3 năm cõng bạn đến trường

14:27 17/02/2014     2864

Nhịp sống trẻ   Người dân ở đường Núi Thành (Đà Nẵng) đã quen thuộc với hình ảnh một nam sinh viên dong dỏng cao suốt ba năm qua cần mẫn cõng bạn đến giảng đường.
Đó là Nguyễn Văn Quang, sinh viên Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng - người đã nguyện làm đôi chân để cõng người bạn bị tật nguyền đi học.

d
Suốt ba năm nay Quang luôn cõng bạn đến giảng đường

Người được Quang cõng suốt ba năm nay là Trần Văn Hoàng, sinh viên khoa thiết kế đồ họa. Hoàng quê ở Nghệ An, từ lúc sinh ra đã bị liệt hai chân. Vậy mà với ý chí kiên cường, Hoàng đã học hết 12 năm phổ thông và vào đại học.

Dù những ngày hè nắng cháy hay mùa đông giá rét, Quang vẫn đều đặn cõng Hoàng tới lớp. “Có hôm mất điện, thang máy không hoạt động, bạn vẫn cõng em liên tục 14 buổi học lên tới tầng 7. Mồ hôi trên lưng bạn thấm qua da thịt em, nghĩ thương Quang rất nhiều”, Hoàng bày tỏ.

Hoàng kể có những hôm phải học dồn để kịp cho kỳ thi, vậy là Quang phải túc trực cả ngày để đưa đón Hoàng đi học, các thú vui như đá bóng, đi chơi với bạn cũng gác lại hết.

 Bản thân bị tật nguyền, bố mất sớm, mẹ lại già cả nên Hoàng không có ý định đi thi đại học. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng xin vào làm việc tại một cơ sở giấy thủ công mỹ nghệ tại TP Vinh, Nghệ An.

Ba năm sau, khi đã tiết kiệm được một số tiền kha khá, Hoàng mạnh dạn thi vào Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Đậu với số điểm khá cao, số tiền dành dụm được bao năm đi làm thuê Hoàng đã dùng để trang trải việc học cho năm thứ nhất. Tại đây Hoàng gặp Quang.

 Hai bạn gắn bó với nhau từ đó, kể cả lúc tới trường, đi chơi hay những buổi dã ngoại, đi thực tế. “Sự giúp đỡ của bạn bè giúp mình có thêm niềm tin, nghị lực vào cuộc sống, rằng mình sẽ không đơn độc trong cuộc sống này.

Điều đó bắt buộc mình phải tự tin, lạc quan và sống tốt hơn nữa”, Hoàng chia sẻ.

 Theo thầy Cao Xuân Tịnh - bí thư đoàn Trường đại học Kiến trúc Đà Nẵng, Hoàng và Quang là biểu tượng về tình bạn đẹp luôn được nhà trường lấy làm gương và phát động rộng rãi trong toàn trường.