Gợi mở của V.I.Lênin trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
08:51 26/04/2022 1802
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Trên hành trình tư tưởng, V.I.Lênin không chỉ kế thừa những quan điểm của C.Mác mà còn không ngừng bổ sung, phát triển những nguyên lý nền tảng của chủ nghĩa Mác cho phù hợp với thực tiễn. Một trong những quan điểm của C.Mác được V.I.Lênin bổ sung, phát triển là chuyên chính vô sản. Điều đó gợi mở những nguyên tắc quý giá trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng ở Việt Nam hiện nay
QUAN ĐIỂM CỦA C.MÁC VỀ CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN
Lần đầu tiên C.Mác dùng từ “chuyên chính vô sản” là năm 1848. Theo C.Mác, chuyên chính vô sản là một chiến lược cách mạng. Cụm từ này được nhắc lại nhiều lần trong tác phẩm “Đấu tranh giai cấp ở Pháp”. Theo C.Mác, đấu tranh giai cấp tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản và nền chuyên chính đó chỉ là sự quá độ tiến đến một xã hội không giai cấp. Chuyên chính vô sản là một chiến lược gồm hai bước. Bước một là chuyển từ chuyên chính của kẻ thù sang chuyên chính của đồng minh bao gồm giai cấp nông dân và giai cấp trung đẳng, thuật ngữ của C.Mác trong “Nội chiến ở Pháp”, làm thành chuyên chính của đồng minh chiến lược. Khi đã làm được cuộc chuyển đổi liên minh ấy trở thành đa số rồi, thì bước thứ hai là dùng con đường dân chủ, tự do đầu phiếu, lập ra chính phủ cách mạng và chế độ cách mạng.
Lần thứ hai thuật ngữ “chuyên chính vô sản” được dùng là sau thất bại của Công xã Paris. Từ việc tổng kết sự thất bại đó, C.Mác nêu lên những bài học về sự hình thành nhà nước kiểu mới của giai cấp vô sản, không giống với bất kỳ một hình thức nhà nước nào đã có trước đó, một hình thái nhà nước báo hiệu sự tiêu vong của nhà nước. Lúc đó, quan điểm này của C.Mác bị đánh giá là “mang màu sắc ảo tưởng” vì kinh nghiệm của Công xã Paris còn quá nghèo nàn. Thực tế, Công xã paris chỉ tồn tại có 72 ngày (từ 18/3/1871 đến 28/5/1871). Chuyên chính vô sản theo quan niệm của C.Mác là một hình thức nhà nước cách mạng đã không còn thuần túy là nhà nước nữa, mà đã nằm trong cái lôgic của nhà nước dần dần tự tiêu vong.
C. Mác cũng cho rằng, cuộc đấu tranh của giai cấp công nhân là nhằm giải phóng con người khỏi chế độ bóc lột tư bản chủ nghĩa và xóa bỏ hoàn toàn chế độ người bóc lột người. Do vậy, đây là cuộc đấu tranh gay go và phức tạp nhất trong lịch sử. Cuộc đấu tranh này tất yếu dẫn đến chuyên chính vô sản. Nhưng chuyên chính vô sản không phải là mục đích cuối cùng của cuộc đấu tranh mà giai cấp vô sản thực hiện. Nó chỉ là bước quá độ để tiến tới thủ tiêu mọi giai cấp, tiến tới xã hội không có giai cấp. Giai cấp vô sản cần phải sử dụng nền chuyên chính của mình để tiếp tục cuộc đấu tranh trong điều kiện mới. Như vậy, ngay từ khi giai cấp vô sản ra đời, cuộc đấu tranh của nó với giai cấp tư sản và các giai cấp bóc lột khác cũng xuất hiện. Cuộc đấu tranh đó diễn ra thường xuyên, liên tục cả khi giai cấp vô sản chưa giành được chính quyền từ tay giai cấp thống trị cũ, lẫn khi đã thiết lập được chính quyền cách mạng của mình và sử dụng chính quyền ấy như một công cụ để xây dựng xã hội mới. Tuy nhiên, nội dung và hình thức đấu tranh giai cấp ở những thời kỳ cách mạng khác nhau lại có sự khác nhau do điều kiện lịch sử cụ thể quy định.
Theo quan điểm của C.Mác, chuyên chính vô sản chủ yếu gắn liền với bạo lực cách mạng, gắn với nhiệm vụ “trấn áp” của giai cấp vô sản đối với các giai cấp khác để nhằm thiết lập và bảo vệ chính quyền của giai cấp mình. Do đó, trong phong trào cộng sản và công nhân quốc tế, trong các nước xã hội chủ nghĩa một thời đã có không ít ý kiến cho rằng quan niệm và thực tiễn chuyên chính vô sản chứa đựng nhiều bất ổn cần phải được nhìn nhận lại. Nhiều người cho rằng quan điểm về đấu tranh giai cấp của C.Mác hiện đã không còn phù hợp nữa bởi lẽ quan điểm đó có “xu hướng kéo lùi lịch sử”, “kích động đấu tranh”, “không phù hợp với xu hướng hòa bình và hợp tác hiện nay”[1]. Cũng có ý kiến cho rằng quan điểm chuyên chính vô sản và đấu tranh giai cấp của C.Mác là “chia rẽ và cực đoan”. Do đó, quan điểm về chuyên chính vô sản của C.Mác cũng không còn phù hợp bởi lẽ nó chỉ nhấn mạnh đến khía cạnh trấn áp và bạo lực cách mạng. Do đó, một mặt V.I.Lênin đấu tranh chống lại những quan điểm cơ hội, xét lại của các nhà lãnh đạo Quốc tế II như Bécxtanh, Cauxky… cũng như những quan điểm sai lầm của Plêkhanốp, Bukharin, Tơrốtxki…; mặt khác V.I.Lênin đã bảo vệ và phát triển những quan điểm của C.Mác về chuyên chính vô sản trong bối cảnh mới.
LÊNIN BỔ SUNG, PHÁT TRỂN QUAN ĐIỂM CỦA C.MÁC VỀ CHUYÊN CHÍNH VÔ SẢN
Là người kế thừa học thuyết Mác về chuyên chính vô sản, V.I.Lênin đã từng xác định: “Lịch sử thế giới nhất định sẽ đi tới chuyên chính vô sản, nhưng tuyệt nhiên sẽ không phải đi theo những con đường bằng phẳng, giản đơn, thẳng tắp”[2]. Trong từng bối cảnh lịch sử cụ thể, V.I.Lênin đã từng bước bổ sung, phát triển quan điểm của C.Mác về chuyên chính vô sản, làm cho nội hàm khái niệm này không ngừng được mở rộng gắn với thực tiễn phát triển của phong trào cộng sản và công nhân quốc tế.
Trong những năm đầu Cách mạng Tháng Mười, khi nhiệm vụ chính yếu nhất của giai cấp vô sản là lật đổ giai cấp tư sản để thiết lập chính quyền cách mạng vô sản, V.I.Lênin đặc biệt nhấn mạnh tính chất và chức năng trấn áp bằng bạo lực của chuyên chính vô sản. Theo V.I.Lênin, “Chuyên chính là một chính quyền dựa trực tiếp vào bạo lực và không bị một luật pháp nào hạn chế cả”[3]. V.I.Lênin nhấn mạnh thêm: “Chuyên chính vô sản là một thuật ngữ khoa học quy định giai cấp nào là giai cấp có tác dụng quyết định về mặt này, cũng như quy định hình thức đặc thù của chính quyền nhà nước được gọi là chuyên chính, tức là: một chính quyền không dựa vào luật pháp, không dựa vào các cuộc bầu cử, mà trực tiếp dựa vào lực lượng vũ trang của bộ phận này hay bộ phận khác trong dân chúng. Ý nghĩa và tác dụng của chuyên chính vô sản là ở chỗ nào? Chính là ở chỗ đập tan sự phản kháng của bọn tư bản!”[4]. Sở dĩ V.I.Lênin nhấn mạnh chức năng bạo lực trong giai đoạn này vì giai cấp bóc lột tuy đã bị lật đổ nhưng vẫn nuôi hy vọng trở lại cầm quyền nên luôn tìm cách lật đổ chính quyền mới non trẻ. Do đó, để bảo vệ chính quyền Xô viết vừa mới ra đời, tất yếu phải dùng bạo lực cách mạng.
Quan điểm này của V.I.Lênin đã nhanh chóng vấp phải sự công kích quyết liệt của các phần tử cơ hội. Họ cho rằng V.I.Lênin đã cực đoan và “có ý kích động bạo lực” khi cho rằng chuyên chính vô sản chỉ là bạo lực và trấn áp. Tuy nhiên, V.I.Lênin đã nói rõ thêm: “Chuyên chính không phải chỉ có nghĩa là bạo lực”[5]. Theo V.I.Lênin, trong cách mạng vô sản và sau Cách mạng Tháng Muời, do đất nước còn nhiều các thế lực chống đối, phản động thì tất yếu phải sử dụng bạo lực.
Sau khi cách mạng đã thành công và đất nước dần đi vào ổn định, thực hiện chuyên chính vô sản không chỉ là dùng bạo lực, không chỉ là sử dụng công cụ quân đội, cảnh sát để trấn áp các thế lực phản động, mà quan trọng hơn là xây dựng chính quyền, mở rộng dân chủ cho nhân dân lao động. Nói cách khác, chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ là xây dựng chính quyền nhà nước dân chủ kiểu mới, dân chủ thực chất hơn, tiến bộ hơn chính quyền chuyên chính tư sản, như V.I. Lênin viết: “... nhà nước trong thời kỳ đó tất nhiên phải là một nhà nước dân chủ kiểu mới (dân chủ đối với những người vô sản và nói chung những người không có của), và chuyên chính kiểu mới (chống giai cấp tư sản)”[6].
Xuất phát từ thực tiễn từ sau thành công của cách mạng tháng Mười, V.I.Lênin đã đưa ra quan điểm khá toàn diện về chuyên chính vô sản như sau: “Chuyên chính vô sản... không phải chỉ là bạo lực đối với bọn bóc lột, và cũng không phải chủ yếu là bạo lực. Cơ sở kinh tế của bạo lực đó, cái bảo đảm sức sống và thắng lợi của nó chính là việc giai cấp vô sản đưa ra và thực hiện được kiểu tổ chức lao động xã hội cao hơn so với chủ nghĩa tư bản. Đấy là thực chất của vấn đề. Đấy là nguồn sức mạnh, là điều bảo đảm cho thắng lợi hoàn toàn và tất nhiên của chủ nghĩa cộng sản”[7]. Theo V.I.Lênin, để thực hiện thành công chuyên chính vô sản trong thời kỳ quá độ, tất yếu phải có sự liên minh giữa giai cấp công nhân với các giai cấp, tầng lớp khác trong xã hội. Vì vậy, V.I.Lênin cho rằng: “Chuyên chính vô sản là một hình thức đặc biệt của liên minh giai cấp giữa giai cấp vô sản, đội tiền phong của những người lao động, với đông đảo những tầng lớp lao động không phải vô sản (tiểu tư sản, tiểu chủ, nông dân, trí thức, .v.v.), hoặc với phần lớn những tầng lớp đó, liên minh nhằm chống lại tư bản...”[8].
Theo V.I.Lênin, chuyên chính vô sản là nội dung chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, nâng cao dân trí, dân quyền, dân sinh, dân chủ... của cả thời kỳ quá độ. Tuy nhiên, V.I.Lênin mở rộng ra thêm nội hàm khái niệm chuyên chính vô sản của C.Mác. Theo V.I.Lênin, trong bối cảnh mới, chuyên chính vô sản là đấu tranh vừa bạo lực vừa hòa bình; vừa hành chính, vừa giáo dục, tuyên truyền... Điều đó có nghĩa là theo V.I. Lênin, nội dung của chuyên chính vô sản bao quát toàn bộ các vấn đề của cuộc cách mạng vô sản chứ không phải chỉ có đóng khung trong vấn đề nhà nước. V.I.Lênin cho rằng nhà nước chuyên chính vô sản ngay từ khi mới thành lập đã là vừa là nhà nước, vừa không còn là nhà nước nguyên nghĩa, đã bước ngay vào quá trình tự tiêu vong của nhà nước.
Việc V.I.Lênin mở rộng thêm nội hàm cho khái niệm chuyên chính vô sản một mặt để đấu tranh chống lại những quan điểm xuyên tạc, phủ nhận tính đúng đắn trong quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về chuyên chính vô sản; mặt khác để bổ sung, phát triển quan điểm này trong một bối cảnh mới. Điều này rất đúng với bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lênin bởi chính C.Mác và Ph.Ăngghen - những người sáng lập chủ nghĩa Mác cũng không coi học thuyết của các ông là một hệ thống đóng kín, giáo điều mà chỉ là kim chỉ nam cho hành động. Đây là nguyên tắc phương pháp luận quan trọng trong việc vận dụng chủ nghĩa Mác trong hoàn cảnh thực tiễn.
GỢI MỞ TRONG BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã khẳng định: “Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với chủ nghĩa Mác - Lênin là nền tảng tư tưởng, kim chỉ nam cho hành động của Đảng và cách mạng Việt Nam, là tài sản tinh thần vô cùng to lớn và quý giá của Đảng và dân tộc ta, mãi mãi soi đường cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta”[9]. Như vậy, nền tảng tư tưởng của Đảng ta là chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.
Sự bổ sung, phát triển của V.I.Lênin đối với chủ nghĩa Mác nói chung và quan điểm về chuyên chính vô sản nói riêng đã gợi mở cho chúng ta một nguyên tắc có tính phương pháp luận trọng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng không phải là giữ nguyên, khư khư với những quan điểm, những nguyên lý của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà không ngừng bổ sung, phát triển. V.I.Lênin đã từng chỉ rõ: “Chúng ta không hề coi lý luận của Mác như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”[10]. Đây là một luận điểm rất quan trọng của V.I.Lênin trong việc bảo vệ, bổ sung, phát triển chủ nghĩa Mác.
Ở Việt Nam hiện nay, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng là một nhiệm vụ rất quan trọng, rất khó khăn và gian nan. Trong quá trình lãnh đạo công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đảng ta đã quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin về bảo vệ chủ nghĩa Mác. Tại Đại hội XIII (năm 2021), Đảng ta đã chỉ rõ: “Tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là phải kiên định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh”[11]. Đây được coi là một trong những vấn đề “mang tính nguyên tắc, có ý nghĩa sống còn đối với chế độ ta, là nền tảng vững chắc của Đảng ta, không cho phép ai được ngả nghiêng, dao động”[12].
Trên cơ sở kế thừa quan điểm của các kỳ Đại hội qua, tại Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Đảng ta tiếp tục nhấn mạnh đến việc lấy chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là tư tưởng chỉ đạo quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Do đó, cần phải “kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tiếp tục nghiên cứu phát triển, vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với thực tiễn Việt Nam”[13]. Điều đó cho thấy Đảng ta đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo quan điểm của V.I.Lênin. Nếu như V.I.Lênin thường xuyên bảo vệ, phát triển những nguyên lý của chủ nghĩa Mác dưới mọi hình thức thì Đảng ta cũng luôn kiên định, phát triển và vận dụng sảng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh cho phù hợp với thực tiễn Việt Nam trong bất kỳ tình huống nào. Điều đó khiến cho Đảng ta luôn vững vàng trên nền tảng tư tưởng và làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh ngày càng ăn sâu, bám rễ và có sức lan tỏa rộng rãi trong đời sống tinh thần, tư tưởng của nhân dân Việt Nam.
Sự bổ sung, phát triển của V.I.Lênin đối với quan điểm về chuyên chính vô sản nói riêng và những nguyên lý của chủ nghĩa Mác nói chung đã gợi mở cho mỗi cán bộ, đảng viên bài học quý giá trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Một mặt, mỗi chúng ta phải luôn kiên định, vững vàng với nền tảng tư tưởng của Đảng, một mặt phải không ngừng bổ sung, phát triển, vận dụng sáng tạo; đấu tranh không khoan nhượng với những luận điệu sai trái, thù địch. Đây tuy là một nhiệm vụ khó khăn, nhiều thử thách nhưng với kiên định, kiên trì và kiên quyết của người cộng sản, mỗi chúng ta sẽ tiếp tục vững vàng trên nền tảng tư tưởng của Đảng và vững tin vào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
TS. Lê Thị Chiên
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
[1] Xem: Phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Cộng sản Việt Nam, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2007, tr. 48, 49.
[2] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, t. 33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.214.
[3] V.I Lênin (1978), Toàn tập, t.37, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.296.
[4] V.I Lênin (1981), Toàn tập, t.32, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.398.
[5] V.I Lênin (1977), Toàn tập, t.38, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.420.
[6] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, t. 33, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.43.
[7] V.I Lênin (1977), Toàn tập, t.39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.15-16.
[8] V.I.Lênin (1977), Toàn tập, t.38, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, tr.452.
[9] Đảng Cộng sản Việt Nam (2016), Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, tr.7-8.
[10] V.I.Lênin (1974), Toàn tập, tập 4, Nxb Tiến bộ Mát-xcơ-va, tr.232.
[11] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.33.
[12] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, tr.33.
[13] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr.94
Theo Tuyengiao.vn Tweet