Phạm Võ Văn Pháp - tấm gương sáng trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh
15:30 09/05/2017 1795
Nhịp sống trẻ Web.ĐTN: Với sức trẻ cùng lòng nhiệt huyết, dám nghĩ, dám làm, anh Phạm Võ Văn Pháp (sinh năm 1988) ở thôn Kim Sơn, xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân đã quyết định vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất của mình với mô hình trang trại chăn nuôi, trồng trọt, mang lại doanh thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Sinh ra trong một gia đình có 6 người con tại xã Ân Nghĩa, huyện Hoài Ân. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học kinh tế Đà Nẵng, đi làm cho tổ chức Nhịp cầu Châu Á Nhật Bản (BAJ) được 2 năm, anh luôn trăn trở suy nghĩ làm gì để thay đổi cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng. Ban đầu, với số vốn 500 triệu đồng từ gia đình hỗ trợ và vay mượn, cùng với những kinh nghiệm sau 2 năm đi làm, anh đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi heo, gà, dê và trồng trọt trên mảnh đất gần 4 ha của gia đình.
Thăm mô hình sản xuất của anh Phạm Võ Văn Pháp |
Thời gian đầu, do chưa có nhiều kinh nghiệm nên mô hình sản xuất còn gặp nhiều khó khăn, thiệt hại về kinh tế khá nhiều. Dù vậy, anh vẫn không nản lòng, anh bắt đầu đi nhiều nơi tìm hiểu các mô hình sản xuất, học hỏi kinh nghiệm, tham gia các lớp tập huấn trang bị những kiến thức về chăn nuôi, trồng trọt, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất do địa phương tổ chức, tham khảo các thông tin trên sách báo, truyền hình, hệ thống thông tin đại chúng, nhất là đến các địa phương có kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt để vừa học hỏi, vừa sản xuất, vừa rút kinh nghiệm để chắt lọc kiến thức áp dụng vào thực tế. Từ đó, mô hình chăn nuôi, trồng trọt của anh ngày càng phát triển, sản lượng không ngừng gia tăng với số lượng 110 con heo, 20 con dê, gần 1000 con gà và hơn 500 m2 trồng rau quả sạch, mang lại thu nhập cao, giải quyết việc làm cho 8 lao động tại địa phương với thu nhập từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng. Hiện tại, anh đang là giám đốc công ty TNHH Japanese Farm (236B Ngô Mây, thành phố Quy Nhơn), chuyên thiết kế hệ thống cung cấp rau sạch cho các hộ gia đình (đây là một mô hình rất hay và mới, chưa được nhiều người triển khai trên địa bàn tỉnh Bình Định). Công ty hiện nay đang đào tạo cho hơn 20 sinh viên có đam mê khởi nghiệp, đã và đang học tại các trường đại học, cao đẳng với mức lương 2,5 triệu đồng/tháng.
Ngoài thời gian làm kinh tế, anh Pháp cũng rất tích cực trong công tác Đoàn, Hội do địa phương tổ chức, thường xuyên tham gia vào các chương trình khởi nghiệp, trực tiếp tư vấn, tập huấn, chia sẻ kinh nghiệm về khởi nghiệp của mình cho đoàn viên thanh niên, sinh viên tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh. Trong cuộc thi “Ý tưởng khởi nghiệp tỉnh Bình Định năm 2016” do Tỉnh đoàn phối hợp với Trung tâm Phân tích và Kiểm nghiệm (Sở Khoa học & Công nghệ) tổ chức, ý tưởng “Chăn nuôi và trồng trọt tổng hợp sinh học chất lượng cao” của anh đã được chọn là một trong ba ý tưởng xuất sắc nhất để hỗ trợ kinh phí khởi nghiệp, riêng ý tưởng khởi nghiệp của anh được lọt vào vòng chung kết quốc gia Chương trình “Tăng tốc khởi nghiệp iAngel”. Không dừng lại ở đó, trong thời gian tới, anh Pháp sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất, tăng số lượng cây trồng, vật nuôi, mở rộng mô hình ở nhiều nơi khác trên địa bàn tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu về rau sạch, vệ sinh an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, tiếp tục tạo việc làm cho thanh niên, đồng thời hướng dẫn, vận động thanh niên đầu tư phát triển nhiều mô hình về sản xuất, phát triển kinh tế để họ có điều kiện phát triển kinh tế vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê nhà.