Phát huy vai trò đoàn kết tôn giáo trong kỷ nguyên mới của dân tộc
16:13 13/02/2025 202
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Tín ngưỡng, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của con người, vì vậy tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân là chủ trương nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.
Bên cạnh đó, Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, đa tôn giáo, chính vì vậy từ khi giành được chính quyền cho đến nay, Đảng, Nhà nước ta luôn coi trọng chính sách đoàn kết, hòa hợp giữa các tôn giáo; đảm bảo sự bình đẳng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng.
Theo Sách trắng “Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam” do Ban Tôn giáo Chính phủ phát hành, đến nay Nhà nước ta đã công nhận 36 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo khác nhau như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Hồi giáo, Tôn giáo Baha'i... với khoảng 26,5 triệu tín đồ tôn giáo, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, 135.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự. Với những con số ấn tượng này, Việt Nam được ví như một bảo tàng về tín ngưỡng, tôn giáo, là một trong số 12 nước trên thế giới và 6 nước ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương được công nhận có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao theo khảo sát đa dạng tôn giáo toàn cầu của Viện Diễn đàn Pew (Hoa Kỳ).
Đông đảo chư tôn đức tăng ni, Phật tử tham dự Đại lễ Phật đản Phật lịch 2568, Dương lịch 2024. Ảnh: VGP
Sự đa dạng của tôn giáo ở Việt Nam được thể hiện ở nhiều góc cạnh, có tôn giáo du nhập từ bên ngoài như Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, Hồi giáo…, có tôn giáo nội sinh ngay trong lòng dân tộc như Phật giáo Hòa Hảo, đạo Cao Đài... Đồng bào theo tôn giáo ở Việt Nam luôn được nuôi dưỡng bởi truyền thống ngàn năm văn hiến của dân tộc, họ không chỉ có đức tin và sự cố kết với tôn giáo của mình mà luôn đoàn kết, gắn bó, đồng hành cùng dân tộc trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
Các bản Hiến pháp từ năm 1946 đến 2013 đã thể hiện quan điểm xuyên suốt nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Đảng ta khẳng định, tôn giáo là nhu cầu tinh thần của một bộ phận nhân dân và tiếp tục tồn tại lâu dài cùng với sự phát triển của xã hội, đoàn kết tôn giáo, hòa hợp dân tộc là yêu cầu quan trọng của quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền Việt Nam.
Trải qua gần 80 năm xây dựng và phát triển đất nước, Đảng, Nhà nước ta luôn kiên định, đề cao chính sách bình đẳng, đại đoàn kết dân tộc, luôn nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của mọi người, các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật.
Đại hội XIII của Đảng chủ trương “phát huy những giá trị văn hoá, đạo đức tốt đẹp và các nguồn lực của các tôn giáo cho sự nghiệp phát triển đất nước”, qua đó góp phần “khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”. Đồng thời không chỉ khẳng định “kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc” mà còn phải làm tốt công tác “vận động, đoàn kết, tập hợp các tổ chức tôn giáo, chức sắc, tín đồ sống “tốt đời đẹp đạo”, đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.
Hiện thực hóa nội dung từ chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về tôn giáo vào đời sống, những năm qua, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể có liên quan thuộc hệ thống chính trị đã làm tốt vai trò quản lý nhà nước, phát huy hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả của công tác tranh thủ chức sắc, chức việc, người có uy tín trong các tôn giáo, hướng dẫn, động viên lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tiếp tục phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp xây dựng con người, đất nước xã hội chủ nghĩa; vận động tín đồ sống “tốt đời, đẹp đạo”, “đồng hành cùng dân tộc”, góp phần phát huy nguồn lực tôn giáo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.
Với chính sách bình đẳng, các tôn giáo trên cùng một địa bàn luôn thể hiện sự đoàn kết, tương trợ lẫn nhau. Trong các dịp lễ trọng, đại diện lãnh đạo của các tôn giáo đều tổ chức thăm hỏi, chúc mừng, hòa chung với không khí lễ hội của mỗi tôn giáo, cho dù giữa các tôn giáo có sự khác biệt về giáo lý, giáo luật, lễ nghi tôn giáo. Bên cạnh đó, trong các dịp Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, ngày truyền thống của các cơ quan, ban, ngành, lãnh đạo các tổ chức tôn giáo tổ chức các đoàn đến thăm, chúc mừng. Thông qua việc tạo dựng, duy trì sự gắn bó, đoàn kết này, các tổ chức tôn giáo tại các tỉnh, thành phố trên địa bàn cả nước luôn đồng hành, sát cánh cùng các cấp chính quyền, cơ quan, đoàn thể, đóng góp tích cực trong các phong trào cách mạng nói chung, phong trào Toàn dân vì an ninh Tổ quốc nói riêng.
Những vấn đề nêu trên là minh chứng sống động cho thấy Đảng và Nhà nước ta đã hoạch định chủ trương, đường lối đúng đắn, biết tôn trọng, phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo kết hợp truyền thống đoàn kết của dân tộc Việt Nam thuận theo quy luật “Việt Nam hóa tôn giáo”. Qua đó, một mặt tận dụng, phát huy được những giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn... đã kết tinh ở các tôn giáo qua dòng chảy của lịch sử vào đời sống; mặt khác cũng làm cho đồng bào và chức sắc, chức việc tôn giáo thấy được sự tôn trọng, được đề cao “nguồn lực tôn giáo” của Đảng thông qua việc phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo nói riêng và đối với các tôn giáo nói chung, góp phần thu hút đồng bào và chức sắc tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc.
Ngoài ra với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước trong thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập quốc tế, phần lớn các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có các hoạt động giao lưu quốc tế trên tinh thần hoà bình, hữu nghị với các giáo hội, các tổ chức tôn giáo đồng đạo trên thế giới, nhiều tổ chức tôn giáo ở trong nước đã mời tổ chức tôn giáo nước ngoài đến thăm và làm việc tại Việt Nam; đồng thời xin phép tổ chức thuyết pháp, giảng đạo tại một số cơ sở tôn giáo. Thông qua những hoạt động này, các tôn giáo ở Việt Nam đã tăng cường trao đổi thông tin để các tổ chức tôn giáo nước ngoài, các đoàn khách quốc tế đến Việt Nam hiểu rõ hơn về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam cũng như chính sách đoàn kết quốc tế trong tôn giáo của Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Đặc biệt, tại Việt Nam, vùng dân tộc thiểu số có mặt nhiều tôn giáo, quá trình phát triển tôn giáo đã trở thành một phần quan trọng trong đời sống của một số dân tộc, tạo nên một bức tranh đa sắc màu hòa quyện giữa vấn đề tôn giáo và vấn đề dân tộc. Với chính sách bình đẳng về tôn giáo, dân tộc, ở Việt Nam không có phân biệt giữa tôn giáo vùng, miền, dân tộc, việc thực thi quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo được thực hiện thống nhất trong cả nước. Giá trị đạo đức tôn giáo được phát huy góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, xóa bỏ các tập tục lạc hậu ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống đồng bào. Tôn giáo cũng là nhân tố quan trọng góp phần bảo tồn những phong tục tập quán truyền thống, thúc đẩy mối quan hệ đoàn kết giữa các dân tộc được khăng khít hơn, tạo tiền đề trong công tác bảo đảm an ninh trên lĩnh vực dân tộc.
Những kết quả trong thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước là thực tiễn sinh động khẳng định đường lối đổi mới đất nước của Đảng ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống; khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết tôn giáo, dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, những thành quả to lớn này luôn được xem là “chướng ngại” lớn trên con đường chống phá cách mạng Việt Nam của các thế lực thù địch, các đối tượng phản động, chống đối lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc. Các thành phần chống phá nhận thấy được sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết trong tôn giáo nói riêng, trong toàn dân tộc nói chung nên để chống phá Đảng, cách mạng Việt Nam thì chúng tìm cách phá vỡ sức mạnh này. Chúng sử dụng chiêu bài “tự do tôn giáo” để kích động mâu thuẫn tôn giáo; lợi dụng một số tồn tại, thiếu sót của đội ngũ cán bộ các cấp trong ứng xử với tín đồ tôn giáo… để thổi phồng, xuyên tạc nhằm phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, châm ngòi cho các hoạt động chống đối.
Trong lịch sử của dân tộc đã chứng kiến thủ đoạn thâm độc trong chính sách “chia để trị” của kẻ thù xâm lược. Hiện nay và trong thời gian tới, các thế lực thù địch, phản động tiếp tục tìm cách chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc bằng những thủ đoạn, chiêu bài khác nhau nhằm phá hoại từ bên trong. Lợi dụng tình hình đời sống của nhiều vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, trình độ dân trí thấp so với mặt bằng chung, sự nhẹ dạ, cả tin để chúng kích động, lừa bịp thông qua các hoạt động đội lốt tôn giáo, dân tộc. Chúng tuyên truyền các tà đạo, đạo lạ, những tập tục lạc hậu, hoang đường làm cho người dân không phân biệt được đúng sai, phải trái, mắc mưu kẻ xấu dẫn đến có những hành động vi phạm luật pháp, gây bất ổn trong đời sống xã hội. Trong đó, trọng điểm của thủ đoạn lợi dụng vấn đề tôn giáo, dân tộc để chống phá, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc diễn ra ở các địa bàn Tây Nguyên, Tây Bắc, Tây Nam Bộ - nơi có đông đồng bào theo đạo và đời sống còn khó khăn.
Do đó, trong thời gian tới, việc đẩy mạnh khối đoàn kết tôn giáo, đại đoàn kết toàn dân tộc tiếp tục là vấn đề chiến lược của Đảng, Nhà nước ta. Để thực hiện tốt chính sách đoàn kết tôn giáo, cần chú trọng tạo điều kiện để chức sắc, tín đồ có nhận thức đúng đắn, cùng chung tay xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh. Đồng thời tiếp tục phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo luôn gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ cương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Bên cạnh việc chăm lo và bảo đảm quyền tự do dân chủ trong tín đồ, chức sắc tôn giáo, cần tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo gây rối trật tự ảnh hưởng đến ổn định xã hội. Nhận diện và xử lý nghiêm các hoạt động gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo. Thực hiện tốt việc tuyên truyền và phổ biến Luật Tín ngưỡng tôn giáo và các luật chuyên ngành đến cán bộ, chức sắc, chức việc, nhà tu hành tôn giáo giúp họ nâng cao tính tự giác trong chấp hành pháp luật và để pháp luật thực sự đi vào cuộc sống. Kiên quyết đấu tranh với các hoạt động lợi dụng tôn giáo, dân tộc để phá hoại thành quả cách mạng của nhân dân ta.
Các giải pháp trên không chỉ bảo đảm hoạt động tôn giáo đúng quy định, tạo môi trường ổn định, bảo đảm an ninh trên lĩnh vực tôn giáo, dân tộc mà còn ổn định đời sống, làm cho chức sắc, chức việc, tín đồ tôn giáo thấy được trách nhiệm và quyền lợi của họ đối với sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, không tạo cớ để các thế lực phản động lợi dụng niềm tin tôn giáo gây bất ổn chính trị, xã hội, xâm phạm an ninh quốc gia, sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ. Đồng thời phát huy ảnh hưởng tích cực của tôn giáo còn nhằm tạo đồng thuận xã hội; tăng cường đoàn kết tôn giáo, đoàn kết dân tộc là động lực, tiền đề để đất nước vươn mình trong kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam.
Theo CAND Tweet