Bùi Thị Thương- Cô học trò nhỏ Đam mê nghiên cứu khoa Học.

08:48 20/05/2014     2825

Nhịp sống trẻ   Web.ĐTN: Với dự án “Chế tạo keo dán đa năng kỵ nước từ xốp phế thải - Ứng dụng chế tạo vật liệu mới từ rơm, rạ”, Bùi Thị Thương (lớp 12A1 - Trường THPT Minh Hà, thị xã Quảng Yên) đã gây ấn tượng trong cuộc thi sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học năm học 2013-2014.
Cô bé thông minh đã đoạt giải ba toàn cuộc và giải nhì lĩnh vực hoá học hữu cơ và được tuyên dương cá nhân có thành tích xuất sắc trong hoạt động khoa học công nghệ tại Festival tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Quảng Ninh năm 2014.
Bùi Thị Thương chụp tại Trung tâm tổ chức Hội nghị tỉnh, trong dịp tuyên dương Festival tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Quảng Ninh lần thứ III năm 2014.
Bùi Thị Thương chụp tại Trung tâm tổ chức Hội nghị tỉnh, trong dịp tuyên dương Festival tuổi trẻ sáng tạo tỉnh Quảng Ninh lần thứ III năm 2014.

Sinh ra trong một gia đình hiếu học tại phường Phong Cốc – thị xã Quảng Yên, ngay từ nhỏ Bùi Thị Thương đã đam mê, tìm đọc những cuốn sách về khoa học. Hai môn học được Thương yêu thích nhất là Môn Hóa Học và Vật lý, những vật tưởng chừng như vô tri trong cuộc sống nhưng dưới bàn tay Thương khi kết hợp lại theo đúng thành phần tỷ lệ lại trở lên biến đổi lạ thường phục vụ hữu ích cho cuộc sống. Tìm hiểu về lý do nghiên cứu dự án “Chế tạo keo dán đa năng kỵ nước từ xốp phế thải” Thương chia sẻ: Hàng ngày, khi đi học hay đi chơi nhìn thấy một lượng lớn xốp, phao hỏng người dân thải ra đường, ao hồ… gây ô nhiễm đến môi trường, ảnh hưởng xấu đến cảnh quan quê hương, em đã nảy sinh ra ý tưởng biến đổi rác thải để phục vụ cuộc sống. Sau một thời gian nghiên cứu, dưới sự hỗ trợ chuyên môn của các thầy cô giáo trong trường, Thương đã đề ra giải pháp sản xuất keo dán kỵ nước từ xốp phế thải phục vụ cho sản xuất đồ dùng gỗ, ngành nhôm kính, sử dụng trong sinh hoạt của các hộ dân. Thương cho biết: “Để tạo nên chất keo dán kỵ nước này, em đã sử dụng nguyên liệu đơn giản, dễ tìm, giá thành rẻ là chất axeton, n-butylaxetate, phao xốp (vỏ đựng hộp xôi). Sau đó, em trộn hoá chất vào phao xốp theo tỉ lệ đã được nghiên cứu sẵn, đến khi nào thấy tạo dung dịch keo nhớt mịn có độ sánh là dùng được”. Keo sản xuất có độ kết dính cao các vật liệu như gỗ, giấy (1 phút 30 giây), gỗ (3 giờ), thuỷ tinh, nhựa... Giá thành rẻ hơn so với 1kg keo thông dụng bán trên thị trường (keo dán thuỷ tinh, giấy hoặc nhựa giá từ 50.000 đồng/kg trở lên).

Cũng xuất phát từ việc sau mỗi vụ gặt, rơm, rạ không được người dân sử dụng đến bị bỏ ra đường không chỉ gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường mà còn gây khó khăn cho việc đi lại, thậm chí dẫn đến tai nạn giao thông cho người đi đường. Bằng những kiến thức học được từ nhà trường Bùi Thị Thương đã nảy ra sáng kiến sản xuất gỗ ép từ rơm, rạ. Loại gỗ ép này được sử dụng làm đồ dùng trong gia đình (bàn, ghế, tủ, giường, giá sách, đồ dùng trang trí,...) với nguyên liệu, rơm rạ và keo dán kỵ nước. Rơm rạ cắt nhỏ khoảng 0,3-0,5cm đun sôi ở 80-100 độ C để diệt khuẩn, kháng mốc. Sau đó, dùng máy xay (hoặc giã bằng tay) đến khi rơm rạ tách thành những sợi nhỏ vừa phải, rồi phơi hoặc sấy khô (độ ẩm <5%). Tiếp đến, trộn đều hỗn hợp keo và rơm rạ sau đó trải đều trong một khuôn tuỳ kích cỡ, ép chặt với vật nặng trong 1 giờ; dỡ khuôn mang thành phẩm ra phơi nắng (hoặc sấy khô). Để chế tạo lớp phủ bề mặt, Thương đã trộn hỗn hợp Axeton và phao xốp đến bão hoà (từ 85-95%) rồi phủ đều lên bề mặt gỗ đã sấy khô, tiếp tục làm khô thêm một lần nữa là đã có một khung gỗ ép thành phẩm bền, rẻ.

Không chỉ đam mê học tập, nghiên cứu khoa học, Thương còn là một cán bộ Đoàn gương mẫu, tích cực tham gia các phong trào, hoạt động của Đoàn - Hội trong nhà trường và đạt nhiều thành tích đáng khích lệ khi 03 năm liền em đều đạt danh hiệu Học sinh giỏi cấp trường, giải Nhất cuộc thi “Nét bút tri ân” cấp trường, giải Ba cuộc thi “Giới thiệu về Miếu Tiên Công” cấp trường. Khi được hỏi về ước mơ của mình Thương chia sẻ: “Em sẽ luôn cố gắng học tập, trau dồi kiến thức với mục tiêu thi đỗ vào trường Đại học Tài nguyên và Môi trường, ở đó, em sẽ có điều kiện được tiếp tục theo đuổi ước mơ nghiên cứu khoa học của mình, đem những kiến thức học được của mình phục vụ cho quê hương, đất nước…”.