Thắng 'giặc nội xâm' để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
08:48 07/11/2024 245
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Đất nước 'chuyển mình', bước vào kỷ nguyên mới, cần chiến thắng được 'giặc nội xâm' – lãng phí là nhiệm vụ cấp bách được Tổng Bí thư Tô Lâm quan tâm sâu sắc.
Thông điệp trong bài viết mới đây của Tổng Bí thư Tô Lâm về “chống lãng phí” cho thấy công tác phòng, chống lãng phí đang đứng trước những yêu cầu mới, nhiệm vụ mới vô cùng khẩn trương và cấp bách; đặc biệt trong bối cảnh nguồn lực của đất nước còn hạn chế… Đây cũng là cuộc chiến chống “giặc nội xâm” để đất nước có thể rút ngắn con đường bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tổng Bí thư Tô Lâm phát biểu kết luận Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII. Ảnh: Nhật Bắc
Trong bài viết “Chống lãng phí”, Tổng Bí thư Tô Lâm cũng nhấn mạnh: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn chú trọng phòng, chống lãng phí. Bác căn dặn “Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội và của Chính phủ”; Người chỉ rõ “Tham ô có hại nhưng lãng phí có khi còn hại nhiều hơn: Nó tai hại hơn tham ô vì lãng phí rất phổ biến...”; “Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô”; Người nhiều lần nhấn mạnh “Phải quý trọng của công: Tất cả cái ăn, cái mặc, cái dùng của các cô, các chú là mồ hôi nước mắt của đồng bào. Phải tiết kiệm, giữ gìn, không được lãng phí; “Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng”. Nếu chiến sĩ và nhân dân ra sức chống giặc ngoại xâm mà quên chống giặc nội xâm, như thế là chưa làm tròn nhiệm vụ của mình. Vì vậy, chiến sĩ và nhân dân phải hăng hái tham gia phong trào ấy.
Không chỉ là thường xuyên căn dặn, nhắc nhở, bàn luận về tiết kiệm, chống lãng phí dưới góc độ lý luận, Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là tấm gương mẫu mực, sáng ngời về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đã truyền cảm hứng trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thi đua, huy động, hội tụ tiềm lực, sức mạnh chiến thắng thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Lãng phí hiện nay như một ''ung nhọt'' nhức nhối; từ các hành vi nhỏ như: Lãng phí thời gian trong công việc, lãng phí trong quản lý sử dụng tài sản công, điện, nước… là những hành động có tác động tiêu cực đối với sự phát triển chung của đất nước. Trong nhiều cơ quan Nhà nước, doanh nghiệp, tình trạng lãng phí vẫn còn diễn ra dưới hình thức: Một số công chức, viên chức, người lao động ý thức kém, vô tư dùng điện, nước hay đồ văn phòng phẩm tràn lan…; tình trạng lãng phí thời gian, sức lao động, chi phí vật chất…
Hay lãng phí trong khai thác tài nguyên khoáng sản, trong quy hoạch dự án không hiệu quả, chậm tiến độ phải thu hồi. Lãng phí “chất xám” cũng diễn ra rất xót xa hiện nay khi còn tình trạng nhiều địa phương bố trí người chưa đúng việc, đúng sở trường, chưa thực sự quan tâm, trọng dụng người tài...
Đặc biệt, với thế hệ trẻ hiện nay, còn tình trạng lãng phí sức khỏe, tiền bạc, thời gian… vào những thú vui vô bổ, không lành mạnh dẫn đến nhiều hệ lụy đáng tiếc.
Thực tế đã có rất nhiều bài học từ việc lãng phí tài sản, “của công”, sức khỏe, tiền bạc, “chất xám”… như một tiếng chuông cảnh tỉnh. Bài viết “ Chống lãng phí” của Tổng Bí thư Tô Lâm như một thông điệp sâu sắc về trách nhiệm của bộ máy công quyền nhà nước, của toàn xã hội trong việc phòng, chống lãng phí, nó lan tỏa tới mỗi người dân, khơi dậy tinh thần, ý chí quật cường của một dân tộc có truyền thống yêu nước, đoàn kết… tiếp tục vượt qua khó khăn, thử thách, quyết tâm đấu tranh với “giặc nội xâm” ngay ở trong chính bản thân mình, bên cạnh mình… để chiến thắng, vững tin bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ở đó sẽ không có chỗ cho sự lãng phí, lần khần, thiếu ý thức, thiếu sự tự tôn dân tộc…
Tinh thần đoàn kết của dân tộc ta còn đó khi đồng bào cả nước từng nô nức, phấn khởi hưởng ứng Sắc lệnh của Chính phủ và lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thực hành tiết kiệm. Tuần lễ Vàng kêu gọi các tầng lớp nhân dân tình nguyện ủng hộ xây dựng “Quỹ độc lập” từ ngày 17-24/9/1945, đồng bào cả nước đã quyên góp ủng hộ 20 triệu tiền đồng, 370 kg vàng…
Phong trào đã lan tỏa, từ những người lao động nghèo khổ đến những tư sản, điền chủ giàu có... đều hưởng ứng, đóng góp, bổ sung vào ngân khố của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thời điểm đó.
Lời dặn dò trong Di chúc và tấm gương sống của Bác Hồ về tiết kiệm chống lãng phí vẫn còn vẹn nguyên giá trị. Cho đến nay, người đứng đầu Đảng, Nhà nước – Tổng Bí thư Tô Lâm vẫn luôn trăn trở, định hướng, chỉ ra những gì còn tồn tại trong xã hội ta. Bài viết như lời hiệu triệu làm thức tỉnh cả xã hội, chạm đến từng người dân cần có ý thức tránh xa lãng phí, đấu tranh chiến thắng “giặc nội xâm” vì lợi ích quốc gia, lợi ích của bản thân, gia đình, xã hội và thế hệ tương lai của chúng ta.
Theo Tiến sĩ Nguyễn Viết Chức, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của Quốc hội: “Muốn bước vào kỷ nguyên mới: Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, Tổng Bí thư Tô Lâm trăn trở và chỉ rõ cần phải chống lãng phí. Đây không chỉ là nhìn nhận sâu sắc mà còn là nhiệm vụ cấp bách mang tính thời sự trong giai đoạn hiện nay. Các ngành, các cấp, toàn dân cùng vào cuộc, chúng ta hãy chắt chiu từng giây phút ngay từ lúc này để không bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước, hội nhập quốc tế”.
Thu Thủy
Theo Báo Công thương Tweet