Chàng trai 9x với sáng chế “đèn giao thông thông minh”
09:23 10/02/2015 1213
Nhịp sống trẻ Trong một lần đi trên đường, Đạt chứng kiến một vụ tai nạn giao thông thảm thương vì tín hiệu đèn giao thông không ổn định. Từ đó, Đạt nung nấu ý tưởng thiết kế một hệ thống “đèn giao thông thông minh” nhằm hạn chế những nỗi đau không đáng có.
Em là Nguyễn Ngọc Đạt, học lớp 12A6, trường THPT Đào Duy Từ, thành phố Đồng Hới.
Thuở còn nhỏ, mỗi lần được mẹ chở đi học hay những lúc qua các ngã ba, ngã tư đường, Đạt thấy rất nhiều người bất chấp tín hiệu đèn giao thông và thường xuyên vi phạm giao thông nhưng ít bị cơ quan chức năng xử lí, và hơn nữa bản thân em cũng đã chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông rất thảm khốc. Từ đó, Đạt quyết tâm sáng chế một hệ thống “đèn giao thông thông minh”.
Em Nguyễn Ngọc Đạt chia sẻ về sản phẩm hệ thống đèn giao thông thông minh của mình |
Ước mơ sáng chế ra hệ thống “đèn giao thông thông minh” từ nhỏ, nhưng mãi cho đến năm lên lớp 12, ý tưởng bắt đầu mới lóe lên với Đạt. Đó là trong môn Công nghệ lớp 12 có bài học về đèn giao thông, tiết học đó thầy giáo yêu cầu mỗi học sinh phải xây dựng và thuyết trình về “Hệ thống giao thông ở nước ta”. Với ước mơ đã ấp ủ từ lâu nên trong bài thuyết trình của mình, Đạt được thầy giáo và cả lớp đánh giá rất cao.
Trò chuyện cùng chúng tôi, Đạt chia sẻ, hiện nay nhiều hệ thống đèn giao thông nhiều nơi ở nước ta hoạt động kém hiệu quả, có một số nút giao thông tín hiệu đèn rất nhỏ và thời gian chuyển từ đèn xanh sang đèn đỏ rất nhanh nên nhiều người đi đường không kịp xử lí, những lúc như vậy không ít người buộc phải phanh gấp và xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm.
Tuy nhiên, để làm được một sản phẩm như ý tưởng ban đầu là rất khó, bởi từ trước tới giờ, trên mỗi tiết học Vật lý hay Công nghệ thì học sinh cũng chỉ được tiếp thu lý thuyết chứ không có điều kiện để thực hành tại lớp.
Nhưng nhờ sự kiên trì và động viên của thầy cô cũng như bạn bè trong lớp, Đạt quyết không nản chí và luôn mơ sớm cho “ra lò” một hệ thống “đèn giao thông thông minh” nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông cho người đi đường.
Nếu hệ thống “đèn giao thông thông minh” của Đạt được đưa vào ứng dụng sẽ hạn chế nhiều vụ tai nạn giao thông không đáng có |
Đạt cho biết, những ngày đầu thực hiện ý tưởng của mình, do không có máy móc thiết bị nên em thường đi nhặt bóng đèn, đồ điện tử hay đồ chơi của trẻ em hư hỏng để về tận dụng.
Sản phẩm hệ thống “đèn giao thông thông minh” của Đạt gồm có đèn 7 đèn nhấp nháy liên tục chuyển từ xanh sang vàng, vàng đến đỏ theo một lập trình có sẵn, giúp người tham gia giao thông có thể điều tiết được tốc độ mỗi khi qua các nút giao thông. Ngoài ra, trên mỗi cột đèn, Đạt còn gắn thêm một hệ thống camera cảm biến, giúp chụp lại những hình ảnh về người tham gia giao thông vi phạm để giúp cho CSGT có thể xử lí nguội các trường hợp vi phạm.
Sau nhiều tháng ngày mày mò nghiên cứu cùng với sự giúp đỡ của thầy Hoàng Hà (giáo viên hướng dẫn sản phẩm “đèn giao thông thông minh” của em Đạt) sản phẩm “đèn giao thông thông minh” của em Nguyễn Ngọc Đạt đã đạt giải Nhất trong cuộc thi Khoa học Kĩ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Quảng Bình năm học 2014 – 2015 và là người vinh dự được đại diện cho tỉnh Quảng Bình tham gia cuộc thi Khoa học Kĩ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc sắp tới.
Sản phẩm “đèn giao thông thông minh” của em Nguyễn Ngọc Đạt đã đạt giải Nhất trong cuộc thi Khoa học Kĩ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Quảng Bình năm học 2014 – 2015.
Với sản phẩm này, ngoài sự ưu việt so với một số hệ thống đèn nhấp nháy liên tục và hệ thống camera cảm biến chỉ hoạt động khi chuyển qua đèn đỏ thì giá cả của sản phẩm này cũng rẻ so với đèn giao thông hiện tại.
Theo Đạt, hiện tại hệ thống xử lí trên nhiều cột đèn giao thông ở nước ta đang sử dụng bộ xử lí PLC có giá khoảng 10 triệu đồng, nhưng trong sản phẩm này sử dụng bộ xử lí IC nên có giá khoảng 2 triệu đồng và tiêu thụ rất ít điện năng nên nếu đưa vào ứng dụng sẽ tiết kiệm được một lượng lớn ngân sách nhà nước.
Thầy giáo Hoàng Hà cho hay: “ Sản phẩm “đèn giao thông thông minh” của em Đạt được mọi người đánh giá rất cao, vì trên sản phẩm ấy của em có thêm camera cảm biến, thay vì hoạt động 24/24 như các camera ở nhiều cột đèn thì camera của Đạt chỉ hoạt động mỗi khi có tín hiệu đèn đỏ nên cơ quan chức năng dễ phát hiện và xử lí hơn.
Ngoài ra, hệ thống đèn nhấp nháy và chạy liên tục tùy theo thời lượng chuyển tín hiệu đèn sẽ giúp người tham gia giao thông dễ nhận biết hơn khi qua các nút giao thông”.
Cũng theo thầy Hà, nếu sản phẩm được đưa vào ứng dụng trên thực tế thì sẽ rất khả quan. Tuy nhiên, với điều kiện còn hạn chế nên trong sản phẩm “đèn giao thông thông minh” của em Đạt cũng cần phải tính toán một cách kỹ lưỡng hơn về các thông số kĩ thuật.
Tweet