Luân chuyển để cán bộ trưởng thành trong thực tiễn - Bài 2: Cần một quy trình hợp lý, sức mạnh đồng bộ (Tiếp theo và hết)

15:04 10/09/2024     1505

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   Để chủ trương luân chuyển cán bộ trở thành kết quả thực tiễn đòi hỏi tiến hành toàn diện, đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó cần phát huy vai trò, trách nhiệm của tập thể và cá nhân để thực hiện quy trình vừa bảo đảm tính nguyên tắc, vừa linh hoạt, sáng tạo.

Quy trình cứng trong luân chuyển cán bộ

Công tác cán bộ gồm nhiều khâu, nhiều bước gắn kết chặt chẽ với nhau, thống nhất, thể hiện sự khách quan, khoa học. Đó không chỉ là công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, sử dụng cán bộ mà còn là những quy trình luân chuyển cán bộ, kiểm tra, kiểm soát cán bộ... Các khâu, các bước đó phải được tiến hành một cách linh hoạt, chặt chẽ theo một quy trình “cứng”, công khai, minh bạch. Bởi vì, thực tiễn cho thấy, cùng với kết quả tích cực của cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực, nhiều cán bộ được bổ nhiệm sai quy trình, “đi tắt đón đầu” trong luân chuyển. Cụm từ “đúng quy trình” trở thành “bức bình phong” của một bộ phận cán bộ, đảng viên qua các chức vụ khác nhau trong thời gian ngắn nhưng năng lực, phẩm chất không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ. Khi đó, quy trình luân chuyển đã bị làm méo mó để phục vụ cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm.

Việc xây dựng và tuân thủ nghiêm các bước trong quy trình “cứng” được xem là thước đo để đánh giá quá trình tổ chức thực hiện của cơ quan, tổ chức và cá nhân. Vì vậy đòi hỏi phải chặt chẽ, nghiêm túc nhưng cũng khách quan, đúng người, đúng việc, không gây xung đột trong công tác cán bộ. Đặc biệt, quá trình đó phải được tiến hành chặt chẽ nhưng bảo đảm dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, mang lại sự công bằng trong công tác luân chuyển. 

Chính vì vậy, trong Quy định số 65-QĐ/TW ngày 28-4-2022 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ, Trung ương nêu rõ các quan điểm, nguyên tắc để bảo đảm việc luân chuyển phải tập trung dân chủ, tổng thể, đồng bộ, liên thông; không tạo ra mâu thuẫn giữa vị trí, chức danh cán bộ. Lần đầu tiên, quy trình luân chuyển cán bộ có 5 bước, các quy định rất rõ ràng về trách nhiệm của các cơ quan. Điều quan trọng, sau quá trình luân chuyển, kết quả công tác dựa trên báo cáo của cán bộ và địa phương, cơ quan, đơn vị đến luân chuyển được xem là một trong những nguyên tắc để bố trí cán bộ. Như vậy, dựa trên quy hoạch, yêu cầu bố trí, sử dụng cán bộ của cơ quan, tổ chức, cá nhân, thì “sản phẩm mang về” của quá trình luân chuyển là cơ sở để nhận xét, bổ nhiệm cán bộ lên vị trí cao hơn. Có như vậy mới khắc phục triệt để tình trạng đi luân chuyển nhưng “trở về tay trắng”. Đây được xem là thước đo quan trọng để đánh giá phẩm chất, năng lực của cán bộ có đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ ở cương vị mới hay không.

 

Luân chuyển để cán bộ trưởng thành trong thực tiễn - Bài 2: Cần một quy trình hợp lý, sức mạnh đồng bộ (Tiếp theo và hết)

Ảnh minh họa: Vietnam+ 

 

Quy trình, quy định rất đầy đủ, bài bản và khoa học, nhưng đòi hỏi sự thống nhất từ trên xuống dưới theo tinh thần “nhất hô bá ứng”. Nghĩa là địa phương, cơ quan, tổ chức nơi cán bộ đến luân chuyển cũng phải thực hiện nghiêm túc các khâu, các bước. Việc giao nhiệm vụ cụ thể, thường xuyên kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh quá trình thực hiện, đánh giá sát sao, cụ thể kết quả thực hiện nhiệm vụ của cán bộ đòi hỏi sự phối hợp vào cuộc của các tổ chức, lực lượng ở đơn vị sở tại. Hơn lúc nào hết, vai trò người đứng đầu phải được phát huy để vừa tạo điều kiện, giúp đỡ cán bộ phát huy hết sở trường, vừa duy trì được sự đoàn kết thống nhất, mang lại hiệu quả cao. Địa phương, tổ chức, chi bộ nơi cán bộ đến luân chuyển phải chủ động giao việc, kèm cặp, giúp đỡ cán bộ thực hiện nhiệm vụ, chấn chỉnh những điều chưa phù hợp. Nhân dân phải đồng lòng góp ý, giúp đỡ cán bộ đến luân chuyển trong quá trình rèn luyện và thực hiện nhiệm vụ. Nhờ sức mạnh đồng bộ, tổng hợp của các tổ chức, lực lượng và nhân dân mà cán bộ có môi trường, điều kiện để rèn luyện, trưởng thành.

Luân chuyển cán bộ phải “động” và “mở”

Thực chất quá trình luân chuyển là đưa cán bộ vào môi trường mới để họ có điều kiện cọ xát, rèn luyện, trưởng thành trong thực tiễn theo phương châm “lửa thử vàng, gian nan thử sức”. Mà thực tiễn rất phong phú, không có khuôn mẫu, vì vậy, việc lựa chọn, bồi dưỡng, đánh giá cán bộ trong luân chuyển cũng phải hết sức linh hoạt, sáng tạo trên cơ sở tạo điều kiện cao nhất cho cán bộ học hỏi, phát huy tối đa phẩm chất, năng lực. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: Phải khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc, có gan nhận và chịu trách nhiệm của mình.

Trước hết, tính “động” trong luân chuyển cán bộ thể hiện ở sự linh hoạt trong quy hoạch cán bộ. Đòi hỏi tất yếu là một chức danh phải có quy hoạch nhiều người, vị trí kế cận và kế tiếp, thậm chí cả lâu dài, với những độ tuổi phù hợp. Quy hoạch đó phải dựa trên kết quả hoàn thành nhiệm vụ của những cán bộ đó hằng năm để điều chỉnh. Những cán bộ không đáp ứng yêu cầu cần phải kiên quyết đưa ra khỏi quy hoạch; cán bộ chưa vào nguồn trực tiếp nhưng có sự bứt phá, trưởng thành vượt bậc cần được cất nhắc để sử dụng. Để thực hiện tốt điều đó, cần chú trọng quy hoạch nguồn cán bộ có trình độ, năng lực, khát khao cống hiến nhằm luân chuyển được nhiều vị trí, tổ chức, đơn vị, địa phương, giúp họ được “thử lửa” ở các môi trường khác nhau mà trưởng thành. Song, trước khi đưa cán bộ đi luân chuyển, cần bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm về tổ chức, địa phương, đơn vị mới để họ nhanh chóng bắt nhịp, làm việc ngay.

Đồng thời, tính “mở” phải thể hiện rõ qua việc mỗi cán bộ đi luân chuyển có thể được quy hoạch với nhiều chức danh khác nhau. Bởi vì, đi luân chuyển là sự “trải nghiệm” cương vị công tác khác, với sự kỳ vọng lớn hơn. Nếu cán bộ trưởng thành, đảm nhiệm tốt cương vị mới thì khi về bố trí cương vị công tác cần có sự đánh giá khách quan, khoa học, chính xác năng lực, sở trường, yêu cầu cấp bách của từng vị trí để bố trí cho phù hợp. Vì vậy, khi thực hiện quy trình, ưu tiên đưa cán bộ luân chuyển về những địa bàn khó khăn, giao việc khó để họ có điều kiện rèn luyện, thể hiện năng lực, bản lĩnh. Nếu cán bộ chứng minh được phẩm chất, trình độ trong thực tiễn luân chuyển sẽ có nhiều hướng sử dụng cán bộ ngay tại nơi luân chuyển hoặc ở tổ chức, đơn vị, địa phương trước khi luân chuyển. Nếu cán bộ luân chuyển không đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ, cần bố trí vị trí khác phù hợp để họ phát huy, tiếp tục rèn luyện.

Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ý thức tự giác rèn luyện, nỗ lực phấn đấu của cán bộ, đảng viên đi luân chuyển. Trước hết, cán bộ phải thể hiện rõ quyết tâm đi luân chuyển. Đặc biệt, luân chuyển đến những địa bàn khó khăn, thay đổi môi trường, cương vị công tác đặt ra những thách thức đòi hỏi bản lĩnh, ý chí người cán bộ, đảng viên phải vượt qua. Dù ở môi trường nào, chức vụ nào, người cán bộ, đảng viên phải phát huy chuyên môn nghiệp vụ, ý thức trách nhiệm, quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ ở mức cao nhất. Bên cạnh đó, cán bộ luân chuyển phải thực sự gắn mình với tổ chức, gần gũi nhân dân, gần gũi công việc. Luôn giữ thái độ cầu thị, tiếp thu ý kiến đóng góp, rút kinh nghiệm để làm việc có hiệu quả.

Luân chuyển để cán bộ trưởng thành trong thực tiễn là việc làm thường xuyên của Đảng. Đó là trách nhiệm, quyết tâm của mọi tổ chức, cán bộ, đảng viên. Thực hiện tốt điều đó mới quy hoạch, rèn luyện được đội ngũ cán bộ vừa “hồng”, vừa “chuyên” đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự nghiệp cách mạng. Đúng như khẳng định của cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Một đảng cách mạng chân chính có đường lối đúng, có tổ chức chặt chẽ, có đội ngũ cán bộ, đảng viên trong sạch, gương mẫu, tận tụy, gắn bó máu thịt với nhân dân, được nhân dân ủng hộ, thì đảng đó có sức mạnh vô địch, không thế lực nào ngăn cản nổi trên con đường dẫn dắt dân tộc đi lên”(*).

-----------------

(*) Nguyễn Phú Trọng, Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr. 266-267.

NGUYỄN ĐỨC THI, Phòng Chính trị, Bộ tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

 

Theo QĐND