Cô học trò 8 năm liền cõng bạn tới trường

23:23 05/10/2016     1903

Nhịp sống trẻ   “Bất cứ lúc nào em cũng sẵn sàng ở bên Mai Gái, cõng bạn tới những nơi bạn muốn. Mai Gái không may khuyết tật đôi chân nên em muốn làm đôi chân cho bạn ấy...” – đó là những lời tâm sự của em Nguyễn Thúy Nga (học sinh lớp 9A1, trường THCS Cát Hải, xã Cát Hải, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định).
Vui vì được giúp bạn

Chúng tôi tìm đến trường THCS Cát Hải vào giữa buổi khi học sinh trong trường đang nghỉ giải lao. Trong khi các bạn đang vui đùa thì em Nguyễn Thúy Nga lặng lẽ cõng bạn học cùng lớp Nguyễn Thị Mai Gái ra ghế đá ngồi trò chuyện dưới bóng phượng già ở góc trường.

Nga kể: “Nhà em ở cùng thôn với nhà bạn Mai Gái nhưng đứa đầu thôn đứa cuối thôn. Hồi còn nhỏ cũng không chơi với nhau, đến khi cắp sách tới trường, học cùng lớp, tụi em mới biết nhau. Đi học được một tuần, thấy bạn ấy ngồi một mình, chẳng ai trò chuyện nên em lại nói chuyện.

Bạn ấy kể về đôi chân tật nguyền của mình, hàng ngày đi học nhưng bố mẹ phải đưa đón rất vất vả. Nghe bạn ấy nói vậy, em liền ngỏ ý hàng ngày đến cõng Mai Gái đến trường vì dù sao trên đường đến trường, em cũng phải ngang qua nhà bạn ấy”.


g
Suốt 8 năm trời, Nga trở thành đôi chân để Mai Gái đến trường

Nghe Nga nói vậy, Mai Gái xúc động: “Hồi mới đi học, mỗi lúc ra chơi em đều rất buồn vì không thể chạy nhảy chơi đùa hồn nhiên như các bạn. Lúc ấy, bạn Nga tới ngỏ ý muốn cõng em ra sân chơi cùng nhưng em ngại nên không nhận lời. Sau khi trò chuyện với nhau một lúc, em mới đồng ý để Nga cõng ra sân. Kết thúc buổi học, Nga cõng em ra cổng trường cho mẹ chở về”.

Sau buổi học hôm ấy, cô học trò mới học lớp 1 về nhà thưa với bố mẹ xin được ngày ngày cõng bạn đến trường. Thấy con gái làm việc tốt, giúp đỡ bạn tật nguyền nên bố mẹ Nga gật đầu đồng ý. Từ đó, ngày nào Nga cũng đến nhà cõng bạn, bố mẹ Mai Gái không phải đưa đón nữa.

Có những hôm mưa gió, bố mẹ chở Mai Gái đến trường thì Nga đợi sẵn ở cổng để cõng bạn vào lớp. Không những thế, thời gian ở trường, mọi sinh hoạt cá nhân của Mai Gái đều được Nga nhiệt tình giúp đỡ.

Mai Gái tâm sự: “Hồi học cấp 1, nhà em cách trường hơn 1 cây số nhưng hàng ngày Nga đều đến nhà cõng em đến lớp. Lên cấp 2, nhà cách trường tới hơn 4 cây số nhưng bạn ấy cũng không ngại cõng em đến lớp. Có hôm nhìn bạn ấy cõng em mồ hôi nhễ nhại, em xúc động không nói nên lời. Vào lớp học mà mắt cứ nhìn chăm chú vào bạn ấy, còn bạn ấy lúc nào cũng nở nụ cười thân thiện, đầy trìu mến”.

Trong suốt cuộc trò chuyện, Nga tỏ ra rất vui và không chút nản lòng khi hơn 8 năm qua vẫn tình nguyện cõng bạn đi học. “Những ngày đầu vào cấp 2, có một số bạn chọc Mai Gái, sau đó em thưa thầy và khuyên các bạn đừng chọc bạn ấy nữa. Khi thầy cô kiểm tra bài cũ thì em đem vở của Mai Gái lên vì bạn không đi lại được, có bài nào Mai Gái không hiểu thì em chỉ lại cho bạn. Em rất vui vì đã giúp đỡ được Mai Gái những việc nhỏ như thế”, Nga vui vẻ cho biết.

Lặng lẽ bên bạn, cùng giúp bạn học tập và kết quả là cả Nga và Mai Gái đều là học sinh khá của lớp. Cô Phan Thị Chuyên, giáo viên chủ nhiệm lớp cho biết: “Từ cấp dưới, tôi đã được nghe về hành động đẹp của em Nga và nghị lực của em Mai Gái. Đầu năm học, nhận chủ nhiệm lớp của hai em, tôi và các bạn trong lớp động viên, chia sẻ giúp Nga và Mai Gái cùng nhau cố gắng, học tập tốt.

Ở lớp, hai em ngồi cùng bàn đầu tiên. Những ngày Nga vắng, các bạn trong lớp thay nhau giúp Mai Gái đến trường. Hành động của Nga làm nhà trường, các bậc phụ huynh cảm động, xứng đáng là tấm gương cho các bạn noi theo”.

Thầy Võ Kế Chiến, Hiệu trưởng Trường THCS Cát Hải bảo với chúng tôi rằng có lẽ trong suốt cuộc đời đi dạy của thầy không bao giờ quên buổi sáng đầu tiên của năm học 2013 - 2014.

“Buổi sáng đầu tiên của năm học 2013 - 2014, tôi đến trường rất sớm. Tôi đứng ở hành lang nhìn ra cổng trường thì thấy một học sinh nữ cõng một học sinh khác trên lưng đi thẳng vào lớp học. Lúc đầu cứ tưởng học sinh trêu đùa với nhau, sau mới biết là Ngã cõng Mai Gái đến lớp từ lớp 1 đến khi lên cấp 2. Từ đó, tôi thường khen ngợi và nêu tấm gương tốt về Nga cho các học sinh trong trường”, thầy Chiến cho biết.




f
Hai cô học trò Nga và Mai Gái có một tình bạn rất đẹp

Sẻ chia nỗi đau số phận

Theo tìm hiểu, Mai Gái là con đầu trong gia đình có 4 chị em. Lúc mới sinh ra, đôi chân của em đã bị khuyết tật bẩm sinh không đi lại được, suốt ngày chỉ ngồi một chỗ. Mọi sinh hoạt ở nhà đều phải nhờ đến bố mẹ và bà ngoại.

“Em không được đi chơi như những bạn cùng trang lứa. Điều đó khiến em chán nản lắm còn bố mẹ thì lo làm để có tiền trang trải cho gia đình nên cũng không có điều kiện để đưa em ra ngoài chơi. Hoàn cảnh em như vậy riết rồi cũng quen, nên chỉ muốn ở nhà suốt ngày, không muốn đi đâu cả”, Mai Gái tâm sự.

Thời gian cứ trôi, ngày đầu tiên đi học lớp 1, cô học trò bé nhỏ, tật nguyền đã trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc vui buồn lẫn lộn. Đó là sự bỡ ngỡ xen lẫn hứng khởi khi ngày đầu tiên được cắp sách tới trường.

Tuy nhiên, niềm hân hoan ấy kéo dài chưa được bao lâu thì em đã phải đón nhận những cái nhìn kỳ thị từ bạn bè, thậm chí cả một số phụ huynh đưa con em tới trường cũng nhìn Gái với ánh mắt không mấy thiện cảm. Lúc đó, Gái gần như suy sụp hẳn. “Lúc đó, em chỉ biết ôm mẹ khóc và liên tục bảo mẹ chở về. Mẹ đã động viên, an ủi em rất nhiều em mới chịu vào lớp học tiếp”, Mai Gái kể.

Cũng như Mai Gái, Nga là chị cả trong gia đình có 2 chị em. Hoàn cảnh nhà Nga khá khó khăn, cha mẹ em đều là nông dân, quanh năm bán mặt cho đất bán lưng cho trời và cũng phải xoay xở rất vất vả để lo cho chị em Nga ăn học. Lúc rảnh, mẹ em lại đẩy xe nước mía ra đầu đường bán kiếm thêm tiền lo cho bữa ăn hằng ngày.

“Tuy cuộc sống gia đình không mấy khá giả, chúng tôi phải rất cố gắng mới lo được cho các con ăn học, nhưng thấy cháu Nga học giỏi và hay giúp đỡ người khác, đặc biệt là cõng bạn đi học được mọi người khen nên tôi rất vui và tự hào”, chị Nông Thị Xuân Thiết (SN 1977, ở thôn Chánh Oai, xã Cát Hải, mẹ của Nga) cho biết.

Trò chuyện với chúng tôi, chị Mai Thị Lạc (SN 1978, mẹ của Mai Gái) cảm động: “Có được người bạn tốt như Nga là hạnh phúc, niềm vui của con gái tôi. Con bé thiệt thòi, khiếm khuyết cơ thể nhưng nó luôn cố gắng học tập.

Thương con, ngày ngày chúng tôi động viên con bỏ qua mặc cảm để đến lớp. Có người bạn như Nga, con tôi đến trường cũng an tâm hơn. Một lời cảm ơn không thể nào nói hết được những gì mà bé Nga đã giúp đỡ con tôi”.

Theo lời chị Lạc, mỗi lần nhìn Nga cõng Mai Gái là mỗi lần chị rơi nước mắt. Thương con, cảm phục trước tình cảm của đôi bạn, chị Lạc thấy con gái mình thật may mắn khi có người bạn tốt. Lúc không đến lớp, Nga vẫn hay qua nhà giúp bạn học tập và trò chuyện để Mai Gái bớt tủi thân, mặc cảm. Những lúc Mai Gái đau ốm, Nga đều chép bài đầy đủ cho bạn để bạn theo kịp với bạn bè.

Thời gian gần đây, dành dụm được ít tiền, vợ chồng chị Lạc mua được chiếc xe máy nên dành thời gian đưa đón con đến trường, Nga lại tranh thủ đi sớm để đợi ở cổng, cõng bạn vào lớp. “Dù đỡ vất vả hơn trước nhưng lúc nào em cũng sẵn sàng ở bên Mai Gái, để cõng bạn tới những nơi mà bạn muốn. Mai Gái không may khuyết tật đôi chân nên em muốn làm đôi chân cho bạn ấy”, Nga chia sẻ.

Thầy Võ Kế Chiến cho biết: “Nhà trường tạo mọi điều kiện, động viên hai em Nga và Mai Gái đồng hành cùng nhau trong học tập. Thầy cô và bạn bè trong trường đều cảm phục trước nghĩa cử cao đẹp của Nga dành cho người bạn khuyết tật của mình.

Riêng tôi, tôi rất khâm phục tấm lòng của Nga đối với bạn. Hình ảnh về cô học trò có vóc dáng nhỏ nhắn nhưng lại có tấm lòng và tinh thần sẻ chia khó khăn với người khác sẽ mãi mãi in đậm trong tôi”.