Hậu quả khó lường khi đu trend tin giả

17:28 18/12/2024     10

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng   

Trong khi cả nước đang tập trung cao độ thực hiện việc sắp xếp, tinh gọn lại bộ máy nhà nước, thì nhiều người dùng mạng xã hội vì muốn tăng tương tác, “bắt trend” (xu hướng đang nổi) đã sẵn sàng đăng hoặc chia sẻ những thông tin chưa được kiểm chứng, không chính xác hoặc thậm chí là tin giả.

Theo trend về tinh giản và sắp xếp lại bộ máy các bộ, ngành theo Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả (gọi tắt là Nghị quyết 18), rất nhiều thông tin chưa được kiểm chứng, tin giả được lan truyền trên mạng xã hội gây nhiễu loạn thông tin đã khiến nhiều người hoang mang, lo lắng, bất an.

Chẳng hạn mới đây, mạng xã hội đã lan truyền, chia sẻ các thông tin về đề xuất chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức diện tinh giản, nghỉ việc khi sắp xếp lại bộ máy các bộ, ngành đã thu hút, lôi kéo rất đông người dùng mạng xã hội vào bình luận và chia sẻ. Trong đó, không ít các bình luận mang tính chất xuyên tạc, kích động. Tuy nhiên, đây không phải là văn bản chính thức của cơ quan chức năng nhà nước đưa ra mà chỉ là những thông tin được cắt cúp, chỉnh sửa từ văn bản nào đó và được tung lên mạng xã hội nhằm có ý đồ.

Trước những thông tin lan truyền đó, Bộ Nội vụ đã phải ra thông báo phản bác, thông tin chính thức về vấn đề này. Theo Bộ Nội vụ, thông tin đang được lan truyền, chia sẻ trên mạng xã hội là không chính xác, do cá nhân công chức dự thảo. Đây không phải là văn bản của Bộ nghiên cứu, tham mưu đề xuất, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, cho ý kiến. “Thông tin về chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức khi thực hiện sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy được các cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định sẽ được Bộ Nội vụ công bố công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng và gửi các cơ quan, đơn vị, tổ chức liên quan trong hệ thống chính trị tổ chức thực hiện”, Bộ Nội vụ khẳng định.

Trước đó, mạng xã hội cũng xuất hiện nhiều thông tin, hình ảnh danh sách các tỉnh, thành phố trên cả nước sẽ phải thực hiện việc sáp nhập. Các thông tin này nhanh chóng được lan truyền bởi rất nhiều lượt chia sẻ đã gây tâm lý lo lắng, hoang mang cho người dân, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức đang làm việc ở các địa phương. Theo đó, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cũng khẳng định: Các thông tin, hình ảnh đang lan truyền trên mạng xã hội là không đúng và hiện chưa có chủ trương sáp nhập tỉnh, thành phố ngay.

Với hành vi đăng, chia sẻ những thông tin giả này, nhiều người dùng mạng xã hội đã bị cơ quan chức năng xử lý. Chẳng hạn mới đây, ông N.V.M ở Nghệ An bị phạt 5 triệu đồng do đăng tải thông tin “sáp nhập tỉnh” trên tài khoản cá nhân nhưng chưa kiểm chứng; hay ông L.V.T cũng đã được Phòng An ninh chính trị Công an tỉnh Nghệ An triệu tập và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 5 triệu đồng do đăng tải nội dung “Kế hoạch sáp nhập các cơ quan từ trung ương đến địa phương” nhưng chưa kiểm chứng, với mục đích tăng tương tác.

 

Một người dùng mạng xã hội bị xử phạt vì "đu trend". Ảnh: TTCP

 

Có thể nói, sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, đặc biệt là các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới đã giúp số lượng người tiếp cận tin tức, thông tin qua internet gia tăng không ngừng. Tuy nhiên, tâm lý của người dùng mạng xã hội là khi thấy tin gì hay, lạ, sốc… rất dễ “tiện tay” chia sẻ ngay với bạn bè và người thân. Đây chính là nguyên nhân giúp cho những tin giả lan truyền với tốc độ chóng mặt, gây ra nhiều hậu quả tiêu cực cho xã hội.

Cũng có không ít người, do hạn chế trong nhận thức hoặc do các động cơ cá nhân có chủ đích đã phát tán thông tin sai lệch, tin giả, tin xấu độc hoặc tiếp tay cho việc lan truyền những thông tin này. Điều này không chỉ tác động tới công chúng trên nhiều mặt khác nhau, mà có thể dẫn tới hậu quả nghiêm trọng cho cả người tiếp nhận và người phát tán. Bởi, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định các mức xử phạt tương ứng đối với từng nhóm hành vi vi phạm thông tin trên mạng. Tùy theo mức độ nghiêm trọng của sự việc, người phát tán tin giả có thể bị phạt hành chính hoặc khởi tối hình sự.

"Ai vi phạm sẽ được xử lý theo quy định của pháp luật. Bộ Nội vụ đã trao đổi với Bộ Công an và đề nghị cơ quan an ninh mạng xem xét, xử lý việc đưa các thông tin không đúng, gây ảnh hưởng đến tâm lý xã hội", ông Vũ Đăng Minh, Chánh Văn phòng Bộ Nội vụ nêu rõ. Theo đó, Bộ Nội vụ cũng đề nghị các tổ chức, cá nhân không căn cứ vào dự thảo văn bản không chính thống để chia sẻ thông tin và đăng lại trên các trang mạng xã hội.

Sự phát triển của số hoá hiện nay đã khiến lượng người dân “sống và làm việc” trên không gian mạng rất lớn. Điều đó cũng có nghĩa việc tiếp nhận và lan truyền thông tin trên môi trường mạng internet nói chung và mạng xã hội nói riêng gần như đã trở thành “nhu cầu thiết yếu”. Vậy nên, điều quan trọng là cần bảo đảm nguyên tắc thượng tôn pháp luật; nên coi thượng tôn pháp luật là nền tảng, là văn hóa khi sử dụng, thực hiện các giao dịch trên môi trường mạng.

Bên cạnh đó, để là người sử dụng mạng xã hội văn minh, mỗi cá nhân cần ý thức rằng, trước khi chia sẻ, đăng tải một thông tin nào đó, cần xác minh lại tính chính xác của thông tin, không chia sẻ thông tin khi chưa có kiểm chứng. Hay nói cách khác, nên “chia sẻ có trách nhiệm” đối với bất kỳ thông tin gì.

Ngoài ra, cơ quan chức năng cũng cần tăng cường đội ngũ thường xuyên “lên mạng” nắm bắt những thông tin được chia sẻ, lan truyền… từ đó có giải pháp phản hồi, phản biện để tránh thông tin nhiễu loạn; giúp người dân không phải hoang mang, lo lắng khi tiếp cận phải tin giả mạo có liên quan hoặc có ảnh hưởng đến mình.

Trong cuộc chiến với tin giả trên không gian mạng, sự tự nhận thức và nêu cao trách nhiệm của bản thân là điều tối quan trọng đối với người dùng. Nếu không biết tự bảo vệ mình và những người xung quanh trước tin giả và tin độc hại trên mạng, bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể trở thành nạn nhân với những hậu quả và hệ lụy khôn lường.

 

Minh Thuyết/Báo Tin tức

Theo baotintuc