Ba anh em chung “giấc mơ giảng đường”

09:00 28/07/2014     1749

Nhịp sống trẻ   Ba anh em học cùng một lớp, cùng thi đại học năm 2013. Một người trúng tuyển nguyện vọng 1, hai người còn lại đủ điểm để xét tuyển nguyện vọng 2 nhưng hai người em tự nguyện ở nhà đi làm, lo cho cha mẹ già yếu để người anh được đặt chân vào giảng đường đại học.
Đó là câu chuyện của ba anh em Huỳnh Hữu Tài, Huỳnh Tiến Sĩ và Huỳnh Ngọc Duyên (P.10, TP Mỹ Tho) - nhân vật trong chương trình Tiếp sức đến trường năm 2013 tại Tiền Giang (“Ba anh em nhường nhau suất vào đại học”, Tuổi Trẻ ngày 26-7). Năm nay Sĩ và Duyên lại tiếp tục thi đại học, cao đẳng với điểm số khá cao. Cả hai anh em đang tràn trề hi vọng được bước chân vào giảng đường.

a
Huỳnh Tiến Sĩ đi làm phụ sơn để có tiền lo cho gia đình

Cùng ráng lên!


Sau buổi lễ trao học bổng “Tiếp sức đến trường” năm 2013 tại Tiền Giang do báo Tuổi Trẻ
Học chung một lớp

Huỳnh Hữu Tài sinh năm 1991, Huỳnh Tiến Sĩ sinh năm 1993, Huỳnh Ngọc Duyên sinh năm 1995. Cuộc sống khó khăn, mải lo mưu sinh nên khi sinh Duyên, cha mẹ mới đi làm khai sinh cho cả ba anh em. Đến năm Tài lên 10 tuổi, ba anh em mới được đến trường, rồi học chung lớp đến tận năm lớp 9. Lên lớp 10 mới bắt đầu học riêng. Suốt 12 năm học phổ thông, ba anh em tự bảo ban, nương tựa vào nhau, nỗ lực học “đủ cái chữ” để kiếm việc làm.
tổ chức, Tài khăn gói lên học Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM. Ở nhà Sĩ và Duyên cũng miệt mài vác đơn đi xin việc. Thế nhưng sức khỏe yếu, dáng người nhỏ nhắn nên chẳng nơi nào nhận Duyên. Duyên ngậm ngùi ở nhà làm việc vặt và chăm sóc cha. Còn Sĩ theo người dượng làm phụ sơn với tiền công được nhận là 90.000 đồng/ngày.

Trầm tư, Sĩ nói: “Thật ra cũng có chút bùi ngùi khi phải bỏ học đi làm. Nhưng nếu cả ba anh em cùng đi học thì tiền đâu mà đóng học phí, lúc đó gãy gánh giữa đường còn buồn hơn”. Với quyết tâm sẽ trở lại giảng đường đại học trong năm năm, hằng ngày dù phải đi làm nhưng Sĩ vẫn dành thời gian ôn lại bài vở. Sau giờ làm việc buổi chiều, Sĩ ôm tập vở đến nhà thầy học thêm. Thấy Sĩ siêng năng nên thầy cô tận tình dạy, không lấy học phí. Duyên ở nhà tự học bằng những tài liệu mà thầy cô trong trường cho, rồi đợi Sĩ đi làm về cả hai anh em cùng nhau dùi mài kinh sử.

Sĩ cho biết đợt thi đại học vừa rồi hai anh em được đi “ké” xe với các bạn trong Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (TP Mỹ Tho) nên không phải tốn tiền xe, tiền ăn uống. Kỳ thi năm nay Sĩ thi vào Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM (đạt 16 điểm) và Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng (được 21 điểm). Sĩ cho biết bạn cũng xác định ngay ban đầu mình sẽ học Trường cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng vì nhẹ học phí. “Năm nay em quyết tâm phải đi học lại. Khó cỡ nào cũng ráng. Anh hai có hỏi rồi, nghe nói học cao đẳng ít học phí, với lại học xong ra trường là có việc làm ngay nên cũng nhẹ lo”.

Duyên cũng tính toán nên đăng ký thi vào Trường đại học Tiền Giang (đạt 16,5 điểm) để gần nhà chăm sóc cha mẹ. “Hôm dò điểm thi em đã đếm hết bốn khối luôn, chỉ có 53 bạn từ 16,5 điểm trở lên thi ngành giáo dục tiểu học thôi. Em thấy chỉ tiêu của trường là 60 nên cũng đang hi vọng. Đậu ngành này thì em học vì không phải đóng tiền, chứ nếu có đậu trên thành phố em cũng không học được” - Duyên nói.

Trong khi đó Tài dù đang học quân sự ở trường nhưng không quên động viên các em: “Nếu hai em đậu thì nói cha mẹ xin vay nhà nước đóng tiền học đầu năm đỡ vậy. Anh không muốn để hai em dang dở việc học thêm một lần nữa. Chúng ta cùng ráng lên!”.

Phận nghèo nương tựa vào nhau

Chúng tôi trở lại ngôi nhà của ba anh em Tài sau gần một năm, căn nhà vẫn chẳng có gì khác. Mái nhà ngổn ngang những tấm bạt che chắn tạm bợ, còn vách nhà bốn bề trống hoác. Căn nhà tình thương được xây từ năm nào họ cũng không còn nhớ nữa, chỉ nhớ mỗi lần mưa thì mấy anh em phải xúm nhau căng bạt trên nóc mùng để khỏi dột ướt chỗ ngủ.

Vẫn như ngày nào, ông Huỳnh Văn Bé (cha của ba anh em) ngồi đu đưa trên chiếc võng. Thời thanh niên cơ cực với những công việc khuân vác, phụ hồ đã khiến căn bệnh tim của ông ngày càng nặng. Đến lúc không thể làm khuân vác nổi, ông chuyển sang nghề bán vé số. Tự đẩy xe lăn không nổi, ông bảo vợ đẩy đi bán bởi ông lo không có tiền mua gạo cho ba đứa con. Giờ căn bệnh ngày càng nặng hơn, chỉ ngồi một chỗ, ăn uống phải có người lo. Mỗi lần nhắc tới chuyện học của ba đứa con, nước mắt ông lại chảy, môi mấp máy khó khăn mà không thể thốt nên lời.

Bà Nguyễn Ngọc Quý (vợ ông Bé), sức khỏe cũng đang ở cuối sườn dốc. Cứ cách một ngày bà lại đi giúp việc nhà cho những người trong xóm. Mỗi buổi được trả công 60.000 đồng, góp với tiền Sĩ làm phụ sơn, đến cuối tuần lại đi mua thuốc cho ông Bé. “Bệnh này hành ổng dữ lắm. Mỗi lần bệnh phát mặt mày xanh ngắt, đau đớn. Hồi trước mấy mẹ con thường đi vét mương mướn nên cũng có dư chút đỉnh, giờ thằng Tài đi rồi chỉ trông vô thằng Sĩ thôi”.

Nhìn cha mẹ già ngồi chia nhau bữa cơm đạm bạc chỉ có đậu bắp kho, mấy trái chuối chín và chai nước tương, hai anh em Sĩ và Duyên lại nghẹn ngào. Duyên nói: “Ngày nào cũng chỉ có nước tương với chuối. Có ngày ăn cơm với muối tiêu mà cha cũng phải ráng nuốt. Khổ mãi nên cha mới yếu như vầy”.