Chàng trai làm giàu bằng những câu chuyện văn hóa

01:09 28/04/2018     1458

Nhịp sống trẻ   Trong khi nông nghiệp công nghệ cao đang là sự lựa chọn của nhiều người, chàng trai người dân tộc K’ho K’brooke (SN 1990) lại trồng trọt, chăn nuôi theo hướng “thuận tự nhiên”, lấy việc kinh doanh đặc sản để quảng bá đưa văn hóa của người K’ho đến với mọi người.
Thay đổi nhận thức người dân

K’brooke là con cả trong gia đình thuần nông có 4 anh chị em ở thôn Lăng Kú, xã Gung Ré, huyện Di linh, Lâm Đồng. Lớn lên, K’brooke cũng như bao chàng trai của buôn làng ra thành phố nỗ lực học tập nuôi giấc mộng đổi đời.

Năm 2014, K’brooke tốt nghiệp ngành Quản lý đất đai của Đại học Tây Nguyên, sau đó đi làm cho Cty Cổ phần giải pháp công nghệ và trắc địa. Do đặc thù công việc K’brooke phải đi nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người. Và rồi K’brooke nhận ra mình đã đến độ “chín”, quyết định trở về làng khởi nghiệp.

Với 20 triệu đồng tiết kiệm được, K’brooke vận động gia đình, bạn bè góp vốn mua 70 con heo đen bản địa về nuôi. Lý giải chọn heo đen, K’brooke cho biết, ý tưởng này xuất phát từ nhu cầu tìm kiếm nguồn thịt sạch của thị trường.


j
K’brooke (thứ 2 từ trái sang) bên những sản phẩm truyền thống của người K’ho

Heo đen được người dân bản địa thuần hóa từ heo rừng, có sức đề kháng cao, ít dịch bệnh. Chúng được nuôi thả tự nhiên nên thịt chắc ngon, người tiêu dùng rất thích, mua giá cao. Chi phí đầu tư nuôi heo thấp.

Sáng sớm K’brooke đưa đàn heo vào rừng cho ăn chuối rừng, măng tre, lá bép…, chiều đánh kẻng gọi heo về. Khoảng một năm, đàn heo của K’brooke lớn nhanh, khỏe mạnh và bắt đầu sinh sản nhiều. K’brooke bán bớt heo lấy vốn chăn nuôi thêm dê, gà. Chỉ sau hai năm quy mô trang trại chăn nuôi của K’brooke được mở rộng cho thu nhập trung bình hàng chục triệu đồng mỗi tháng.

K’brooke theo đuổi mục tiêu hướng đến nền nông nghiệp xanh, bền vững. “Vùng đất Di Linh nơi tôi sinh sống trước đây khí hậu quanh năm tươi mát, đất đai màu mỡ cho rẫy cà phê bạt ngàn, trù phú. Nhưng nay đất đai cằn cỗi, mùa khô đến thiếu nước trầm trọng, cây trồng chết héo.

Tất cả là do lối canh tác phản khoa học, lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học, chạy theo lợi nhuận của nhà nông. Bây giờ tôi muốn thay đổi phương thức canh tác, hướng mọi người đến với nền sản suất nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường”, K’brooke chia sẻ.

K’brooke chọn điểm xuất phát ngay chính từ vườn cà phê nhà mình. Khi K’brooke thuyết phục gia đình trồng xen cây muồng trong vườn cà phê, bố mẹ phản đối sợ cây cà phê bị ảnh hưởng. K’brooke thuyết phục gia đình dùng phân heo, phân dê bón cây cà phê thay phân hóa học họ cũng lắc đầu.

K’brooke kiên trì thuyết phục nhiều tháng trời, cuối cùng họ cũng nghe theo. Một thời gian sau, cây muồng lớn nhanh tỏa bóng mát cho vườn cà phê, mùa khô, vườn nhà K’brooke vẫn phủ một màu xanh rì. Thấy vậy, người dân thôn Lăng Kú kháo nhau làm theo. K’brooke cho biết, anh thấy mừng vì đã phần nào thay đổi được nhận thức của người dân.

Được đà xông lên, K’brooke hướng dẫn người dân trồng xen các loại cây ăn trái vào vườn cà phê, vừa có thêm nguồn thu vừa giữ được độ phì nhiêu của đất. Và hiện K’brooke đang hướng người dân đến việc xây dựng thương hiệu cà phê sạch của người K’ho.

Kinh doanh bằng… câu chuyện văn hóa

K’brooke luôn chú trọng đến công tác bảo tồn, lưu giữ văn hóa của người K’ho. “Tuổi thơ tôi gắn liền với văn hóa truyền thống của người K’ho, được mẹ địu trên lưng, được nghe tiếng cồng chiêng, được ăn các món truyền thống… Nhưng nay mọi thứ cứ nhạt nhòa theo cơn lốc thị trường trong xã hội hiện đại, nhiều lúc buồn lắm.

Tôi muốn lưu giữ lại những mỹ tục, tập quán của người K’ho, từ những món ăn dân dã đến công cụ lao động sản xuất và các sản phẩm đan lát, in đậm hoa văn truyền thống”, K’brooke chia sẻ.

K’brooke lập website koho.vn và facebook với tên gọi K’Ho Food để giới thiệu bán các đặc sản của người K’ho. Đến bất cứ nơi nào, K’brooke đều không quên khoác chiếc áo thổ cẩm và giới thiệu các sản phẩm truyền thống.

“Tôi xem việc kinh doanh đặc sản chỉ là một phương thức để đưa văn hóa của người K’ho đến gần hơn với bạn bè bốn phương. Điều tôi muốn hướng đến là phát triển du lịch cộng đồng, đi theo mô hình liên kết: sản xuất - chăn nuôi - văn hóa, tạo ra câu chuyện để bán câu chuyện chứ không chỉ bán sản phẩm”, K’brooke nói.

Theo K’brooke, thế mạnh của người K’ho là có một nền nông nghiệp truyền thống, tạo ra các sản phẩm sạch, chất lượng. Cộng đồng người K’ho thường có nhiều lễ hội như: mừng lúa mới, ăn trâu… hấp dẫn, nếu biết khai thác sẽ thu hút nhiều khách đến tham quan tìm hiểu. Khi du lịch phát triển sẽ có thêm nhiều việc làm và tạo nguồn thu nhập cho người dân.

Làm giàu từ “văn hóa” là cách bảo tồn lâu dài, bền vững mà K’brooke rút ra được sau 2 năm thực hiện mô hình. K’brooke đang xúc tiến thành lập tổ hợp tác chăn nuôi, tập hợp những thanh niên trong buôn cùng làm giàu trên chính quê hương, biến giấc mơ về làng K’ho ấm no, giàu bản sắc văn hóa trở thành sự thật.

 Mô hình phát triển kinh tế nông lâm kết hợp du lịch cộng đồng ở làng K’ho của K’brooke đã giành giải Ba cuộc thi Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp 2017 do Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp trường Đại học Đà Lạt tổ chức và lọt vào Vòng chung kết cuộc thi Sáng tạo khởi nghiệp 2017 do trung tâm hỗ trợ doanh nghiệp BSA tổ chức với quy mô toàn quốc.

K’brooke đang tham gia chương trình “Thách thức công nghệ nông nghiệp vùng Mekong” dành cho các dự án khởi nghiệp tại Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar, một mặt học hỏi kinh nghiệm, mặt khác tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược.

“Tôi xem việc kinh doanh đặc sản chỉ là một phương thức để đưa văn hóa của người K’ho đến gần hơn với bạn bè bốn phương. Điều tôi muốn hướng đến là phát triển du lịch cộng đồng, đi theo mô hình liên kết: sản xuất - chăn nuôi - văn hóa, tạo ra câu chuyện để bán câu chuyện chứ không chỉ bán sản phẩm”, K’brooke nói.