Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng hiện nay - Bài 3
16:54 07/11/2024 190
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng (Bài 3: Đổi mới phương thức lãnh đạo - nhân tố quyết định thành công công việc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng) Một nội dung quan trọng nữa trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền đó là đổi mới và thực thi nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ - nguyên tắc căn bản quán xuyến toàn bộ việc hoạch định và xác quyết đường lối chính trị lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Đường lối chính trị, đường lối tổ chức và đường lối cán bộ là 3 trong số những quyết định khó khăn nhất nhưng quyết định nhất của nội dung cầm quyền mà phương thức lãnh đạo, cầm quyền phải thực thi bảo đảm công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng thành công.
Lựa chọn phương pháp hữu hiệu nhất để thực hiện thành công các quyết sách
Ở đây, đổi mới phương thức lãnh đạo, suy cho cùng, là lựa chọn con đường ngắn nhất, phương pháp hữu hiệu nhất để thực hiện thành công nội dung các quyết sách, tức nội dung lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp bộ đảng, trên tất cả các lĩnh vực và địa bàn trong cả nước; là một trong những nhân tố quyết định thành công công việc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Đảng ta thực thi chế độ lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách theo nguyên tắc tập trung dân chủ. Đó là thiết chế hoạt động, là nguồn gốc và bảo đảm sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Thiết chế đó bảo đảm sự lãnh đạo tập trung của tập thể cấp ủy, trên cơ sở dân chủ thảo luận, tranh luận và ra quyết nghị, nhưng đồng thời hoàn toàn cho phép và bảo đảm dân chủ rộng rãi tối đa trong việc tìm tòi biện pháp thực thi nghị quyết một cách chủ động và độc lập. Vì, chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Đó là con đường tối ưu tiếp cận sự thật, hành động theo chân lý.
Vì thế, tính chủ động, độc lập và chịu trách nhiệm cao nhất và trước hết của người đứng đầu cấp ủy cũng như mọi thành viên, đảng viên thực thi quyền của mình, theo sự phân công, trước cơ quan lãnh đạo và tổ chức đảng đương nhiên rộng mở, là một bảo đảm, điều kiện và môi trường cổ vũ tìm tòi sáng tạo mọi con đường cho việc lựa chọn phương thức lãnh đạo phù hợp, hiệu quả nhất. Ở phương diện này, khi mọi người đã phát biểu ý kiến, tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói. Ở phương diện này, óc độc lập sáng tạo và óc phản biện, tinh thần quyết đoán, chịu trách nhiệm, không độc quyền, đặc quyền của người đứng đầu trước tập thể cấp ủy có ý nghĩa rất quan trọng và cần được bảo vệ.
Toàn cảnh Phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XIII
Chỉ có như vậy, mới có khả năng làm gương và cổ vũ sự thảo luận, tranh luận trong cấp ủy, tổ chức đảng, chịu trách nhiệm trước hết về các quyết sách tập thể được xây dựng một cách dân chủ, chín muồi và tập trung chắc chắn trước đảng viên và đối với cấp trên. Người chủ trì công việc của cấp ủy khuyến khích và bảo vệ quyền dân chủ thảo luận, tự do tranh luận, biết chờ đợi, trân trọng và lắng nghe, nhất là các ý kiến khác nhau của đảng viên trong thảo luận, xây dựng các quyết sách của cấp ủy.
Đó là con đường ngắn nhất dẫn dắt tập thể cấp ủy đi tới chân lý và tổ chức hiệu quả thực tiễn nghị quyết; là sự khẳng định và đo lường về trách nhiệm trước hết theo quyền trong thực thi nhiệm vụ của cấp ủy, người đứng đầu cấp ủy. Nghị quyết của cấp ủy là pháp lệnh tối cao đối với mọi đảng viên.
Theo đó, đổi mới cơ chế vềmối quan hệ giữa người đứng đầu cấp ủy với tập thể cấp ủy và tổ chức đảng theo hướng tập trung quyền của người đứng đầu gắn với trách nhiệm cá nhân từng thành viên một cách cụ thể, dân chủ và triệt để trên cơ sở Điều lệ Đảng. Đó là chế độ tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách một cách cụ thể nhằm cấp bách khai thông các điểm “nghẽn” về quyền gắn với trách nhiệm của cá nhân và của tập thể, giữa cá nhân với tập thể, giữa cấp trên với cấp dưới. Ngăn chặn những thói, thậm chí là bệnh hoạn trong việc sử dụng quyền và thực thi trách nhiệm ở các tổ chức đảng hiện nay nói chung, người đứng đầu cấp ủy nói riêng: lạm quyền, lộng quyền, độc đoán, tự do phi dân chủ, nói và làm trái nghị quyết của tập thể, của tổ chức đảng, thậm chí thói vô chính phủ, tệ lộng quyền, lạm quyền trong việc thực thi quyền và trách nhiệm, tự biến mình thành những “ông vua con” với những “bầu trời riêng” trong các cấp ủy.
Đồng thời, dỡ bỏ những “gia đình, họ mạc trị”, nạn bè cánh, tình trạng “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” giữa cá nhân với tổ chức, giữa người đứng đầu với các thành viên cấp ủy, trong xây dựng và thực thi nghị quyết. Ngăn chặn và đẩy lùi tệ cát cứ, cục bộ trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo giữa các thành viên tập thể cấp ủy với nhau; tệ né tránh, đùn đẩy, thậm chí trốn tránh trách nhiệm, tệ phi dân chủ, thậm chí đối lập quyền và trách nhiệm của mọi đảng viên, trước hết là người đứng đầu cấp ủy; tệ dân chủ vô chính phủ trong thực thi nghị quyết của Đảng; tệ xa dân, tự mình cách bức với đồng chí và xa lánh, trốn tránh trách nhiệm với tổ chức đảng và cơ sở. Tất cả điều đó làm tổn hại tới năng lực lãnh đạo, thanh danh và uy tín của Đảng trên phương diện này, nhất định phải được ngăn chặn và bị tẩy trừ.
Nói gọn lại, thật sự dân chủ bảo đảm tập trung trong việc định ra quyết sách, tự do tìm kiếm phương pháp thực thi quyết sách một cách độc lập, dân chủ và tôn trọng mọi sự sáng tạo là bản chất của việc đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, tập trung thể hiện ở người đứng đầu cấp ủy, là tất yếu. Ở đây, người đứng đầu cấp ủy phải trở thành tấm gương về thực thi công việc đó. Như thế, nói như Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng mới “tiến bộ, mạnh dạn, chắc chắn, chân chính”, mới “là đạo đức, là văn minh”.
Bảo đảm quyền gắn chặt với trách nhiệm
Bốn là, đổi mới phải bảo đảm quyền gắn chặt với trách nhiệm nhằm hành động đồng bộ, thống nhất, dân chủ theo Điều lệ Đảng và pháp luật.
Theo đó, quyền phải gắn với trách nhiệm. Đặt ra quyền phải đặt ra đồng thời trách nhiệm theo quyền một cách tương hợp và hữu cơ; và ngược lại, nói tới trách nhiệm là nói tới quyền một cách trực tiếp và chính đáng. Và, thực thi trách nhiệm theo quyền được trao chính là bảo vệ vô điều kiện việc dân chủ thực thi quyền do cấp ủy và tổ chức đảng, cấp trên trao hoặc ủy quyền, bảo đảm cân bằng quyền lực một cách tập trung dân chủ. Chống mọi hình thức độc quyền, đặc quyền song hành với chống trốn tránh trách nhiệm, rũ bỏ trách nhiệm cầm quyền. Nó là nguồn gốc sức mạnh, uy tín lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Tách rời chúng hay hạ thấp mặt nào đều là vô hình hạ thấp mặt kia và thủ tiêu cả hai.
Vì vậy, tiếp tục hoàn thiện và cụ thể hóa các quyền, trách nhiệm bằng thể chế việc nắm lấy pháp luật để lãnh đạo, cầm quyền theo Điều lệ Đảng và hệ thống luật pháp bằng thể chế hóa thành các quy chế, quy định, bảo đảm phù hợp với các loại hình tổ chức đảng ở tất cả các cấp, toàn diện các lĩnh vực… một cách đồng bộ, thống nhất. Đây là mối quan hệ giữa nhiệm vụ - quyền lực- trách nhiệm. Quyền là điều kiện để hoàn thành nhiệm vụ, nếu thấp thì không đủ điều kiện hoàn thành nhiệm vụ, nếu cao sẽ sinh ra lạm quyền hoặc lộng quyền. Do đó, quyền và trách nhiệm phải tương xứng với nhau và phù hợp với nhiệm vụ. Đó là riềng mối của việc đổi mới thể chế gắn quyền với trách nhiệm, nhiệm vụ của các tổ chức đảng, của mọi đảng viên.
Vì vậy, hiện nay, cần thiết tiếp tục cải cách, cấu trúc lại hệ thống bộ máy của Đảng và tổ chức đảng trong các thành viên của hệ thống chính trị thật sự gọn, nhẹ, tinh thông, phù hợp, chuyên nghiệp, đúng chức năng, bảo đảm không trùng lắp, không chồng chéo, không trung gian và không khép kín. Tiếp tục mở rộng quyền gắn chặt với trách nhiệm theo nhiệm vụ một cách minh bạch, trong phạm vi cho phép, của người đứng đầu thống nhất song hành với tăng quyền quyết định, kiểm soát quyền, ủy quyền và quyền phúc quyết của cấp ủy; đồng thời, phân cấp, phân quyền cho các cấp ủy thực thi kiểm soát, giám sát quyền trong hệ thống bộ máy của Đảng, trực tiếp đối với người đứng đầu và cấp ủy nhằm ngăn chặn sự tha hóa, thoái hóa và những biến thái khác của quyền lực. Người đứng đầu giữ quyền tổng thể trước cấp ủy, trước cấp trên và cấp ủy cấp dưới (và đảng viên) một cách tập trung trên cơ sở phân công một cách dân chủ các thành viên cấp ủy theo chế độ ủy quyền hoặc thay mặt… gắn với trách nhiệm cụ thể trong thực thi nhiệm vụ theo quyết nghị của cấp ủy một cách tự do, minh bạch nhưng thống nhất và tập trung.
Người đứng đầu cấp ủy cần ý thức chủ động và sẵn sàng rời khỏi chức vụ (từ chức, huyền chức, xin miễn chức vụ…), khi không hoàn thành nhiệm vụ hay vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và Điều lệ của các đoàn thể. Ai không có khả năng chịu trách nhiệm thì nên thôi, không thể xứng đáng cầm quyền và càng không thể được làm người lãnh đạo nữa. Đó là biểu hiện về sự tự giác và nghiêm minh trong việc thực thi quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy theo nhiệm vụ. Đó chính là sự tự giác về trách nhiệm công vụ; cũng là liêm sỉ, lòng tự trọng của cá nhân đảng viên, trước hết đảng viên giữ chức vụ trong Đảng.
TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Theo ĐBND Tweet