Vững vàng ý chí "Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt"
08:00 11/03/2023 1074
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã sớm nêu ra yêu cầu về sự thống nhất, đồng thuận, quyết tâm trong toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành.
Qua thực tiễn cuộc đấu tranh, trong tác phẩm mới đây nhất “Kiên quyết, kiên trì cuộc đấu tranh phòng, chống tham những, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” (Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023) yêu cầu này đã được chính đồng chí Tổng Bí thư tổng kết thành phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì phiên họp thứ 23 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Ảnh: TTXVN. |
Với cách sử dụng từ ngữ dung dị mà khái quát, dân dã mà chặt chẽ, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta nêu lên yêu cầu từ trên xuống dưới, tức từ Trung ương đến cơ sở, từ cán bộ lãnh đạo, quản lý đến cán bộ, đảng viên, người lao động, công dân… phải muôn người một ý chí, quyết tâm đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Đồng thời, cả hệ thống chính trị với tổ chức bộ máy theo ngành dọc và mỗi thiết chế cũng như từng người dân trong các mối quan hệ đa chiều phải thông suốt trong nhận thức về yêu cầu cấp bách của cuộc đấu tranh, về nội dung và phương thức tiến hành, về kết quả đấu tranh và những nhiệm vụ, giải pháp cần tiếp tục đẩy mạnh… Phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” không chỉ có giá trị định hướng, chỉ đạo mà còn như một lời hiệu triệu toàn Đảng, toàn dân ủng hộ, tham gia cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Tại sao đồng chí Tổng Bí thư phải đặt vấn đề ở tầm cao nhất như vậy? Chính thực tiễn xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong thời kỳ đổi mới và những bài học kinh nghiệm quý báu của sự nghiệp cách mạng Việt Nam cũng như của phong trào cộng sản quốc tế là căn cứ, cơ sở hàng đầu:
Một là, tuy đạt một số kết quả bước đầu, nhưng “bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Tham nhũng, lãng phí, quan liêu, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng như những mâu thuẫn xã hội còn diễn biến phức tạp” (Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tập 1, tr.108).
Hai là, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực là cuộc đấu tranh chống “nội xâm”, rất phức tạp, khó khăn và có nhiều điểm khác so với đấu tranh chống ngoại xâm. Đối tượng đấu tranh không là lực lượng đối lập hiện hình, hiện hữu, mà là những thực thể tồn tại hữu cơ trong chúng ta. Đó là những mặt, những điểm chưa chuẩn chỉ, chưa thật đúng đắn trong mỗi chúng ta; là những hành vi sai trái, vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm pháp luật của đồng chí, đồng đội, đồng nghiệp…, thậm chí thủ trưởng, cấp trên của mình; là những cơ chế, chính sách chưa thật phù hợp, còn nhiều kẽ hở có thể lợi dụng; là những giọng điệu, hành động gây cản trở, xuyên tạc, công kích cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực… Tuy không khói súng, nhưng trong nhiều trường hợp, cuộc đấu tranh mang tính đối kháng “một mất, một còn” giữa một bên là những phần tử tha hóa, biến chất, tham nhũng, tiêu cực sẵn sàng đạp đổ tất cả và một bên là kỷ luật Đảng, pháp luật của Nhà nước, toàn Đảng, toàn dân kiên quyết, kiên trì quét sạch “nội xâm”, bảo vệ công lý, bảo vệ sự nghiệp cách mạng.
Ba là, thực tế cho thấy, cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực không phải lúc nào cũng suôn sẻ, thuận lợi; trái lại, thường xuyên gặp nhiều loại khó khăn, cản trở. Ngay từ rất sớm, Đảng ta chính thức phát động cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực bằng Nghị quyết số 10-NQ/TW ngày 2 tháng 2 năm 1999 của Hội nghị Trung ương lần thứ sáu (lần 2) khoá VIII “về một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tệ tham nhũng, lãng phí. Gần 25 năm đã trôi qua, nhưng cũng phải đến những năm gần đây, chúng ta mới có đủ điều kiện để kiên quyết, kiên trì triển khai cuộc đấu tranh này theo tinh thần” không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, “nhốt mọi quyền lực trong chiếc lồng thể chế”…
Bốn là, kế thừa di sản quý báu của tư tưởng Hồ Chí Minh “khó vạn lần dân liệu cũng xong” và quán triệt quan điểm Đại hội XIII “dựa vào nhân dân để xây dựng, chỉnh đốn Đảng”, phương châm “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” yêu cầu huy động, tổ chức, phát huy sức mạnh không chỉ của các cơ quan chức năng, mà phải là của toàn dân, cả hệ thống chính trị vào cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực. Không ít phần tử tham nhũng, tiêu cực là những người có quyền lực lớn, tinh vi, xảo quyệt và được tổ chức thành những nhóm lợi ích vô cùng lợi hại. Bởi vậy, mặc dù chúng ta đã thành lập ban chỉ đạo trung ương và các tỉnh, thành phố để trực tiếp chỉ đạo các chuyên án lớn, phức tạp, nhưng vẫn có những vụ việc còn kéo dài. Trong bối cảnh này, nhất định phải dựa vào các tầng lớp nhân dân với đội ngũ trên dưới, dọc ngang cung cấp thông tin, phát hiện, tố giác và đấu tranh, kiên quyết đốn bỏ khỏi cơ thể Đảng và hệ thống chính trị những gì đã bị tha hóa, mục ruỗng.
Năm là, trong triển khai cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực cần chú ý đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch phủ nhận, xuyên tạc, công kích các chủ trương, quan điểm và công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Đây không phải là chiến dịch “thanh trừng” phe nhóm, mà là một nhiệm vụ chính trị cấp thiết của toàn Đảng, toàn dân; không phải là hành động nhất thời, mang tính nhiệm kỳ mà là công việc thường xuyên trong xây dựng, chỉnh đốn Đảng; không phải là kịch bản sao chép từ bên ngoài mà là chủ trương của Đảng ta, do các cấp ủy từ Trung ương đến cơ sở chủ động lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện; không phải là biểu hiện của “một đảng hỏng” mà là hình ảnh của “một Đảng tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính” vì “có gan thừa nhận khuyết điểm của mình, vạch rõ những cái đó, vì đâu mà có khuyết điểm đó, xét rõ hoàn cảnh sinh ra khuyết điểm đó, rồi tìm kiếm mọi cách để sửa chữa khuyết điểm đó” - chính Đảng tiền phong đã từng được lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng lập, tổ chức, giáo dục và rèn luyện.
Nhân dịp nghiên cứu, quán triệt nội dung tác phẩm quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư, chúng ta nên nhớ lại nhận định mang tính cảnh báo nghiêm khắc của lãnh tụ V.I.Lênin nêu ra năm 1921 khi triển khai công tác chỉnh đốn Đảng rằng, Đảng Cộng sản (b) Nga ngày ấy có ba kẻ thù bên trong phá hoại gồm: tính kiêu ngạo cộng sản chủ nghĩa, nạn thất học và nạn hối lộ; nếu không được khắc phục thì đây sẽ là những lực lượng làm sự nghiệp của những người Bôn sê vích thất bại. (V.I.Lê-nin: Toàn tập, tập 4, Nhà xuất bản Tiến bộ, Mát-xcơ-va, 1978). Cũng nhân dịp này, chúng ta nhớ lại bi kịch ở Liên Xô tháng 12 năm 1991 là sự tự thất bại, tự tan rã từ bên trong của một sự nghiệp cộng sản vĩ đại, trước hết là do công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cầm quyền không thành công, để Đảng phân hóa, phân rã và phân liệt nặng nề.
Để đảm bảo cho Đảng ta có sức chiến đấu và năng lực lãnh đạo, cầm quyền trước yêu cầu, nhiệm vụ mới, thật sự “là đạo đức, là văn minh”; để xây dựng Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, một trong những nhân tố không thể thiếu là toàn Đảng, toàn dân, các cấp, các ngành đồng thuận, thống nhất nhận thức và hành động, vững vàng ý chí và bản lĩnh, “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt” trong triển khai cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, tiêu cực./.
Theo ĐCS Tweet