Tây Ninh: Phát huy vai trò của mạng xã hội trong tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước

09:30 09/08/2022     738

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Việc sử dụng Internet, mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền chính trị, đưa thông tin chính thống đến với Nhân dân, đồng thời đấu tranh phản bác, phê phán những thông tin, quan điểm sai trái, xuyên tạc, thù địch là được xác định là nhiệm vụ cần thiết và quan trọng đối với cấp ủy, chính quyền Tây Ninh trong những năm qua.

NÂNG CAO HIỆU QUẢ CÁC DIỄN ĐÀN TUYÊN TRUYỀN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Nhận thức được vị trí, vai trò quan trọng của mạng xã hội, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh đã chủ động tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thành lập mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội cấp tỉnh, huyện có trách nhiệm đồng thời thực hiện nhiệm vụ nắm bắt, định hướng dư luận xã hội và tuyên truyền, lan toả thông tin tích cực, đấu tranh phê phán, phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc trên mạng xã hội. 

Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 04/4/2018 về “nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc sử dụng Internet, mạng xã hội và đấu tranh phản bác các quan điểm, thông tin sai trái, thù địch”; Đề án số 05-ĐA/TU, ngày 29/4/2022 về “Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, phòng, chống âm mưu “diễn biến hoà bình”, gỡ bỏ các thông tin xấu, độc, xuyên tạc của các thế lực thù địch, giai đoạn 2022 – 2025”. Đây là các cơ sở pháp lý quan trọng để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh, cấp uỷ xã, phường, thị trấn trong tỉnh ra quyết định thành lập, xây dựng lực lượng cộng tác viên dư luận xã hội của địa phương, ngành và cấp cơ sở.

Mạng lưới cộng tác viên dư luận xã hội này chính là lực lượng nòng cốt tham gia quản lý, điều hành hoạt động các diễn đàn tuyên truyền của địa phương, cơ quan, đơn vị; được tập huấn, bồi dưỡng thường xuyên về kỹ năng nắm dư luận xã hội, tuyên truyền, đấu tranh phản bác thông tin xấu, độc trên mạng xã hội. 

Từ năm 2016, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ - cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo chống “diễn biến hòa bình” trên lĩnh vực tư tưởng, văn hóa (nay là Ban Chỉ đạo bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch và thông tin đối ngoại) các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh chỉ đạo, đôn đốc việc thành lập, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính lan toả trong hoạt động của các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo…) của cấp uỷ địa phương, cơ quan, đơn vị phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; lan toả thông tin tích cực, định hướng dư luận xã hội và đấu tranh phản bác các thông tin, quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; đưa diễn đàn trở thành kênh thông tin, định hướng dư luận xã hội chính thức của địa phương, đơn vị. 

Từ sự quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện của cấp uỷ đảng, chính quyền, số lượng các diễn đàn trên mạng xã hội của tỉnh Tây Ninh đã phát triển nhanh chóng. Tính đến tháng 12/2021, toàn tỉnh đã thành lập, đưa vào hoạt động 254 diễn đàn công khai với hơn 444.000 thành viên. 

 

Một số diễn đàn trên mạng xã hội của tỉnh Tây Ninh

Hoạt động của các diễn đàn trên mạng xã hội đã phục vụ đắc lực cho công tác tuyên truyền chính trị, lan toả thông tin tích cực, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên mạng xã hội. Chỉ tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2022, các diễn đàn đã đăng tải, chia sẻ, lan toả hơn 96.729 tin, bài, video clip tuyên truyền với phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “phủ xanh thông tin tích cực”. Qua hoạt động của các diễn đàn, thông tin về đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; thông tin về những tấm gương người tốt, việc tốt, những phong trào hành động cách mạng của các tổ chức chính trị - xã hội, của đảng viên, đoàn viên, hội viên, quần chúng nhân dân; các thông tin làm rõ bản chất sự việc, phê phán các luận điệu sai trái, xuyên tạc của các đối tượng cơ hội chính trị, thế lực thù địch đã kịp thời được đăng tải, chia sẻ, lan tỏa rộng rãi, thu hút sự quan tâm của dư luận, tạo niềm tin vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cấp ủy, chính quyền địa phương. 

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 bùng phát và diễn biến rất phức tạp thời gian qua, cùng với báo chí, các diễn đàn đã trở thành kênh thông tin quan trọng, hữu hiệu trong tuyên truyền phòng, chống dịch; được ví như “cây cầu” kết nối giữa các cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với cơ quan chức năng - nhất là trong thời gian Tây Ninh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16-CT/TTg của Thủ tướng Chính phủ. 

 

Kết quả điều tra dư luận xã hội về về công tác phòng, chống dịch COVID-19 của Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ thực hiện tháng 8/2021 cho thấy: mạng xã hội là một trong ba kênh thông tin chủ yếu giúp người dân tiếp nhận thông tin về tình hình dịch bệnh (64,7%), chỉ đứng sau Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh (75%) và cao hơn hẳn so với từ báo, đài Trung ương (49,4%), chia sẻ từ bạn bè, người thân, đồng nghiệp (36,8%), hệ thống truyền thanh huyện, xã (32,1%)... 

 

Các diễn đàn còn là nơi ghi nhận, nắm bắt các phản ánh, tâm tư, nguyện vọng, kiến nghị của người dân, qua đó giúp cấp uỷ, chính quyền kịp thời tiếp nhận thông tin phản hồi, có giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo điều chỉnh, xử lý, khắc phục. Các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội của một số địa phương, đơn vị như huyện Dương Minh Châu, Tân Biên, Châu Thành, Hòa Thành... đã phát huy rất tốt việc tiếp thu thông tin phản hồi của người dân, qua đó báo cáo, đề xuất cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo xử lý, không để hình thành điểm nóng, phức tạp, nhạy cảm về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

Nhằm phát huy tối đa khả năng tuyên truyền, tiếp cận công chúng, các cơ quan báo chí của tỉnh đã tăng cường mở rộng các kênh thông tin, tuyên truyền của mình trên mạng xã hội. Hiện nay, Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh và Truyền hình Tây Ninh đã xây dựng các kênh thông tin trên các ứng dụng mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Youtube, Tiktok, Instagram, Twitter để phục vụ nhiệm vụ thông tin, tuyên truyền nói chung và tuyên truyền nhiệm vụ chính trị, đưa thông tin chủ động đến tận tay người dân, mọi lúc, mọi nơi. Hiện nay, các thông tin của Báo Tây Ninh, Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh đăng tải trên các kênh tuyên truyền qua mạng xã hội, nhất là kênh Youtube tạo độ lan toả khá tốt, thu hút lượt xem trung bình từ vài ngàn đến hơn 1 triệu lượt view/nội dung được đăng tải. Riêng kênh Youtube của Đài Phát thanh - Truyền hình Tây Ninh đã thu hút hơn 100.000 lượt người đăng ký theo dõi). Có thể con số này còn khá khiêm tốn so với các tỉnh, thành phố lớn, nhưng với vị trí một tỉnh biên giới, kinh tế-xã hội còn nhiều khó khăn thì kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của địa phương.

Kênh youtube của Đài phát thanh truyền hình Tây Ninh đã thu  hút hơn 100.000 lượt người đăng ký theo dõi

Bên cạnh những kết quả rất tích cực nêu trên, trong việc lãnh đạo, chỉ đạo sử dụng mạng xã hội phục vụ công tác tuyên truyền chính trị trên địa bàn Tây Ninh còn một số hạn chế cần sớm được chấn chỉnh. Một bộ phận cán bộ, đảng viên chưa sử dụng mạng xã hội trong tuyên truyền chính trị. Một số diễn đàn tuyên truyền được thành lập nhưng còn ít thành viên; nội dung chưa phong phú, hình thức chưa hấp dẫn, chủ yếu đăng lại các bài viết trên báo chí chính thống; các thông điệp tác động đến trực quan (video clip) được biên tập ngắn, sinh động, hấp dẫn còn ít. Các diễn đàn chủ yếu trên mạng xã hội Facebook, chưa mở rộng sang các nền tảng khác (Youtube, TikTok, Twitter…) để tăng độ lan toả.

TIẾP TỤC NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG, HIỆU QUẢ CÁC DIỄN ĐÀN TUYÊN TRUYỀN TRÊN MẠNG XÃ HỘI

Để nâng cao hiệu quả sử dụng mạng xã hội phục vụ tuyên truyền chính trị, trong thời gian tới, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh tập trung tham mưu, đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh uỷ chỉ đạo thực hiện tốt một số nội dung sau:

Một là, tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc việc thành lập, nâng cao chất lượng, hiệu quả, tính lan toả trong hoạt động của các diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội (Facebook, Youtube, Zalo, Twitter, Tiktok…); phấn đấu 100% các ban tuyên giáo, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị-xã hội cấp tỉnh, huyện thành lập, quản lý ít nhất 1 diễn đàn tuyên truyền trên mạng xã hội; nỗ lực để đưa các diễn đàn này trở thành kênh cung cấp thông tin, định hướng dư luận xã hội chính thức của địa phương, đơn vị.

Hai là, nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp uỷ, địa phương, cơ quan, đơn vị, trưởng ban tuyên giáo, tuyên huấn các huyện uỷ, thị uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Tỉnh uỷ, Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức chính trị - xã hội cấp tỉnh trong chỉ đạo, hướng dẫn, định hướng, thẩm định, giám sát việc đăng, phát, chia sẻ thông tin trên các diễn đàn mạng xã hội do địa phương, đơn vị thành lập, điều hành cũng như đối với các tài khoản mạng xã hội của cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên thuộc phạm vi quản lý; chịu trách nhiệm trước ban thường vụ cấp uỷ cùng cấp khi để xảy ra lộ, lọt thông tin nhạy cảm, bí mật, thông tin sai, trái với chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của cấp uỷ cấp trên, vi phạm đạo đức và các chuẩn mực xã hội, làm ảnh hưởng đến uy tín, danh dự, hoạt động của cơ quan, đơn vị, gây chia rẽ, mất đoàn kết nội bộ.

Ba là, phát huy vai trò gương mẫu đi đầu của cán bộ, đảng viên, đoàn viên trong nghiên cứu, chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, của Nhà nước khi tham gia mạng xã hội - nhất là Luật An ninh mạng, Bộ Quy tắc ứng xử trên mạng xã hội do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành, các quy định về kỷ luật phát ngôn và bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước khi tham gia mạng xã hội, Chỉ thị số 14-CT/TU, ngày 4/4/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ; tích cực, chủ động đăng tải, chia sẻ những thông tin trung thực, chính thống lên các nền tảng mạng xã hội, góp thêm tiếng nói và sức nặng cho dòng thông tin chủ lưu của Đảng và Nhà nước, tạo sức mạnh hiệp đồng để áp đảo những luận điệu xuyên tạc, thiếu căn cứ và mang tính thù địch, gây rối.

Bốn là, tập trung phát triển thành viên, nhất là trong đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân tham gia cung cấp, chia sẻ, lan tỏa thông tin tích cực, những đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật Nhà nước; đồng thời kịp thời ghi nhận, phát hiện những vấn đề, sự việc nổi cộm liên quan đến lĩnh vực, địa bàn của mình phụ trach để kịp thời kiểm tra xác minh, đề xuất biện pháp xử lý, giải quyết kịp thời, thỏa đáng.

Năm là, tiếp tục chỉ đạo cải tiến về hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền trên các diễn đàn, chú trọng biên tập nội dung cô đọng, ngắn gọn, tránh trừu tượng hóa, luận chứng, luận cứ ngắn gọn nhưng thuyết phục, kết hợp với những nội dung đa phương tiện để dễ nhớ, dễ liên tưởng, dễ lan tỏa; đẩy mạnh thành lập, mở rộng hoạt động của các diễn đàn trên các nền tảng số. 

Sáu là, huy động cán bộ am hiểu về công nghệ thông tin tham gia điều hành, quản trị các diễn đàn để thuận lợi trong việc đăng tải, tương tác, chia sẻ những bài viết tuyên truyền chủ trương, đường lối, phân tích, vạch trần bản chất của những thông tin xấu, độc trên mạng xã hội; thực hiện nghiêm quy định về bảo mật, an toàn thông tin trong quá trình quản trị, điều hành, phê duyệt nội dung.

Bảy là, tăng cường mở rộng, liên kết chặt chẽ giữa các lực lượng trong tỉnh, giữa tuyên truyền, đấu tranh trên mạng xã hội và tuyên truyền, đấu tranh trực diện, công khai trên các cơ quan báo chí của tỉnh; mở rộng liên kết với các tỉnh, thành bạn; phát huy sức mạnh đoàn kết, thống nhất trong tuyên truyền nhiệm vụ chính trị trên mạng xã hội.

Tám là, đẩy mạnh bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức phụ trách quản trị, điều hành và cộng tác viên tác nghiệp trên mạng xã hội các kỹ năng cơ bản, hệ thống và hiện đại trong quản trị mạng xã hội, sử dụng mạng xã hội cũng như tổ chức lực lượng trên mạng xã hội; định kỳ tổ chức chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm nhằm không ngừng cải thiện hiệu quả truyền thống trên mạng xã hội./.

 

Theo Tạp chí tuyên giáo