'Máy lọc không khí", 'máy đuổi muỗi' của học sinh lớp 8

05:15 27/03/2017     1405

Nhịp sống trẻ   Tuy mới học lớp 7, lớp 8, nhưng nhiều em đã có những ý tưởng sáng tạo vật dụng phục vụ cuộc sống vừa hữu ích, vừa rất thú vị.

g
Em Nguyễn Gia Thịnh thuyết minh về sản phẩm máy lọc khí

“Phải có cái gì đó hít bụi hộ mình”

Đó là tâm sự rất thật của cậu bé Nguyễn Gia Thịnh, lớp 8 H2, Trường THCS Trưng Vương, Hà Nội. Trong ngày hội STEM (công nghệ, khoa học, kỹ thuật, toán) mà nhà trường vừa tổ chức, khi thuyết trình lý do nảy sinh ý tưởng chế tạo máy lọc khí bằng điện cao áp với đoàn đại biểu ngành giáo dục các cấp, Thịnh chia sẻ: “Em nhận thấy trong không khí hiện rất nhiều bụi, khiến chúng ta phải hít rất nhiều bụi, nhiều còn hơn cả chiếc máy hút bụi nhà em. Em nghĩ, cần có một người nào đó hít bụi hộ mình, vì thế mà em làm ra chiếc máy này”.

Đồng tác giả với Thịnh là một bạn gái cùng lớp - Nguyễn Lan Ngọc. Thịnh cho biết các em sáng chế máy lọc khí trên nền tảng kiến thức vật lý về sự cọ xát mà trên lớp các em đã được học. Theo đó, việc cọ xát sẽ tạo ra một nguồn điện tĩnh, khi điện tĩnh được nạp vào những hạt bụi thì chúng bám vào nhau hoặc được giữ lại ở những tấm bản cực.

Ngoài máy lọc bụi, Thịnh và Ngọc còn có các sản phẩm khác trưng bày tại ngày hội STEM của Trường THCS Trưng Vương là máy ấp trứng, máy đuổi muỗi. Nhưng Thịnh cho biết, em tâm đắc nhất với sản phẩm máy lọc bụi, vì nó “trí tuệ”. Hai sản phẩm còn lại chưa thực sự hoàn chỉnh, chẳng hạn như máy đuổi muỗi thì tuy “có đuổi được muỗi” nhưng chỉ mới đuổi được phần nào số muỗi, chứ chưa đuổi được hoàn toàn, vì thế cần phải nghiên cứu tiếp để máy thực sự đuổi được hết muỗi đi trong một phạm vi rộng hơn.



f
Em Trần Tuấn Minh lớp H2 (thứ hai từ phải sang) đang mời một bạn học sinh chơi thử game của mình

Nhiều ý tưởng thông minh, hữu ích

Tại ngày hội STEM của trường Trưng Vương (25.3), các em học sinh còn giới thiệu rất nhiều sản phẩm thể hiện ý tưởng sáng tạo đầy thông minh trên cơ sở vận dụng nền tảng kiến thức được học trên lớp, lại rất hữu ích với cuộc sống hiện tại.

Chẳng hạn như nhóm học sinh Đỗ Anh Hào, Nguyễn Tấn Dũng, Nghiêm Vũ Quốc, Nguyễn Ngọc Duy (lớp 8A2), Nguyễn Đức Huy (lớp 8A1) đã đưa ra ý tưởng sáng chế sạc pin điện thoại từ năng lượng mặt trời, hoặc sò tản nhiệt. Với các thiết bị này, chủ các thuê bao điện thoại không cần phải lo mất điện hoặc phải mua sắm sạc pin dự phòng mà bất kỳ lúc nào cần thì điện thoại cũng đều có pin. Ban ngày thì dùng năng lượng mặt trời, buổi tối thì dùng sò tản nhiệt (sử dụng năng lượng của gas hoặc cồn). Một nhóm học sinh khác cũng của khối 8 thì có ý tưởng sáng chế bộ lọc hạn chế nồng độ khí thải từ các động cơ đốt trong (ô tô, xe máy) xả ra môi trường.

Không mấy thua kém “đàn anh, đàn chị”, các học sinh khối 7 cũng “trình làng” được nhiều sản phẩm thú vị, lại rất thiết thực với nhu cầu học tập, sinh hoạt của các em. Chẳng hạn, em Trần Tuấn Minh lớp 7 H2 đã lập trình một trò chơi để giúp các bạn giải trí sau giờ học. Hoặc Phan Trường Anh Khôi và Tạ Tuấn Hải, cũng học lớp 7 H2, thì thiết kết một chương trình máy tính tính toán có thể làm những phép tính giữa hai số nguyên (được lập trình bằng ngôn ngữ Java) với mong muốn giúp các bạn học toán được dễ dàng hơn.

Một nhóm học sinh khác của lớp 7 H2 sáng chế máy lau bảng, tuy thiết bị còn một số hạn chế (khó áp dụng vì yêu cầu lớp học phải có đồng thời 3 chiếc bảng, hay tuột xích…), nhưng các em đã thể hiện được tư duy thực tế khi đưa ra luôn cả bảng báo giá (có đủ bán lẻ, bán buôn) cho thiết bị.

Một nhóm khác thì trình bày sản phẩm sáp thơm, nước hoa “handmade”, đồng thời cho biết sẽ mở rộng dự án bằng cách cải thiện bao bì mẫu mã rồi đưa cho các bạn dùng thử, sau đó sẽ… bán.

Tham quan các sản phẩm được trưng bày của học sinh, đồng chí Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng Vụ GD Trung học, tỏ ra rất thích thú với những ý tưởng đầy sáng tạo, lại sát sườn với nhu cầu của con người trong cuộc sống. Ông Chuẩn cho biết ông và nhiều thầy cô thực sự ngạc nhiên về trí tưởng tượng của các em.

“Từ đó cho thấy, phát triển mô hình giáo dục STEM trong nhà trường là rất đúng đắn, bởi nó giúp các em học sinh phát triển năng lực, vận dụng được những kiến thức đã học trên lớp. Chẳng hạn như qua dự án làm máy ấp trứng mà vừa rồi một em vừa trình bày thì có thể thấy các em không chỉ phải có kiến thức của môn sinh mà còn của các bộ môn khác như hóa, lý, toán”, 
đồng chí Chuẩn nói.