Giữ vững tăng trưởng kinh tế gắn với an sinh xã hội
18:21 13/11/2024 84
Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng Gần đây, một số lãnh đạo cấp cao bị kỷ luật do vi phạm Điều lệ Đảng, vi phạm những điều Đảng viên không được làm hoặc do họ sa ngã, biến chất, tham nhũng, tiêu cực, gây ra những hậu quả khôn lường cho kinh tế, xã hội của đất nước. Đây là một trong những cớ mà các thế lực thù địch lợi dụng đẩy mạnh các hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.
Ảnh minh hoạ
Phát triển mạnh mẽ, khẳng định vị thế
Với mục đích cuối cùng là phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc, chia rẽ mối quan hệ mật thiết giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước, gây bất ổn chính trị, bất ổn xã hội, mưu toan thay đổi chế độ ở nước ta, các thế lực thù địch thường rêu rao: “Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là sự tranh giành quyền lực, đấu đá trong nội bộ Đảng”, “Suốt ngày chỉ lo đấu đá quyền lực, làm cho kinh tế, văn hoá, xã hội của đất nước không phát triển được”, hoặc “Kinh tế Việt Nam đang tụt hậu do còn mải đốt lò”…
Nhưng có một thực tế không thể phủ nhận, nền kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng bất chấp sự chững lại của nền kinh tế thế giới chịu nhiều tác động của khủng hoảng và xung đột chính trị. Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên Top 40 nền kinh tế hàng đầu thế giới, Top 20 nền kinh tế có kim ngạch thương mại lớn nhất thế giới, một mắt xích quan trọng trong 16 Hiệp định thương mại tự do.
Tháng 10-2023, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo năm 2024, kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 2,9% tổng sản phẩm nội địa (GDP), trong đó Việt Nam tăng trưởng khoảng 5,8%, tức cao gấp đôi mức trung bình thế giới và thuộc nhóm 20 nền kinh tế có mức tăng trưởng cao nhất thế giới năm 2024. Trên thực tế, Việt Nam bước vào năm 2024 với những thuận lợi cơ bản từ sự ổn định vĩ mô chung và là điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu hậu COVID-19. Nền kinh tế từng bước được phục hồi, tăng trưởng GDP năm 2023, quý sau cao hơn quý trước.
Nhiều chỉ số xếp hạng quốc tế của Việt Nam được thế giới đánh giá cao và ghi nhận. Theo Báo cáo hạnh phúc thế giới 2023 (The World Happiness Report), Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 65 trên thế giới với điểm số hạnh phúc đạt 5,8. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 77 vào năm 2022, lên vị trí 65 năm 2023. Theo công bố của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO), chỉ số Đổi mới sáng tạo - GII của Việt Nam năm 2023 xếp hạng thứ 46/132 quốc gia, nền kinh tế trên toàn thế giới, tăng 2 bậc so với năm 2022. Giá trị thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2023 đạt 431 tỷ đô-la Mỹ, tăng 1 bậc lên thứ 32/100 thương hiệu quốc gia mạnh trên thế giới. Ngoài ra, các chỉ số về truyền thông số, thanh toán số, kinh tế số và xếp hạng tín nhiệm quốc tế về tín dụng dài hạn của Việt Nam cũng tăng.
Đồng thời, các dự báo quốc tế cũng tin tưởng vào triển vọng phục hồi nhanh trong thời gian tới của kinh tế Việt Nam. Có thể thấy, giai đoạn khó khăn nhất của Việt Nam trên hành trình phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 đã qua, ít nhất ở một số lĩnh vực như bất động sản, dệt may, da giày và công nghiệp điện tử...; chỉ số tăng trưởng kinh tế năm 2024 được dự báo sẽ tích cực hơn năm 2023.
Một điều đáng mừng là, với những diễn biến thực tế của kinh tế từ đầu năm đến nay, Ngân hàng thế giới (World Bank) đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam lên 6,1% trong năm 2024 và dự báo đạt mức tăng trưởng 6,5% trong hai năm 2025 và 2026; lạm phát ở mức 4,5% năm 2024 và sẽ giảm xuống còn 3,5% vào năm 2026. Nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế khác cũng đã nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2024 bởi triển vọng tích cực gần đây, nhất là sức chống chịu hiệu quả trước những biến động bất lợi của kinh tế thế giới.
Điều này đã chứng minh sự đúng đắn của Đảng, Nhà nước, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nhiều cán bộ cấp cao bị xử lý do sai phạm không những không làm giảm lòng tin của quần chúng nhân dân mà ngược lại, càng tăng thêm niềm tin của Nhân dân với Đảng, là động lực để đẩy mạnh, phát triển kinh tế.
Kiên trì mục tiêu phát triển, bảo đảm lợi ích của người dân, doanh nghiệp
Bên cạnh yếu tố khó đoán định về sự phục hồi của kinh tế thế giới và các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị leo thang, Việt Nam cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro trong nước. Đó là thị trường bất động sản có thể cần thời gian lâu hơn dự kiến để phục hồi, thiên tai gây thiệt hại về kinh tế, thiếu hụt nguồn cung năng lượng có thể làm giảm tăng trưởng xuất khẩu...
Trong bối cảnh ấy, để đạt mục tiêu tăng trưởng đề ra, các chuyên gia trong nước và quốc tế đưa ra nhiều khuyến nghị rất đáng chú ý. Đó là cần đẩy nhanh giải ngân đầu tư công để hỗ trợ tổng cầu trong ngắn hạn, thu hẹp thiếu hụt hạ tầng đang phát sinh; hối thúc các ngân hàng cải thiện tỷ lệ an toàn vốn, đồng thời tăng cường khung thể chế về giám sát an toàn, can thiệp sớm; đẩy nhanh cải cách để xanh hóa nền kinh tế, tạo dựng vốn nhân lực và cải thiện môi trường kinh doanh; hệ sinh thái tư nhân trong nước hội nhập hơn nữa vào các chuỗi cung ứng toàn cầu; tập trung phát triển thị trường vốn để phục vụ nhu cầu vốn cho các dự án dài hạn...
Trong một đánh giá khác của World Bank thì, Việt Nam - một trong những nền kinh tế tăng trưởng cao trên thế giới, đặt mục tiêu trở thành quốc gia thu nhập cao vào năm 2045. Để đạt mục tiêu này, Việt Nam cần đạt tăng trưởng GDP theo giá so sánh ở mức khoảng 6,5% mỗi năm trong 20 năm tới. Mục tiêu phấn đấu này vẫn nằm trong khả năng vì nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng ở mức trên 6,5% và đã phục hồi nhanh kể từ sau đại dịch COVID-19.
Để phấn đấu hoàn thành mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, Chính phủ đặt ưu tiên điều hành nền kinh tế vào việc tạo hợp lực và phát huy động lực mạnh mẽ từ thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nghị quyết của Đảng, Quốc hội, nhất là 3 đột phá chiến lược, 6 nhiệm vụ trọng tâm và 12 nhóm giải pháp chủ yếu. Chính phủ ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Để có thể đạt được mục tiêu trở thành một quốc gia công nghiệp hiện đại, với trọng tâm xây dựng nền kinh tế số, trong thời gian tới, những vấn đề cần được tiếp tục quan tâm thực hiện, đó là:
Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả. Tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, giảm lãi suất tín dụng cho vay. Tập trung tín dụng cho các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu), các lĩnh vực ưu tiên. Phấn đấu năm 2024 tăng trưởng tín dụng hơn 15% và tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công hơn 95% kế hoạch; tăng thu ngân sách nhà nước khoảng 5% so với thực hiện năm 2023; cắt giảm ít nhất 10% chi phí tuân thủ thủ tục hành chính, quy định kinh doanh. Ban hành kịp thời các chính sách phù hợp, hiệu quả liên quan đến thuế tối thiểu toàn cầu. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ trong giới hạn cho phép của Quốc hội.
Coi trọng phát triển mạnh thị trường trong nước gắn với mở rộng, đa dạng hóa thị trường quốc tế, khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết, đẩy mạnh đàm phán, ký kết các FTA mới; hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng lực, tham gia các chuỗi cung ứng toàn cầu; phục hồi và phát triển các loại thị trường trái phiếu doanh nghiệp, quyền sử dụng đất, bất động sản, lao động, khoa học - công nghệ.
Đẩy mạnh xây dựng, phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, nhất là hệ thống đường cao tốc, nâng cấp các sân bay, bến cảng, hạ tầng đô thị, liên vùng...
Thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế; phát triển kinh tế số (theo Google, kinh tế số Việt Nam dự kiến đạt 45 tỷ đô-la Mỹ năm 2025 so với 30 tỷ đô-la Mỹ năm 2023), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, thương mại điện tử, các ngành, lĩnh vực mới nổi; phục hồi, phát triển mạnh các ngành công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, sản xuất chip bán dẫn.
Cần tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương đi đôi với phát huy tính chủ động, linh hoạt, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm của chính quyền các cấp, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là động lực và mục tiêu của sự phát triển; tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nghiệp phát triển và cống hiến vì lợi ích chung của đất nước, địa phương, người dân, doanh nghiệp.
Những tín hiệu tích cực của nền kinh tế nước ta không những làm nức lòng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, mà còn làm cho những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch trở lên lạc lõng, thất bại.
Lê Quý Hoàng
Theo XDĐ Tweet