Cần khẳng định ngay rằng, nội dung Báo cáo nói trên của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ không phản ánh đúng thực tiễn sinh hoạt tôn giáo ở Việt Nam; đồng thời, chứa đựng những định kiến lâu nay của các cơ quan chức năng Hoa Kỳ đối với Việt Nam trên lĩnh vực bảo đảm nhân quyền nói chung, tự do tôn giáo nói riêng. Tại buổi họp báo thường kỳ ngày 04/7/2024, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: “Chúng tôi lấy làm tiếc về việc mặc dù đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng, song Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam”; đồng thời, nhấn mạnh:“là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền không ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng và hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật”.
Chủ tịch nước Tô Lâm chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo tham gia buổi gặp mặt đại biểu lãnh đạo, chức sắc các tổ chức tôn giáo. (Ảnh: TTXVN) |
Trên thực tế, việc tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân là chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam, được thể chế bằng Hiến pháp, pháp luật và được tôn trọng trong thực tế. Ngay từ Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa (năm 1946) và các bản Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ngày nay đều khẳng định trên nguyên tắc hiến định quyền cơ bản đó của mọi người dân. Điều 24 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 đã khẳng định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật; 2. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cùng với Hiến pháp năm 2013, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 cũng khẳng định: “1. Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo một tôn giáo nào; 2. Mỗi người có quyền bày tỏ niềm tin tín ngưỡng, tôn giáo; thực hành lễ nghi tín ngưỡng, tôn giáo; tham gia lễ hội; học tập và thực hành giáo lý, giáo luật tôn giáo; 3. Mỗi người có quyền vào tu tại cơ sở tôn giáo, học tại cơ sở đào tạo tôn giáo, lớp bồi dưỡng của tổ chức tôn giáo; người chưa thành niên,... phải được cha, mẹ hoặc người giám hộ đồng ý; 4. Chức sắc, chức việc, nhà tu hành có quyền thực hiện lễ nghi tôn giáo, giảng đạo, truyền đạo tại cơ sở tôn giáo hoặc địa điểm hợp pháp khác”. Pháp luật Việt Nam chỉ nghiêm cấm “xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Cụ thể hóa nội dung này, Điều 5, Luật tín ngưỡng, tôn giáo năm 2016 đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm: “1. Phân biệt đối xử, kỳ thị vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo; 2. Ép buộc, mua chuộc hoặc cản trở người khác theo hoặc không theo tín ngưỡng, tôn giáo; 3. Xúc phạm tín ngưỡng, tôn giáo; 4. Hoạt động tín ngưỡng, hoạt động tôn giáo: (a). Xâm phạm quốc phòng, an ninh, chủ quyền quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, môi trường; (b). Xâm hại đạo đức xã hội; xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng, tài sản; xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác; (c). Cản trở việc thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân; (d). Chia rẽ dân tộc; chia rẽ tôn giáo; chia rẽ người theo tín ngưỡng, tôn giáo với người không theo tín ngưỡng, tôn giáo, giữa người theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; 5. Lợi dụng hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo để trục lợi”. Những quy định nói trên hoàn toàn tương thích với các văn bản quốc tế mà Việt Nam đã tham gia ký kết. Theo đó, trong luật pháp quốc tế cũng như luật pháp của các quốc gia, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo không phải là quyền tự do tuyệt đối, mà có giới hạn. Khoản 3, Điều 18 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên hợp quốc (năm 1966) đã nhấn mạnh: “Quyền tự do bày tỏ tôn giáo hoặc tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn bởi những quy định pháp luật và các giới hạn này là cần thiết cho việc bảo vệ an toàn, trật tự công cộng, sức khỏe hoặc đạo đức của công chúng hoặc những quyền và tự do cơ bản của người khác”1.
Ở Việt Nam trong năm 2023, việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Hệ thống pháp luật tiếp tục được hoàn thiện, tạo cơ sở pháp lý bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân. Sau khi Nghị định số 162/2017/NĐ-CP bộc lộ một số tồn tại, vướng mắc, nhất là thiếu những biện pháp cụ thể để thi hành hiệu quả Luật tín ngưỡng, tôn giáo, ngày 29/12/2023, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 95/2023/NĐ-CP quy định một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo thay thế Nghị định số 162 nói trên. Trong đó, đã giải quyết những vướng mắc trong thực tế mà người dân, tín đồ gặp phải, như: vấn đề sở hữu đất tôn giáo; sinh hoạt tín ngưỡng đối với những người bị quản lý, giam giữ tại cơ sở quản lý, giam giữ; bảo đảm, tạo điều kiện thuận lợi về mặt pháp lý cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền và các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài; hoạt động của các tổ chức, cơ sở tôn giáo, đặc biệt là vấn để sinh hoạt tôn giáo trên không gian mạng, v.v. Bên cạnh đó, Việt Nam đã phát hành Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” bằng tiếng Việt và tiếng Anh. Qua đó, cung cấp những thông tin chính thống về chính sách, thành tựu bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam và khẳng định các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, Nhà nước không phân biệt đối xử vì lý do tín ngưỡng, tôn giáo, “Không một cá nhân, tổ chức tôn giáo nào hoạt động theo đúng pháp luật mà bị ngăn cấm”.
Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo, với 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo; hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam trong năm 2023 diễn ra rất phong phú và sinh động. Nhà nước luôn quan tâm và tạo điều kiện để sinh hoạt tôn giáo của tất cả các tôn giáo được diễn ra bình thường theo đúng Hiến chương, Điều lệ của các tôn giáo và quy định của pháp luật. Những ngày lễ trọng của các tôn giáo được tổ chức với quy mô lớn, thu hút đông đảo tín đồ tham dự. Năm 2023, Bộ Nội vụ đã ban hành quyết định công nhận cho 02 tổ chức tôn giáo mới là: Phật giáo Hiếu nghĩa Tà Lơn và Hội thánh phúc âm toàn vẹn Việt Nam; đồng thời, cũng quyết định chấp thuận đề nghị thành lập Viện Thần học Báp tít Việt Nam. Theo thông tin từ Bộ Nội vụ, tính đến tháng 12/2023, Nhà nước Việt Nam đã công nhận 38 tổ chức tôn giáo, cấp đăng ký hoạt động tôn giáo cho 02 tổ chức và 01 pháp môn tu hành thuộc 16 tôn giáo. Để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tôn giáo của người dân, năm 2023, Nhà xuất bản Tôn giáo đã cấp trên 690 quyết định xuất bản, với trên 2.400.000 bản in. Nhiều kinh sách của các tôn giáo đã được xuất bản bằng tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng dân tộc. Cùng với đó, hoạt động quan hệ quốc tế của các tổ chức tôn giáo cũng được quan tâm, tạo điều kiện, góp phần khẳng định chủ trương, chính sách đảm bảo quyền tự do tôn giáo của Việt Nam tới bạn bè quốc tế. Trong năm 2023, đã có hơn 300 lượt chức sắc, chức việc, nhà tu hành các tôn giáo tham gia hội nghị, hội thảo, các khóa đào tạo về tôn giáo ở nước ngoài; gần 400 lượt người nước ngoài vào Việt Nam hoạt động tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo được tạo điều kiện đăng cai, tổ chức các sự kiện tôn giáo quốc tế lớn, như: Giáo hội Công giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Liên Hội đồng Giám mục Á Châu năm 2023; Giáo hội Phật giáo Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Ban Thư ký Diễn đàn Phật giáo châu Á vì hòa bình, Hội nghị Lãnh đạo Phật giáo ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia; các Hội thánh Tin lành Việt Nam tổ chức Lễ hội “Xuân yêu thương”. Điểm nổi bật trong năm 2023 là quan hệ Việt Nam - Vatican có bước tiến lịch sử. Trong chuyến thăm của lãnh đạo Việt Nam tới Tòa Thánh, Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa Thánh, Hồng y Pietro Parolin đã bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển tích cực, đa dạng, phong phú của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, trong đó có Công giáo. Nhân sự kiện Vatican chính thức có Đại diện thường trú tại Việt Nam, Giáo hoàng Francis bày tỏ quan điểm cho rằng: mối quan hệ giữa Việt Nam và Tòa Thánh “tiến tới và sẽ còn tiến nữa, nhờ nhìn nhận những điểm tương đồng và tôn trọng những khác biệt”, qua đó “có thể cùng nhau đi tìm con đường tốt nhất để phục vụ thiện ích của dân tộc Việt Nam và Hội Thánh”.
Các thành tựu về đảm bảo quyền con người nói chung, quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam nói riêng, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá tích cực. Tại phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc tại Geneva, Thụy Sĩ ngày 07/5/2024, nhiều nước đã ghi nhận và đánh giá cao chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Những thực tế nêu trên là minh chứng sinh động bác bỏ các thông tin sai trái, thiếu khách quan trong Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.
Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nên chấm dứt những nhận định không khách quan, mang tính định kiến và không chính xác về tình hình nhân quyền nói chung, tự do tín ngưỡng, tôn giáo thực tế tại Việt Nam nói riêng. Thay vào đó, theo Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng: Hoa Kỳ cần trao đổi với Việt Nam về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau để đóng góp và thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước. “Trên tinh thần đó, Việt Nam đề nghị phía Hoa Kỳ cần có những đánh giá khách quan dựa trên các nguồn thông tin chính xác và toàn diện về tình hình thực tế tại Việt Nam và sớm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách các nước theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo”./.
NGUYỄN NGỌC HỒI
_______________________
1 - Trung tâm nghiên cứu quyền con người và Viện Thông tin khoa học thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – Văn kiện quốc tế về quyền con người, H. 2000, tr. 212.