9X gây dựng lớp học tình thương cho bệnh nhi hiểm nghèo

16:59 03/08/2015     1380

Tuổi trẻ sáng tạo   Là người thành lập tổ chức Chạm, Lê Minh Huyền - cô gái sinh năm 1993, Đại học Ngoại Thương - đã đem mô hình lớp học đầy tình thương tới các em nhỏ mắc bệnh hiểm nghèo ở viện Nhi.

Song song với hoạt động thiện nguyện của lớp học Chạm, Minh Huyền vừa hoàn thành công việc học tập. Cách đây 2 tháng, 9X nhận tấm bằng cử nhân chương trình tiên tiến, khoa Kinh tế và kinh doanh quốc tế, Đại học Ngoại Thương Hà Nội và cử nhân Đại học Colorado State.

Lê Minh Huyền - sinh viên Đại học Ngoại Thương - là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Chạm
Lê Minh Huyền - sinh viên Đại học Ngoại Thương - là người sáng lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Chạm.


"Chạm tuy khẽ nhưng lay động mạnh"

Minh Huyền cho biết, những ý tưởng vụn vặt về Chạm được nảy sinh từ một lần cô chăm sóc người thân ở Viện huyết học và truyền máu trung ương. Tại đây, 9X gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều em nhỏ mắc những căn bệnh quái ác.

Nữ sinh xúc động: “Nhìn thấy các em thân mang bệnh nặng, sống trong mùi cồn, thuốc men bị hạn chế nhiều thứ, mình thấy rất thương. Lũ trẻ mong ước được như bao bạn bè đồng trang lứa, muốn có tuổi thơ tươi vui, thân thể mạnh khoẻ, chạy nhảy hoạt náo.

Mình đột nhiên muốn làm điều gì đó để mang đến trò chơi giải trí, âm nhạc, hướng dẫn bài học kỹ năng mềm, giúp các em có nhiều niềm vui hơn trong cuộc sống”.

Huyền tâm sự: “Khi gặp gỡ trẻ con, bao nhiêu căng thẳng, mệt mỏi trong công việc như tan biến hết. Bởi không có gì xấu xa trong tâm hồn các em và trong lớp học tình thương Chạm”
Huyền tâm sự: “Khi gặp gỡ trẻ con, bao nhiêu căng thẳng, mệt mỏi trong công việc như tan biến hết. Bởi không có gì xấu xa trong tâm hồn các em và trong lớp học tình thương Chạm”.


Tâm sự với PV về tên gọi của tổ chức, Huyền nói: “Chạm ở đây có nghĩa muốn chạm tới trái tim, tâm hồn của mọi người. Chạm được đến nơi nào có thể. Chạm chỉ là hành động nhỏ, rất khẽ, không quá to tát, vĩ mô nhưng đủ sức lay động tất cả”.

Để hiện thực hoá mong ước của mình, Huyền xây dựng mô hình Chạm trong nửa năm, sau đó mới đưa lớp học đi vào hoạt động chính thức.

Cô nhớ lại: “Ngày đầu, mình tìm được hai người cùng điều hành chính. Chúng mình kêu gọi bạn bè giúp sức, từ cùng lớp, cùng trường đến những bạn có chuyên môn ở trung tâm nghệ thuật… cho chạy thử các lớp học, liên hệ với bệnh viện…

Đầu tiên là mở ở viện Nhi, Viện huyết học và truyền máu trung ương, rồi tiếp tục phát quà, tổ chức lớp cho các bé khoa Nhi ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng…".

9X chia sẻ, cô không quá vất vả trong việc tuyển nhân sự. Bởi khi biết về tổ chức, các bạn trẻ đều nhiệt thành đóng góp hành động đem tới niềm vui, tiếng cười cho trẻ em trong viện. Hơn nữa, còn có rất nhiều người có chuyên môn cao thuộc nhiều lĩnh vực cũng tham gia.

Bên cạnh đó, gia đình rất ủng hộ Huyền gây dựng lớp học tình thương này.

“Mình cảm thấy rất may mắn vì bố mẹ khuyến khích tham gia hoạt động. Thậm chí, phụ huynh còn thông cảm cho mình nếu có đi những sự kiện, đêm ca nhạc gây quỹ hỗ trợ về muộn. Chính gia đình trợ cấp giúp mình khoản chi tiêu xăng xe, nước non để mình hoạt động tốt nhất” - cô nói.

Vì niềm vui em nhỏ, vượt qua khó khăn

Tuy nhiên, mọi việc bắt đầu khó khăn khi Minh Huyền gặp trục trặc trong vấn đề cân bằng giữa sinh hoạt, học tập và công việc ở Chạm.

9X chia sẻ: “Ban đầu, ý tưởng, công việc chiếm rất nhiều thời gian của mình. Lúc đó, mình còn chẳng kịp yêu đương vì quá bận. Dù đã cố gắng sắp xếp hợp lý, việc học tập ở trường vẫn bị ảnh hưởng”.

Huyền cho hay, việc tổ chức được lớp học trong các bệnh viện cũng vướng khá nhiều thủ tục.

“Quan trọng nhất là mình phải trình bày mục đích để anh chị trong viện hiểu và tạo điều kiện. May sao, do hoạt động mang ý nghĩa tốt đẹp nên mọi người giúp đỡ nhiều. Chạm còn nhận được sự giới thiệu của Đại học Ngoại thương và Hội chữ thập đỏ. Đi đến đâu, tổ chức cũng được chào đón” - Huyền kể.

Do đứng đầu một tập thể hơn 20 thành viên (tính ở thời điểm đầu), 9X Ngoại thương không tránh khỏi sai lầm trong công tác điều hành. Cô tâm sự: “Nhiều khi mình sắp xếp nhân sự nhầm công việc, dẫn đến những người giỏi họ không được làm đúng chuyên môn. Có bạn đã rời Chạm để tìm nơi phù hợp hơn phát triển”.

Cô gái từ đó rút ra không ít kinh nghiệm quản lý: “Mình luôn tìm mọi cách tạo điều kiện để đúng người đúng việc. Ai cũng có môi trường thoải mái làm việc sở trường. Đây là tổ chức thiện nguyện nên các bạn tới hoạt động tình nguyện đã là rất đáng quý”.

Đôi khi thành viên trong Chạm có xích mích, Huyền không can thiệp sâu nhưng cô với tư cách người bạn phân tích cho mọi người hiểu vấn đề nằm ở đâu. Chính bởi vậy, 9X nhận được sự tín nhiệm của cả tổ chức.

Cô tâm sự: “Càng được tin yêu, mình thấy trách nhiệm càng lớn. Mình luôn nhắc nhở tình nguyện viên về mục đích chung của tập thể để các bạn nhận thức việc làm phải phù hợp với tôn chỉ của Chạm”.

Thương nhau mà sống

Hoạt động vui chơi với trẻ nhỏ nên những kỷ niệm công việc của cô chủ yếu xoay quanh các em.

Huyền bồi hồi: “Mình nhớ nhất ngày đầu đứng lớp hướng dẫn các bé làm con cá từ đĩa giấy. Do không có đủ tình nguyện viên nên một đứa không chuyên môn, khả năng nói rất tệ phải đảm nhiệm cả nhiệm vụ đứng lớp.

Lúc đó mình run lắm, lắp bắp không biết nói gì. Nhưng sau đó, khi các cháu bé nhao nhao hỏi: "Cô ơi… rồi quấn quýt xem mình gấp con cá". Một cách rất tự nhiên, các em đưa mình hoà nhập vào thế giới của chúng”.

Lê Minh Huyền (đứng giữa) trong buổi hướng dẫn múa hát cho các em nhỏ ở viện Nhi Hà Nội
Lê Minh Huyền (đứng giữa) trong buổi hướng dẫn múa hát cho các em nhỏ ở viện Nhi Hà Nội.


Không chỉ hình ảnh các em thơ nơi phòng bệnh, tay dày đặc vết tiêm ấn tượng sâu đậm trong tâm trí, trong chuyến Chạm tới huyện Suối Pau, tỉnh Sơn La phát quà cho các em nhỏ vùng sâu, vùng xa, Huyền còn bị ám ảnh bởi ánh mắt biết nói của các em.

Minh Huyền trầm ngâm: “Ở đây, mình có gặp cậu bé người dân tộc không có mảnh áo quần nào trên người. Các em lại không biết tiếng Kinh nên không biết nói chuyện ra sao. Chúng mình có phát quần áo cũ cho các em. Cậu bé đó cũng được nhận.

Em ấy đã mặc luôn ngay tại chỗ phát. Ánh mắt dè dặt, e ngại như ngờ vực về sự xuất hiện của nhóm. Hồi lâu sau, cậu nhóc bứt vài bông hoa dại về tặng mình. Tuy các em không nói, nhưng hành động đó phần nào thể hiện sự đón nhận giúp đỡ. Đó là món quà đền đáp quý báu nhất đối với những nỗ lực của mình và Chạm”.

Đồng hành chứ không điều hành

Sau khi Chạm đi vào hoạt động ổn định, đều đặn một thời gian. Huyền lên đường sang Mỹ du học. Tuy nhiên, cô không bỏ bê tổ chức ở quê nhà.

“Hàng ngày, mình vẫn gọi điện về cập nhật tình hình của nhóm. Trước khi đi đã lập Ban điều hành nhưng nếu các bạn ấy cần sự giúp đỡ, mình sẵn sàng cố vấn, định hướng, giúp đỡ kêu gọi hỗ trợ cho tổ chức”.

Một năm sau, kết thúc khoá học, cô gái về Việt Nam. Nhưng không có ý định tiếp quản lại Chạm bởi: “Mình thấy các bạn bây giờ đang làm rất tốt. Còn tốt hơn thời điểm mình điều hành. Rất tự hào về các em, và bất cứ khi nào Chạm cần, mình luôn ở cạnh đồng hành”.

Với suy nghĩ: “Chỉ cần các em nhỏ vui vẻ, hạnh phúc, thì cả mình và Chạm cũng hạnh phúc. Mình quan niệm: Vui chơi ra sản phẩm. Làm bất cứ điều gì cũng phải từ sự yêu thích, niềm say mê thì mới tạo ra những giá trị ý nghĩa”, tới nay Chạm được hơn 2 năm tuổi và sinh hoạt đi vào quỹ đạo một phần lớn nhờ định hướng của Huyền.

Trăn trở về những dự định của lớp học tình thương trong tương lai, 9X chia sẻ: “Vấn đề lớn mình suy nghĩ nhiều nhất là: Làm thế nào để các hoạt động của Chạm kéo dài, bền vững; Làm sao để có chính sách nhân sự tốt nhất”.

Hơn nữa, mong muốn của cô là có thể đóng góp tài chính hỗ trợ lớp học tình thương mà hiện tại Huyền chưa đủ khả năng.

Cô gái sinh năm 1993 - Lê Minh Hiền - cùng với tình yêu thương trẻ nhỏ luôn cố gắng nỗ lực, đồng hành cùng tổ chức tình nguyện Chạm để đem niềm vui, hạnh phúc, lạc quan vào thế giới các em thơ không may mắc căn bệnh hiểm nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.