Cô sinh viên khuyết tật học giỏi, ham hoạt động xã hội
14:02 07/02/2014 2049
Nhịp sống trẻ Dù phải di chuyển bằng xe lăn nhưng cô học trò quê Ninh Thuận (Phan Thị Rát) liên tục là học sinh giỏi từ tiểu học cho đến năm ba Đại học. Đặc biệt, cô rất say mê các hoạt động xã hội, thích đi khắp mọi nơi...
Từ cô sinh viên nhút nhát…
Phan Thị Rát sinh năm 1990, hiện là sinh viên năm 4 Đại học Mở TPHCM. Nhà Rát có 4 chị em thì 3 cô con gái đầu đều bị chứng bệnh rất lạ từ lúc mới 3, 4 tuổi.
Sinh ra khỏe mạnh, nhưng cứ đến độ tuổi đã biết chạy nhảy rồi thì dần dần cơ thể yếu dần đi, tay chân teo tóp lại. Cha ruột của Rát cũng mang dị tật giống như các con khi bước vào tuổi 11.
Cũng như các chị, đến năm 4 tuổi, các ngón tay của Rát bắt đầu co quắp, chân teo tóp lại và dần dần các ngón chân không thể cử động được.
Phan Thị Rát sinh năm 1990, hiện là sinh viên năm 4 Đại học Mở TPHCM. Nhà Rát có 4 chị em thì 3 cô con gái đầu đều bị chứng bệnh rất lạ từ lúc mới 3, 4 tuổi.
Sinh ra khỏe mạnh, nhưng cứ đến độ tuổi đã biết chạy nhảy rồi thì dần dần cơ thể yếu dần đi, tay chân teo tóp lại. Cha ruột của Rát cũng mang dị tật giống như các con khi bước vào tuổi 11.
Cũng như các chị, đến năm 4 tuổi, các ngón tay của Rát bắt đầu co quắp, chân teo tóp lại và dần dần các ngón chân không thể cử động được.
Rát từng là cô bé nhút nhát, tự ti vì khuyết tật của mình. |
Ban đầu, Rát chỉ bước đi khập khiễng thôi, nhưng đến bây giờ thì tay chân Rát càng ngày càng yếu đi, phải di chuyển bằng cách dùng tay nhấc từng bàn chân một. Rát nói như một điều hiển nhiên: “Rồi tương lai, mình sẽ còn bị nặng hơn nữa”…
Với khuyết tật của mình, tập viết là một cực hình đối với Rá, do các ngón tay đều co quắp lại nên cầm bút rất khó. Bị bạn bè trêu chọc, có lúc Rát nản lòng, muốn từ bỏ việc viết chữ.
Thế nhưng, chính tình yêu thương dành cho cha mẹ đã giúp em có được nghị lực, ý chí tự động viên mình vượt qua nghịch cảnh. Rát tâm sự: “Đã bao lần em định tìm đến cái chết nhưng nhớ tới nụ cười của mẹ mỗi khi nhìn thành tích học tập của em thì em không muốn chết nữa và càng phấn đấu học tập cho mẹ vui”.
Nhờ quyết tâm ấy mà Rát liên tục đạt thành tích học sinh giỏi. Các chị gái và em trai của Rát lần lượt nghỉ học vì kinh tế gia đình quá khó khăn, chỉ có Rát được ưu tiên học lên Đại học nhờ có lực học giỏi nhất. Lên đại học, 3 năm liền Rát giữ vững điểm số trên 8.0.
Dù quyết tâm rất cao trong việc học tập nhưng Rát vẫn rất mặc cảm vì khuyết tật của mình. Sợ ánh mắt dòm ngó và sự chế giễu của mọi người nên Rát chỉ ở trong nhà, ngại tiếp xúc với người khác và không thích nhìn thẳng vào mắt người đối diện khi nói chuyện…
Rát nhận xét về mình: “Con người em trong thời tiểu học, trung học và phổ thông tóm lại trong hai từ “mặc cảm”. Bệnh mặc cảm sinh ra đủ chứng bệnh: thiếu tự tin, nhút nhát, hay cáu gắt và tuyệt đối không thích ai nhắc đến sự khuyết tật của mình”.
Đến nữ thủ lĩnh năng động
Với bản tính nhút nhát của mình, những ngày đầu đi học xa nhà là 1 thử thách đối với Rát. Cô kể: “Vào thành phố học, thời gian đầu em khủng hoảng tinh thần rất nhiều.
Xa gia đình, xa bạn bè thân, một mình nơi khách lạ quê người, phải tự lo mọi thứ sinh hoạt bằng chiếc xe lăn. Vì tính nhút nhát, sợ làm phiền người khác nên mọi việc em đều tự làm lấy và rất khó khăn”.
Nhưng đến nay, khi bước vào năm thứ 4 trên giảng đường đại học, cô sinh viên khuyết tật Phan Thị Rát tự tin bảo: “Hình ảnh cô bé hay khóc, mắt không dám nhìn thẳng vào người đối diện giờ không còn hiện hữu trong em.
Đó là quá khứ. Em giờ đây hay cười, hay đi chơi, hay hoạt động xã hội. Em rất thích câu nói của một người mà em không nhớ rõ tên: “Khuyết tật không phải là bất hạnh, mà đó chỉ là sự bất tiện”.
Hiện Rát không chỉ biết cắm cúi vào việc học để đạt học lực giỏi mà cô sinh viên khuyết tật này còn rất “máu me” với các hoạt động xã hội. Năm nào Rát cũng tham gia chiến dịch Mùa hè xanh do Thành đoàn TPHCM tổ chức.
Ở trường, Rát là thành viên của Câu lạc bộ Sách nói (CLB nhằm đưa sách đến với những người khiếm thị thông qua âm thanh). Ngoài xã hội, Rát là nhóm trưởng nhóm Đột Phá (nhóm các bạn thanh niên khuyết tật có năng lực và muốn thay đổi cuộc đời) thuộc Trung tâm Khuyết tật & Phát triển (DRD).
Trong bất cứ hoạt động nào, Rát luôn là người năng nổ, sôi nổi, gắn kết mọi người. Rát cũng chẳng ngần ngại khi đẩy chiếc xe lăn lên sân khấu làm MC trước hàng trăm quan khách…
Ngoài ra, một sở thích đặc biệt nữa của Rát là đi du lịch khắp mọi nơi. Mặc dù việc đi lại gặp nhiều khó khăn nhưng Rát vẫn rất muốn được đi tham quan, đi chơi nhiều nơi để biết đó đây.
Rát đã từng trải nghiệm xe lửa, đi khu du lịch Bửu Long ở Đồng Nai, lên tòa nhà Bitexco cao nhất thành phố để nhìn mọi vật dưới tầm mắt mình, đến khu du lịch thác Giang Điền…
Nhân ngày quốc tế Người khuyết tật (3/12) năm 2013 vừa qua, Rát được bình chọn là một trong 12 tấm gương người khuyết tật tiêu biểu nhất Việt Nam vì ý chí vượt khó và tinh thần hoạt động xã hội của mình.
Hỏi về sự thay đổi của em, Rát kể: “Từ năm nhất em được nhận học bổng người bạn đồng hành của DRD. Trong điều kiện nhận học bổng, hàng tháng em sẽ phải đi dạy kèm một hoặc nhiều trẻ khuyết tật không có điều kiện đến trường.
Học trò đầu tiên của em là một nhóm khoảng sáu trẻ. Mới đầu em rất ái ngại và lo mình sẽ dạy các em như thế nào đây khi mà em vốn nhút nhát.
Nhưng nhìn nét mặt ngây thơ của các em, các em cũng không dè bỉu sự khuyết tật của mình, em tự tin lên rất nhiều. Tiếp xúc với các em mới biết mỗi em là mỗi hoàn cảnh. Em thì bị bố mẹ bỏ rơi vì khuyết tật, em thì mồ côi…
Nhìn thấy các em say sưa học bài và miệng tươi cười ngây ngô, em không sao cầm được nước mắt. Em cảm thấy mình còn may mắn hơn các em nhiều lắm. Từ dạo đó, em nói cười và mạnh dạn lên rất nhiều, chủ động hơn trước. Và dần dần em thay đổi lúc nào không biết…”.