Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp - tuổi trẻ chí lớn
16:00 24/01/2014 3041
Nhịp sống trẻ Phát huy lợi thế địa phương có nhiều nghề truyền thống, với tinh thần nhạy bén năng động trong nền kinh tế thị trường, những năm qua, ở Từ Sơn đã xuất hiện nhiều “ông chủ trẻ”, nhiều thanh niên làm kinh tế giỏi làm giàu cho gia đình và xã hội.
Nhưng quyết tâm làm giàu với nghị lực lớn và khẳng định được thương hiệu sản phẩm làng nghề như Nguyễn Trần Hiệp - nghệ nhân trẻ khu phố Trịnh Xá, phường Châu Khê, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh thì không phải ai cũng làm được.
Trần Hiệp nhận danh hiệu nghệ nhân quốc gia |
Tôi đã có dịp tiếp xúc một vài lần với nghệ nhân trẻ này, điểm ấn tượng nhất lại chính là vẻ bề ngoài giản dị, mộc mạc và rất thân thiện. Nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp cho biết lập nghiệp từ cách đây hơn 20 năm, ban đầu chỉ là xác định học lấy một nghề để có việc làm, giảm bớt khó khăn cho gia đình nhưng sau khi đã thành thợ rồi thì tình yêu nghề ngấm vào bản thân ngày càng lớn. Quá trình tích luỹ, học hỏi kinh nghiệm đã giúp anh cho ra đời những sản phẩm ngày càng hoàn thiện hơn, mang đậm phong cách làng nghề và bản sắc rất riêng vừa nghệ sĩ vừa tài hoa điêu luyện. Nguyễn Trần Hiệp đã thoát khỏi phạm vi của chữ “thợ” để đến với trình độ cao hơn của một nghệ nhân làng nghề.
Nguyễn Trần Hiệp cho biết: thời gian đầu khởi nghiệp vất vả, thiếu thốn moi bề trong đó nhất là thiếu về vốn. Anh đã được các tổ chức đoàn thể của địa phương hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội thị xã. Từ nguồn vốn ít ỏi ban đầu, nhờ chăm chỉ, chí thú làm ăn, tích cóp dần dần đến nay anh đã có một xưởng sản xuất tại nhà và nhiều xưởng vệ tinh tại các làng nghề lân cận, trong đó có nhiều thanh niên có hoàn cảnh khó khăn.
Tiếng lành đồn xa, nhiều thanh niên hoặc học sinh mới rời ghế nhà trường chưa có việc làm đã tìm đến với anh học việc. Đặc điểm của nghề này là mặc dù học việc nhưng đến mức thành thạo rồi thì cũng được trả công tuỳ theo năng lực. Do vậy trong nhóm thợ của anh người ít thì cũng có khoảng 4 triệu đồng/tháng, trung bình 5-6 triệu đồng, đối với thợ giỏi thì thu nhập lên đến 500 nghìn đồng/ngày…
Một tác phẩm tiêu biểu của Trần Hiệp |
Sản phẩm của anh hiện nay là các loại tranh đĩa, tượng, con giống… phong phú đủ kích cỡ, kiểu dáng được chế tác từ các loại gỗ quý như trắc, mun, hương…vừa có giá trị về kinh tế vừa có giá trị thẩm mỹ cao. Nổi bật nhất trong số những tác phẩm của anh có thể nhắc đến “Âm hưởng Thăng Long" bằng chất liệu gỗ mun vân hoa. “Âm hưởng Thăng Long" là tác phẩm chào mừng 1000 năm Thăng Long - Hà Nội với ý tưởng về một Thủ đô anh hùng. Tác phẩm này đã được TS. Lê Ngọc Dũng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam đánh giá là tác phẩm đã tôn vinh hào khí Thăng Long, tô đậm quá trình hình thành và phát triển của Kinh đô Thăng Long trong suốt chiều dài lịch sử 1000 năm. Tác phẩm đang được lưu giữ tại Bảo tàng Hà Nội. Ngoài ra, tác phẩm “Bát Long Vọng Quang Phát" cũng bằng gỗ mun của anh đã đạt giải nhất tại triển lãm của tỉnh Bắc Ninh nhân Tháng thanh niên năm 2011. …Nhờ những thành tích đạt được, tháng 4/2011 tại Hội đồng khoa học Quốc gia, Nguyễn Trần Hiệp đã đứng thứ 2 trong cuộc thi Nghệ nhân Quốc Gia và được vinh danh nghệ nhân Bàn Tay Vàng. Cũng vào tháng 8 năm đó anh vinh dự được Hội Mỹ nghệ kim hoàn đá quý Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân quốc gia lúc mới vừa 37 tuổi.
Từ bước khẳng định được tên tuổi và uy tín trong nghề những không phải Nguyễn Trần Hiệp không có những lúc gặp phải khó khăn. Thăng trầm của nền kinh tế cũng làm cho người nghệ nhân nhiều phen lao đao. Hàng sản xuất ra không tiêu thụ được hết, thu nhập của bản thân và anh em thợ thuyền giảm sút. Sau nhiều đêm mất ngủ, anh quyết định tìm hướng đi riêng cho sản phẩm của mình, đồng thời quyết định chuyển hẳn sang sản xuất hàng nhỏ, nghĩa là những hàng mang tính lưu niệm, trang trí là chủ yếu. Những sản phẩm điêu khắc gỗ như: tượng, lọ lộc bình, gạt tàn thuốc lá, bình đựng bút, tranh gỗ… nhanh chóng được thị trường trong và ngoài nước đón nhận, kể cả những thị trường khó tính như các nước Trung Quốc, Âu Mỹ…
Không chỉ là một nghệ nhân tâm huyết với nghề, Nguyễn Trần Hiệp còn tích cực tham gia và các hoạt động từ thiện nhân đạo như: hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam, ủng hộ quỹ vì người nghèo, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa…Trong đó anh đã đồng hành cùng tổ chức Đoàn thanh niên của địa phương và thị xã Từ Sơn trong nhiều hoạt động tình nguyện, từ thiện vì cộng đồng, được chính quyền địa phương và tổ chức Đoàn thanh niên đánh giá cao.
Tác phẩm “Âm hưởng Thăng Long” của nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp |
Tuy nhiên, trong thâm tâm người nghệ nhân trẻ vẫn còn nhiều nỗi niềm. Do điều kiện xưởng sản xuất của anh chật hẹp nên việc phát triển đa dạng các loại hình sản phẩm, thu hút thêm lực lượng lao động vẫn còn bị hạn chế, chưa thoả ước mơ sáng tạo. Anh vẫn ấp ủ dự định có diện tích nhà xưởng rộng hơn để đầu tư mở rộng sản xuất, thu hút khách hàng bằng những sản phẩm điêu khắc độc đáo và có thể đào tạo thêm nhiều thợ tay nghề cao, góp phần vào mục tiêu giải quyết việc làm cho thanh niên trong và ngoài địa phương…
Tuổi trẻ trí lớn, nghệ nhân Nguyễn Trần Hiệp đã và đang là một hình ảnh đẹp về gương thanh niên vượt khó làm giàu. Đi từng bước chắc chắn, Nguyễn Trần Hiệp đã góp phần tích cực vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị tinh hoa của nghề truyền thống và cũng khẳng định rằng: thanh niên có nhiều con đường để lập nghiệp, có nhiều con đường dẫn tới thành công bằng sức lao động chân chính, nhiệt huyết và trí tuệ của tuổi trẻ.