Từ tư tưởng “trọng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghĩ về công tác dân vận hiện nay
20:22 21/11/2024 83
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổ quốc và Nhân dân là một. Nói yêu nước là phải nói tới yêu dân, lo cho dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tin tưởng ở sức mạnh của Nhân dân.
Từ tư tưởng “trọng dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nghĩ về công tác dân vận hiện nayTrong suốt cuộc đời mình, từ khi còn bôn ba ở nước ngoài cho đến khi đã trở thành người đứng đầu Đảng và Nhà nước, Hồ Chí Minh luôn luôn tâm niệm bốn chữ “yêu nước, thương dân”. Trong tư tưởng Hồ Chí Minh, Tổ quốc và Nhân dân là một. Nói yêu nước là phải nói tới yêu dân, lo cho dân, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của Nhân dân, tin tưởng ở sức mạnh của Nhân dân.
Bác Hồ với nữ chiến sĩ thi đua miền Bắc (tranh của hoạ sĩ Vương Trình, sáng tác năm 1967).
Nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh là chủ thể chân chính sáng tạo ra lịch sử, là động lực của cách mạng và là nguồn sức mạnh quyết định mọi thắng lợi của cách mạng. Thế nhưng, nhân dân trong tư tưởng Hồ Chí Minh cũng là đối tượng phục vụ của cách mạng, cách mạng phải mang lại quyền lợi cho nhân dân: quyền con người và quyền công dân, quyền được ăn no mặc ấm, được học hành, quyền hưởng hạnh phúc. Hồ Chí Minh luôn khẳng định và đánh giá cao vai trò và sức mạnh vĩ đại của nhân dân. Trong tác phẩm “Đường kách mệnh”, Hồ Chí Minh khẳng định cách mạng không phải là việc của một hai người, lật đổ ông vua, giết vài anh quan mà là “việc chung của dân chúng”. Muốn dân chúng đứng lên làm cách mạng, trước hết phải làm cho mọi người nhận rõ mục đích của việc mình làm, và có phương pháp cách mạng đúng thì mới thành công.
Là người kế thừa xuất sắc tư tưởng thân dân trong lịch sử từ Trần Quốc Tuấn, “Khoan thư sức dân làm kế sâu rễ bền gốc”, đặc biệt là tư tưởng vượt thời đại của Nguyễn Trãi, “phúc chu thuỷ tín dân do thuỷ” (lật thuyền mới biết dân sức mạnh như nước)… Từ rất sớm, chứng kiến tình cảnh khổ đau của đồng bào mình, Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh đã quyết định ra đi tìm đường cứu nước. Người nói: “Tôi muốn đi ra nước ngoài, xem nước Pháp và các nước khác. Sau khi xem xét họ làm như thế nào, tôi sẽ trở về giúp đồng bào chúng ta”. Đã có nhiều nghiên cứu để giải mã vì sao Hồ Chí Minh ra đi tìm con đường cứu nước cho dân tộc. Đa số đều thống nhất rằng với tài trí của mình, để tìm con đường thành đạt cho chính mình, đối với Nguyễn Tất Thành - Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh không phải là điều khó khăn. Động lực thôi thúc Người ra đi tìm con đường cứu nước, cứu dân chính là ở chữ DÂN. Hồ Chí Minh ra đi chính bởi lòng yêu nước, thương dân ấy. Người ra đi vì nhân dân của mình và đã trở về với nhân dân. Học tập Hồ Chí Minh mà chưa hiểu thấu đáo điều này là chưa hiểu về Hồ Chí Minh. Ngay khi còn ở Pháp, trong thư gửi các bạn cùng hoạt động ở Pháp, Hồ Chí Minh với bút danh Chú Nguyễn đã viết: “Đối với tôi câu trả lời đã rõ ràng. Trở về nước, đi vào quần chúng, thức tỉnh họ, tổ chức họ, đoàn kết họ, huấn luyện họ, đưa họ ra đấu tranh giành độc lập, tự do”. Có lẽ vì vậy mà người thư ký trung thành của Bác, ông Vũ Kỳ, trong tác phẩm “Bác Hồ viết Di chúc” đã cho rằng Hồ Chí Minh và Nguyễn Trãi, hai con người cách nhau 5 thế kỷ, nhưng họ có những điểm trùng hợp lạ lùng. Cả hai bậc vĩ nhân ấy đều là những nhà chính trị, nhà quân sự và văn hoá kiệt xuất. Nhưng trên hết hết, họ gặp nhau ở tấm lòng tha thiết với hạnh phúc của nhân dân, một người nổi danh với Đại cáo bình Ngô bất hủ “Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân” đã gặp vĩ nhân của thời đại mới với chân lý “Gốc có vững cây mới bền/ Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.
Tư tưởng trọng dân, gần dân, thân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân quên mình, chăm lo đến lợi ích của dân là tư tưởng lớn, mang tính văn hoá, nhân văn, nhân đạo cao cả và tính cách mạng, tính nhân dân sâu sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Người từng chỉ rõ: “Trong bầu trời không gì quý bằng nhân dân... Trong xã hội không có gì tốt đẹp, vẻ vang bằng phục vụ cho lợi ích của nhân dân”. Sinh thời, Người luôn nhắc nhở: “Mỗi người đảng viên, mỗi người cán bộ từ trên xuống dưới đều phải hiểu rằng: mình vào Ðảng để làm đày tớ cho nhân dân”. Bác nhấn mạnh: Làm đầy tớ nhân dân chứ không phải là “quan” nhân dân. Khi Ðảng ta trở thành Ðảng cầm quyền, lãnh đạo toàn dân vừa kháng chiến vừa kiến quốc, dù ở đâu, làm gì, Người cũng chỉ tâm niệm một điều rằng: “Ðảng ta là Ðảng cách mạng. Ngoài lợi ích của nhân dân, Ðảng ta không có lợi ích gì khác”, “Chính sách của Ðảng và Chính phủ là phải hết sức chăm nom đến đời sống của nhân dân”. Vì vậy, Người luôn chỉ rõ cho mọi người thấy và hiểu rõ vấn đề cốt lõi của đạo đức cách mạng là: Việc gì lợi cho dân phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân phải hết sức tránh. Khi đã là người đứng đầu Nhà nước, trong tác phẩm Dân vận nổi tiếng viết năm 1949, Người khẳng định: “Nước ta là nước dân chủ, bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân”; “Mọi công việc đều vì lợi ích của dân mà làm”; “Quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”.
Cả cuộc đời cao đẹp của Hồ Chí Minh là cuộc đời suốt đời Người luôn tâm niệm độc lập cho đất nước và hạnh phúc cho nhân dân. Người cho rằng vấn đề quan trọng bậc nhất là mang lại lợi ích thiết thực và chính đáng cho nhân dân. Theo Người, lãnh đạo mang lại lợi ích thiết thực cho dân, sẽ làm cho dân tin Ðảng, tin chế độ. Muốn mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân, trước hết, Đảng phải có chủ trương, nghị quyết đúng đắn, phù hợp và có đội ngũ cán bộ, đảng viên thật sự là công bộc của dân. Cho đến trước khi đi xa, Người cũng không quên căn dặn trong Di chúc: Ðảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hoá, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.
Hội nghị Trung ương 7 khoá XI đã ban hành Nghị quyết chuyên đề thứ 2 về dân vận, đó là Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3.6.2013 về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” với rất nhiều nội dung, quan điểm mới. Thực hiện Nghị quyết này, trong những năm qua, công tác dân vận đã có nhiều chuyển biến sâu sắc với những việc làm thiết thực gần dân hơn, chăm lo lợi ích, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của nhân dân.
Các nguồn lực xã hội đã được huy động một cách hiệu quả nhằm thực hiện tốt công tác chăm lo cho đối tượng chính sách có công, hộ nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội, trẻ em. Mỗi năm đã có hàng triệu thẻ bảo hiểm y tế được mua và phát cho hộ nghèo. Công tác chăm lo xây dựng nhà tình thương, nhà tình nghĩa được triển khai rộng khắp. Các chế độ miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí cho học sinh, sinh viên hộ nghèo, cận nghèo được thực hiện ở nhiều địa phương...
Tuy nhiên, trong thực tế công tác dân vận hiện nay đã bộc lộ không ít những hạn chế, bất cập mà các nghị quyết của Đảng đã thẳng thắn chỉ ra. Nhiều nghị quyết của Đảng gần đây luôn nhấn mạnh quan điểm nhất quán là: Mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước phải phù hợp với lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Đảng cũng đã ban hành những quy định về việc công khai, dân chủ trong việc thực hiện các dự án, trong công tác giải toả, đền bù, tái định cư. Tuy vậy, vì rất nhiều lý do, ở một số nơi đã làm chưa tốt việc này.
Sinh thời, Lenin đã cảnh báo 2 nguy cơ của Đảng Cộng sản cầm quyền là sai lầm về đường lối và quan liêu, xa rời nhân dân. Ở Việt Nam hiện nay, Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng duy nhất được Hiến pháp hiến định là đảng cầm quyền và lãnh đạo toàn diện xã hội. Là đảng cầm quyền, nhưng Đảng không phải nhà nước, Đảng không có quyền lực của cơ quan nhà nước. Vì vậy, thước đo lòng dân đối với Đảng chính là ở việc các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước đáp ứng được mong mỏi và lợi ích chính đáng của người dân và ở sự gương mẫu của đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Vì vậy, việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về dân vận trong bối cảnh hiện nay đòi hỏi Đảng và Nhà nước cần ban hành và thực thi những chủ trương, chính sách đáp ứng nguyện vọng, mong muốn và lợi ích chính đáng của người dân. Muốn vậy, phải tạo điều kiện thuận lợi để nhân sĩ, trí thức, các nhà khoa học, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và các tầng lớp nhân dân tham gia vào quá trình đóng góp xây dựng và hoạch định chính sách. Cần mở rộng dân chủ trực tiếp và cả gián tiếp để nhân dân tham gia đóng góp xây dựng đất nước.
Đẩy mạnh cải cách hành chính, công khai minh bạch, đưa ra bàn bạc, lấy ý kiến nhân dân trong quá trình thực hiện quy hoạch, giải toả, đền bù, tái định cư; công khai các việc triển khai các dự án lớn trên địa bàn có tác động đến đông đảo người dân. Đẩy mạnh và thực hiện tốt dân chủ ở xã, phường, thị trấn bằng cách công khai minh bạch các thủ tục, hồ sơ, giấy tờ có liên quan đến người dân; thực hiện tốt dân chủ trong hoạt động của cơ quan và dân chủ ở nơi làm việc…
Đặc biệt, để nhân dân noi theo, mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng cần thể hiện lương tâm và trách nhiệm trong công việc và cuộc sống, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân “việc gì có lợi cho dân thì hết sức làm, việc gì có hại cho dân thì hết sức tránh”.
Hồng Phúc
Theo BTNO Tweet