3 anh em mồ côi cha vào đại học

13:54 20/08/2016     1347

Nhịp sống trẻ   “Tôi có cậu học trò trúng tuyển đại học dư tới 8 điểm. Cả ba anh em đều được vào đại học hết, đứa nào cũng chăm ngoan, giỏi tốp đầu của trường”.
Thầy Nguyễn Văn Lộc, phó hiệu trưởng THPT Phạm Phú Thứ (ở huyện Hòa Vang, TP Đà Nẵng), nói như reo vui trong điện thoại.

Nhà Đỗ Nhật Thịnh ở thôn Sơn Phước, xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang. Kết quả đậu Trường đại học Mỹ thuật TP.HCM của Thịnh cao “chót vót” nhưng không làm mọi người bất ngờ, vì cả vùng này ai cũng biết tiếng học giỏi và chăm ngoan của ba anh em nhà Thịnh.


g
Thời gian rảnh, anh em Đạt, Thịnh cùng mẹ lên rừng tỉa keo để có thêm thu nhập

Con giỏi mẹ càng cố gắng

Mất cha từ nhỏ, gánh nặng ăn học của anh em Thịnh đều do một tay người mẹ lo cả. Bà Nguyễn Thị Hoa, mẹ Thịnh, kể trước ngày chồng mình mất vì bệnh có dặn đi dặn lại phải lo cho sắp nhỏ ăn học tử tế. Vì vậy dù gánh nặng mỗi ngày lại chất chồng thêm nhưng bà chưa bao giờ than phiền.

“Tui nhận tiền đền bù vừa xây lại nhà xong thì chồng tui lâm bệnh rồi mất. Bao nhiêu vốn liếng thành tay không. Từ đó tui một mình chạy vạy chắp vá khắp nơi kiếm cơm, vừa vái lạy ổng cho sức khỏe để con được đến trường” - bà Hoa nói.

Hòa Ninh quê Thịnh phía sau là núi, phía trước là rừng. Từ ngày mất cha, ba đứa trẻ như ý thức được số phận, ngoài giờ lên lớp đứa thì đi nhổ rau má, đứa lượm ve chai phụ mẹ kiếm cơm. Ấy vậy mà học lực của ba anh em đều thuộc “tốp trên” của trường. Lần lượt các anh chị Thịnh là Đỗ Hữu Hoàng Đạt, Đỗ Thị Minh Thắm bước vào giảng đường (nay là sinh viên bước sang năm 4 ĐH Văn hóa nghệ thuật Huế và sinh viên năm 2 ĐH Sư phạm Đà Nẵng) trong niềm vui sướng tột cùng của người mẹ.

Khen con giỏi một, bà con ở đây lại khen mẹ giỏi mười. Bởi bàn tay bà cáng đáng mọi việc từ lo cơm nước, sách vở, học phí cho các con. Bốn sào keo năm năm mới cho thu hoạch một lần, do vậy để có tiền lo cho con, dù sức yếu bà Hoa vẫn xin đi làm thêm ở xưởng cá. Sáng đi làm đông lạnh, tối đi bỏ nước đóng chai, tiền công ba cọc ba đồng nhưng chưa bao giờ bà dám nghỉ.

“Bả bị rối loạn tiền đình nhưng vẫn cố gắng làm việc. Có bữa tui thấy bả đứng trong kho suốt tám tiếng, chân tê buốt sắp ngã khụy nên kêu nghỉ đi bả cũng không chịu. Bả nói tranh thủ kiếm tiền mấy ngày nắng bù lại ngày mưa không có cá mà làm. Có bữa cố đến ngất xỉu, tui dọa nói chủ đuổi việc bả mới bớt bớt lại” - bà Tình, đồng nghiệp ở xưởng đông lạnh của bà Hoa, kể.

Với mong ước con ăn học thành tài nên dù một thân một mình xoay trở nhưng người mẹ này vẫn luôn nở nụ cười.

“Từ ngày hai đứa lớn vào đại học thì chi phí cho bốn mẹ con tháng nào cũng trên 10 triệu đồng. Cũng may Nhà nước có tiền cho vay học bổng nên cứ lấy đó đắp học phí, tiền ăn uống sinh hoạt thì tui đi làm thêm với vay bà con gửi ra. Nhà mắc nợ nhưng ai cũng nói tui sướng. Mấy bà chỗ làm còn chọc tui giỏi như giáo sư tiến sĩ vì một nách vừa nuôi vừa dạy ba đứa vào đại học. Tui thấy họ nói mà hạnh phúc lắm” - người mẹ mới học tới lớp 6 cười đùa.

Chiếc thùng chứa “báu vật”

Bà Hạnh, chủ tiệm ảnh ở xã Hòa Ninh, kể năm nào cũng vậy, cứ sau dịp bế giảng bà Hoa lại mang những tấm giấy khen của mấy đứa con đến tiệm để ép nhựa. Nhờ thế, những tấm giấy khen của Đạt, Thắm, Thịnh dù đã nhận cách đây hơn 10 năm nhưng vẫn như mới hôm qua. Bà Hoa lôi ra chiếc thùng giấy ngồi kiểm đếm được hơn 80 giấy khen các loại từ hồi mẫu giáo đến nay.

“Nhà tui chẳng có thứ gì giá trị hơn cái này” - bà đưa tay vuốt tấm giấy khen của con rồi nói. Bà Hoa kể vanh vách về những lần được nhận giấy khen của ba đứa con.

Chỉ tay về cái bàn học duy nhất trong nhà, bà Hoa kể: “Cái này người ta thưởng cho thằng Đạt khi có giải học sinh giỏi cấp tỉnh hồi lớp 5, còn xe đạp ngoài kia của nhà thờ thưởng thằng Thịnh đoạt giải ba môn văn lớp 8. Nhà tui nông dân, ba anh em nó ít tố chất nhưng đứa nào cũng chăm chỉ tự học nên năm nào cũng được khen thưởng”.

Thịnh nói dù ba anh em ai cũng từng vài lần đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp thành phố nhưng không phải do tố chất mà là nhờ cần cù. Từ nhỏ, cứ anh bày em, đứa lớn bày đứa nhỏ. Anh em răm rắp tự ngồi vào học bởi nhà chỉ có một cái bàn. Ngay cả vào những thời điểm “nước rút”, ba anh em cũng tự học là chính vì không đủ tiền tới lớp học thêm.

“Có thầy cô biết hoàn cảnh thì cho học miễn phí, còn lại em tự học ở sách là chính. Như bữa thi vừa rồi, môn văn em tự đọc sách, còn môn vẽ em học từ sách vở anh Đạt để lại. Em không giúp được gì nhiều cho mẹ nên làm việc nhà xong là vùi đầu vào học”- Thịnh kể.

Hôm chúng tôi đến, Thắm đang đi làm gia sư ở cách nhà 10km. Hai anh em Đạt, Thịnh cùng mẹ đi phát băm, tỉa nhánh trên vườn keo trước nhà. Đạt động viên em trai không quá lo lắng bởi “vào Sài Gòn rồi thì cứ kiếm ba suất dạy thêm là đủ trang trải”.

Nói vậy là bởi ba năm qua Đạt cũng từng làm đủ việc, từ gia sư, vẽ tranh tường rồi làm ở quán cà phê. Thịnh nói “anh hai” đừng lo vì: “Mẹ làm được, anh chị làm được thì em sợ chi!”.

Còn bà Hoa thì tính trước: “Tháng 9 này vào học thì tết đừng về. Có nhớ thì điện cho má, đợt hè năm sau ba anh em cùng gặp một lần”.

Học giỏi hiếm thấy

Suốt buổi nói chuyện, anh em Thịnh hay nhắc tới các thầy cô ở Trường THPT Phạm Phú Thứ. Thịnh nói ngoài các học bổng mà thầy cô tìm cho ba anh em thì năm nào cô Lương Thị Yến dạy văn cũng mang sách vở và quà năm học mới cho ba anh em.

Nói về anh em Thịnh, cô Yến kể giọng trìu mến: “Vợ chồng tôi coi mấy đứa như con vì từ hồi làm giáo viên hiếm thấy anh em nào vừa hiền lành vừa chăm chỉ như con chị Hoa. Kể cả khi làm chủ nhiệm hay làm giáo viên bộ môn, mấy đứa chưa hề để tôi phải nhắc nhở điều gì vì cả ba học rất tốt.

Đặc biệt dù tự học là chính nhưng ba đứa cũng “bỏ túi” vài giải học sinh giỏi cấp thành phố và có năng khiếu hội họa”.