Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng ở nước ta hiện nay
17:07 28/09/2024 845
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Sự phát triển của internet thời gian qua đã hình thành trên không gian mạng một môi trường văn hóa mới; bên cạnh mặt tích cực, cũng có không ít biểu hiện tiêu cực, đòi hỏi cần có các giải pháp phù hợp, kịp thời để góp phần xây dựng môi trường văn hóa trên internet ngày càng lành mạnh.
Mỗi cá nhân, công dân cần rèn luyện thói quen và có ý thức tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong sử dụng mạng internet_Ảnh: Tư liệu
1- Thời gian gần đây, sự phát triển nhanh chóng của internet đã hình thành môi trường văn hóa mới trên không gian mạng. Theo thống kê của We are social (công ty chuyên phân tích mạng xã hội toàn cầu), đầu năm 2023, Việt Nam có 77,93 triệu người dùng internet (chiếm tỷ lệ 79,1% dân số), thuộc top đầu các nước “có tương tác cao với internet”; số lượng người dùng các phương tiện truyền thông xã hội đạt 70 triệu (chiếm tỷ lệ khoảng 71% dân số). Với số lượng người dùng ngày càng tăng, thời gian sử dụng nhiều, phương tiện, công cụ chia sẻ hiện đại, đa dạng, thường xuyên đổi mới, internet ngày càng trở thành một môi trường văn hóa quan trọng, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân, trong đó có việc hình thành nhân cách của giới trẻ.
Môi trường văn hóa trên internet được con người truyền tải, thể hiện, tương tác dưới dạng số hóa nên một số yếu tố không thể hiện trực quan, như yếu tố văn hóa vật chất; cảnh quan tự nhiên; giao tiếp ngôn ngữ, giọng điệu, lời nói... Song, các yếu tố văn hóa vật chất, tinh thần được sáng tạo, chuyển tải đa dạng, phong phú, nhiều chiều cạnh, tích hợp thông tin số thông qua công nghệ hiện đại và lưu trữ số lượng lớn trên internet; mối quan hệ, tác động của con người diễn ra lập tức, vượt qua rào cản của không gian, thời gian; các nền văn hóa có sự thâm nhập, giao lưu, tiếp biến nhanh chóng. Thông qua việc sử dụng internet, với tính chất đa phương tiện và trực tuyến, không gian mạng tạo ra sự liên kết giữa hàng trăm triệu người dùng tại nhiều nơi trên thế giới một cách nhanh chóng, người sử dụng có thể đối thoại và thảo luận dễ dàng thông qua các phương tiện phổ biến, như mạng xã hội, trang chia sẻ tin tức, video, blog, diễn đàn, dịch vụ thoại, nhắn tin trên nền internet, tham gia nhiều diễn đàn… Qua đó, các cá nhân có thể thực hiện các giao tiếp xã hội, thiết lập các quan hệ xã hội, xây dựng các mạng lưới xã hội, tiến hành các tương tác xã hội cùng nhiều hoạt động văn hóa sôi động, cởi mở, đa dạng hơn. Có thể kể tới các hoạt động, như xem phim, nghe nhạc, đọc sách, tham gia các trò chơi trực tuyến, cùng nhiều loại hình văn hóa, giải trí khác, cũng như các hoạt động sáng tạo, phổ biến và truyền bá văn hóa; qua đó góp phần giúp các cá nhân có cơ hội khám phá năng lực, phát huy sức sáng tạo, đồng thời góp phần nâng cao đời sống tinh thần.
Không chỉ tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ thị hiếu, thẩm mỹ, lối sống, thói quen của người dân, nhất là giới trẻ, không gian mạng cũng tạo điều kiện thúc đẩy quá trình dân chủ hóa, giúp người dân có thể nhanh chóng phản biện những vấn đề bức xúc trong xã hội. Không gian mạng cũng góp phần thúc đẩy sự quảng bá, giới thiệu sản phẩm, hoạt động văn hóa, tạo ra sự tương tác, lan tỏa nhanh chóng và rộng rãi trong xã hội; góp phần định hướng tư tưởng, đạo đức, lối sống, phản bác các thông tin giả, xấu, độc trên nhiều lĩnh vực, trong đó có văn hóa.
Trước sự phát triển nhanh chóng của internet và những tác động của không gian mạng tới môi trường văn hóa, thời gian qua, Đảng ta đã ban hành kịp thời các văn bản chỉ đạo, quản lý hoạt động trên internet; Quốc hội ban hành Luật An toàn thông tin mạng (ngày 19-11-2015), Luật An ninh mạng (ngày 22-6-2018); Chính phủ ban hành các văn bản về công tác quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng. Cùng với đó, các chế tài xử lý vi phạm cũng được bổ sung, hoàn thiện. Để bảo đảm an toàn thông tin mạng, hàng loạt các văn bản pháp luật được ban hành và đi vào thực hiện, như Bộ luật Hình sự (năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017), trong đó các hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng được quy định tại mục 2; Luật An toàn thông tin (năm 2015); Luật An ninh mạng (năm 2018). Việc hoàn thiện thể chế, nâng cao quản lý nhà nước về không gian mạng, truyền thông xã hội đã tạo cơ sở pháp lý, đề ra những nguyên tắc mang tính chuẩn mực, góp phần nâng cao nhận thức và hành động của các chủ thể trong xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên internet.
Bên cạnh đó, hiện nay, hệ thống thông tin về chính sách, sản phẩm, dịch vụ, hoạt động văn hóa được đăng tải chính xác, kịp thời, công khai bằng nhiều hình thức khác nhau trên internet, như các cổng thông tin điện tử của các bộ, ngành, của các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các cấp địa phương. Trên mạng xã hội Facebook có các trang thông tin về văn hóa, thể thao và du lịch được hàng nghìn lượt thích và theo dõi. Đây là nguồn thông tin có sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước, được cộng đồng mạng tin tưởng tiếp cận, chia sẻ, lan tỏa rộng rãi. Có thể thấy, gần đây, số lượng trang, kênh và chuyên mục thông tin chính thống về lĩnh vực văn hóa ngày càng mở rộng, thông tin chính xác, kịp thời về chính sách, sản phẩm, dịch vụ và hoạt động văn hóa đã đến được với cộng đồng mạng, tạo ra môi trường thông tin đúng, đủ, kịp thời để định hướng nhận thức, hành động. Các kênh truyền thông xã hội của Chính phủ, bộ, ngành, truyền hình, thông tấn, báo chí đã đẩy mạnh truyền thông chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc và chuẩn mực con người Việt Nam. Nhiều sự kiện văn hóa lớn của dân tộc, địa phương, những tấm gương người tốt, việc tốt ngày càng được tuyên truyền rộng rãi trên internet, trên các nền tảng số, tiêu biểu như “Cặp lá yêu thương”, “Việc tử tế”, “Điều ước thứ 7”, chuyên mục “Câu chuyện văn hóa” của VTV… Ngoài ra, còn có các trang, nhóm, tài khoản cá nhân chia sẻ rộng rãi những câu chuyện người tốt, việc tốt trong đời sống xã hội xuất hiện ở nhiều nơi, thể hiện truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
2- Tuy nhiên, không gian mạng internet cũng đặt ra không ít thách thức cho người tham gia. Đây là môi trường ảo, thường rất khó xác định người chịu trách nhiệm, người viết cũng như người tham gia bình luận hay sử dụng biệt danh, thông tin thường mang tính cá nhân, chủ quan nên rất dễ sai lệch với bản chất sự việc; tính xác thực của các thông tin khó được kiểm chứng; việc truyền tải, tiếp nhận và xử lý thông tin ngày càng khó kiểm soát hơn. Các biểu hiện suy thoái về tư tưởng, đạo đức, lối sống, các hành vi “lệch chuẩn”, băng hoại đạo đức xã hội, “phản văn hóa” xuất hiện này càng nhiều trên không gian mạng, thậm chí đến mức đáng báo động. Với bản chất môi trường mở, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của các cá nhân, tổ chức nhất định mà không ít trang web, trang mạng xã hội đăng tải nhiều thông tin tiêu cực, đi ngược lại với thuần phong, mỹ tục của dân tộc, ngược lại các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Bên cạnh đó, các thế lực thù địch triệt để lợi dụng internet và những kẽ hở trong quản lý nhà nước về internet để chống phá nền tảng tư tưởng của Đảng, kích động, chia rẽ nội bộ, gây dư luận xã hội xấu, gieo rắc sự hoài nghi, dao động, làm suy giảm lòng tin của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước ta. Điều này đặt ra yêu cầu cần xử lý kịp thời để xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.
Chính vì vậy, thời gian qua, Việt Nam cũng tích cực làm việc với các nhà cung cấp dịch vụ internet trong nước và quốc tế để ngăn chặn tấn công mạng và bóc gỡ tin giả, xấu độc. Từ năm 2017 đến tháng 8-2019, theo yêu cầu của Việt Nam, Facebook đã gỡ bỏ 70% thông tin xấu độc; Google đã ngăn chặn và gỡ bỏ 7.478 video clip vi phạm trên Youtube, gỡ bỏ 18/62 kênh Youtube có nội dung phản động, chống phá Nhà nước Việt Nam(2). Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm 2022, Facebook đã chấp nhận gỡ bỏ 16 hội, nhóm (group) có nội dung không lành mạnh, độc hại với trẻ em; Youtube đã ngăn chặn 6 kênh Youtube phản động không cho truy cập từ lãnh thổ Việt Nam (có khoảng hơn 1.500 video clip); ngăn chặn và gỡ bỏ 76.590 video vi phạm, ngăn chặn truy cập từ Việt Nam vào 30/62 kênh Youtube phản động thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Nhà nước Việt Nam (tổng số 30 kênh này chứa hơn 11.212 video clip vi phạm, tỷ lệ gỡ bỏ đạt 92% trong 11 tháng của năm 2022). Tương tự, Tiktok đã ngăn chặn, gỡ bỏ 1.445 link vi phạm, trong đó có 5 tài khoản thường xuyên đăng tải nội dung chống phá Đảng, Nhà nước; chủ động rà quét, ngăn chặn 3.568 video có nội dung xấu độc trên nền tảng của mình (đạt tỷ lệ 91% trong 11 tháng của năm 2022)(3).
Hiện nay, mặc dù đã có những chuyển biến tích cực về an toàn thông tin mạng nhưng với sự phát triển nhanh về kỹ thuật, công nghệ và các tiêu chuẩn mang tính toàn cầu của các nhà cung cấp dịch vụ mạng, tình hình an ninh mạng, an toàn thông tin vẫn diễn biến phức tạp. Theo Báo cáo Tổng kết tình hình an ninh mạng Việt Nam năm 2023 của Công ty Công nghệ an ninh mạng quốc gia Việt Nam (NCS), có tới 13.900 vụ tấn công an ninh mạng vào các hệ thống tại Việt Nam, tăng 9,5% so với năm 2022; 554 website của các cơ quan, tổ chức chính phủ và giáo dục có tên miền .gov.vn, .edu.vn bị xâm nhập; hơn 83.000 máy tính, máy chủ bị mã độc mã hóa dữ liệu, tăng 8,4% so với năm 2022(4). Các video clip phản động, xấu độc vi phạm nghiêm trọng pháp luật Việt Nam hầu hết nằm trong 130.000 kênh do Youtube quản lý, trong đó có 80 kênh phản động chuyên nghiệp thường xuyên đăng tải thông tin chống phá Nhà nước. Bộ Công an cũng đã cảnh báo, xử lý nhiều vụ việc liên quan đến xâm phạm cơ sở dữ liệu cá nhân cộng đồng mạng để lừa đảo, chiếm đoạn tài sản. Thực trạng hằng ngày có đến hàng trăm triệu thông tin xuất hiện trên môi trường internet, thật giả đan xen, tác động nhiều chiều đòi hỏi cần chấn chỉnh kịp thời. Đây là yêu cầu cấp thiết được đặt ra hiện nay để góp phần tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh trên không gian mạng.
Thời gian tới, để xây dựng môi trường văn hóa trên internet, cần thực hiện một số giải pháp căn cơ, đồng bộ, như:
Một là, tiếp tục rà soát, bổ sung và đổi mới hệ thống luật pháp và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo điều kiện để nâng cao hiệu quả quản lý hoạt động trên internet. Kịp thời sửa đổi, bổ sung các luật có nội dung liên quan đến môi trường mạng và các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, như Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Báo chí, Luật Quảng cáo, Luật Sở hữu trí tuệ…
Hai là, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, truyền thông trong tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước; nâng cao chất lượng của hoạt động cung cấp thông tin, định hướng dư luận. Việc tiếp nhận, xử lý thông tin của các cơ quan báo chí cần phải nhanh chóng, kịp thời, phản ánh chính xác thực tế sự kiện, hiện tượng diễn ra; công tác biên tập cần phải sinh động, hấp dẫn bằng nhiều thể loại tin, bài, video clip. Tiếp tục tạo lập các trang thông tin điện tử mới, nâng cấp, hoàn thiện các trang đã có, tạo trang, kênh trên mạng xã hội, nâng cao sự hấp dẫn, thu hút, uy tín của trang với cộng đồng thông qua đa dạng hóa nội dung, giao diện, tiện ích, liên kết. Những thông tin báo chí tuyên truyền, nhất là trên internet cần toàn diện, chuyên sâu, góp phần quan trọng trong xây dựng môi trường văn hóa trên internet ngày càng lành mạnh. Xây dựng đội ngũ nhà báo có phẩm chất đạo đức, bản lĩnh vững vàng và trình độ chuyên môn giỏi để sáng suốt lựa chọn, chắt lọc, cung cấp thông tin chính xác kịp thời trên internet gắn với thực hiện đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; truyền tải những thông điệp có giá trị, định hướng dư luận xã hội thông qua những tác phẩm báo chí chân thực, hấp dẫn và giàu tính nhân văn.
Ba là, nâng cao sự hiểu biết của người sử dụng internet về Luật An ninh mạng, Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội (do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành theo Quyết định số 847/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021) và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Việc nâng cao sự hiểu biết về pháp luật, quy tắc tham gia không gian mạng cần được thực hiện tổng thể, toàn diện trong các môi trường gia đình, nhà trường, xã hội và trên chính các kênh truyền thông của không gian mạng.
Mỗi cá nhân, công dân cần rèn luyện thói quen và có ý thức tuân thủ đúng các quy định của pháp luật trong sử dụng mạng internet, từ đó điều chỉnh hành vi trên môi trường mạng. Các tổ chức, cá nhân cần chú ý khi chia sẻ thông tin, bảo đảm có nguồn chính thống, đáng tin cậy; có các hành vi, ứng xử phù hợp với những giá trị đạo đức, văn hóa, truyền thống của dân tộc Việt Nam; không đăng tải những nội dung vi phạm pháp luật, các thông tin xúc phạm danh dự, nhân phẩm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, cá nhân khác; không sử dụng ngôn ngữ phản cảm, vi phạm thuần phong mỹ tục; không tung tin giả, tin sai sự thật, quảng cáo, kinh doanh dịch vụ trái phép… Đồng thời cần chú trọng giáo dục truyền thống, định hướng hệ giá trị, bồi dưỡng phẩm chất con người Việt Nam mới cho cộng đồng mạng, nhất là những người trẻ tuổi.
Đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, giáo dục cách thức tự bảo vệ trên không gian mạng cho giới trẻ, nhất là trẻ em_Ảnh: Tư liệu
Bốn là, phát huy vai trò của “người dùng quyền lực” trên internet - những tài khoản có uy tín, có nhiều người theo dõi, có nhiều bạn, có thể là quản lý của các nhóm (group), các trang (fanpage) đã tạo dựng được uy tín, các nghệ sĩ, cán bộ quản lý, vlogger, youtuber,… đã được cộng đồng mạng biết đến. Khuyến khích “người dùng quyền lực” cung cấp thông tin đúng đắn, kịp thời, có sự định hướng, đồng thời có thể tranh luận, đấu tranh phủ nhận, bác bỏ các thông tin giả xuyên tạc trên không gian mạng, qua đó góp phần định hướng thông tin, giữ gìn môi trường văn hóa trên internet, thu hút cư dân mạng phản ứng theo chiều hướng tích cực, tốt đẹp. Khuyến khích các văn nghệ sĩ sáng tạo và phổ biến rộng rãi trên không gian mạng các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật có giá trị cao, có sức lan tỏa, hướng con người tới những ứng xử văn hóa và không ngừng bồi đắp các giá trị chân, thiện, mỹ.
Năm là, tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học và công nghệ trong quản lý các hoạt động trên internet, như dùng tường lửa, phần mềm lọc thông tin, cảnh báo các ứng xử phản văn hóa... Đẩy mạnh trang bị kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin, giáo dục cách thức tự bảo vệ trên không gian mạng cho giới trẻ, nhất là trẻ em. Nâng cao hiệu quả bảo mật thông tin cá nhân, tránh tình trạng kẻ xấu chiếm đoạt tài khoản để thực hiện các hành vi phản văn hóa, lừa đảo, đe dọa. Xây dựng cơ sở dữ liệu người dùng các phương tiện truyền thông xã hội để quản lý thống nhất, chặt chẽ, kịp thời xử lý các hành vi sai phạm, lệch chuẩn (ví dụ khi người dùng các phương tiện truyền thông xã hội có hành vi sai phạm, lệch chuẩn thì các cơ quan quản lý có thể xác thực được thông tin người dùng và thực hiện các biện pháp xử lý theo quy định, từ báo cáo với nhà quản lý dịch vụ hạn chế tính năng tương tác cho đến khóa tài khoản người dùng); trong trường hợp vi phạm pháp luật có thể xác thực đúng người và xử lý theo pháp luật. Tăng cường kiện toàn bộ máy quản lý, đội ngũ nhân lực quản trị mạng, công tác kiểm tra, giám sát, cấp phép, thanh tra... Có các chế tài đủ sức răn đe, xử phạt nghiêm minh những vi phạm pháp luật trên môi trường mạng, qua đó góp phần xây dựng môi trường văn hóa trên internet ngày càng trong sạch, lành mạnh./.
Nguyễn Bá Thanh
Tổng cục Chính trị, Bộ Quốc phòng
-------------------------
(1) Các văn bản tiêu biểu, như Chỉ thị số 28-CT/TW, ngày 16-9-2013, của Ban Bí thư “Về tăng cường công tác an toàn thông tin mạng”; Chỉ thị số 30-CT/TW, ngày 25-12-2013, của Bộ Chính trị “Về phát triển và tăng cường quản lý báo chí điện tử, mạng xã hội và các loại hình truyền thông khác trên internet”; Kết luận số 53-KL/TW, ngày 4-6-2019, của Ban Bí thư “Về việc chỉ đạo đấu tranh ngăn chặn, xử lý, gỡ bỏ, triệt phá tin giả, thông tin sai sự thật, xấu, độc trên internet, mạng xã hội”; Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ về “Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng” và Nghị định số 27/2018/NĐ-CP, ngày 1-3-2018, của Chính phủ “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2013/NĐ-CP, ngày 15-7-2013, của Chính phủ, về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng”; Nghị định số 14/2022/NĐ-CP, ngày 27-1-2022, của Chính phủ, về “Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 15/2020/NĐ-CP, ngày 3-2-2020, của Chính phủ, quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin và giao dịch điện tử”; Nghị định số 119/2020/NĐ-CP, ngày 7-10-2020, của Chính phủ, về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động báo chí, hoạt động xuất bản”; Thông tư số 09/2014/TT-BTTTT, ngày 19-8-2014, của Bộ Thông tin và Truyền thông, “Quy định chi tiết về hoạt động quản lý, cung cấp, sử dụng thông tin trên trang thông tin điện tử và mạng xã hội”, Thông tư số 38/2016/TT-BTTTT, ngày 26-12-2016, “Quy định chi tiết về việc cung cấp thông tin công cộng qua biên giới”, Quyết định số 874/QĐ-BTTTT, ngày 17-6-2021, của Bộ Thông tin và Truyền thông, “Về việc ban hành Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội”…
(2) Bộ Thông tin và truyền thông: An toàn thông tin khi sử dụng mạng xã hội, Nxb. Thông tin và truyền thông, Hà Nội, 2020, tr. 102
(3) Xem: Vân Hằng: “Ngăn chặn, gỡ bỏ hàng chục nghìn nội dung vi phạm trên Facebook, Youtube, Tiktok”, Báo An ninh Thủ đô điện tử, ngày 2-11-2022, https://www.anninhthudo.vn/ngan-chan-go-bo-hang-chuc-nghin-noi-dung-vi-pham-tren-facebook-youtube-tiktok-post521691.antd
(4) Xem: “An ninh mạng Việt Nam 2024: Trí tuệ nhân tạo sẽ tạo ra công cụ lừa đảo mới”, Báo Vietnam+ (Thông tấn xã Việt Nam), ngày 12-12-2023, https://www.vietnamplus.vn/an-ninh-mang-viet-nam-2024-tri-tue-nhan-tao-se-tao-ra-cong-cu-lua-dao-moi-post915077.vnp
Theo Tạp chí Cộng sản Tweet