Đừng tự đánh mất thiên chức cao cả của văn nghệ sĩ
Phóng viên (PV): Thời gian qua đã xuất hiện một số tác phẩm/sản phẩm văn học, nghệ thuật (VHNT) chứa đựng nội dung hạ thấp ý nghĩa giáo dục và thiên về chức năng giải trí, tiêu khiển tầm thường, từ đó có thể thẩm thấu vào suy nghĩ, tâm hồn, làm tha hóa nhân cách con người và tác động tiêu cực đến môi trường văn hóa xã hội. Theo ông, hiện tượng này thuộc về nhận thức hay quan niệm sáng tác, trách nhiệm công dân của văn nghệ sĩ?
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Không chỉ xuất hiện một số tác phẩm/sản phẩm VHNT chứa đựng nội dung hạ thấp ý nghĩa giáo dục mà người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta từng thẳng thắn chỉ ra, có biểu hiện nhố nhăng, phản cảm, nói nặng ra là “vô văn hóa, phản văn hóa”. Thực tế có tác phẩm VHNT (nhất là thơ, ca nhạc) lấy cảm hứng từ những câu chuyện làm tình lại được một vài nhà “nghiên cứu” tung hô gọi là “diễn ngôn tính dục”, khêu gợi sự thấp hèn xa lạ với thị hiếu thẩm mỹ của người Việt.
Rồi người ta hay nhắc đến hai chữ “giải thiêng” như là thứ mốt thời thượng. Một tác giả gần đây có bài viết gây chú ý về bánh chưng. Là món ăn quen thuộc của người Việt trong những ngày Tết, có người thích hay không thích bánh chưng là chuyện thường tình. Nhưng thâm ý của tác giả không phải là viết về món ăn mà là hạ thấp một biểu tượng văn hóa, sâu xa hơn là “giải thiêng” biểu tượng Vua Hùng.
Nếu đáng “giải thiêng” thì phải “giải thiêng” chứ không thể nói ngược, xóa bỏ tính thiêng của thần tượng đã được lịch sử khẳng định. Một vài văn nghệ sĩ có dụng ý không hay là “hạ bệ” (cũng là “giải thiêng”) nữ anh hùng Võ Thị Sáu, một tấm gương sáng ngời về lòng kiên trung, bất khuất khiến ngay cả kẻ thù là thực dân Pháp và tay sai cũng phải kiêng nể; thế mà có người vẫn cố tình nói ngược để gây sốc dư luận!
Theo tôi, nguyên nhân chủ yếu của hiện tượng trên thuộc về quan niệm, trách nhiệm công dân chứ không phải kỹ thuật sáng tác hay nhận thức. Sẽ là chân lý và công lý nếu như người ta chỉ “giải thiêng” những nhân vật lịch sử nào bị nhìn nhận sai lệch, bản chất vốn là xấu nhưng lại được đánh giá tốt, rồi vạch ra công-tội rõ ràng. Còn cố ý làm thiên lệch, méo mó lịch sử tức là làm méo mó con người. Trung thực với lịch sử là trung thực với con người, nhất là với các danh nhân, anh hùng thì thật đáng kính, đáng trọng vì họ đã trở thành một biểu tượng văn hóa của cộng đồng. Làm tổn thương những biểu tượng đó cũng là làm tổn thương cả cộng đồng.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú. |
PV: Theo ông, làm thế nào để trong quá trình sáng tạo, mỗi tác phẩm/sản phẩm của văn nghệ sĩ-dù có chủ đề nội dung tôn vinh, ngợi ca hay cảnh tỉnh, phê phán-cũng hàm chứa giá trị cốt lõi là phụng sự Tổ quốc, phụng sự cuộc sống yên bình, hạnh phúc của nhân dân?
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Chúng ta rất cần tôn trọng quyền tự do sáng tạo nhưng phải luôn quan tâm bồi dưỡng tư tưởng chính trị, quan điểm, lập trường đúng đắn cho văn nghệ sĩ. VHNT là vấn đề tư tưởng. Lịch sử văn chương nghệ thuật cho thấy các văn nghệ sĩ lớn luôn tự do sáng tạo theo một xu hướng, trường phái nhất định. Xu hướng, tình cảm đúng đắn nhất, chân lý nhất là tự do sáng tạo cho mục đích vì nước, vì dân, vì những giá trị cao đẹp của con người.
Tác phẩm VHNT hay-dở là do người sáng tạo. Vốn sống, vốn tri thức văn hóa của văn nghệ sĩ cũng luôn được coi là nền tảng. Vốn sống không chỉ loanh quanh trong “tư duy phòng ốc”, trong một địa phương, ngành nghề, mà phải vươn ra khắp mọi miền Tổ quốc, nơi biển, đảo xa xôi sóng vỗ, nơi biên giới heo hút ngàn trùng. Được sống, hít thở, đập cùng nhịp đập trái tim của cuộc sống ở những nơi gian lao như vậy thì văn nghệ sĩ mới có điều kiện để nhìn nhận rõ nhất thiện-ác, văn minh-lạc hậu, cao thượng-thấp hèn... qua đó, dù ngợi ca hay phê phán thì họ sẽ có cái nhìn tinh tế, sâu sắc, công tâm hơn trong tác phẩm của mình.
PV: Tác phẩm VHNT tồn tại là nhờ công chúng. Vậy cần làm gì để tạo ra nhận thức chung cho cộng đồng về tác phẩm VHNT vị nhân sinh, qua đó góp phần tác động đến ý thức, động cơ sáng tạo lành mạnh cho văn nghệ sĩ?
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Đến nay, người ta vẫn khẳng định quy trình của sáng tạo tác phẩm VHNT là: Đời sống-tác giả-tác phẩm-công chúng (độc giả, khán giả, thính giả). Phải được trồng trên mảnh đất đời sống thì cây văn chương, nghệ thuật mới kết trái tác phẩm và “trái cây” ấy phải được sự thẩm định của công chúng. Có tác phẩm chỉ có giá trị “một đời” nếu chỉ được công chúng “một đời” ấy tiếp nhận, nhưng có tác phẩm hàm chứa giá trị muôn đời khi đối thoại được với tất cả mọi đời, tức nói lên được mẫu số chung về con người. Tất nhiên, những tác phẩm như vậy rất hiếm, như thơ Nguyễn Trãi, “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, văn chương Hồ Chí Minh.
Để góp phần tạo ra nhận thức chung cho cộng đồng về tác phẩm VHNT vị nhân sinh, qua đó góp phần tác động đến ý thức, động cơ sáng tạo lành mạnh cho văn nghệ sĩ, theo tôi, trước hết là thúc đẩy văn hóa đọc-nghe-xem một cách lành mạnh cho công chúng. Kinh nghiệm nhiều nước cho thấy, phải giáo dục một cách chu đáo nghệ thuật truyền thống cho công chúng, vì đó là cái gốc của cả sáng tạo lẫn tiếp nhận. Bên cạnh đó, các nhà trường cần quan tâm giảng dạy cho học sinh hiểu biết về giá trị VHNT truyền thống để tạo nên một sự thấu hiểu rồi mới có thể thấu cảm cho các em. Chẳng hạn, ai cũng biết nghệ thuật tuồng, chèo là vốn quý của dân tộc ta, nhưng đang bị nhiều khán giả, nhất là khán giả trẻ ít tha thiết. Vì sao? Vì họ có hiểu biết sâu sắc đâu mà tin yêu, quý trọng. Do đó, muốn thế hệ trẻ thấu hiểu về nghệ thuật dân tộc thì nhất thiết cần quan tâm việc truyền dạy, đào tạo, bồi dưỡng để các em có vốn liếng kiến thức về VHNT thấm đẫm tinh thần dân tộc. Có yêu, có hiểu văn chương nghệ thuật dân tộc thì mới góp phần giúp các em có thêm sức đề kháng để phòng ngừa, tránh xa các tác phẩm, sản phẩm VHNT lai căng, nhố nhăng, phản cảm.
Hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc
PV: Nhà thơ Xuân Diệu từng viết: “Tôi cùng xương thịt với nhân dân của tôi/ Cùng đổ mồ hôi, cùng sôi giọt máu/ Tôi sống với cuộc đời chiến đấu/ Của triệu người yêu dấu gian lao”. Theo ông, thông điệp này liệu còn phù hợp với mục tiêu, động cơ sáng tạo và lý tưởng thẩm mỹ của văn nghệ sĩ hiện nay không?
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Ở bất kỳ thời nào thì quần chúng nhân dân cũng vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là đối tượng thẩm mỹ, cũng là chủ thể tiếp nhận. Vấn đề có ý nghĩa quyết định là quan điểm, tư tưởng và thái độ phản ánh của văn nghệ sĩ sáng tạo ra tác phẩm có vì nhân dân, tôn trọng nhân dân hay không. Một tác phẩm có tính nhân dân luôn căn cứ từ hai phương diện cơ bản là nội dung (phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm, ước nguyện, quyền lợi của dân) và hình thức (phù hợp với thị hiếu của dân, được dân ưa thích, trong sáng, giản dị, dễ hiểu, dễ đi vào lòng người). Đỉnh cao của tác phẩm có tính nhân dân trong quá khứ là “Truyện Kiều” của Nguyễn Du, một tác phẩm “nói mãi không cùng”, càng đọc càng mới.
Rất tiếc, trong thời nay, tính nhân dân đang bị coi nhẹ. Một số giáo trình lý luận văn học, văn hóa gần đây dành số trang nhiều hơn giới thiệu về lý thuyết nước ngoài nhưng xa lạ với văn hóa Việt. Nhiều luận án, luận văn không tha thiết với đề tài cách mạng, kháng chiến, truyền thống, mà lại hướng về “thời thượng” với hậu hiện đại, tính dục, đổ vỡ, bi kịch... Nếu không kịp thời điều chỉnh, có thể đẩy sáng tác ngày càng xa hơn với cuộc sống, với nhân dân, với cách mạng.
PV: Trong bối cảnh bùng nổ truyền thông xã hội và công nghệ giải trí đã tác động cả tích cực và tiêu cực đến đời sống, công chúng văn nghệ; đồng thời, trong thời đại toàn cầu hóa có nguy cơ “xâm lăng văn hóa” từ bên ngoài vào nước ta, vậy văn nghệ sĩ cần phải làm gì để góp phần ngăn chặn những “luồng gió độc” và làm lành mạnh hóa môi trường văn hóa xã hội, thưa ông?
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Với bất kỳ dân tộc nào, trong thời đại mở cửa hội nhập đều phải đối mặt với sự “xâm lăng văn hóa”. Nước ta cũng không ngoại lệ. Như một quy luật, chỉ có sức mạnh văn hóa nội sinh mới có thể tạo ra sức đề kháng đủ mạnh để chống lại sự xâm lăng này. Văn hóa bản địa càng mạnh sẽ biến hại thành lợi, sẽ đồng hóa ngược lại văn hóa ngoại sinh, biến nó thành cái của mình. Cách chữa bệnh tốt nhất là làm giàu khả năng đề kháng của cơ thể. Một nền văn hóa khỏe mạnh, tràn trề sinh lực sẽ không ngại các cơn gió độc từ bên ngoài. Đúng như Bác Hồ đã dạy: “Những người cộng sản chúng ta phải rất quý trọng cổ điển. Có nhiều dòng suối tiến bộ chảy từ ngọn núi cổ điển đó. Càng thấm nhuần Chủ nghĩa Mác-Lênin, càng phải coi trọng những truyền thống tốt đẹp của cha ông”. Vì vậy, mỗi văn nghệ sĩ cần thấm nhuần sâu sắc điều này.
Có nhà văn nói rất đúng: Muốn ướp được người, mình phải mặn trước. Phải mặn về lý tưởng, say mê, nồng nàn. Phải mặn về cảm xúc, trí tuệ, vốn sống. VHNT là câu chuyện tích lũy. Tích lũy tài năng, tri thức, vốn sống. Phải có kế hoạch phát hiện, ươm mầm tài năng và kế hoạch thiết thực làm giàu có thêm vốn sống, vốn văn hóa, tri thức, lý tưởng của văn nghệ sĩ.
Một tiết mục trong Lễ tổng duyệt của chương trình nghệ thuật đặc biệt Đề cương về văn hóa Việt Nam – Những dấu ấn lịch sử. Ảnh minh họa: Chinhphu.vn |
PV: Đảng ta nhấn mạnh: VHNT là lĩnh vực rất quan trọng, đặc biệt tinh tế của văn hóa; là nhu cầu thiết yếu, thể hiện khát vọng chân-thiện-mỹ của con người; là một trong những động lực to lớn trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội và sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam, vì vậy, cần phát huy vai trò của VHNT trong việc bồi dưỡng tâm hồn, tình cảm của con người. Theo ông, để góp phần hiện thực hóa quan điểm đó, chúng ta cần quan tâm vấn đề gì?
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Thanh Tú: Có lẽ chưa bao giờ thời cuộc lại diễn biến nhanh chóng, phức tạp và nhiều mối quan ngại như thời nay. Xã hội ta cũng đang xuất hiện nhiều vấn đề mới khác nhiều so với thời chiến tranh và thời quan liêu, bao cấp trước đây. Phải nhìn rõ đặc điểm này để văn nghệ sĩ tự đổi mới chính mình, để vừa phát huy những giá trị, thành tựu to lớn của nền văn nghệ cách mạng, vừa có sự tỉnh táo, nhạy bén trong cách nhìn, cách nghĩ và cách thể hiện mới trong sáng tạo VHNT cho phù hợp với thời đại mới hôm nay.
Điều tôi muốn nhắc lại ở đây chính là ý kiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh rằng, trong mọi bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tiễn, muốn VHNT làm tròn thiên chức, sứ mệnh cao cả của mình thì bài học lớn nhất là đề cao vai trò, trách nhiệm, nhiệt huyết sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ. Đó là các văn nghệ sĩ phải có khát vọng lớn lao, lý tưởng cao cả, hòa nhịp đập trái tim mình với nhịp đập trái tim toàn dân tộc, lăn lộn với thực tiễn phong phú, sôi động của cuộc sống nhân dân; chứ không phải chỉ đi vào tâm trạng cá nhân, gặm nhấm tâm tư, yếm thế, lấy tiểu xảo thay cho tài năng, nhìn đời bằng góc nhìn chật hẹp, thậm chí coi văn nghệ chỉ đơn giản như là thú vui, giải trí hoặc một cuộc chơi, một đam mê tầm thường.
Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của văn nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, vì những giá trị chân chính, tốt đẹp của con người và xã hội.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
“Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ. Bằng tâm thế sáng tạo, trách nhiệm và tâm huyết với sự nghiệp chung, trước những biến động của thời đại, các văn nghệ sĩ cần có bản lĩnh vững vàng và sự tỉnh táo để vượt qua những thách thức bên ngoài và vượt lên chính mình. Khám phá và phản ánh những chiều kích đa dạng của đời sống xã hội, khẳng định những dòng chảy chủ lưu, tích cực”. (Phát biểu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật, ngày 19-5-2023) |
(còn nữa)