Các chiến sỹ giải phóng dũng cảm đánh phá đồn địch trên điểm cao 365 (huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị). (Ảnh: Tư liệu TTXVN) |
Trong lịch sử đấu tranh cách mạng, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của quân và dân ta đã diễn ra như một huyền thoại về ý chí quật cường, gan góc của “Bộ đội Cụ Hồ” và của cả dân tộc Việt Nam. Trải qua 81 ngày đêm giao tranh khốc liệt, cùng với việc giam chân, đánh thiệt hại nặng, loại khỏi vòng chiến đấu một bộ phận lớn sinh lực địch, cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của quân và dân ta đã giáng một đòn mạnh mẽ vào chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” của đế quốc Mỹ, tạo thế, lực và cục diện mới, góp phần quan trọng vào thắng lợi của ta trên bàn Hội nghị Pari, tạo đà cho công cuộc giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Thắng lợi của cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 của quân và dân ta là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó công tác tư tưởng giữ vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, để lại những kinh nghiệm quý báu đó là:
Thứ nhất, quán triệt sâu sắc nhiệm vụ, xây dựng và giữ vững ý chí chiến đấu kiên cường cho cán bộ, chiến sĩ.
Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 là cuộc chiến khốc liệt bậc nhất trong lịch sử kháng chiến cứu nước của quân và dân ta. Thực tế cho thấy, trong cuộc chiến đấu này, thị xã Quảng Trị được ví như một túi bom. Với diện tích chưa đầy 3 cây số vuông, trong 81 ngày đêm, từ 28/6 đến 16/9, thị xã và Thành cổ Quảng Trị đã phải gánh chịu 328.000 tấn bom đạn, trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải gánh chịu 100 tấn bom, 200 quả đạn pháo (1). Cùng với đó, cũng trong thời gian này, thời tiết nơi đây hết sức phức tạp. Mưa trắng trời Quảng Trị. Mực nước các sông Thạch Hãn, sông Nhùng quanh khu vực Thành cổ dâng cao, chảy xiết dẫn đến việc cơ động lực lượng và bảo đảm hậu cần của quân ta gặp rất nhiều khó khăn, hầm hào, công sự sụp đổ, bộ đội phải sống, chiến đấu trong bùn đất lầy lội, dịch bệnh phát sinh.
Trước tình hình đó, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Chính trị, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên và cấp ủy, chỉ huy các đơn vị đã chú trọng giáo dục, quán triệt làm cho cán bộ, chiến sĩ thấy được tầm quan trọng của cuộc chiến đấu đối với vận mệnh của dân tộc; ý nghĩa về mặt chính trị, quân sự, ngoại giao ở Hội nghị Pari; biết được đồng bào cả nước và bạn bè quốc tế đang hướng về Quảng Trị... qua đó phát huy tinh thần khắc phục khó khăn, quyết tâm chiến đấu bảo vệ vững chắc Thành cổ Quảng Trị. Chính vì vậy, mặc dù phải chiến đấu trong điều kiện hết sức khốc liệt, song với tinh thần giác ngộ cao, cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã nêu cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng, kiên cường bám trụ, chốt giữ, giành giật với địch từng mét chiến hào, quyết không để cho chúng tái chiếm Thành cổ.
Biểu hiện sinh động về tinh thần quyết chiến, quyết thắng của cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ Quảng Trị là ngay từ những ngày đầu của cuộc chiến, Trung đoàn 48, Sư đoàn 320B (nay là Sư đoàn 390, Quân đoàn 1), Trung đoàn 36, Trung đoàn 27, Trung đoàn 64 đã anh dũng chiến đấu, đẩy lùi nhiều đợt tiến công của địch, bảo vệ vững chắc Thành cổ Quảng Trị từ các hướng. Tiêu biểu, ngày 09/8, Đại đội 3,Tiểu đoàn 4, Trung đoàn 95 đã kiên cường đánh trả một tiểu đoàn lính thủy đánh bộ có xe tăng yểm trợ của địch; chính trị viên Ngô Bá Liễu trước lúc hy sinh đã nêu ra một quyết tâm đanh thép: “Đại đội 3 còn một người cũng quyết tâm chiến đấu giữ vững trận địa” (2). Đánh giá về vấn đề này, đồng chí Lê Duẩn, Tổng Bí thư của Đảng ta đã khẳng định: “Chúng ta đã chịu đựng được không phải chúng ta là gang thép, vì gang thép cũng chảy với bom đạn của chúng. Mà chính chúng ta là những con người, những con người thật sự - những con người Việt Nam, với truyền thống 4000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại” (3).
Thứ hai, phát huy dân chủ quân sự, huy động trí tuệ của tập thể, tài năng, óc sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ để tìm cách đánh hay, mưu trí, sáng tạo.
Cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972 là cuộc chiến diễn ra trong bối cảnh ta phải chuyển từ tiến công sang lâm thời phòng ngự, do địch đã huy động được đại bộ phận lực lượng tổng dự bị chiến lược, thực hiện mở cuộc hành quân mang mật danh “Lam Sơn 72” hòng tái chiếm lại Quảng Trị. Đây là cuộc chiến đấu diễn ra trên địa bàn đô thị; cán bộ, chiến sĩ của ta còn thiếu kinh nghiệm trong tác chiến ở địa bàn đồng bằng.
Trước thực tế đó, để đảm bảo đánh bại cuộc hành quân “Lam Sơn 72” của địch; giữ vững vùng giải phóng, trong đó có Thành cổ Quảng Trị, Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Trị - Thiên, đặc biệt là cấp ủy, chỉ huy các đơn vị trực tiếp tham gia chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị đã kịp thời lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan chức năng tăng cường sưu tầm tư liệu, tài liệu về Thành cổ và kinh nghiệm của các đơn vị đã tham gia chiến đấu trên địa bàn trước đây để cung cấp và phổ biến cho cán bộ, chiến sĩ. Cùng với đó, các đơn vị đã hết sức coi trọng việc phát huy dân chủ bàn bạc, triệt để khai thác trí tuệ của tập thể và tài năng, óc sáng tạo của cán bộ, chiến sĩ, trước hết là đội ngũ cán bộ, đảng viên để tìm ra cách đánh hay, mưu trí, sáng tạo.
Kết quả của công việc này là trong khoảng thời gian một tuần, các đơn vị chủ lực của ta đã nhanh chóng điều chỉnh được đội hình từ tiến công sang phòng ngự chốt chặn, sẵn sàng đánh địch phản công vào trận địa phòng ngự ở Thành cổ Quảng Trị. Đặc biệt, do làm tốt việc phát huy dân chủ, huy động được trí tuệ của tập thể nên trong lúc vừa đánh chặn địch phản công, vừa xây dựng trận địa, các đơn vị của ta chẳng những đã tạo ra được một hệ thống hàng nghìn mét hào, hàng trăm hầm chữ T có 3 cửa ra vào nối liền với các hào giao thông, mà còn làm hầm hào trong lòng đất có lót tôn lá chống nước để tránh bom, pháo và nghỉ ngơi. Ở các vị trí thấp, bộ đội lấy thùng phuy chôn xuống đất làm công sự nửa chìm, nửa nổi, hoặc công sự nổi đắp đất lên phần nổi bảo đảm an toàn, sạch sẽ, khô ráo...(4).
Thứ ba, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp tuyên truyền, cổ động nâng cao ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ
Đây là bài học nổi bật của công tác tư tưởng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Thực tiễn cho thấy, để xây dựng ý chí quyết tâm cho cán bộ, chiến sĩ, các tổ chức, lực lượng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức, biện pháp tuyên truyền, cổ động. Theo đó, các chiến công, gương chiến đấu dũng cảm của các tập thể, cá nhân như: Chiến công của Đại đội 5, Trung đoàn 48 đánh bại Lữ đoàn 2 dù ngụy; chiến công của Tiểu đoàn 5, Trung đoàn 95 đánh địch ở Tri Bửu; chiến công của Đại đội 16, Trung đoàn 48 bắn rơi chiếc máy bay lên thẳng chở Đại tá Nguyễn Trọng Bảo và Ban Tham mưu Sư đoàn dù ngụy; gương chiến đấu dũng cảm của chiến sĩ Phan Văn Ba bị thương nát một bàn tay vẫn xin ở lại chiến đấu; gương của pháo thủ súng cối Bùi Huy Hoàng bắn cháy liên tục 60 quả, tay phòng rộp, lại bị phản pháo vẫn không hề nao núng... đã được kịp thời thông báo cho toàn mặt trận. Đặc biệt, ở thời điểm cuộc chiến đấu diễn ra ác liệt nhất, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói chuyện qua điện thoại với Trung đoàn trưởng Trung đoàn 48, hỏi thăm cán bộ, chiến sĩ đang bảo vệ Thành cổ, biểu dương thành tích và động viên các đơn vị ra sức thi đua lập công thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương. Những lời thăm hỏi, động viên của Đại tướng đã được truyền đi khắp mặt trận, đến mỗi chiến hào, mỗi điểm chốt và được cán bộ, chiến sĩ bảo vệ Thành cổ đáp lại bằng quyết tâm “Kiên cường bám trụ, tiến công liên tục, còn người còn trận địa”...
Không chỉ có vậy, một trong những hình thức tuyên truyền, cổ động được sử dụng khá phổ biến và hiệu quả trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, đó là phát huy vai trò của tuyến sau và hậu phương lớn miền Bắc. Theo đó, sự chi viện của tuyến sau và của hậu phương lớn miền Bắc thông qua các chuyến hàng chở đến, ngoài đạn, gạo, thuốc phòng chữa bệnh còn có quà của các địa phương như thuốc lào Vĩnh Bảo, thuốc lá Thăng Long, chè Phú Thọ... mang các dòng chữ in đậm: “Tất cả cho chiến trường đánh to thắng lớn”, “sản phẩm ngoài kế hoạch gửi dũng sĩ Trị - Thiên”, hoặc kèm theo là những lá thư hẹn ước thi đua với tiền tuyến, ra sức xây dựng và bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa... đã góp phần củng cố và phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng của quân và dân trực tiếp chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị.
Thứ tư, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức và công tác chính sách trong chiến đấu
Đây cũng là một trong những bài học kinh nghiệm quý báu của công tác tư tưởng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972. Thực tiễn cho thấy, trong quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến đấu bảo vệ Thành cổ, công tác tư tưởng đã kết hợp chặt chẽ với công tác tổ chức, đi sâu vào các mặt cụ thể như: lập phương án, kế hoạch tác chiến; chuẩn bị lực lượng; chuẩn bị hậu cần, kỹ thuật, bảo đảm tác chiến; tổ chức các phong trào thi đua nghiên cứu tìm tòi cách đánh; tuyên truyền tin chiến thắng, kinh nghiệm chiến đấu hay... Công tác tư tưởng không chỉ là của cấp ủy, của cán bộ chính trị, cơ quan chính trị mà trở thành công tác của mọi người, mọi tổ chức, của cả tập thể quân nhân, từ tìm tòi cách đánh đến việc bảo đảm hậu cần, kỹ thuật, trang bị vũ khí, đạn dược, khí tài, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình chiến đấu...
Cùng với đó, công tác tư tưởng còn kết hợp chặt chẽ với công tác chính sách, đi sâu vào các mặt như: Xây dựng, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, quán triệt và tổ chức thực hiện tốt các chính sách của Đảng, Nhà nước đối với quân nhân và hậu phương, gia đình quân nhân trong suốt quá trình chuẩn bị và tiến hành chiến đấu. Vì vậy, trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, mọi lúc, mọi nơi, mọi tình huống, kể cả trong những tình huống khó khăn, phức tạp nhất, cán bộ, chiến sĩ của ta vẫn luôn thông suốt nhiệm vụ, nhất trí và có quyết tâm cao, tin tưởng vào thắng lợi, đoàn kết hiệp đồng chặt chẽ, chấp hành nghiêm kỷ luật, mệnh lệnh của cấp trên, chiến đấu dũng cảm, mưu trí, sáng tạo.
Đài tưởng niệm các Anh hùng Liệt sỹ trong Thành Cổ Quảng Trị. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN) |
Trong những năm tới, tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi rất nhanh chóng, phức tạp, khó lường... Tại Đông Nam Á, môi trường an ninh, tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông còn diễn biến phức tạp. Trong nước, đã và đang xuất hiện những vấn đề phức tạp mới ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. “Các thế lực thù địch tăng cường chống phá Đảng, Nhà nước và đất nước ta...” (5). Từ những kinh nghiệm của công tác tư tưởng trong cuộc chiến đấu bảo vệ Thành cổ Quảng Trị năm 1972, để tiếp tục xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam “vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(6) đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, công tác tư tưởng ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội hiện nay cần tập trung thực hiện tốt một số vấn đề cơ bản như sau:
Một là, tiếp tục giáo dục, quán triệt nâng cao trình độ giác ngộ mục tiêu, lý tưởng chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ
Công tác tư tưởng phải tập trung giáo dục, nâng cao nhận thức cho mọi cán bộ, chiến sĩ về mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; bồi dưỡng lập trường tư tưởng, bản lĩnh chính trị, đạo đức cách mạng, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới. Nâng cao ý thức cảnh giác cách mạng, nhận rõ âm mưu, bản chất phản động của các thế lực thù địch; kịp thời đấu tranh chống chủ nghĩa cơ hội, những biểu hiện dao động, thiếu lòng tin vào sự nghiệp đổi mới, vào sự lãnh đạo của Đảng và chủ nghĩa xã hội, nhận thức mơ hồ về bản chất của chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa đế quốc... Trên cơ sở đó để thống nhất về tư tưởng, củng cố vững chắc lòng tin của cán bộ, chiến sĩ đối với sự nghiệp đổi mới, tạo ra vũ khí sắc bén đấu tranh có hiệu quả chống lại các luận điệu sai trái, xuyên tạc, vô hiệu hóa chiến lược “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch.
Hai là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ chủ trì đối với công tác tư tưởng ở đơn vị cơ sở
Đây vừa là yêu cầu, vừa là vấn đề có tính nguyên tắc, đảm bảo cho công tác tư tưởng ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội được tiến hành theo đúng đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, sát với tình hình thực tiễn của các cơ quan, đơn vị. Cấp ủy, tổ chức đảng, chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp ở các đơn vị cơ sở trong Quân đội cần phải coi trọng việc lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành công tác tư tưởng; thường xuyên nắm chắc thực trạng tình hình tư tưởng trong cơ quan, đơn vị mình để xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo sát đúng; chấn chỉnh kịp thời những hạn chế, khuyết điểm. Nội dung, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác tư tưởng phải cụ thể, bám sát kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của trên, sát với tình hình đơn vị; tập trung giải quyết những vấn đề trọng tâm, trọng điểm, khâu yếu, mặt yếu; kịp thời phát hiện và giải quyết những vấn đề tư tưởng nảy sinh, những khó khăn, vướng mắc, tạo sự thống nhất cao về tư tưởng và hành động, không để bị động, bất ngờ trong mọi tình huống.
Ba là, thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp công tác tư tưởng ở đơn vị cơ sở
Các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị bằng những nội dung, biện pháp phù hợp; trong đó, chú trọng đổi mới việc tổ chức học tập các nghị quyết, chỉ thị của Đảng; nâng cao tính định hướng chính trị, tính chiến đấu, tính thuyết phục trong từng nội dung, từng bài giảng. Đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục làm cho cán bộ, chiến sĩ thấm nhuần sâu sắc chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, những nhận thức mới về nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, nhiệm vụ của đơn vị. Cùng với đó, các đơn vị cần tăng cường giáo dục truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của Đảng, của Quân đội và đơn vị. Qua đó, khơi dậy niềm tự hào trong mỗi cán bộ, chiến sĩ về Đảng quang vinh, Bác Hồ vĩ đại, Quân đội anh hùng của dân tộc anh hùng, tạo động lực thi đua thực hiện tốt mọi nhiệm vụ được giao. Vận dụng linh hoạt những hình thức, phương pháp tiến hành công tác tư tưởng sinh động, phù hợp với đặc điểm, khả năng, trình độ của cán bộ, chiến sĩ. Kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác tổ chức với công tác chính sách, quan tâm chăm lo, bảo đảm tốt đời sống vật chất, tinh thần cho bộ đội. Đẩy mạnh phong trào Thi đua Quyết thắng, các phong trào, cuộc vận động của các tổ chức, các ngành; tổ chức tốt hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, giao lưu, các cuộc thi, mô hình, câu lạc bộ,...
Bốn là, đảm bảo kinh phí, cơ sở vật chất; thường xuyên sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm công tác tư tưởng ở đơn vị cơ sở.
Các cấp, các ngành cần huy động các nguồn lực, đảm bảo tốt kinh phí, cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật để tiến hành công tác tư tưởng ở đơn vị cơ sở. Chủ động bồi dưỡng, tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm chủ công nghệ, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác tư tưởng. Thường xuyên đôn đốc, theo dõi các đơn vị thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, hướng dẫn tiến hành công tác tư tưởng; phát hiện và chấn chỉnh kịp thời những nhận thức và hành động không đúng, thiếu quan tâm đến công tác tư tưởng trong quản lý bộ đội. Làm tốt việc sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, đánh giá thực chất kết quả lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác tư tưởng; chỉ rõ ưu điểm, khuyết điểm, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để tạo sự chuyển biến đối với công tác này trong quản lý bộ đội; khắc phục tư tưởng xem nhẹ hoặc giao khoán công tác tư tưởng cho cán bộ chính trị, cơ quan chính trị các cấp./.
TS. Lê Hồng Tư, ThS, Trần Bá Tấn (Trường Sĩ quan Chính trị)
-----------------------------------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
(1) Ban Tuyên giáo Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Thành cổ Quảng Trị - Bản tráng ca hào hùng 81 ngày đêm, Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh, 12/9/2021.
(2) Đảng bộ Sư đoàn 325, Lịch sử Đảng bộ Sư đoàn 325 (1951 - 2011), Nxb QĐND, Hà Nội, 2011, tr. 364.
(3) Bài viết của Tổng Bí thư Lê Duẩn tại Bảo tàng Thành cổ.
(4) Học viện Chính trị quân sự, Công tác đảng, công tác chính trị một số trận đánh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, tập III, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr. 108-109.
(5) (6) Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII ,tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội - 2021, tr.108, 158.