A Gát - Bí thư chi đoàn năng nổ, làm kinh tế giỏi
08:09 05/12/2016 1616
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Sinh năm 1986 trong một gia đình có 8 anh chị em, anh A Gát, dân tộc Rơ Ngao, được người dân ở thôn 4, xã Đăk La, huyện Đăk Hà được biết đến đến bởi ngoài việc là đội trưởng đội cồng chiêng của thôn thì anh còn là một bí thư chi đoàn năng nổ và là gương thanh niên làm kinh tế giỏi với tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm từ cây cà phê.
Con đường dẫn vào rẫy nhà A Gát dù lô nhô những ổ voi, ổ gà thế nhưng chúng tôi vẫn dễ dàng vượt qua. Nói dễ, là bởi so với việc gặp được A Gát vào ngày mùa thì việc vượt qua đoạn đường mà chúng tôi vừa đi dễ thực hiện hơn rất nhiều, bởi một lẽ A Gát không chịu nghe điện thoại của chị Hoàng Thị Bình Minh (bí thư Đoàn xã Đăk La) vì ngại lên báo!
Đang lo lắng không biết làm sao để đến đúng rẫy nhà A Gát thì anh Toàn – nguyên Bí thư chi đoàn thôn 6, xã Đăk La làm rẫy ngang qua. Vừa nghe chúng tôi hỏi về anh Gát, anh bèn nói “Ai chứ Gát thì cà nhà hắn bao la bát ngát, mấy anh chị em trong nhà hái cà cả tháng nay mà chưa xong đó!”. Theo hướng dẫn của anh, chúng tôi tiến về rẫy nhà A Gát đem theo một niềm vui lẫn hồi hộp vì không biết A Gát có chịu cho chúng tôi lấy hình ảnh về anh hay không.
Đang lo lắng không biết làm sao để đến đúng rẫy nhà A Gát thì anh Toàn – nguyên Bí thư chi đoàn thôn 6, xã Đăk La làm rẫy ngang qua. Vừa nghe chúng tôi hỏi về anh Gát, anh bèn nói “Ai chứ Gát thì cà nhà hắn bao la bát ngát, mấy anh chị em trong nhà hái cà cả tháng nay mà chưa xong đó!”. Theo hướng dẫn của anh, chúng tôi tiến về rẫy nhà A Gát đem theo một niềm vui lẫn hồi hộp vì không biết A Gát có chịu cho chúng tôi lấy hình ảnh về anh hay không.
A Gát thu hoạch cà phê |
Qua khoảng hở của những cành cà phê lá xanh mơn mởn, chúng tôi thấy một vài dáng người mũ nón lúp xúp nhanh tay tuốt những chùm quả chín mọng xuống tấm bạt trải dưới những gốc cà. Tiếng nói, tiếng cười cứ râm ran. “Anh Gát ơi!” – chị Minh cất tiếng gọi. Chưa đầy mười giây, một thanh niên tiến đến gần chúng tôi chỉ để lộ cặp mắt sau lớp khẩu trang chống nắng. Nhận ra người quen, anh tháo lớp khẩu trang và để lộ nụ cười hiền, chất phác. Sau vài phút chào hỏi, giới thiệu, A Gát vừa cười vừa gãi đầu “ngại quá, em không biết nói gì đâu, sao mà các anh chị cho lên báo được”. Được tôi khuyến khích “anh cứ tự nhiên, em hỏi gì, anh nói đó là được”.
“Em chỉ học đến lớp 10 rồi nghỉ ở nhà. Gia đình đông anh em lắm, em nghĩ đã không được học nhiều mà không có tiền nữa thì sẽ đói nghèo mãi thôi, thế nên em bắt tay vào làm kinh tế” – vừa trẩy những chùm cà đỏ mọng và căng đẫy, A Gát chia sẻ về lý do khiến anh quyết tâm thoát nghèo.
Tận mắt nhìn những quả cà vừa được thu hoạch, tôi không khỏi khâm phục A Gát bởi chúng quá đẹp, quả nào quả nấy đều như bắp.
- Để có được thành quả này, có lẽ anh Gát đã gặp không ít khó khăn? – tôi hỏi.
- Có chứ! Đó là khó khăn về giống vì mình không biết cây nào tốt, cây nào không tốt, mình thì không có kinh nghiệm. Cái thứ hai là về phân bón, mình không tự sản xuất ra được phân bón, đi mua thì có lúc lại gặp phân bón giả. Đó là hai cái khó khăn lớn nhất khi em bắt tay vào làm kinh tế.
- Vậy cà hái xong, mình chở về nhà bằng cách nào?
- Nhà mình đã mua được xe công nông để chở cà từ rẫy về.
- Anh mua xe khi nào?
- Sau 5 năm làm kinh tế, cố gắng tích góp thì mình mua được xe. Ba năm nay không phải thuê xe chở cà về như trước kia nữa.
Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn trò chuyện mà A Gát làm tôi đi hết từ bất ngờ nay qua bất ngờ khác. Ngoài 1,5 ha cà phê, mỗi ngày A Gát còn thu được 500 nghìn từ 1 ha cao su đã cho khai thác mủ. Gạo cũng không phải mua vì anh còn trồng được 2 sào lúa nước và nuôi 5 con bò!
“Chưa hết đâu, ngoài việc làm kinh tế giỏi thì A Gát còn là đội trưởng đội cồng chiêng của thôn 4 nữa. Hàng năm, chi đoàn của Gát đều tổ chức ngày hội cồng chiêng để thanh niên trong thôn có ý thức hơn với việc giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống đó” – chị Minh tiếp nối câu chuyện của chúng tôi bằng một thông tin vô cùng thú vị. “Không chỉ vậy, với vai trò là bí thư chi đoàn, A Gát còn rất năng nổ trong các hoạt động của Đoàn tổ chức. Trong mọi hoạt động của Đoàn địa phương, anh rất nhiệt tình trong công tác vận động đoàn viên thanh niên của làng tham gia” – chị Minh cho biết thêm.
Niềm vui của anh Gát bên rẫy cà phê được mùa được giá |
Ở tuổi 30, cứ ngỡ A Gát đã yên bề gia thất nhưng anh lại chỉ cười và lắc đầu khi chúng tôi hỏi “anh đã lập gia đình chưa?”. Lúc này, các thành viên trong gia đình anh cứ che miệng cười khúc khích. Chị Minh trêu “Gát yêu thì nhát lắm. Nhưng làm kinh tế, A Gát không nhát đâu”.
Chia tay anh, điều làm tôi nhớ mãi ấy là tôi hỏi anh có dùng facebook hay zalo không để gửi hình qua thì Gát lại gãi đầu và nói “em chưa đủ điều kiện để dùng facebook và zalo đâu”. Rồi lại nở một nụ cười.
Bất chợt khi ấy tôi đã nghĩ “Gát thật xứng đáng với danh hiệu “thanh niên dân tộc tôn giáo làm kinh tế giỏi”, khi mà sắp tới đây, tên của anh cùng 4 thanh niên làm kinh tế giỏi khác của tỉnh Kon Tum sẽ được xướng lên tại “Ngày hội tuổi trẻ các dân tộc Tây Nguyên” 2016 diễn ra từ ngày 8/12 – 9/12 tại Đăk Nông.