 37, đảo Trường Sa Lớn, chỉ huy của Đức, cho biết: "Dù sống ở nước ngoài nhiều năm, gia đình lại có điều kiện nhưng Đức không hề có biểu hiện công tử mà rất gần gũi với đồng đội. Mấy hôm nay, Đức buồn vì bà nội mất mà không thể về chịu tang, anh em ở ngoài này động viên nên cậu ấy cũng dần nguôi ngoai".
Nhắc lại những tháng năm đi du học, Đức bảo thấy luyến tiếc công sức, tiền của bố mẹ bỏ ra. Tiếc những cơ hội mà mình để vuột mất. Tiếc cả vốn tiếng Anh rèn luyện trong nhiều năm trời. "Nhưng vào quân đội, trở thành người lính hải quân là bước ngoặt cuộc đời khiến em thực sự trưởng thành hơn", Đức nói.