Không thể xuyên tạc việc học và làm theo Bác!
08:22 11/09/2022 1697
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là “không cần thiết”, không phải chỉ là “hình thức” như các thế lực thù địch ảo tưởng, xuyên tạc, mà đó chính là nhu cầu tự thân, nền nếp của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như của các tầng lớp nhân dân cả nước.
Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm cán bộ, công nhân Nhà máy Xe lửa Gia Lâm (Hà Nội) ngày 19-5-1955. Ảnh tư liệu.
DI SẢN TINH THẦN QUÝ GIÁ
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa 53 năm, song tư tưởng, đạo đức, phong cách của một vị lãnh tụ gần dân, dành cả cuộc đời mình cho dân, cho nước không chỉ in đậm trong trái tim và khối óc mỗi người dân Việt Nam yêu nước, mà còn trở thành một tấm gương sáng cổ vũ các dân tộc yêu chuộng hòa bình, tự do, công lý trên thế giới tham gia cuộc đấu tranh vì độc lập dân tộc, hòa bình và tiến bộ xã hội. Sự thật là, tiếp cận ở chiều cạnh nào thì cũng phải khẳng định rằng: “Tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả sự vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại… Tư tưởng Hồ Chí Minh soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”(1). Tư tưởng của Người là kết quả sự kế thừa, phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam và tinh hoa văn hóa nhân loại; là sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin vào điều kiện cụ thể của Việt Nam, góp phần làm nên thắng lợi trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xây dưng, bảo vệ và phát triển đất nước; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, tiếp tục con đường đi lên chủ nghĩa xã hội…
Thực tiễn những thành tựu đạt được trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, nhất là trong hơn 36 năm đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng ở Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đã chứng minh sự kiên định, nắm vững và vận dụng sáng tạo, đúng đắn lý luận chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh vào thực tiễn; đồng thời, đáp ứng yêu cầu phát triển bức thiết của cách mạng Việt Nam và phù hợp với quy luật phát triển tất yếu của thời đại. Lịch sử cách mạng Việt Nam cho thấy, giá trị của di sản Hồ Chí Minh là không thể phủ nhận! Bởi rằng, suốt cuộc đời mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ phấn đấu vì một nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc và thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, mà Người còn nỗ lực vì sự đoàn kết của tất cả các lực lượng chống đế quốc, thực dân và cho cuộc đấu tranh vì độc lập, tự do và sự phát triển hữu nghị, bền vững giữa các dân tộc “trên con đường tiến bộ - con đường hoà bình trên toàn thế giới”. Chính vì vậy, Hồ Chí Minh “đã trở thành biểu tượng rực rỡ của cuộc chiến đấu giành tự do. Là mẫu mực xuất chúng về mọi đức tính của con người và mọi đức tính xã hội chủ nghĩa”(2) trong thời đại mới.
Với Hồ Chí Minh, dù là người đang làm thuê trên tàu Amiran Latútsơ Trêvin ngày rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước hay khi đã trở thành một nguyên thủ quốc gia, thì điều mà Người “yêu nhất vẫn là cái thiện” và điều mà Người “ghét nhất vẫn là cái ác”; đồng thời, điều mà Người “mong nhất vẫn là nền độc lập của nước tôi và của tất cả các nước trên hoàn cầu(3). Từ cuộc đời và phẩm cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mỗi người đều thấy từ Người hiển hiện chân dung một người cộng sản hết lòng tận trung với nước, tận hiếu với dân. Hơn cả mọi lời nói, điều mà Người khắc sâu trong tâm khảm dân tộc Việt Nam, trong bạn bè, anh em, đồng chí, thậm chí cả những người đã từng là kẻ thù của Người, đó chính là “nền đạo đức trong sáng, một nền đạo đức cao quý mà không có nó thì mọi cuộc cách mạng đều sẽ không thành”(4).
Cuộc đời, sự nghiệp cách mạng đầy gian khó nhưng rất đỗi vinh quang của Người tượng trưng cho bản lĩnh, khí phách ngoan cường, ý chí bất khuất, tính kiên trì, bền bỉ trong đấu tranh và thái độ ứng xử điêu luyện về chính trị (bình tĩnh nhưng đầy quyết đoán, nhanh nhạy trong những tình thế gay go, quyết liệt…) đã trở thành niềm hy vọng của dân tộc Việt Nam và tất cả các dân tộc yêu chuộng độc lập, tự do, công lý và hoà bình trên toàn thế giới. Đồng thời, lòng yêu thương con người và sự bao dung, khoan hoà của Người cũng như trí tuệ, đức hy sinh và sự tận tâm, tận lực của Người thể hiện trong tư tưởng, trong hành động, trong từng mối quan hệ với đồng bào, đồng chí và bạn bè quốc tế đã làm cho những người đã từng ở bên kia chiến tuyến cũng phải khâm phục. Vì thế, “chỉ có ít nhân vật lịch sử trở thành một bộ phận của huyền thoại ngay từ khi còn sống và rõ ràng Hồ Chí Minh là một trong số đó. Người sẽ được ghi nhớ không phải chỉ là người giải phóng cho Tổ quốc và nhân dân bị đô hộ mà còn là một nhà hiền triết hiện đại đã mang một viễn cảnh và hy vọng mới cho những người đang đấu tranh không khoan nhượng để loại bỏ bất công, bất bình đẳng khỏi trái đất này”(5).
HỌC VÀ LÀM THEO BÁC ĐỂ TỰ SOI, TỰ SỬA SUỐT ĐỜI
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đi xa, nhưng Người sống mãi trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, vì rằng “Hồ Chí Minh không còn với chúng ta theo nghĩa vật chất. Nhưng Người rất gắn bó với chúng ta về mặt đạo lý, tinh thần”(6). Và cũng vì thế, việc nghiên cứu, tuyên truyền, giáo dục tư tưởng Hồ Chí Minh và học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong toàn Đảng, toàn dân và toàn quân không chỉ giúp cho mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức cơ sở Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong từng địa phương, cơ quan, đơn vị và các tầng lớp nhân dân hiểu rõ hơn về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người, mà còn góp phần trang bị hệ thống quan điểm và phương pháp cách mạng của Người, để kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng.
Thông qua việc học tập và làm theo đó, giúp mỗi người nâng cao năng lực tư duy lý luận và phương pháp công tác; nâng cao tinh thần độc lập, tự chủ, đổi mới, sáng tạo; sự tự soi, tự sửa mình và rèn luyện đạo đức, tư cách, phẩm chất cách mạng theo tư tưởng, đạo đức và phong cách của Người. Đồng thời, góp phần nâng cao lòng yêu nước; tinh thần và trách nhiệm phụng sự Tổ quốc và nhân dân, làm cho tư tưởng Hồ Chí Minh thực sự là một bộ phận cấu thành trong nền tảng tư tưởng và kim chỉ nam cho hành động của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân; tiếp tục lan tỏa sâu rộng trong đời sống tinh thần của nhân dân ta. Vì thế, việc học tập và làm theo 3 Chỉ thị nêu trên không phải chỉ là công việc một sớm, một chiều, mà đó là công việc thường xuyên, liên tục, suốt đời của mỗi cấp ủy, mỗi tổ chức cơ sở Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân.
Việc học và làm theo Bác theo từng nội dung của mỗi Chỉ thị, ứng với mỗi nhiệm kỳ Đại hội của Đảng đều là một cuộc vận động chính trị sâu sắc; đều được triển khai sâu rộng từ Trung ương đến địa phương. Những nhiệm kỳ gần đây, việc học và làm theo Bác theo Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay"; Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" gắn với Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ” đã tạo được sự chuyển biến rõ rệt từ nhận thức sang hành động, nâng cao vai trò tiền phong, gương mẫu của cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị. Hằng năm và sau mỗi nhiệm kỳ của Đảng, các cơ quan chức năng đều tiến hành nghiêm túc việc tổ chức sơ kết, tổng kết để đánh giá thành tựu, hạn chế, đề ra các nhóm giải pháp để nâng cao hơn nữa chất lượng của việc học tập và làm theo các Chỉ thị này, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng. Đây cũng là một nhiệm vụ cần thiết, có ý nghĩa thiết thực trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của mỗi cấp ủy.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì đâu đó cũng vẫn còn những địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai việc học và làm theo Bác một cách chung chung, hình thức. Cũng vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên nói không đi đôi với làm, thiếu tính tiền phong, gương mẫu, quan liêu trong công tác, hách dịch, thậm chí xa rời quần chúng. Bên cạnh đó, có người còn vi phạm Điều lệ Đảng, kỷ luật Đảng và vi phạm pháp luật như tham ô, tham nhũng hoặc rời xa lý tưởng cách mạng, cổ xúy cho đa nguyên, đa đảng… dẫn đến phải chịu sự trừng phạt của pháp luật. Việc những cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" phải dính vòng lao lý cũng là có thật. Và các vụ án tham nhũng những năm gần đây; những cán bộ, đảng viên bị đưa ra khỏi Đảng, chịu án tù… đã bị các đối tượng cơ hội, phản động, đã bị các thế lực thù địch lợi dụng “sự kiện đó” để chống phá Đảng và chế độ cũng là có thật.
Việc mượn những sự kiện liên quan đến các vụ án tham ô, tham nhũng và sự "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" của một phận cán bộ, đảng viên đã suy thoái để bẻ cong mục đích, nội dung và ý nghĩa của việc triển khai thực hiện các Chỉ thị nêu trên là một trong những âm mưu, thủ đoạn của chiến lược "diễn biến hòa bình" mà các thế lực thù địch thường dùng. Luận điệu xuyên tạc và sự quy chụp rằng việc học tập và làm theo 3 Chỉ thị này trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân càng ngày càng “tuột dốc mãi”; “càng học càng có nhiều củi gộc vào lò” của các thế lực thù địch về thực chất chỉ là sự suy diễn thiển cận, một chiều. Thực tế, những kết quả đạt được từ các cuộc vận động chính trị sâu rộng trong gần hai thập niên thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TW, Chỉ thị số 03-CT/T, Chỉ thị số 05-CT/TW (2003-2022) trong cả hệ thống chính trị không chỉ làm cho tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người lan tỏa sâu rộng trong thực tiễn, mà còn góp phần quan trọng vào kết quả của công tác công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đảm bảo để Đảng xứng đáng với vai trò tiền phong là không thể phủ nhận!.
Dù là các tên gọi khác nhau, song có thể khẳng định rằng, từ Đại hội IX đến Đại hội XII của Đảng, các cấp ủy từ Trung ương đến địa phương đã chỉ đạo, hướng dẫn các cấp ủy và đội ngũ cán bộ, đảng viên xây dựng kế hoạch phấn đấu tu dưỡng, rèn luyện học và làm theo Bác theo Chỉ thị số 23-CT/TW, Chỉ thị số 03-CT/TW, Chỉ thị số 05-CT/TW gắn với việc thực hiện các Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, chỉnh đốn Đảng đồng bộ, nghiêm túc. Việc học tập, làm theo Bác ngày càng đi vào nền nếp, phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị và những kết qủa này đã được thông tin khá đầy đủ trên các phương tiện báo chí, truyền thông từ Trung ương đến địa phương…
Bác Hồ thăm nhà trẻ miền Nam tại thị xã Vinh-năm 1957
TRỞ THÀNH NHU CẦU TỰ THÂN CỦA MỖI CẤP ỦY, CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN
Gần hai năm qua, để đưa Nghị quyết Đại hội XIII vào cuộc sống, Đảng ta đã tiếp tục đẩy mạnh học và làm theo Bác gắn với công tác công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, Kết luận số 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" đã được ban hành.
Trên tinh thần, “Đảng không che giấu khuyết điểm của mình, không sợ phê bình. Đảng phải nhận khuyết điểm của mình mà tự sửa chữa, để tiến bộ, và để dạy bảo cán bộ và đảng viên”(7), việc gắn thực hiện Kết luận số 01-KL/TW với Kết luận số 21-KL/TW trong mỗi cấp ủy, mỗi cán bộ, đảng viên cũng đã cho thấy những kết quả tích cực. Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo Bác đã trở thành công việc thường xuyên của toàn Đảng và hệ thống chính trị, góp phần làm cho ý thức tự giác rèn luyện, nêu gương của cán bộ, đảng viên, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu được tăng cường. Tinh thần nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị không chỉ góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của mỗi tập thể, cá nhân, mà còn làm cho sự đoàn kết thống nhất trong từng tổ chức được tăng cường. Đồng thời, cũng làm cho ý thức, trách nhiệm và sự trau dồi phẩm chất, đạo đức, lối sống của mỗi cán bộ, đảng viên được nâng lên, từng bước ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cho nên, không thể xuyên tạc vô căn cứ, cũng như không thể quy chụp như các thế lực thù địch bịa đặt, bôi đen rằng: Việc học và làm theo Bác “cũng chỉ làm cho xong để báo cáo”; là học nhưng đâu vẫn hoàn đấy như “ngựa vẫn quen đường cũ”; học và làm theo Bác đã bao năm rồi mà “vẫn trơ ra”…
Cuối cùng, phải khẳng định rằng, dù các thế lực thù địch sử dụng nhiều chiêu trò chống phá, xuyên tạc và bôi đen sự thật; dù các thủ đoạn bẻ cong, vu khống, bôi nhọ đã và đang được áp dụng, song Hồ Chí Minh - “tên Người phản ánh một cuộc đời đặc biệt rất hiếm có trong các vị lãnh đạo Nhà nước và trong các nhà chính trị của thời đại chúng ta. Con đường Người đã đi qua đánh dấu bằng cuộc đấu tranh gian khổ, bằng những khó khăn lớn lao nhưng đồng thời cũng đánh dấu bằng những thắng lợi chính trị độc đáo phản ánh lịch sử của dân tộc Người trong khoảng 50 năm vừa qua”(8) vẫn đồng hành cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân trên hành trình kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
Cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người; các trước tác của Người, liên quan đến Người… là di sản tinh thần quý báu của nhân dân Việt Nam và nhân loại cần lao. Cho nên, thế giới có thể đổi thay, hằng ngày luôn biến động, song trên các phương tiện truyền thông, các nhà xuất bản, các hiệu sách, triển lãm, các rạp chiếu phim, nhà hát… ở khắp mọi miền đất nước và cả ở nước ngoài, những ấn phẩm, tác phẩm, bộ phim, kịch, những câu chuyện kể, những công trình nghiên cứu chuyên sâu của các nhà khoa học, học giả, các chính khách trong nước và quốc tế… về Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng như các trước tác của Người vẫn xuất hiện như một phần không thể thiếu trong đời sống chính trị, văn hóa, tinh thần của người Việt Nam và bạn bè quốc tế.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là Người “cao mà không xa”, “sáng mà không chói”, Người tỏa sáng từ cốt cách, tâm hồn, trí tuệ của một bậc đại trí, đại nhân, đại dung chứ không giống như sự suy diễn thiển cận của một vài cá nhân nào đó. Thực tế là, “nhà cách mạng vĩ đại Hồ Chí Minh và chắc chắn Người là một trong những người hiếm có của thời đại chúng ta, mà người ta có thể nói rằng: không có Người, lịch sử có thể đã đi theo một con đường khác. Lịch sử đã đặt Người vào đúng chỗ của mình, trong quá trình đó, Người là nhân vật sáng tạo quyết định”(9). Vì thế, Người luôn đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam trong hành trình đến tương lai. Và cũng vì thế, tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh không phải là “không cần thiết”, không phải chỉ là “hình thức” như các thế lực thù địch ảo tưởng, xuyên tạc, mà đó chính là nhu cầu tự thân, nền nếp của mỗi cấp ủy, tổ chức Đảng, mỗi cán bộ, đảng viên tại mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị cũng như của các tầng lớp nhân dân cả nước!
TS. Văn Thị Thanh Mai
Ths. Trần Thị Kim Oanh
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.83-84
(2) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t.2, tr. 91
(3) Hồ Chí Minh trả lời phỏng vấn của báo Bạn Chiến đấu, ngày 25/5/1948
(4) Thế giới ca ngợi và thương tiếc Hồ Chủ tịch, Nxb. Sự thật, Hà Nội, 1971, t.3, tr. 90
(5) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr.75-76
(6) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb.Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr.158-159
(7) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t.5, tr.290
(8) Tuần báo Đối ngoại Chân trời, số 4, tháng 11/1969
(9) Hội thảo quốc tế về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội,1990, tr.127
Theo Tạp chí tuyên giáo Tweet