Nếu là người hãy là người cộng sản! Kỳ 2: Bước phát triển nhận thức, tư duy lý luận của Đảng
17:22 31/10/2024 194
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Kể từ khi thành lập đến nay, Đảng Cộng sản Việt Nam đã trở thành Đảng duy nhất cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, việc giữ vững bản chất cách mạng, đạo đức trong sáng của Đảng là vấn đề cấp thiết, thường xuyên và lâu dài.
Thấm nhuần quan điểm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của đạo đức cách mạng, trong quá trình lãnh đạo, Đảng ta luôn coi trọng công tác xây dựng Đảng về đạo đức và xây dựng các chuẩn mực đạo đức của cán bộ, đảng viên nhằm không ngừng giáo dục, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng trong từng thời kỳ.
Nhận thức của Đảng ta về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên là một quá trình thống nhất biện chứng, được hoàn thiện một cách đồng bộ, toàn diện và dần hoàn chỉnh trong suốt hơn 94 năm lãnh đạo cách mạng Việt Nam.
Có thể khẳng định, những đặc trưng riêng về đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên Việt Nam được kết tinh từ đạo đức truyền thống ngàn đời của dân tộc kết hợp với những giá trị chuẩn mực được gây dựng, hình thành trong quá trình đấu tranh gìn giữ độc lập dân tộc và tiếp nối, phát huy trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước.
Từ 23 phẩm chất được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra với tư cách người cách mệnh trong tác phẩm “Đường cách mệnh” ra đời từ trước khi thành lập Đảng, đến Đại hội II những vấn đề chuẩn mực đạo đức cách mạng đã được đề cập cụ thể hơn trong các văn kiện của Đảng. Chính nhờ tu dưỡng, rèn luyện theo những chỉ dẫn đó, các lớp đảng viên tiền bối của Đảng đã cống hiến, hy sinh cả cuộc đời mình để tô thắm thêm đạo đức trong sáng của người cách mạng, nên đã thuyết phục được nhân dân một lòng một dạ tin vào Đảng, đi theo Đảng. Cũng vì thế, mặc dù chỉ có chưa tới 5 nghìn đảng viên Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, đem lại độc lập, tự do cho dân tộc sau hơn 80 năm dưới ách thực dân xâm lược, phát xít.
Dẫu vậy, ngay từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam trở thành đảng cầm quyền và những đảng viên trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính quyền từ Trung ương đến cơ sở, Đảng đã nhanh chóng nhận diện trong hoàn cảnh, điều kiện mới, cán bộ, đảng viên sẽ phải đối diện với những “viên đạn bọc đường” luôn làm xao động ý chí phấn đấu, tu dưỡng, rèn luyện của họ để mưu cầu lợi ích cá nhân.
Do vậy, trong nhiều tác phẩm của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhắc nhở các cấp ủy đảng, đảng viên phải kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng, bồi dưỡng tư tưởng tập thể, tinh thần đoàn kết, tính tổ chức và tính kỷ luật. Muốn thế phải xác định mình ở vị thế của những công bộc của dân, phục vụ nhân dân, không phải là những “quan cách mạng”.
Điều lệ Đảng được Đại hội III (năm 1960) thông qua đã khẳng định rõ hơn chuẩn mực đạo đức cách mạng của người cách mạng, của cán bộ, đảng viên: “Đảng gồm những người giác ngộ tiên tiến, gương mẫu, dũng cảm và hy sinh nhất trong giai cấp công nhân, trong nông dân lao động, trí thức cách mạng và các tầng lớp nhân dân lao động khác, tự nguyện đứng trong hàng ngũ của Đảng mà phấn đấu…”. Đặc biệt, năm 1960, tại lễ kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tự hào khẳng định: “Đảng ta là đạo đức, là văn minh”. Ngay cả trước lúc đi xa, trong bản Di chúc thiêng liêng Người để lại cho muôn đời sau, vấn đề đạo đức cách mạng cũng được Người nhắc đến như một điểm nhấn quan trọng của công tác xây dựng Đảng.
Có thể nói, phẩm chất sáng ngời của người cộng sản giai đoạn này chính là tinh thần hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ Nhân dân. Biểu hiện rõ ràng nhất chính là tinh thần chiến đấu, sự hi sinh anh dũng của một thế hệ cha ông.
Thành quả của sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc ta ngày hôm nay chính là sự đánh đổi của biết bao máu và xương của các anh hùng dân tộc. Những người chiến sỹ cộng sản kiên cường ấy mang trong mình một tình yêu thiêng liêng với Tổ quốc, với đồng bào, nguyện hy sinh thân mình vì sự nghiệp giải phóng dân tộc như: dũng sĩ đâm lê Hoàng Văn Nô, anh Bế Văn Đàn lấy vai làm giá súng, anh Tô Vĩnh Diện dùng thân chèn pháo, anh Phan Đình Giót lấy thân mình lấp lỗ châu mai…
Chúng ta từng biết đến âm hưởng hào hùng một thời “Xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước/Mà lòng phơi phới dậy tương lai” của biết bao thanh niên Việt Nam mang trong mình chân lý “không gì quý hơn độc lập, tự do”, sẵn sàng gác bút nghiên lên đường chiến đấu, hi sinh vì nền độc lập của dân tộc.
Những dòng chữ đầy cảm xúc trong bản tự nhận xét khi được đứng trong hàng ngũ của Đảng Cộng sản của liệt sỹ, bác sỹ Đặng Thuỳ Trâm đã đại diện cho lý tưởng, hoài bão sống và khát vọng cống hiến của một thế hệ trẻ: “Tha thiết yêu Đảng, yêu Đoàn. Cần phải nỗ lực nhiều để đền đáp công ơn của Đảng. Đối với bạn, với đồng chí luôn quan tâm giúp đỡ và thực hiện đấu tranh phê bình tốt. Tích cực, có nhiệt tình, có tinh thần trách nhiệm trong công tác. Rèn luyện tu dưỡng thường xuyên”. Chị cũng đã ngoan cường chiến đấu và hi sinh như tinh thần của Ma-ri-uýt, của Ga-vơ-rốt trên chiến lũy thành Pa-ri mà chị từng ngưỡng mộ, khi chưa tròn 28 tuổi đời.
Chính những đại diện tiêu biểu này là những tấm gương về phẩm chất đạo đức cách mạng sáng ngời để thế hệ sau này mãi mãi học tập và noi theo. Họ đã truyền đi cảm hứng về một thế hệ những người cộng sản luôn mang theo mình lý tưởng, hoài bão, toàn tâm, toàn ý phục vụ nhân dân, hi sinh lợi ích cá nhân, tất cả vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, vì độc lập, tự do, hạnh phúc của nhân dân.
Sau khi giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước lại bước vào một giai đoạn phát triển mới - thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Tại Đại hội IV (năm 1976), Đảng ta xác định đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên trong giai đoạn cách mạng mới cần được chú trọng rèn luyện, kiên quyết quét sạch chủ nghĩa cá nhân và những tiêu cực, thoái hóa trong Đảng: “... Đảng viên phải là người có giác ngộ lý tưởng cộng sản, tuyệt đối trung thành với cách mạng, tự nguyện suốt đời hy sinh phấn đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản”.
Trước yêu cầu mới của cách mạng, Đại hội V của Đảng (năm 1981) đặt ra tiêu chuẩn riêng đối với người cộng sản: “Đảng viên dù là ở cương vị công tác nào cũng đều phải là những chiến sỹ cộng sản có lý tưởng và hành động theo đường lối của Đảng”.
Bước vào công cuộc đổi mới đất nước (năm 1986), bối cảnh tình hình đã đặt ra yêu cầu cao hơn với đội ngũ cán bộ đảng viên, trong đó Đảng đề cao và chú trọng yêu cầu chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên. Mặc dù giai đoạn này, Đảng chưa chính thức đưa ra quan điểm cán bộ là khâu then chốt của công tác xây dựng Đảng, nhưng trong tư tưởng chỉ đạo đã phản ánh được khá rõ vị trí then chốt của cán bộ và công tác cán bộ: “Đổi mới cán bộ lãnh đạo các cấp là mắt xích quan trọng nhất mà Đảng ta phải nắm chắc để thúc đẩy những cuộc cải cách có ý nghĩa cách mạng”. Theo đó, Đảng xác định: “Công tác tư tưởng phải hướng vào việc bồi dưỡng phẩm chất, đạo đức mới, nâng cao tinh thần yêu nước và yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần quốc tế vô sản và tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa, khơi dậy ý chí cách mạng của quần chúng”.
Trong suốt 10 năm đổi mới (1986-1996), công tác cán bộ đã được xem như một động lực quan trọng góp phần đưa đất nước thoát khỏi tình trạng khủng hoảng kinh tế - xã hội, chính thức bước vào thời kỳ phát triển mới - thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Mà ở đó, Đảng đặt ra yêu cầu: “Cán bộ, đảng viên phải gương mẫu tự rèn luyện, tự phấn đấu nâng cao đạo đức cách mạng “cần kiệm, liêm chính, chí công vô tư", khắc phục chủ nghĩa cá nhân”, “Mọi cán bộ phải thường xuyên nâng cao trình độ mọi mặt, rèn luyện, trau dồi phẩm chất chính trị, lòng trung thành với lý tưởng cách mạng, ý chí kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, ý thức tổ chức kỷ luật, gương mẫu trong đạo đức và lối sống, kết hợp hài hòa giữa lợi ích cá nhân và lợi ích chung, khi lợi ích cá nhân mâu thuẫn với lợi ích chung thì phải đặt lợi ích chung lên trên hết, trước hết".
Tại Đại hội VIII (1996), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, qua đó nhiều chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên tiếp tục được khẳng định, bổ sung, hoàn thiện nhằm đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Như trong Nghị quyết số 03-NQ/TW, ngày 18-6-1997 về chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đã xác định rõ 3 tiêu chuẩn chung của cán bộ trong thời kỳ mới. Hội nghị Trung ương 6 (lần 2) khóa VIII đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 2-2-1999 về “Một số vấn đề cơ bản và cấp bách trong công tác xây dựng Đảng hiện nay”, trong đó xác định: “Cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống cần kiệm, liêm chính, chí công, vô tư; gương mẫu giữ gìn phẩm chất người chiến sĩ cộng sản, đề cao tinh thần đoàn kết, chống chủ nghĩa cá nhân; chấp hành nghiêm Điều lệ Đảng, pháp luật Nhà nước; đồng thời, chú ý giáo dục, thuyết phục gia đình cùng thực hiện”.
Trong thực tiễn, mỗi giai đoạn lịch sử của phong trào cách mạng, đứng trước những yêu cầu của thời cuộc, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải bộc lộ phẩm chất chính trị, trí tuệ và năng lực hoạt động thực tiễn để hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Trong giai đoạn này, có những cá nhân chấp nhận “đánh cược sinh mệnh chính trị” của mình vì lợi ích của nhân dân, của quốc gia và dân tộc. Đó chính là những yêu cầu mới về phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng của người cán bộ, đảng viên.
Cố Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Kim Ngọc (1917-1979) được coi là một điển hình của tinh thần cán bộ “7 dám” của Việt Nam trong giai đoạn nước nhà vừa thống nhất. Ông là người tiên phong đổi mới, sáng tạo trong nông nghiệp ở Việt Nam, là "cha đẻ của khoán hộ" (hay khoán mười) với quan điểm "xã viên không coi ruộng đất là của mình nên họ chẳng thiết tha gì với đồng ruộng, phải để nông dân làm chủ mảnh đất của mình".
Thời điểm đó, chủ trương “Khoán hộ” là một hướng đi tích cực trong tìm tòi cách thức quản lý mới trong nông nghiệp, gắn lợi ích của người nông dân với kết quả lao động, nhằm đem lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất nông nghiệp. Đây là quá trình đổi mới tư duy nhằm tháo gỡ khó khăn trong sản xuất nông nghiệp, khắc phục tình trạng “dong công, phóng điểm” diễn ra phổ biến trong các hợp tác xã nông nghiệp ở miền Bắc lúc bấy giờ. Tuy nhiên, với việc mạnh dạn cho thí điểm ở một số huyện như Vĩnh Tường, Yên Lạc… từ những năm 1965, thời điểm đó không ít người đã lên tiếng phê phán khoán hộ là xa rời Chủ nghĩa xã hội, đưa nông nghiệp trở lại con đường tư hữu hoá, thậm chí ông Kim Ngọc còn phải thực hiện kiểm điểm với sự bạo dạn của mình.
Phải tới hơn 10 năm sau ngày ông Nguyễn Kim Ngọc nghỉ hưu và mất, sáng kiến “khoán hộ” mà ông được triển khai ở địa phương mới chính thức được đưa vào Nghị quyết 10 về khoán hộ của Bộ Chính trị (năm 1988). Thực tiễn đã đánh giá, “khoán hộ” chính là những đóng góp quan trọng về lý luận và thực tiễn, là cơ sở quan trọng để Đảng từng bước hoạch định chủ trương đổi mới quản lý trong nông nghiệp. Từ “Khoán hộ” ở Vĩnh Phúc đến "Khoán sản phẩm trong nông nghiệp" ở Hải Phòng là những cơ sở thực tiễn của "Khoán 100" và "Khoán 10" chính là bệ phóng cho nông nghiệp Việt Nam phát triển.
Sau này, chính Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi chia sẻ về cống hiến của Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc Nguyễn Kim Ngọc đã xúc động nói: "Đất nước phải biết ơn anh Kim Ngọc. Một người tâm huyết dám đưa ra cái mới, đến bây giờ đất nước có phát triển là nhờ có lúa gạo mà anh Ngọc đã đi tiên phong".
Câu chuyện điều hành, lãnh đạo của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt cũng là một tấm gương trong phong trào dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích của nhân dân. Những quyết định "vượt thời đại" của Thủ tướng Võ Văn Kiệt trong điều hành kinh tế và ngoại giao đã giúp Việt Nam sớm đổi mới, chủ động hội nhập quốc tế.
Cựu Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon từng đánh giá: “Ông Võ Văn Kiệt đã mở đường cho sự chuyển mình của đất nước từ đói nghèo sang một thập kỷ tăng trưởng kinh tế đầy ấn tượng”.
Năm 1977, TP. Hồ Chí Minh rơi vào tình cảnh thiếu đói, với vai trò Bí thư Thành ủy, ông Kiệt đã lập "tổ thu mua lúa gạo", chỉ đạo "xé rào", tổ chức thu mua gạo theo "giá thỏa thuận" để kịp thời đáp ứng nhu cầu gạo của người dân thành phố. Hành động này dù đi ngược các quy định đương thời, thậm chí có thể bị kỷ luật nặng, song được nhiều người dân ủng hộ. Việc này về sau trở thành ví dụ tiêu biểu cho "đột phá" cơ chế kế hoạch hóa tập trung trong phân phối hàng hóa.
Đại hội Đảng lần thứ VI (năm 1986) đánh dấu bước tiến quan trọng trong cải cách kinh tế ở Việt Nam, chính thức khởi động quá trình đổi mới toàn diện nền kinh tế. Với vai trò Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, ông Kiệt cùng với các cộng sự đưa vào Văn kiện Đại hội những nội dung quan trọng như: "nhằm khắc phục bệnh tập trung quan liêu, bao cấp trong kế hoạch hóa phải vận dụng đúng đắn và rộng rãi quan hệ hàng hóa - tiền tệ...".
Ông cũng là người "đi tiên phong" trong hoạch định đường lối đổi mới, để lại "di sản" đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam bị bao vây, cấm vận. Một trong những sáng kiến "phá vây" lúc đó của ông là chiến dịch "hoa sen nở", đi từ trong ra, cải thiện quan hệ với các nước Đông Nam Á vốn có lợi ích sát sườn, đi đôi việc bình thường hóa quan hệ với nước láng giềng Trung Quốc.
Đặc biệt, với tầm nhìn vượt thời gian, trên cương vị người đứng đầu đất nước về điều hành kinh tế, Thủ tướng Võ Văn Kiệt là “tổng công trình sư” của nhiều dự án lớn, táo bạo mang tính trọng điểm quốc gia mà đến nay chúng ta được kế thừa, phát huy như: đường dây tải điện 500 kV Bắc - Nam; đường cao tốc Bắc Thăng Long - Nội Bài; đường cao tốc Láng - Hòa Lạc; nhà máy lọc dầu Dung Quất...
Tiếp cận vấn đề xây dựng đội ngũ cán bộ trong mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế với đổi mới chính trị, đặt trong chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, Đại hội IX của Đảng (tháng 4-2001) đề ra mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo và quản lý ở các cấp, vững vàng về chính trị, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về lối sống, có trí tuệ, kiến thức và năng lực, hoạt động thực tiễn, gắn bó với nhân dân.
Bước vào nhiệm kỳ Đại hội XI, Đảng ta thẳng thắn nhìn nhận công tác xây dựng Đảng vẫn còn không ít hạn chế, yếu kém, thậm chí còn có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ, chậm được khắc phục, làm giảm sút lòng tin của Nhân dân đối với Đảng; nếu không được sửa chữa sẽ là thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng và sự tồn vong của chế độ. Trước tình hình đó, Hội nghị Trung ương 4 (khóa XI) đã ban hành các nghị quyết, kết luận về xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong đó có đề cập đến vấn đề xây dựng đạo đức trong Đảng.
Tại Đại hội XII của Đảng, lần đầu tiên Đảng ta đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang hàng với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Cũng trong kỳ Đại hội này, nhận diện tình hình thế giới và khu vực vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Các mối đe dọa truyền thống, phi truyền thống và biến đổi khí hậu ngày càng gay gắt. Sự bùng nổ của khoa học - công nghệ, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, kinh tế tri thức và xu hướng quốc tế hoá nguồn nhân lực sẽ có sự tác động mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc đến công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Theo đó, Nghị quyết số 26/NQ-TW ngày 19-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ đã ra đời, như một giải pháp để đáp ứng yêu cầu, đòi hỏi của thực tiễn về một thế hệ cán bộ “thực sự tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, phẩm chất, năng lực” trong giai đoạn cách mạng mới.
Có thể nói, đặc biệt, trong 3 nhiệm kỳ liên tiếp (Đại hội XI, XII, XIII), Đảng ta đã có nhiều chủ trương, quyết sách quan trọng liên quan đến xây dựng Đảng về đạo đức. Khẳng định nêu gương là một vấn đề cần kíp, cán bộ càng cao càng phải gương mẫu đi đầu như: Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI, XII, XIII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Kết luận số 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Quy định số 37-QĐ/TW về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 08-QĐi/TW về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”...
Văn kiện Đại hội XIII một lần nữa Đảng đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Trong đó, xây dựng Đảng về đạo đức là “nền tảng”, là “gốc” làm cho Đảng ta thực sự trong sạch, vững mạnh góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Về nhiệm vụ, Văn kiện Đại hội XIII nêu rõ: “Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện các giá trị đạo đức cách mạng theo tinh thần “Đảng ta là đạo đức, là văn minh” cho phù hợp với điều kiện mới và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc. Xây dựng các chuẩn mực đạo đức làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên tự điều chỉnh hành vi ứng xử trong công việc hằng ngày”.
Tại Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 tại Hội nghị lần thứ tư (khoá XIII) về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, Đảng khẳng định phải chú trọng xây dựng ý thức tự giác tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của cán bộ, đảng viên... Nghiên cứu, hoàn thiện chuẩn mực đạo đức cách mạng của đảng viên... làm cơ sở cho cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng trước mọi khó khăn, thách thức, nhận thức sâu sắc trách nhiệm của mình trước Đảng, trước nhân dân.
Sau 35 năm đổi mới, nhằm thúc đẩy tinh thần đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ dám làm của cán bộ đảng trước bối cảnh tình hình thực tiễn và yêu cầu nhiệm vụ cấp bách mà giai đoạn cách mạng mới đặt ra, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 14-KL/TW, ngày 22-9-2021 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đây được xem là chủ trương đúng đắn, kịp thời, là mệnh lệnh của cuộc sống, động lực quan trọng hàng đầu để mỗi cán bộ, đảng viên góp sức mình trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong tình hình mới.
Qua tổng kết đánh giá thực tiễn, trong những năm qua, việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên đã đạt được một số kết quả nổi bật: Đa số cán bộ, đảng viên có bản lĩnh chính trị vững vàng, trung thành với Tổ quốc, với Đảng, với lý tưởng cách mạng, kiên trì phấn đấu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có ý thức chính trị cao trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ; có tinh thần yêu nước sâu sắc; có trình độ hiểu biết về lý luận chính trị. Hiểu và nhận thức một cách đúng đắn, khoa học, đồng thời biết vận dụng một cách sáng tạo trong hoạt động thực tiễn góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhân dân, bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa...
Tuy nhiên, nhận định những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên của Đảng, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới cũng chỉ rõ: “Một bộ phận đảng viên năng lực, trình độ, trách nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thiếu bản lĩnh chính trị, đấu tranh tự phê bình và phê bình yếu; tinh thần trách nhiệm, ý chí phấn đấu giảm sút; chưa gương mẫu, sống thực dụng; suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, vi phạm nguyên tắc, kỷ luật đảng, vi phạm pháp luật. Nhận thức về Đảng, động cơ phấn đấu vào Đảng của không ít đảng viên chưa đúng, không trong sáng".
Có thể thấy, trước những tác động của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, trong đó có mặt tiêu cực của cơ chế thị trường, mặt trái của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, sự phát triển khoa học và công nghệ... dẫn đến tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên.
Đặc biệt, trong giai đoạn này Đảng ta đang đẩy mạnh triển khai công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được theo đúng phương châm “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai; truy tố một vụ, cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Bởi Đảng ta xác định, tình trạng tham nhũng, tiêu cực hiện nay đang đã diễn ra vô cùng phức tạp và nhức nhối trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và ở tất cả các ngành, các cấp. Điều này sẽ gây ảnh hưởng to lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội và làm suy giảm niềm tin của Nhân dân với Đảng và Nhà nước, thậm chí đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, chính việc đẩy mạnh công cuộc phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phần phần nào đó đã “triệt tiêu động lực” của sự năng động, sáng tạo, khiến đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức nảy sinh tâm lý e dè, sợ mắc sai phạm khi thực thi nhiệm vụ nên tìm cách trì hoãn, đùn đẩy, né tránh trong công việc. Đây sẽ trở thành mối nguy hại to lớn, làm "trì trệ", suy yếu của bộ máy hành chính công vụ và kết quả tất yếu là “làm chậm” quá trình phát triển của đất nước. Vậy nên ngoài việc yêu cầu cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, thì Đảng và Nhà nước cũng phải có cơ chế, tạo được hành lang pháp lý cần thiết để "bảo vệ" cán bộ, giúp cán bộ tự tin "xé rào" trong thực thi công vụ.
Trong 10 năm (2012-2022), Đảng đã xử lý kỷ luật 2.740 tổ chức đảng và hơn 167.700 cán bộ, đảng viên, trong đó có 7.390 đảng viên bị kỷ luật do tham nhũng, đã kỷ luật 170 cán bộ diện Trung ương quản lý (có 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị; 29 Ủy viên Trung ương, nguyên Ủy viên Trung ương; 50 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).
Tính từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, đã thi hành kỷ luật 50 cán bộ diện Trung ương quản lý (cao gấp 4 lần so với nhiệm kỳ khóa XI và bằng gần một nửa số cán bộ cấp cao bị xử lý của nhiệm kỳ khóa XII), trong đó có 8 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 20 sĩ quan cấp tướng. Đặc biệt, thời gian gần đây, lần đầu tiên chúng ta khởi tố tội tham ô tài sản với chủ doanh nghiệp ngoài Nhà nước như AIC, FLC, Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB...
Có thể thấy, mỗi giai đoạn lịch sử trong tiến trình phát triển của đất nước lại đặt ra những yêu cầu cách mạng riêng đối với phẩm chất đạo đức của người cán bộ, đảng viên. Trước yêu cầu của giai đoạn mới, thực tiễn đang đòi hỏi đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có tầm nhìn chiến lược, làm chủ tri thức, chủ động hội nhập quốc tế, có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung…
Do vậy, có thể thấy việc Bộ Chính trị xây dựng và ban hành Quy định chuẩn mực đạo đức cách mạng của cán bộ, đảng viên trong giai đoạn mới (Quy định 144-QĐ/TW) là rất cần thiết, có ý nghĩa sâu sắc, đáp ứng đòi hỏi về cả lý luận và thực tiễn góp phần nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên, năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, phát huy sức mạnh nội sinh của hệ thống chính trị trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Tiến sĩ Đoàn Văn Báu, Vụ trưởng Vụ Lý luận chính trị, Ban Tuyên giáo Trung ương khẳng định Quy định 144-QĐ/TW là văn bản đầu tiên mang tính tích hợp, đầy đủ và hệ thống về chuẩn mực đạo đức cách mạng trong bối cảnh yêu cầu mới. Điều này bảo đảm để cán bộ, đảng viên xứng đáng là người dẫn dắt dân tộc trong giai đoạn tới. Đây cũng văn bản lần đầu tiên chỉ đề cập đến yêu cầu phải làm, phải “xây” chứ không phải là phải “chống”.
TS. Nguyễn Trung Dũng - NCS. Cao Thị Phương
Theo XDĐ Tweet