Cô gái tâm huyết với những sản phẩm gốm truyền thống
22:22 30/11/2016 1443
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Mỗi sản phẩm sáng tạo là linh hồn của người nghệ sỹ nên mình hy vọng qua những thiết kế mới mẻ, trẻ trung sẽ truyền cảm hứng đến những người trẻ.
Năng động, khao khát được thể hiện bản thân ở nhiều lĩnh vực khác nhau, Nguyễn Phúc Tú Anh (sinh năm 1992, cựu sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp) đã mở cửa hàng kinh doanh gốm, dạy vẽ tranh…
Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật, hội họa khi bố Tú Anh là bác sĩ, còn mẹ là giáo viên nhưng cô gái trẻ lại có niềm đam mê đặc biệt với ngành học này. Tú Anh cho rằng, đây là cơ hội để bản thân tự lập, có thêm nhiều trải nghiệm từ đó khẳng định sự trưởng thành của mình.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình không có truyền thống về nghệ thuật, hội họa khi bố Tú Anh là bác sĩ, còn mẹ là giáo viên nhưng cô gái trẻ lại có niềm đam mê đặc biệt với ngành học này. Tú Anh cho rằng, đây là cơ hội để bản thân tự lập, có thêm nhiều trải nghiệm từ đó khẳng định sự trưởng thành của mình.
Nguyễn Phúc Tú Anh giới thiệu các sản phẩm từ gốm |
Tú Anh chia sẻ: “Biết con gái yêu thích ngành học hội họa, không theo truyền thống của gia đình nhưng bố mẹ luôn rất tin tưởng và ủng hộ mình”. Những năm tháng trên giảng đường đại học, không chỉ khẳng định bản thân bằng kết quả học tập xuất sắc, Tú Anh còn rất tích cực, năng nổ với hoạt động Đoàn – Hội do nhà trường, khoa phát động. Cô gái trẻ từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch Hội sinh viên Trường Đại học Mỹ thuật, Ủy viên BCH Đoàn trường. Nhiều hoạt động tình nguyện từ vùng núi cao Tây Bắc đến những chương trình ở biên giới hải đảo đều đã ghi dấu chân tình nguyện của cô gái trẻ.
Trẻ trung, năng động, nhiệt tình, đó là những ấn tượng dễ dàng cảm nhận thấy ngay từ lần đầu tiên tiếp xúc với Nguyễn Phúc Tú Anh. Cô bạn hiện đang là học viên hệ Cao học của trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp, đồng thời là chủ của cửa hàng gốm nằm trên phố Đê La Thành (Hà Nội). Ngoài việc học trên lớp và kinh doanh ở cửa hàng, Tú Anh còn vẽ tranh, dạy ở một số trung tâm nghệ thuật và có tổ chức lớp học vẽ tại nhà. Thỉnh thoảng, cô cũng nhận một số thiết kế và tổ chức sự kiện.
Tú Anh kể: “Mình bắt đầu kinh doanh từ khi còn là học sinh nhưng thực sự đến khi trở thành sinh viên, mình mới suy nghĩ nghiêm túc hơn về công việc này. Công việc kinh doanh mình theo đuổi một phần là do sự yêu thích, một phần nữa là bởi muốn bản thân mình tự lập, tự bước ra khỏi vòng tay bao bọc của cha mẹ để có thêm nhiều trải nghiệm từ đó khẳng định sự trưởng thành của mình”.
Chia sẻ về những ngày đầu “lập nghiệp”, Tú Anh tâm sự: “Theo học một trường nghệ thuật và lập nghiệp một mình nên ban đầu, mình hoàn toàn không có một chút kiến thức căn bản nào về kinh doanh. Mình đã gặp rất nhiều khó khăn vì chưa am hiểu thị trường và tầm nhìn còn hạn chế. Không chỉ vậy, ban đầu, bố mình cũng phản ứng rất gay gắt bởi không muốn việc kiếm tiền ăn sâu vào con gái từ quá sớm, sẽ ảnh hưởng đến việc học hành”.
Tuy nhiên, ý chí thôi thúc cô gái trẻ phải quyết tâm làm bằng được. Giấu giếm bố mẹ, Tú Anh quyết tâm mở cửa hàng. “Sau một thời gian khai trương và mọi việc đi vào hoạt động ổn định, mình mới thành thật khai báo với bố mẹ. Thấy công việc tiến triển khá tốt và không gây ảnh hưởng gì tới việc học tập nên bố mẹ hiểu và đồng ý cho mình theo đuổi con đường kinh doanh”.
Cô chủ trẻ đã thử sức với khá nhiều các loại mặt hàng đa dạng, như làm đồ handmade, bán buôn nguyên nguyên liệu làm handmade. Hiện tại mặt hàng mũi nhọn Tú Anh đang kinh doanh là gốm và sản xuất các sản phẩm decor từ gốm.
Dù biết nắm bắt xu hướng thị trường nhưng tự nhận “bản năng nghệ sĩ” đã khiến Tú Anh có nhiều bài học nhớ đời trên con đường khởi nghiệp. “Bài học thì thực sự rất nhiều nhưng mình nhớ đời nhất là thời gian bắt đầu kinh doanh sản phẩm mới. Do chưa tìm hiểu kĩ thị trường nên mình gặp vấn đề trong việc cân đối giá cả. Kinh doanh mặt hàng mới chưa thể lường trước rủi ro nên em đã từng bị đàn anh "nhắc nhở" vì phá giá thị trường và cảnh báo về lượng hàng tồn. Mình bị “thua đậm” nhưng rất may có bạn bè giúp đỡ nên vực lại cũng khá nhanh”.
Trong cửa hàng nhỏ nằm sâu trong con ngõ 360/1 Đê La Thành (Hà Nội), những sản phẩm độc đáo do chính tay cô gái trẻ thiết kế luôn thu hút sự quan tâm của đông đảo bạn trẻ. Những chiếc gác bút xinh xắn, chiếc cốc uống nước với những họa tiết trẻ trung, bắt mắt là mặt hàng được sinh viên, học sinh ưa chuộng nhất. Nâng niu từng đứa con tinh thần của mình, Tú Anh kể: “Những thiết kế của mình thường bắt nguồn từ cảm hứng đến bất chợt và không “đụng” hàng. Mình thường thiết kế chúng dựa trên việc nắm bắt nhu cầu của các bạn trẻ hiện nay. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, cẩn trọng trong từng chi tiết nhỏ, kể cả việc chọn đất, nhiệt độ nung thích hợp…”.
Tâm huyết với những sản phẩm gốm truyền thống, Tú Anh cho rằng: “Mỗi sản phẩm sáng tạo là linh hồn của người nghệ sỹ nên mình hy vọng qua những thiết kế mới mẻ, trẻ trung sẽ truyền cảm hứng đến những người trẻ. Bên cạnh việc sáng tạo ra những sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu giới trẻ, mình cũng hay mày mò tìm những loại men mới, chất đất lạ, đưa những hoa văn truyền thống vào sản phẩm của mình”.