Không ngừng đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng hiện nay - Bài 2: Năm phương châm đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
16:48 07/11/2024 109
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Thực tiễn cho thấy, về phương châm thực thi phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, trong rất nhiều vấn đề, tựu trung ở đây nổi bật 5 vấn đề cần thấu triệt.
Con người - trung tâm của đổi mới, phát triển phương thức lãnh đạo, cầm quyền
Thứ nhất, khoa học hóa. Nếu vị trí cầm quyền càng chính danh, vai trò cầm quyền càng có ý nghĩa quyết định đối với sự phát triển của dân tộc, thì, một cách tự nhiên, trách nhiệm cầm quyền đòi hỏi càng phải mang tính pháp lý, mục tiêu cầm quyền càng phải minh bạch, phương pháp cầm quyền càng phải phù hợp và hiệu quả. Toàn bộ những công việc mang tính chỉnh thể đó tiếp tục cần được nghiên cứu một cách hệ thống, căn bản và có tính khả dụng. Nó không chấp nhận sự tùy hứng, tùy thời, càng không thể là kết quả của sự áp đặt hay sự chắp vá, vụn vặt, hoặc chuyển dịch kinh nghiệm một cách cơ học, mô phỏng phi thực tế. Nghĩa là, phải được xác thực bởi những quy luật, rộng hơn là các vấn đề mang tính quy luật của toàn bộ công việc lãnh đạo, cầm quyền nói chung và phương thức lãnh đạo, cầm quyền nói riêng.
Bài học thành công và chưa thành công trên phương diện này vừa qua cho thấy, các vấn đề mang tính quy luật trên càng được nghiên cứu, xử lý một cách khoa học, chỉnh thể, phù hợp bao nhiêu càng có ý nghĩa thúc đẩy sức mệnh lãnh đạo, cầm quyền thành công bấy nhiêu. Đồng thời, nếu mỗi phương diện lãnh đạo, cầm quyền càng sa vào biệt lập, cục bộ bao nhiêu sẽ càng rơi vào ảo tưởng, thực dụng bấy nhiêu. Điều này có ý nghĩa đặc biệt to lớn đối với đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong bối cảnh hết sức phức tạp, khó tiên lượng hiện nay.
Thứ hai, dân chủ hóa. Mục tiêu cầm quyền càng tập trung thì hơn bao giờ hết, hiện nay, phương thức cầm quyền càng dân chủ. Không có dân chủ chân chính không có tập trung đúng đắn. Hiện nay, Đảng là người duy nhất cầm quyền, nhất là khi chúng ta đang phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN và hội nhập quốc tế không chỉ ở bề rộng mà cả chiều sâu, trong một cục diện thế giới biến động phức tạp và khôn lường, càng đòi hỏi thực hành dân chủ đúng đắn. Đó là con đường ngắn nhất, là động lực, “chìa khóa thành công”... phải được thực thi trước hết, mạnh mẽ và sâu sắc từ trong Đảng. Đó chính là phương châm “Dĩ bất biến ứng vạn biến” của việc đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Đặc biệt, cầm quyền phải gắn liền với trách nhiệm. Do đó, dân chủ trong cầm quyền chính là chống mọi hình thức đặc quyền, nhất là thói ỷ thế cầm quyền dẫn tới lạm quyền, lộng quyền, lấn quyền và “đánh cắp” quyền lực… phá hoại vị thế và vai trò cầm quyền của Đảng. Và, đến lượt nó, tập trung đúng đắn phải đạt tới sự thống nhất của Đảng về quyết sách chính trị và hành động trong Đảng; phòng, chống tập trung quan liêu, độc đoán, chuyên quyền. Vì, mục tiêu thì chỉ có một, nhưng phương thức vì mục tiêu thì có hàng trăm, thậm chí nhiều trăm cách thức, phương lược.
Thứ ba, văn hóa hóa. Vì Đảng “là đạo đức, là văn minh” (Chủ tịch Hồ Chí Minh), Đảng “là trí tuệ, danh dự và lương tâm của thời đại chúng ta” (V.I. Lenin) nên một cách tự nhiên, phương thức cầm quyền của Đảng không thể không là sự tập trung và thể hiện tinh hoa văn hóa, là sự mẫu mực về văn hóa và tấm gương phản chiếu về văn hóa phát triển nhanh, bền vững, nhân văn. Điều đó chứ không phải gì khác sẽ làm nên cốt cách, khí phách và bản lĩnh chính trị, bản lĩnh hành động của Đảng. Đồng thời, cần đề phòng, ngăn chặn những bệnh hoạn phản văn hóa trong tiến trình lãnh đạo, cầm quyền, cụ thể là tham nhũng quyền lực chính trị, thói quan liêu mệnh lệnh, “quan liêu vất vả” (V. I. Lenin) hoặc các biến thái của dân chủ: dân chủ hình thức, dân chủ bắt buộc, dân chủ giả hiệu…
Nói cụ thể, văn hóa trong chính trị của Đảng phải được thể hiện trước hết ở phương thức lãnh đạo, cầm quyền. Nó phải thấm đẫm văn minh, tiến bộ, tinh hoa văn hóa, truyền thống nhân văn dân tộc và tinh hoa văn hóa thế giới hiện đại trên từng phương diện cầm quyền, ở mỗi tổ chức của Đảng, trong mỗi cán bộ, đảng viên của Đảng, trước hết về tư chất phẩm hạnh cá nhân, lề lối, phong cách, phương pháp cầm quyền và phong cách lãnh đạo. Toàn bộ vấn đề này là một trong những nhân tố cơ bản quyết định sự thành bại của mục tiêu cầm quyền và vị thế, uy tín của Đảng cầm quyền.
Thứ tư, trách nhiệm hóa. “Đảng ta là đứa con nòi xuất thân từ giai cấp lao động”. Hơn 94 năm qua, Đảng ta không ngừng trưởng thành và gánh vác chắc chắn sứ mệnh lịch sử dân tộc, đáp lại xứng đáng sự tin cậy của Nhân dân, vì Đảng luôn đứng vững trên nền móng Nhân dân, với vị thế là “đứa con nòi”.
Cùng với đó, cần thấu triệt điều mà lâu nay chưa được chú trọng thỏa đáng rằng, Đảng lãnh đạo Nhà nước xây dựng và thực thi pháp luật, Nhà nước của ta là Nhà nước pháp quyền XHCN cho nên việc giám sát, xây dựng, bảo vệ Đảng là quyền, trách nhiệm, lợi ích của Nhân dân, bằng và thông qua pháp luật, các quy chế khác và bằng danh dự. Do đó, giữ vai trò lãnh đạo, cầm quyền, Đảng phải chịu trách nhiệm trước Nhân dân và lịch sử về trọng trách lãnh đạo, cầm quyền của mình một cách tất yếu theo pháp lý. Về đạo lý, Đảng phải giữ gìn và bảo vệ vô điều kiện một cách tự nhiên và xứng đáng, với tư cách “là đứa con nòi” của dân tộc.
Và, như thế, một cách tất yếu và tự nhiên, Đảng càng phải chịu sự giám sát của Nhân dân và chịu trách nhiệm trước lịch sử và dân tộc, trong tư cách vừa là người lãnh đạo vừa người đầy tớ thật trung thành vừa là “đứa con nòi” của dân tộc không chỉ về phương diện đạo lý mà cả bình diện pháp lý. Mỗi đảng viên phải chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng theo Điều lệ Đảng, trước xã hội về danh dự và trước chính mình theo pháp luật.
Thứ năm, hiện đại hóa. Thời đại hiện nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học công nghệ và kinh tế tri thức, trong bối cảnh toàn cầu hóa, đã đem lại cơ hội to lớn và khả năng tiềm tàng về sự đổi mới không ngừng phương thức cầm quyền của Đảng. Và, như trên đã nói, mục tiêu và trọng trách của nhà lãnh đạo là tập trung vào con người, thì không có lý do gì để phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng từ chối mệnh đề tối thượng: Con người và rộng ra là tổ chức phải là trung tâm của mọi sự đổi mới, phát triển phương thức lãnh đạo, cầm quyền chứ tuyệt đối không phải con người và tổ chức quay xung quanh sự đổi mới hay phát triển phương thức lãnh đạo, cầm quyền nào đó của Đảng, bằng công nghệ hiện đại và nâng lên thành nghệ thuật lãnh đạo, cầm quyền.
Không ngừng hoàn thiện cơ chế vận hành phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
Đảng hoạt động theo Điều lệ Đảng và trong khuôn khổ pháp luật. Và để xứng đáng là “đứa con nòi của giai cấp lao động”, “là đạo đức, là văn minh, là đoàn kết thống nhất, là hòa bình ấm no”, “phấn đấu và thắng lợi biết bao nhiêu tình”, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, thì một cách tự nhiên, mục tiêu đổi mới toàn bộ hoạt động của Đảng nói chung, ở đây là phương thức lãnh đạo của Đảng nói riêng hiện nay, phải mang 5tính chất: Tập trung và thống nhất -Toàn diện và cụ thể - Dân chủ và kỷ luật - Trực tiếp và quyết định - Văn minh và tiến bộ - rường cột và tư chất của văn hóa lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Theo đó, để đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền, trước mắt, cần giải quyết hiệu quả các vấn đề chủ yếu sau:
Một là, vị thế và các nhân tố xung quanh phương thức trong chỉnh thể công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Mục tiêu cao cả và nhân văn của Đảng đòi hỏi phương thức lãnh đạo, cầm quyền không thể không nhân văn và cao cả. Nó không chỉ mang tư chất, khí phách của Đảng mà còn là bản lĩnh, phong cách hành động của Đảng. Vì thế, ở đây, có hai phương diện cần nắm chắc. Trước hết,về phát triển vị thế phương thức lãnh đạo, cầm quyền, phải đặt phương thức lãnh đạo, cầm quyền trong tổng thể các nhân tố mang tính quy luật của toàn bộ công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, gồm: mục tiêu, nội dung, cơ chế, môi trường, điều kiện và nguy cơ đối với cầm quyền…
Đồng thời, nghiên cứu sự tương dung và khác biệt trong thực thi phương thức lãnh đạo, cầm quyền trên các phương diện chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại, xây dựng, chỉnh đốn Đảng…, mà trung tâm là Đảng lãnh đạo Nhà nước và hệ thống chính trị, phát hiện những mâu thuẫn căn bản, chủ yếu, cụ thể khác nhau mang tính phổ biến về lãnh đạo và quản lý, về sự khác nhau riêng biệt, thậm chí đặc thù của các phương diện này.
Mặt khác, phát hiện và tổng kết sự tác động đa chiều và những hệ lụy trong sự vận động của các nhân tố của chính phương thức lãnh đạo, cầm quyền phổ biến và sự khác nhau riêng biệt trên các phương diện của toàn bộ đời sống chính trị - kinh tế - xã hội đất nước để chủ động không ngừng giải quyết, phát triển trên tầm vĩ mô về phương thức lãnh đạo, cầm quyền trong tổng thể toàn bộ công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng.
Hai là, xem xét toàn diện các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội, đạo đức ảnh hưởng và chi phối phương thức lãnh đạo, cầm quyền với tư cách là một bộ phận của toàn bộ công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Ở đây, tối thiểu trên 3 góc độ.
Về môi trường chính trị, Đảng ta là một Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền XHCN của Nhân dân, do Nhân dân và vì Nhân dân. Tất cả đều phục vụ Nhân dân và xã hội. Mọi hoạt động của hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đều phục vụ và tuân thủ mục tiêu chính trị này. Do đó, một cách tự nhiên nó chi phối toàn diện và to lớn tới phương thức lãnh đạo cầm quyền của Đảng và toàn bộ công cuộc lãnh đạo, cầm quyền của Đảng nói chung.
Về môi trường kinh tế, xã hội và văn hóa, quy mô, tốc độ, chiều sâu của công cuộc đổi mới vừa là thành quả vừa là môi trường cầm quyền của Đảng vừa là thách thức đối với Đảng. Sự thay đổi của môi trường kinh tế - xã hội in dấu ấn đậm nét và chi phối quan trọng đời sống của Đảng đòi hỏi Đảng không thể không đổi mới nhằm vừa thích ứng với những thay đổi trong xã hội vừa dẫn dắt đất nước phát triển một cách chủ động, hiệu quả. Đồng thời, truyền thống, văn hóa dân tộc mang những đặc điểm riêng đã và đang điều tiết hành vi của các đối tượng trong xã hội rất phong phú, phức tạp. Tất cả phải được nghiên cứu toàn diện, thiết thực, nhất là kiểu suy nghĩ, tập quán sống, thói quen của đảng viên đã và đang tác động, in dấu ấn lên phong cách lãnh đạo của cán bộ các cấp và ảnh hưởng tới phương thức hành động của Đảng. Kinh nghiệm 79 năm, nhất là 40 năm Đổi mới vừa qua cho thấy, phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng vừa kế thừa những ưu điểm của các giá trị truyền thống nhưng vừa gạn lọc, loại bỏ nhược điểm: hủ tục lạc hậu, tư duy bảo thủ, khép kín, “phép vua thua lệ làng” của lịch sử quá khứ như thế nào…
Về môi trường quốc tế, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, mối liên hệ, sự giao thoa văn hóa, tri thức và các giá trị chung của văn minh nhân loại, nhất là lịch sử hình thành, kinh nghiệm phát triển của các đảng cầm quyền và liên minh các đảng cầm quyền trên thế giới. Chúng ta không thể không chủ động thâu hóa toàn diện, cầu thị tiếp biến những giá trị có ý nghĩa phổ quát trên phương diện này, nhất là thành tựu của các đảng chính trị về nghệ thuật cầm quyền thành công và chưa thành công, nhất là về thủ lĩnh chính trị, cấu trúc và vận hành bộ máy của đảng, để làm giàu kinh nghiệm trong đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng ta.
TS. Nhị Lê - Nguyên Phó Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản
Theo ĐBND Tweet